Góc khuất doanh nghiệp
Năng lượng Mới số 290
Bĩ cực khôn lường
Cuối năm 2010, tôi tình cờ gặp Tuấn - giám đốc một công ty chuyên doanh vật liệu, thiết bị xây dựng (Hoàng Mai, Hà Nội) tại một buổi liên hoan tổng kết năm. Và theo lời giới thiệu thì công ty của Tuấn là đại lý phân phối cho trên chục công ty sản xuất, kinh doanh thiết bị vật liệu xây dựng ở Việt Nam, đồng thời cũng là đầu mối nhập khẩu nhiều thiết bị, linh kiện gia dụng của một số hãng có tiếng trên thế giới.
Mấy năm đó anh làm ăn rất tốt, “còm” như năm 2010 Tuấn cũng kiếm được ngót hai chục tỉ đồng. Như để câu chuyện của mình thêm phần sinh động, Tuấn chỉ về phía “con Mẹc” (Mercedes) mới coóng dựng trước cửa, tự hào bảo đó là phần thưởng mà anh tự thưởng cho mình sau một năm kinh doanh thắng lợi.
Chuyện là, Tuấn vốn là cán bộ Nhà nước, anh có chuyên môn, hăng hái, nhiệt tình và được nhiều người quý mến, trong đó có cả các lãnh đạo. Được nhiều người yêu quý, ủng hộ, lại sẵn máu kinh doanh trong người nên khi được gợi ý chuyện mở công ty, đứng ra làm đầu mối cung cấp vật liệu, thiết bị xây dựng… Tuấn thực hiện luôn. Năm 2008, Tuấn xin nghỉ việc cơ quan và đứng ra thành lập công ty riêng. Tận dụng các quan hệ từ trước, việc làm ăn của Tuấn nhanh chóng phất lên. Từ một công ty có vốn điều lệ ban đầu 2 tỉ đồng, chỉ 1 năm sau, con số này đã được điều chỉnh lên hơn 100 tỉ đồng.
Các dự án BĐS đã thu hút không ít doanh nghiệp đầu tư bằng mọi giá (ảnh có tính chất minh họa)
Trong 2 năm 2008-2009, công ty của Tuấn nhanh chóng phát triển và mở rộng, doanh thu mỗi năm cũng vì thế mà lớn dần, từ chỗ chỉ trên chục tỉ đồng trong năm đầu thành lập đã lên tới ngót 100 tỉ chỉ một năm sau đó. “Bí quyết” thành công của Tuấn chính là những hợp đồng cung cấp thiết bị, đồ trang trí nội thất có giá vài chục tỉ đồng, có khi lên tới cả trăm tỉ đồng cho các dự án bất động sản (BĐS). Những hợp đồng này đều do các mối quan hệ của Tuấn giới thiệu. Vào năm 2008-2010, giữa lúc BĐS “đắt như tôm tươi”, chuyện tiền nong chẳng phải vấn đề, thậm chí có khi hợp đồng vừa ký, thực hiện chưa đến đâu, Tuấn đã xin ứng trước được một khoản không hề nhỏ.
Tuy nhiên, mới đây, tức gần 3 năm sau cái lần đầu tiên tôi gặp Tuấn, cái phong thái tự tin, giọng nói đầy mãn nguyện, cái vẻ ngoài oai phong, bệ vệ của Tuấn đã không còn. Tuấn e dè, ít nói hơn trước rất nhiều, gương mặt nom cũng rất nặng nề. Hỏi ra thì được biết, tình hình tài chính của Tuấn đang rất khó khăn, nợ ngân hàng, nợ lương công nhân, tiền vay trong, vay ngoài, lãi mẹ đẻ lãi con, đâm ra nợ nần chồng chất. Tại sao lại như vậy?
Thì ra, sau quãng thời gian làm ăn thuận lợi, cuối năm 2010, Tuấn quyết định mở rộng đầu tư kinh doanh BĐS. Nhờ quan hệ, Tuấn nhanh chóng trở thành một trong những “đầu nậu” nhà đất có tiếng, ai có nhu cầu mua nhà ở dự án nào, cứ “alo” cho Tuấn, Tuấn sẽ đáp ứng được hết. Mua gốc - bán ngọn nên lợi nhuận Tuấn thu về không hề nhỏ và nếu so với những hợp đồng cung cấp thiết bị, vật liệu cho dự án, chuyện “đầu cơ” nhà với Tuấn hóa ra lại “sung” hơn nhiều.
