Đầu tư hay đánh bạc?

10:43 | 11/03/2013

1,152 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Thị trường thiếu công khai, minh bạch, nhà đầu tư thì thiếu hiểu biết về lĩnh vực đầu tư cuộc chơi mang nhiều hơn sách thái của một canh bạc!

Giới đầu tư bị "choáng" trước ma trận thông tin trên thị trường chứng khoán. (Nguồn Internet)

Từ nhiều năm nay, các cơ quan chức năng cũng như giới chuyên gia đã không ít lần lên tiếng về những giải pháp tăng cường tính công khai, minh bạch của các thị trường, đặc biệt là thị trường chứng khoán, bất động sản và vàng. Đã có không ít những quy định, những Luật, thông tư quy rõ cụ thể việc công bố thông tin, giao dịch,… được ban hành nhưng kết quả vẫn không được như kỳ vọng.

Chứng khoán đã bước sang tuổi 13 năm nhưng có thể thấy thị trường này vẫn còn quá non trẻ để có thể gánh vác trọng trách là huyết mạch, là kênh huy động vốn hiệu quả của nền kinh tế. Thậm chí, có rất nhiều người đã ví chứng khoán chẳng khác nào một “đứa trẻ” chưa đủ lớn, đủ bản lĩnh để gánh vác những việc trọng đại.

Cách ví von trên xem chừng chẳng phải vô lý bởi thực tế, thị trường này đã thu hút một lượng lớn nhà đầu tư và cũng là nơi kênh dẫn nhập hàng tỉ, thậm chí là chục tỉ USD vốn đầu tư cả trong và ngoài nước vào nền kinh tế. Chứng khoán như vậy đã cơ bản đáp ứng được sự kỳ vọng của nền kinh tế.

Tuy nhiên, chứng khoán vẫn đang tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ đối với giới đầu tư và trong nhiều trường hợp, chứng khoán bỗng trở thành một trong nhiều công cụ để “nhóm lợi ích” dùng lũng đoạn thị trường, nền kinh tế trục lợi. Những giao dịch mập mờ, những thông tin giao dịch được cung cấp muộn và cả những dòng vốn khổng lồ được điều chỉnh tập trung về một mã cổ phiếu,… gây nhiễu thị trường vẫn thường xuyên diễn ra.

Sự thiếu minh bạch, công khai trên thị trường chứng khoán là điều đã được nói, được bàn rất nhiều và những cảnh báo của giới chuyên gia phát đi trên thị trường này cũng không ít nhưng trên thực tế, thị trường chứng khoán vẫn dễ bị lợi dụng nhất! Tăng giảm thất thường, đầu tư và tháo chạy ồ ạt trước một thông tin vãng lai,… đã trở thành nét điển hình của thị trường chứng khoán.

Minh chứng cho những lo ngại trên chính là một loạt sự kiện liên quan tới “bầu” Kiên, ông Đặng Văn Thành – nguyên Chủ tịch Hội đồng Quản trị Ngân hàng Sacombank và mới đây nhất là “tin vịt” về ông Trần Bắc Hà – Chủ tịch Hội đồng Quản trị BIDV,…

Trên thị trường bất động sản, sự thiếu minh bạch, công khai về giá đã đẩy thị trường lâm vào cảnh “sống dở, chết dở” trong suốt 2 năm qua. Điều này là điều mà giới đầu tư, các chuyên gia phân tích, mổ xẻ rất nhiều, trong đó, yếu tố đầu cơ được xem nguyên nhân chính dẫn tới thực trạng bi đát của thị trường như bây giờ. Những doanh nghiệp, chủ đầu tư hay giới kinh doanh bất động sản có thể đổ lỗi cho chính sách, cho thị trường nhưng cũng phải tự thấy trách mình.

Giá bất động sản quá cao là rào cản lớn nhất khơi thông thanh khoản trên thị trường. Cái gốc của hiện tượng này ngoài chuyện chọn lựa dòng sản phẩm đầu tư thì còn phải kể đến sự thiếu minh bạch trong quá trình lập và triển khai dự án bất động sản. Trong loạt bài ““Ẩn họa” chạy dự án!”, Petrotimes đã đề cập tới khá nhiều về “góc khuất” đằng sau các dự án bất động sản ở nước ta và đó chính là một phần nguyên nhân không hề nhỏ khiến giá bất động sản không thể giảm.

Bất động sản khó giảm giá vì tính minh bạch trên thị trường yếu.

Giới đầu tư chây ì và chấp nhận tham gia một canh bạc thị trường!

Chứng khoán, bất động sản là vậy nhưng thị trường vàng lại đang cho thấy nhiều bất ổn, khiến giới đầu tư thấy lo lắng nhất. Chỉ trong vòng chưa đầy 1 tuần, giá vàng đã được co kéo tới 2 triệu đồng/lượng, khiến không ít nhà đầu tư cảm thấy “chóng mặt”!

