Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn: Nếu không làm rõ sẽ dẫn tới hiểu lầm

09:27 | 18/07/2012

2,726 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Đây là lời khẳng định của Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn trước báo chí về những ý kiến hoài nghi về tính hiệu quả sử dụng đồng vốn nhà nước tại các Tập đoàn, Tổng công ty Nhà nước, đặc biệt là khoản tiền 18.000 tỉ đồng ở Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN).

Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn.

PV: Hiện nay, có khá nhiều ý kiến cho rằng các Tập đoàn, Tổng công ty Nhà nước đang được ưa ái hơn các doanh nghiệp Nhà nước, gây mất bình đẳng trong nền kinh tế. Vậy xin Thứ trưởng cho biết, vấn đề này đã được Bộ Tài chính xem xét như thế nào tại bản Đề án Tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước mà trọng tâm là các Tập đoàn, tổng công ty Nhà nước mà Bộ Tài chính mới trình lên Chính phủ?

Thứ trưởng Đỗ Hoàng Anh Tuấn: Quả thật đây là vấn đề mà cả xã hội đang rất quan tâm, theo tôi, có mấy vấn đề phải lưu ý ở đây:

Thứ nhất là vốn chủ sở hữu trong DNNN và các tập đoàn khá lớn, hiện là 653.000 tỉ đồng. Nếu ở khu vực ngoài nhà nước, khi DN sử dụng nguồn vốn của chủ đầu tư thì DN sẽ bị sức ép của lãi suất đầu tư. Nhưng hiện nay, toàn bộ lợi tức sau thuế của 653.000 tỉ này theo cơ chế của chúng ta là để lại cho DN để tái đầu tư. Có những năm, lợi tức Nhà nước để lại gần 100.000 tỉ đồng. Rõ ràng khi sử dụng vốn nhà nước, chủ DNNN không bị sức ép về chi phí vốn, đồng thời hàng năm anh được bổ sung một nguồn tài chính không có lãi suất. Ở đây đã thể hiện sự chưa bình đẳng và không tạo ra một áp lực để buộc DNNN phải vươn lên cho hiệu quả. Chúng tôi cho rằng đây là vấn đề cần phải nghiên cứu.

Thứ hai là trong cơ chế tài chính hiện nay, DNNN vẫn còn dựa vào đó để hoạt động sản xuất kinh doanh và không tính được hiệu quả thực tế. Ví dụ như vấn đề khấu hao, nhiều DN gặp khó thì giãn khấu hao ra, rõ ràng là không quản lý thực.

Ngoài ra, còn vấn đề chênh lệch tỷ giá, về nguyên tắc của thị trường phải tính đủ thì lại tính không đầy đủ trong kết quả hạch toán kinh doanh. Vấn đề thu nhập của người lao động, nếu ở DN nói chung khác sẽ bao gồm lương, thưởng, phúc lợi thì đối với DNNN thì tiền thưởng phúc lợi lại được tính sau thuế. Điều đó có nghĩa, khi tính sau thuế thì khoản tiền này sẽ thuộc về chủ sở hữu. Như vậy chủ sở hữu là nhà nước lại không yêu cầu DNNN phải hạch toán đầy đủ mà lại trừ vào phần đáng phải nộp ngân sách nhà nước. Tính ra khoản này cũng một vài chục ngàn tỷ đồng mỗi năm.

PV: Vậy để giải quyết tình trạng này, trong thời gian tới, vấn đề này sẽ được giải quyết như thế nào, thưa Thứ trưởng?

Thứ trưởng Đỗ Hoàng Anh Tuấn: Chúng tôi cho rằng cần phải nghiên cứu sự bình đẳng, để có cơ chế chính sách cho phù hợp, tạo môi trường kinh doanh cạnh tranh, buộc các DNNN phải cạnh tranh theo quy định của pháp luật và bình đẳng với các doanh nghiệp ngoài nhà nước. Trong việc xây dựng các cơ chế chính sách đối với tài chính DNNN, chúng tôi đã đặt các vấn đề đó ra để nghiên cứu, kiến nghị với Chính phủ.

PV: Hiện có rất nhiều ý kiến bình luận khoản nợ 415.347 tỉ của các Tập đoàn, Tổng công ty Nhà nước là một nguy cơ, rủi ro của nền kinh tế, xin Thứ trưởng cho biết quan điểm về vấn đề này?

Thứ trưởng Đỗ Hoàng Anh Tuấn: Hiện nay, theo số liệu thống kê và báo cáo của các Tập đoàn, Tổng công ty thì vốn chủ sở hữu là 653.000 tỉ đồng thì vốn vay chỉ bằng 1,67 lần thôi. So với tỉ lệ theo thông lệ quốc tế cũng như cho nền kinh tế thì không phải là số vay quá cao. Nhưng điều đáng quan tâm ở đây là có 7 tập đoàn, tổng công ty có tỉ lệ này ở mức từ 5-10 lần. Do vậy, để quản trị vấn đề rủi ro phòng tránh hậu quả thì cần phải tập trung để giải quyết đối với 7 tập đoàn, tổng công ty này.

