Chuyển giá, trốn thuế: Mảng tối cần làm sáng?

11:00 | 31/03/2013

1,717 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Bên cạnh những đóng góp tích cực cho vào nền kinh tế, khu vực kinh tế đầu tư nước ngoài (FDI) cũng bộc lộ nhiều vấn đề bất cập, đặc biệt là hiện tượng chuyển giá, trốn thuế.

>> Những gam màu sáng - tối!

>> Quan thuế có biết ngượng!

>> 'Lợi ích nhóm' phủ bóng lên 'chuyển giá'

Trong nhiều bài viết được đăng tải trên Petrotimes, chúng tôi đã phản ánh về tình trạng chuyển giá, trốn thuế ở các doanh nghiệp FDI. Hàng loạt vấn đề cũng đã được chúng tôi đặt ra như: Chuyển giá, trốn thuế có phải là hiện tượng tất yếu hay là do sự yếu kém của đội ngũ cán bộ ngành thuế? Việc xử lý những nghi vấn chuyển giá, trốn thuế tại các doanh nghiệp FDI như Coca – cola, Metro, Adidas,... đã được xử lý đến đâu.

Xã hội bất bình, cộng đồng doanh nghiệp lên tiếng phản ứng dữ dội là biểu hiện dễ thấy khi một loạt những nghi vấn trốn thuế tại những doanh nghiệp FDI được báo chí phanh phui trong năm 2012.

Sự bất bình cũng như phản ứng trên càng trở lên mạnh mẽ hơn khi Bộ Tài chính lên tiếng lý giải đề nghị hoãn thực hiện lộ trình tăng lương tối thiểu trong 5 năm vì nguồn thu ngân sách Nhà nước “không thể bố trí” đủ cho quỹ lương. Và cũng chẳng biết là vô tình hay là sự trùng hợp ngẫu nhiên mà một loạt các loại phí, lệ phí, thuế,... lại được ban hành cuối năm 2012 và đầu năm 2013.

Thực tế trên đã không khỏi khiến người dân và cộng đồng doanh nghiệp trong nước thấy chạnh lòng, thấy bất công và đặt câu hỏi: Phải chăng Nhà nước đang giành sự ưu ái đặc biệt cho các doanh nghiệp FDI.

Cũng phải thấy rằng, đây chẳng phải câu hỏi xuất phát từ những bức xúc nhất thời mà nó phản ánh một thực tế, những nghi vấn về chuyển giá, trốn thuế đến giờ vẫn chưa được làm rõ. Liệu có phải đội ngũ cán bộ ngành Thuế có vấn đề? Chúng tôi cho rằng là không vì chính bản thân các cán bộ ngành Thuế lại đang ráo riết cho ra đời một loạt những loại thuế, phí mới và tất nhiên, đối tượng hướng đến lại là người dân, là cộng đồng doanh nghiệp trong nước!?

Cán bộ ngành Thuế của ta càng không thể yếu, kém bởi khi lý giải về việc tăng thuế, phí, họ đều có những luận giải rất đanh thép.

Đè đầu, cưỡi cổ người dân, doanh nghiệp trong nước nhưng lại “bó tay” với doanh nghiệp FDI là điều không thể chấp nhận!

Những vấn đề trên được chúng tôi đặt ra cũng chính là điều mà dư luận dành sự quan tâm đặc biệt, đòi hỏi được làm sáng tỏ để sự công bằng trong xã hội nói chung và đặc biệt là hoạt động kinh doanh nói riêng được đảm bảo.

Tại Hội nghị Tổng kết 25 thu hút vốn đầu tư nước ngoài, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đào Quang Thu cũng thẳng thắn thừa nhận rằng, có một số doanh nghiệp FDI đã áp dụng các thủ thuật chuyển giá như nâng khống giá trị góp vốn (bằng máy móc, thiết bị, bản quyền…), giá trị mua bán nguyên vật liệu đầu vào, bán thành phẩm, thành phẩm, dịch vụ, phí quản lý, tiền bản quyền, chi phí bảo lãnh, cho vay, trả lương, đào tạo, quảng cáo, nhà thầu, chuyển nhượng vốn… tạo nên tình trạng lỗ giả, lãi thật, gây thất thu ngân sách, làm cho đa số bên Việt Nam phải rút khỏi liên doanh, doanh nghiệp trở thành 100% vốn nước ngoài.