Thành công quá nhanh chóng và dễ dàng, Tuấn đã dồn gần như toàn lực của mình để đầu tư vào các dự án. Vào lúc đỉnh điểm, Tuấn nắm trong tay tới gần 100 căn hộ chung cư, tổng giá trị lên tới vài trăm tỉ đồng. Tiền hợp đồng của dự án, lợi nhuận từ kinh doanh… tất tần tật đều được Tuấn đổ vào nhà và đất.
Mọi chuyện với Tuấn hẳn vẫn suông sẻ nếu như thị trường BĐS không đi xuống vào đầu năm 2011. Hàng chục căn hộ “đắp chiếu” không người mua và cũng ngần đấy hợp đồng cung cấp thiết bị, vật liệu xây dựng cho các dự án Tuấn phải thực hiện. Nhưng vì tiền đã đổ hết vào nhà, đất rồi nên Tuấn phải lần lượt bán hết cả nhà, cả xe… và tất tần tật những gì quý giá nhất, Tuấn về ở căn nhà tập thể của bố mẹ đẻ để lại và phương tiện đi lại của anh giờ cũng là chiếc Dream mà hồi còn trên “đỉnh”, anh bảo mua cho ôsin đi chợ!
Nhưng rồi, thị trường vẫn cứ khó khăn, nhà cửa đầu tư chẳng bán được, hoặc có bán thì với cái giá rất thấp, thấp hơn nhiều so với số tiền Tuấn đầu tư. Chuyện kinh doanh của Tuấn giờ như thể “lo ăn từng bữa”, tiền lãi, tiền trả lương cho công nhân, rồi tiền tiếp khách, tiền quan hệ nữa… Theo như tâm sự của Tuấn thì nhiều khi, chỉ vì để có mấy triệu đồng gọi là giắt túi đi uống nước, tâm sự với mấy ông anh, Tuấn cũng phải mang chiếc Dream đi “gửi” và chấp nhận dùng xe ôm làm phương tiện đi lại!
Mồi ngon của tín dụng đen
Chẳng có việc để làm trong khi chi phí hoạt động thì vẫn phải duy trì, tiền đầu tư nằm “chết” một chỗ không rút ra được, tiền lãi vay ngân hàng thì đến nhanh chẳng khác “điện giật”… Không ít doanh nghiệp (DN) đã phải đang sống trong cảnh “dặt dẹo” như thế! Bức tranh kinh tế đã sáng tỏ hơn nhưng ở một góc độ nào đó, sự phát triển quá “nóng” về số lượng các DN tham gia thị trường đã đẩy nhiều DN lâm vào cảnh phá sản, nợ nần. Và để tiếp tục duy trì hoạt động, họ buộc phải mang tài sản mà mình có đi cầm cố.
Anh Minh - chủ một cửa hàng cầm đồ ở phố Chùa Hà (Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết, thời gian gần đây, khách hàng là chủ DN, công ty tư nhân tìm đến các cửa hàng cầm đồ bỗng nhiên tăng đột biến. Có người đến cầm cố ôtô, có người cầm cố sổ đỏ… thậm chí có người đến chỉ là cầm xe máy để lấy dăm triệu đồng. Một điều đáng chú ý là phần lớn những DN này lại hoạt động trong lĩnh vực xây dựng, kinh doanh vật liệu xây dựng. Vì thị trường BĐS đóng băng, dự án “ngủ đông” quá lâu, nhiều khoản đầu tư của họ hoặc các hợp đồng thi công, cung cấp vật liệu xây dựng… bị tắc nên vốn đọng rất lớn. Thậm chí có DN đã vay cả chục tỉ đồng từ ngân hàng để cung cấp vật liệu xây dựng cho các dự án BĐS nhưng giờ đang bị “treo”. Tiền đổ vào không rút ra được mà lãi ngân hàng thì cứ phải thanh toán đều hằng tháng.
Tiếp câu chuyện của anh Minh, tôi tìm đến Hùng - một “ông trùm” cho vay nặng lãi tại khu vực này. Thực ra chuyện DN tìm đến các tiệm cầm đồ hoặc đi vay nặng lãi đã diễn ra từ lâu. Những khoản vay của họ cũng khá “lặt vặt”, có khi chỉ vài ba chục triệu đồng gọi là vay “nóng” giải quyết việc trước mắt ví như tiếp khách hay quà cáp gì đó… Nhưng theo anh Hùng thì thời gian gần đây, chuyện này đã diễn ra thường xuyên hơn, “mật độ” cầm đồ của DN cũng tăng lên, tài sản cầm cố cũng lớn dần bởi nhu cầu dùng tiền cuối năm là rất lớn.