Ngoài yếu tố thị trường thì “sức khỏe” của bản thân các doanh nghiệp niêm yết trên sàn chứng khoán, của giới chủ đầu tư,… cũng là vấn đề. Một mã cổ phiếu không không tốt, thậm chí là yếu kém tăng giá mạnh vì thế cũng chẳng phải là hiếu. Nhưng đi lên nhanh cũng đồng nghĩa với xuống nhanh và trong cuộc chơi này, những nhà đầu tư tự phát, thiếu kiến thức chuyên môn thất bại là điều khó tránh!

Qua đó để thấy rằng, cả chứng khoán, bất động sản, vàng và còn rất nhiều thị trường khác giờ như một “sới bạc” mà ở đó, sự “đỏ đen” thắng thua nhiều khi lại chịu sự chi phối của một nhóm nhà đầu tư hay nói chính sách là “nhóm lợi ích”!

Thị trường là vậy nhưng nhà đầu tư – một trong những đối tượng chơi chính lại không cho thấy sự bản lĩnh, khả năng phán đoán cũng như sự am hiểu thị trường.

Giới đầu tư ở Việt Nam là ai? Nếu ngoại trừ những tổ chức, đơn vị có chức năng chuyên môn thì phần lớn nhà đầu tư ở Việt Nam là tự phát, tham gia thị trường mang tính chất đám đông, cơ hội. Họ có thể là cán bộ, công chức và cũng có thể chỉ là một người kinh doanh đơn thuần.

Một phân tích gần đây đã chia giới đầu tư ở nước ta thành 3 nhóm như sau:

Thứ nhất là nhóm nhà đầu tư: Đây là những người có chiến lược đầu tư cụ thể, họ mua cổ phiếu từ khi công ty lên sàn, tham gia dự án từ lúc nó mới triển khai và tất nhiên, họ nắm giữ những tài sản này trong một thời gian dài mà không chịu bất kỳ sự chi phối nào từ biến động giá cả, tin đồn,… Mọi quyết định liên quan đến chuyện có đầu tư hay không đầu tư đều được thực hiện theo kế hoạch, có lịch trình, có nguyên tắc.

Thứ hai là nhóm đầu cơ: Họ là những người có kiến thức chuyên môn, có trình độ, nghiệp vụ phân tích về lĩnh vực mà họ có ý định tham gia và chính vì vậy, nhóm đầu tư này luôn cho thấy cái “đầu lạnh” trước mọi diễn biến của thị trường. Ở lại hay rời bỏ thị trường trong những thời điểm nhất định luôn được họ tính toán kỹ lưỡng thông qua những con số, những diễn biến của thị trường, của nền kinh tế.

Thứ ba là nhóm ăn theo: Đây là nhóm người đầu tư theo xu hướng thị trường, phản ứng theo trào lưu của thị trường và nguyên tắc của họ là chẳng có gì ngoài 2 từ “cảm tính”. Họ có thể đổ cả đống tiền vào một mã cổ phiếu đang rớt giá thảm, đầu tư cả tỉ đồng vào một dự án nhà đất vì nghe nói trong thời gian tới nó sẽ tăng giá mạnh,…

Kiểu đầu tư như vậy cũng được thể hiện rõ nét nhất trên thị trường vàng và cảnh chen lấn, xô đẩy đi mua vàng rồi sau đó là bán vàng tái diễn nhiều lần trên thị trường 2 năm trở lại đây đã cho thấy rõ điều đó.

Phản ứng trước tin đồn dù tính xác thực của nó là điều mà chẳng ai dám khẳng định cũng là biểu hiện rõ nét của nhóm người này. Họ đầu tư theo cảm tính, mua bán theo tin đồn mà không dựa vào bất kỳ sự phân tích, so sánh nào nên hầu như chẳng mấy ai thành công.

Đó là câu chuyện thị trường, là hình ảnh của giới đầu tư ở Việt Nam nhưng có điều, khi mà bản thân thị trường như là “sới bạc” thì nhà đầu tư tham gia thị trường cũng chẳng khác gì một “con bạc” khát nước. Điều đáng nói là nhóm nhà đầu tư này lại đang chiếm số đông trên thị trường và sự “non nớt” của họ đang bị lợi dụng.

Để vực dậy nền kinh tế vốn đang trong tình trạng khó khăn như hiện nay và đặc biệt là thu hút được dòng vốn lớn trong xã hội, tính công khai, minh bạch trên thị trường cần phải được tăng cường. Và chứng nào, yếu tố này chưa được giải quyết thì những chủ trường, quyết sách mà nền kinh tế đưa ra sẽ khó có thể thành công, tạo sự yên tâm trong xã hội nói chung và giới đầu tư nói riêng!

Thanh Ngọc