PV: Thứ trưởng có bình luận gì về con số 30.000 tỉ đồng sai phạm mà Kiểm toán nhà nước, Thanh tra chính phủ đã đưa ra?

Thứ trưởng Đỗ Hoàng Anh Tuấn: Việc xử lý các kết luận của Thanh tra Chính phủ và Kiểm toán nhà nước cũng là một khâu quan trọng trong quá trình thực hiện tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước (DNNN), trọng tâm là các Tập đoàn, Tổng công ty. Tuy nhiên, chúng ta cũng phải thống nhất các nhìn nhận, đánh giá về tình trạng lãng phí hiện nay tại khu vực này. Nếu không làm rõ bản chất của nó thì sẽ dẫn đến những hiểu nhầm là 30.000- 40.000 ngàn tỉ hiện đang được coi thất thoát, mất mát đó.

Ví dụ, Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) có kết luận tồn tại trên 18.000 tỉ đồng nhưng 18.000 tỉ ấy là bao gồm những nội dung cần xử lý về mặt tài chính, cụ thể là những việc phải hoàn thành, bổ sung các thủ tục hành chính do chưa làm đúng quy trình. Đơn cử như trong 18.000 tỉ đồng đó thì 15.600 tỉ là đầu tư của Tập đoàn cho các dự án dầu khí khai thác ở ngoài nước, đây là nhiệm vụ quan trọng được thực hiện theo pháp luật của hai quốc gia, được sự đồng ý phê duyệt của cơ quan thẩm quyền.

Cái chưa chuẩn ở đây là theo quy định về sử dụng nguồn vốn đầu tư này phải cho các công trình nằm trong danh mục các công trình trọng điểm của ngành dầu khí. Tập đoàn dầu khí làm hết các việc nhưng thiếu thủ tục này thì sau này, khi thực hiện kiểm toán, sẽ phải hoàn tất thủ tục.

PV: Thời gian gần đây, có rất nhiều ý kiến hoài nghi về vai trò cũng như những đóng góp của các Tập đoàn, Tổng công ty Nhà nước vào nền kinh tế, xin Thứ trưởng cho biết, vấn đề này đã được xem xét như thế nào trong Đề án tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước mà Bộ Tài chính được Chính phủ giao chủ trì xây dựng?

Thứ trưởng Đỗ Hoàng Anh Tuấn: Một số chuyên gia cho rằng Tập đoàn, tổng công ty nhà nước sẽ không làm nhiệm vụ là công cụ của nhà nước để điều hành kinh tế vĩ mô. Quan điểm này theo chúng tôi cần phải xem xét nghiên cứu kỹ lưỡng, phải trao đổi thấu đáo.

Bởi vì bất cứ quốc gia nào cũng phải sử dụng các công cụ, trong đó có công cụ doanh nghiệp, tức là sử dụng nguồn vốn của mình để điều tiết kinh tế vĩ mô. Không nhà nước nào bỏ chức năng đó.

Vậy trong điều kiện thực tế của chúng ta hiện nay thì nguồn vốn trong khu vực kinh doanh, cụ thể là tại DNNN vẫn chiếm tỷ trọng cao nhất.

Theo quá trình tái cấu trúc, nguồn vốn này giảm dần. Tuy nhiên, giảm dần không có nghĩa là giảm xuống nhanh đột ngột được. Trong trung hạn vẫn còn nguồn vốn lớn trong xã hội mà nhà nước lại bỏ vai trò sử dụng nó như một công cụ để điều tiết vĩ mô thì chúng tôi cho rằng không khoa học, không hợp lý.

Chúng tôi vẫn khẳng định với nguồn lực nhà nước to lớn trong DNNN như vậy thì chúng ta vẫn phải coi đó là công cụ của nhà nước để điều tiết kinh tế vĩ mô. Cái quan trọng là chúng ta sử dụng nó với phương pháp nào, với cách thức nào, với quan điểm nào, với nguyên tắc nào?

Nguyên tắc là bình đẳng, thị trường, sẽ có sự quản lý nhà nước để vừa tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển, vừa vẫn phải đảm bảo được vai trò của nhà nước thông qua công cụ phần vốn của mình tại nhà nước để tác động đến kinh tế, làm sao đảm bảo sự phát triển toàn diện và hiệu quả.

6 tháng đầu năm 2012, tổng doanh thu của toàn bộ các đơn vị trong PVN đạt 380,6 nghìn tỉ đồng, đạt 57,6% kế hoạch năm, tăng 17,6% so với cùng kỳ năm 2011; nộp ngân sách Nhà nước (theo chỉ tiêu tài chính hợp nhất – tổng doanh thu 6 tháng đạt 203 nghìn tỉ đồng); nộp ngân sách Nhà nước 81,2 nghìn tỉ đồng bằng 129,1% kế hoạch 6 tháng và 60,2% kế hoạch năm, tăng 16,6% so với cùng kỳ năm ngoái.

P.V