Anh kể: Mới tuần qua thôi, cũng có một anh tự giới thiệu là giám đốc của một công ty xây dựng đến cầm chiếc Toyata Camry mà anh này đang đi để lấy 300 triệu đồng. Hỏi ra thì mới biết, anh này vay “nóng” mấy ngày để trả lương cho cán bộ, công nhân viên và các chi phí hoạt động khác.
Qua trao đổi, tiếp xúc với một số DN xây dựng tại Hà Nội được biết, mấy năm trước, khi nền kinh tế còn sôi động, giữa lúc thị trường BĐS hưng thịnh nhất, hàng loạt DN đã được lập bởi những cá nhân tuy tiềm lực chẳng có gì nhưng lại có quan hệ. Họ chỉ như một chiếc “thùng rỗng”, sinh ra, cậy quan hệ để được làm cái này, cái kia, rồi nhờ tác động vào chỗ này, chỗ kia để vay được vốn thực hiện. Và hệ quả thì rõ, khi thị trường đóng băng, nền kinh tế gặp khó, dòng vốn đi vay của những DN này bị tắc, bị “ngâm” trong các công trình, dự án thì họ sẽ “chết”. Chỉ riêng chuyện lãi trả ngân hàng thôi cũng đủ “chết” chứ đừng nói tới các khoản chi phí duy trì hoạt động hằng ngày. Họ chỉ như con “mèo nhỏ” nhưng lại muốn bắt “chuột to” nên giờ đang bị “nghẹn” như thế!
Giờ đây, không chỉ có học sinh - sinh viên, dân lô đề, cờ bạc mà có cả DN làm “mồi” cho cầm đồ, tín dụng đen.
TS Nguyễn Minh Phong khi đề cập tới những khó khăn mà các DN phải đối diện trong năm 2013 đã chia sẻ với Báo Năng lượng Mới rằng, đây là một hệ quả tất yếu, người ta đầu tư theo phong trào chứ chẳng có chiến lược gì, ví như việc các DN ồ ạt lao vào thị trường BĐS chẳng hạn. Người người, nhà nhà tính kế, nghĩ mưu đầu tư vào thị trường này khiến BĐS tăng trưởng quá “nóng”, mất cân đối cung - cầu và hệ quả là BĐS đóng băng, trở thành “mồ chôn” tiền của nền kinh tế.
Doanh nhân hay xã hội đen?
Cách đây không lâu, nghi vấn chủ đầu tư của Dự án Dương Nội dùng côn đồ, xã hội đen dọa nạt, trấn áp một số khách hàng của dự án này khi họ đến đòi gặp chủ đầu, đòi quyền lợi từ dự án khiến dư luận xã hội rất bất bình. Họ đến là đòi quyền lợi của mình khi đã thực hiện đầy đủ nghĩa vụ với chủ đầu tư nhưng rồi, nguyện vọng chính đáng của họ đã không được đáp lại. Thay vào đó, họ nhận được rất nhiều lời dọa nạt, thậm chí bị đe “cho ăn đạn nếu...”.
Trách nhiệm của các ông chủ DN, chủ đầu tư dự án đến đâu hiện vẫn đang được các Cơ quan điều tra tiến hành điều tra, làm rõ nhưng nó đã cho thấy một điều, lối hành xử theo kiểu xã hội đen, thói côn đồ đang có chiều hướng gia tăng trong hoạt động kinh doanh của DN. Có một thực tế đau lòng đang xảy ra là, trước những sự việc tương tự, các ông chủ DN, chủ đầu tư dự án lại tỏ thái độ hết sức thờ ơ, vô trách nhiệm! Thậm chí, nhiều ông chủ vì đường cùng còn tự mình trực tiếp ra tay đe dọa khách hàng. Chuyện ở Văn phòng Tư vấn BĐS Thanh Ngọc (TP Hải Dương, tỉnh Hải Dương) là một ví dụ điển hình cho hiện tượng này.