Thậm chí, theo đại diện của Bộ Tài chính, hiện tượng các doanh nghiệp FDI kê khai lỗ là khá phổ biến, chiếm tới 50% tổng số doanh nghiệp FDI đang  hoạt động, trong đó có nhiều trường hợp kê khai lỗ đến 3 năm liên tiếp. Sự bất thường này ngành Thuế có biết không? Chúng tôi tin là biết vì ai cũng hiểu, đã là người làm kinh doanh thì sẽ chẳng có ai đổ tiền đầu tư vào một lĩnh vực mà 100% họ biết không mang lại lợi nhuận cả.

Nghi vấn chuyển giá, trốn thuế ở Coca - cola, Metro, Adidas.. cần làm rõ, quy trách nhiệm.

Theo một phân tích mới đây của Bộ Tài chính thì, các hành vi chuyển giá điển hình đã và đang diễn ra tại Việt Nam thường dưới các hình thức: chuyển giá thông qua chuyển giao tài sản hữu hình giữa các bên liên kết, chuyển giá thông qua chuyển giao tài sản vô hình giữa các bên liên kết, chuyển giá thông qua chuyển giao dịch vụ giữa các bên liên kết, chuyển giá thông qua chi trả lãi vay vốn sản xuất kinh doanh giữa các bên liên kết.

Các hành vi chuyển giá của doanh nghiệp không chỉ đơn thuần là điều chuyển lợi nhuận từ nơi có thuế suất cao sang nơi có thuế suất thấp hơn để tránh thuế mà nó còn bao gồm cả chiều ngược lại như: nâng vốn góp bằng việc nâng giá trị máy móc, thiết bị và công nghệ; bán hàng hoá, nguyên vật liệu thấp hơn nhiều so với giá bán cho các bên không có quan hệ liên kết; định giá tiền bản quyền thương hiệu rất cao so với giá trị thực;...

Nói như vậy để thấy rằng, hiện tượng chuyển giá, trốn thuế ở nước ta không phải thể là hiện tượng cá biệt được và nó thể hiện ở con số “bất thường” – 50% doanh nghiệp khai lỗ!?

Trở lại câu chuyện thu hút đầu tư nước ngoài 25 năm qua mới thấy, niềm vui từ con số lên tới trên 206 tỉ USD thu hút đầu tư cùng với những đóng góp của khu vực kinh tế này xem ra cần phải xem lại. Sự quan ngại này cũng đã được TS Trần Du Lịch - Uỷ viên ban Kinh tế, Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TP Hồ Chí Minh nhấn mạnh: Một nguyên tắc trong thu hút vốn là không nên dàn trải mà cần lựa chọn đối tác, cần giữ được thế chủ động. Đây có thể coi là “sự ích kỷ của chủ nhà nhưng là ích kỷ cần thiết”.

Quan điểm này cũng đã nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ từ giới chuyên gia, theo GS Nguyễn Mại - một trong những chuyên gia hàng đầu về FDI tại Việt Nam thì: Cách tốt nhất là làm thế nào các bộ có chức năng thu thuế có phản ứng nhanh nhạy hơn, phát hiện kịp thời và bịt những lỗ hổng chính sách để giảm bớt, chứ không bao giờ có thể triệt tiêu hết việc chống chuyển giá. Không nên vì chống chuyển giá mà kỳ thị các nhà đầu tư nước ngoài”.

Chuyển giá, trốn thuế giờ không thể xem là hiện tượng cá biệt và trong bối cảnh nền kinh tế gặp nhiều khó khăn như hiện nay, thu ngân sách Nhà nước gặp khó khăn thì nó càng được đòi hỏi làm rõ. Tuy nhiên, cho đến tận bây giờ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng như Bộ Tài chính – 2 Bộ liên quan trực tiếp tới hoạt động đầu tư của khu vực doanh nghiệp FDI lại vẫn chưa tìm ra được lời giải cho bài toán này.

Ngân sách Nhà nước hàng năm đã thất thu bao nhiêu cần phải được làm rõ và quy trách nhiệm cụ thể. Người dân và doanh nghiệp trong nước sẽ chấp nhận, ủng hộ những chính sách thuế của Nhà nước nếu nó phục vụ lợi ích của xã hội, cộng đồng nhưng khó chấp nhận nếu những loại thuế, phí đó lại được mang đi bù đắp khoản thất thu từ chuyển giá, trốn thuế!

Thanh Ngọc