Dệt may Trung Quốc “đổ bộ” vào Nam Định đón đầu TTP?
Mới đây nhất, ngày 19/3, đại diện 3 nhà đầu tư là Công ty Luenthai (Hong Kong, Trung Quốc), Công ty Cổ phần Đầu tư VINATEX (thuộc Tập đoàn Dệt may Việt Nam) và Công ty Sanshui Jialida (Trung Quốc) đã có cuộc làm việc với lãnh đạo tỉnh Nam Định. Dự kiến vào cuối năm 2014, ba nhà đầu tư này sẽ khởi công xây dựng khu công nghiệp dệt may có quy mô gần 1.500ha trên vùng bãi bồi ven biển thuộc huyện Nghĩa Hưng. Quy mô của dự án lên tới gần 1.500ha, với tổng kinh phí xây dựng dự án khoảng 400 triệu USD. Đây được cho là khu công nghiệp dệt may lớn nhất cả nước đến thời điểm này.
Tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Nam Định, đại diện các nhà đầu tư đề nghị tỉnh Nam Định sớm bàn giao mặt bằng, tạo các điều kiện tốt nhất cho nhà đầu tư như đường giao thông, các chính sách ưu đãi... Liên doanh 3 nhà đầu tư này cũng đề nghị Nam Định cho phép xây dựng một nhà máy điện, một cầu cảng vận chuyển hàng hóa để phục vụ hoạt động của khu công nghiệp.
Công nhân làm việc trong một công ty dệt may của tỉnh Nam Định
Tỉnh Nam Định cam kết sẽ cố gắng giao mặt bằng sạch cho nhà đầu tư vào Quý IV năm 2014. Theo lãnh đạo UBND tỉnh Nam Định, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt cho Nam Định phát triển 9 khu công nghiệp nhưng trong số này không có khu công nghiệp dệt may, nên Nam Định sẽ phải tiến hành các bước cần thiết như bổ sung quy hoạch phát triển các khu công nghiệp của tỉnh trình Chính phủ, bổ sung quy hoạch sử dụng đất, đồng thời tiến hành các thủ tục cần thiết khác trình các Bộ, ngành liên quan xem xét.
Nam Định cũng cam kết sẽ tạo các điều kiện cũng như chính sách ưu đãi tốt nhất cho nhà đầu tư, đồng thời đề nghị ba nhà đầu tư cần sớm lập liên doanh để có tư cách pháp nhân trước khi tiến hành các công việc của dự án; chuẩn bị nguồn lực tài chính cho dự án; khi triển khai cần đảm bảo môi trường sinh thái biển của Nam Định.
Theo đại diện nhà đầu tư, ngay khi nhận được mặt bằng vào Quý IV năm nay, nhà đầu tư sẽ khởi công xây dựng khu công nghiệp và sau 6 tháng có thể tiếp nhận các nhà đầu tư thứ cấp. Dự kiến, khu công nghiệp dệt may này sẽ thu hút các nhà đầu tư từ các thị trường Hong Kong, Trung Quốc, Đài Loan (Trung Quốc)... với các lĩnh vực chủ yếu là dệt, nhuộm, da, may mặc, các ngành phụ trợ phục vụ dệt may... Dự kiến, khi đi vào hoạt động khu công nghiệp này sẽ thu hút 160.000 lao động.
Trước đó, UBND tỉnh Nam Định cũng vừa cấp giấy chứng nhận đầu tư cho Công ty TNHH Tập đoàn Dệt may YULUN Giang Tô (Trung Quốc) xây dựng nhà máy sản xuất sợi, dệt, nhuộm với tổng vốn đầu tư 68 triệu USD (tương đương hơn 1.400 tỷ đồng) tại Khu công nghiệp Bảo Minh (huyện Vụ Bản).
Nhà máy được xây dựng trên diện tích 80.000m2 tại Khu công nghiệp Bảo Minh, với công suất sản xuất sợi 9.816 tấn/năm; dệt 21,6 triệu mét/năm; nhuộm 24 triệu mét/năm. Dự án có tiến độ thực hiện từ nay đến tháng 6/2016, thời hạn sử dụng đất 46 năm kể từ ngày cấp giấy chứng nhận đầu tư.
Theo nhận định của nhiều người, sự kiện nhiều dự án dệt may đổ bộ vào Nam Định là nhằm chuẩn bị đón đầu cơ hội gia nhập Hiệp định thương mại Đối tác xuyên châu Á - Thái Bình Dương (TPP) của Việt Nam.
Được biêt, khi tham gia TPP, Việt Nam có lợi thế ở góc độ xuất khẩu hang hóa ra thế giới, nhưng quy định xuất xứ "từ sợi" (yarn forward) của TPP buộc doanh nghiệp dệt may xuất khẩu của Việt Nam phải sử dụng nguyên liệu sản xuất trong nước hoặc nhập khẩu từ các nước thành viên TPP khác (không có Trung Quốc).
Chính vì vậy, trong thời gian qua nhiều doanh nghiệp dệt may của Trung Quốc, gồm cả Đài Loan, Hong Kong... đã nhanh chóng đầu tư vào Việt Nam xây dựng nhà máy sản xuất dệt, sợi, nhuộm... để đón đầu TPP.
Đặc biệt, khi gia nhập TTP, thuế suất xuất khẩu may mặc của Việt Nam được đưa xuống 0% khi vào Mỹ, trong đó đây là thị trường lớn nhất của Việt Nam trong các nước tham gia TPP. Bên cạnh đó, còn có các thị trường rộng lớn khác cũng là thành viên của TTP như: Nhật Bản, Canada, Australia… cơ hội để gia tăng thị phần hàng xuất khẩu dệt may tại các thị trường trên là rất lớn.
Thục Quyên
-
Phân tích diễn biến thị trường dầu mỏ thế giới tuần qua
-
Sửa đổi Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả: Thiết lập cơ chế hỗ trợ và giám sát rõ ràng
-
Quy định mới về cơ chế phát triển các dự án nhiệt điện khí
-
Tin tức kinh tế ngày 10/5: Ngân hàng tích cực “bơm” vốn
-
Những sự kiện nổi bật trên Thị trường Năng lượng Quốc tế tuần từ 5/5 - 10/5