Theo bà Cúc - khách hàng của Văn phòng Tư vấn BĐS Thanh Ngọc phản ánh đến các cơ quan báo chí thì: Chiều ngày 6/8/2013, bà Cúc có đến Văn phòng Tư vấn BĐS Thanh Ngọc gặp ông Lã Thanh Phong - chủ Văn phòng để đòi tiền. Lý do của việc này là do ông Phong đã nhận đủ tiền nhưng lại không thực hiện các thủ tục pháp lý cần thiết và giao đất mà bà Cúc đã mua theo thỏa thuận. Hai bên xảy ra cãi vã, ông Phong nổi khùng, rút súng đe dọa đòi xử lý bà Cúc. Nghiêm trọng hơn, theo nhiều nhân chứng có mặt tại hiện trường, sau khi hoảng loạn và bỏ chạy, bà Cúc tiếp tục bị ông Phong rượt đuổi, đe dọa với những lời lẽ nặng mùi xã hội đen kiểu như: “Lôi thôi tao bắn chết”! “Tao có quyền dùng súng đấy”...
Sự việc xảy ra giữa “thanh thiên bạch nhật” cho thấy một điều, ông chủ Văn phòng Tư vấn BĐS Thanh Ngọc không chỉ thể hiện thái độ côn đồ hung hãn mà còn là công khai coi thường pháp luật. Không biết vì đâu mà ông Phong lại dám khẳng định cái quyền dùng súng của mình là có nhưng bất luận như thế nào, các chuyên gia pháp luật đều cho rằng, đây là hành vi nguy hiểm cao cho xã hội.
Ở đây chưa bàn tới vấn đề, tới chuyện đúng hay sai trong việc thực hiện hợp đồng kinh tế giữa bà Cúc và Văn phòng Tư vấn BĐS Thanh Ngọc, chỉ hành động rút súng dọa khách hàng - người dân là điều không thể chấp nhận. Hành động này không chỉ thể hiện sự thiếu tôn trọng khách hàng, xem nhẹ quyền lợi của khách hàng và theo cách nói của ông Nguyễn Hữu Cường - Chủ tịch Câu lạc bộ BĐS Hà Nội thì đây là hành động vô văn hóa của DN.
Tháng 6/2013, Tòa án Nhân dân tỉnh Bình Dương cũng đã đem ra xét xử vụ DN thuê xã hội đen để đòi nợ. Vụ việc có thể xem là điển hình cảnh báo hiện tượng DN “bắt tay” với xã hội đen trong hoạt động kinh doanh ở nước ta. Diễn biến vụ việc như sau: Phạm Tuấn Thành (SN 1970, ngụ Bến Cát, Bình Dương), là chủ DN chế biến hạt điều ở Nam Hải có mua mua của vợ chồng ông bà Phan Văn Lan và Ngô Thị Mai Thảo một lô đất 3.900m2 tại Bến Cát với số tiền khoảng 3,7 tỉ đồng. Thành đã đặt cọc 2,05 tỉ đồng và sẽ thanh toán nốt số tiền còn lại khi hoàn tất các thủ tục.
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, ông Lan đã không thực hiện theo thỏa thuận và trả lại một phần tiền đặt cọc cho Thành khi Thành yêu cầu trả lại tiền. Khi Thành đến gặp và muốn lấy lại nốt phần tiền còn lại thì hai bên xảy ra mâu thuẫn, ông Lan và cùng một số nhân viên đã đùng gậy đuổi đánh Thành, gây thương tích. Sau đó Thành đã nhờ Nguyễn Đức Tuấn đòi nợ giúp với giá 100 triệu đồng. Tiếp đó, Tuấn giới thiệu Thành cho Dũng “ben” - một tay xã hội để nhờ cậy. Sau đó, cả hội kéo nhau về Bình Dương.
Khi đến trụ sở công ty của ông Lan, nhóm của Thành vào yêu cầu gặp ông Lan nhưng không được, cả nhóm đã đập phá máy vi tính, máy đếm tiền... Đến 18 giờ cùng ngày, ông Lan về, hai bên xô sát và cuối cùng thì kẻ giang hồ là Dũng “ben” đã bắn chết ông Lan. Sau khi bắn ông Lan, Dũng “ben” cùng cả hội về TP Hồ Chí Minh và bỏ trốn ra Hà Nội cho đến ngày bị bắt. Doanh nhân trong tình trạng làm ăn thua lỗ đã hành xử theo kiểu xã hội đen là một thực trạng đáng báo động hiện nay.
Thanh Ngọc
-
Phân tích diễn biến thị trường dầu mỏ thế giới tuần qua
-
Sửa đổi Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả: Thiết lập cơ chế hỗ trợ và giám sát rõ ràng
-
Quy định mới về cơ chế phát triển các dự án nhiệt điện khí
-
Tin tức kinh tế ngày 10/5: Ngân hàng tích cực “bơm” vốn
-
Những sự kiện nổi bật trên Thị trường Năng lượng Quốc tế tuần từ 5/5 - 10/5