Góc khuất PCI: Ám ảnh chi phí không chính thức

07:00 | 28/04/2015

1,267 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Mặc dù đã có nhiều nỗ lực trong việc cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh nhưng qua khảo sát các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, báo cáo Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh năm 2014 (PCI 2014) lại chỉ ra thực tế, môi trường cạnh tranh của Việt Nam đang kém hấp dẫn so với một số nước trong khu vực.

Ảnh minh họa.

Để đưa ra đánh giá khách quan nhất về chất lượng môi trường đầu tư của Việt Nam, PCI 2014 đã đưa ra câu hỏi: Việt Nam được đánh giá như thế nào trong tương quan so sánh với các nước khác? Kết quả tổng hợp cho thấy, quá nửa số doanh nghiệp FDI trước khi thực hiện đầu tư vào Việt Nam đã từng cân nhắc đầu tư vào nước khác. Đáng chú ý, tỉ lệ này so với năm 2013 là tăng rất đáng kể, và theo đánh giá của tổ tư vấn, khảo sát PCI 2014, đây là điều hết sức đáng lo ngại. Nó cho thấy, Việt Nam đã không còn là điểm đến ưa thích, hấp dẫn nhà đầu tư nước ngoài nữa, và chúng ta đang phải chịu sự cạnh tranh hết sức khốc liệt từ các nền kinh tế trong khu vực như Trung Quốc, Thái Lan, Indonesia… thậm chí cả Lào và Philippines.

Môi trường kinh doanh của Việt Nam đang tụt lùi trong bản báo môi trường kinh doanh của Ngân hàng Thế giới, điều đó đã được đề cập tới từ lâu, nó không mới. Tuy nhiên, theo ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam chia sẻ tại Diễn đàn CEO 2015 với chủ đề “Tạo dựng môi trường kinh doanh và bình đẳng” thì nguồn cơn của sự tụt dốc này là do chúng ta đang chậm đổi mới.

Phân tích sâu về câu chuyện này, ông Lộc chỉ ra rằng, xét trên các tiêu chí thì số điểm mà Việt Nam giành được không có nhiều thay đổi, thậm chí nhiều chỉ số đã tăng. Tuy nhiên, trong khi Việt Nam dậm chân tại chỗ, hoặc tăng rất chậm thì các nước khác, việc cải thiện môi trường kinh doanh của họ nhanh hơn, đạt hiệu quả cao hơn nên đạt số điểm cao hơn, và vượt Việt Nam.

Câu chuyện của ông Lộc đã cho thấy một điều, Việt Nam đang rất chậm, ì ạch với đổi mới. Thực tế đáng buồn này thể hiện rõ ở con số 83% nhà đầu tư đã chọn Việt Nam khi cân nhắc địa điểm đầu tư, còn 17% nhà đầu tư chọn Việt Nam là một phần của chiến lược đầu tư đa quốc gia. Điều này được hiểu là chỉ một số ít nhà đầu tư quyết định gắn bó lâu dài ở Việt Nam.

Việt Nam không thiếu những ưu điểm để thu hút đầu tư và được các nhà đầu tư đánh giá cao như mức thuế hợp lý, rủi ro bị thu hồi tài sản thấp, chính sách ổn định, khả năng ảnh hưởng đến chính sách cao… Tuy nhiên, trong đánh giá của các nhà đầu tư nước ngoài thì những khoản chi phí không chính thức đang có chiều hướng gia tăng, chất lượng cơ sở hạ tầng, dịch vụ công của Việt Nam kém.

Cụ thể, kết quả tổng hợp của PCI 2014 nêu rõ: Doanh nghiệp cho biết tình trạng và tần suất chi trả chi phí không chính thức trong mọi hoạt động từ xin giấy phép đầu tư đến quá trình đấu thầu, làm thủ tục xuất nhập khẩu tại cảng và giải quyết tranh chấp ở tòa án ngày càng tăng, và bày tỏ sự quan ngại về hiệu quả hoạt động kinh doanh của mình tại Việt Nam.

Còn về chất lượng cơ sở hạ tầng và dịch vụ công, trừ lĩnh vực viễn thông, mức độ hài lòng của các doanh nghiệp FDI tại Việt Nam về chất lượng cơ sở hạ tầng đều sụt giảm, chỉ ngang bằng với các nước láng giềng như Lào và Campuchia…

Giám đốc Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, bà Victoria Kwakwa khi đưa ra nhận định về vấn đề cải thiện môi trường kinh doanh ở Việt Nam đã cho rằng: Việt Nam có cải thiện về thuế, hải quan nhưng quá trình tạo ra sân chơi bình đẳng vẫn chưa tạo đột phá. Cần loại bỏ yếu tố “bất đối xứng” trong thông tin từ Chính phủ đối với DN. Phải tạo được môi trường cạnh tranh bình đẳng giữa DN lớn, DNNN với DN nhỏ, hộ sản xuất và DN tư nhân. Các DNNN đang được tiếp cận thông tin trước rất lâu, có đủ mọi điều kiện kinh tế thuận lợi nhưng họ lại là lực lượng kéo dài sự trì trệ và chậm đổi mới.

Từ thực tế trên, bà Kwakwa khuyến nghị: Việt Nam cần phải thực hiện nghiêm túc khuôn khổ pháp lý, pháp quy đã thông qua; cần có cơ chế theo dõi, đánh giá thực hiện các vản bản pháp lý; tiếp tục duy trì ổn định kinh tế vĩ mô... Và đặc biệt, để tăng cường năng lực cạnh tranh, Việt Nam cần có phân tích toàn diện các hạn chế mà DN tư nhân trong nước đối mặt, tiến tới xây dựng một kế hoạch rõ ràng nhằm phát triển khu vực kinh tế tư nhân trong nước.

Bài 2: Thiếu lao động có tay nghề cao

Thanh Ngọc (Năng lượng Mới)