Đấu thầu vàng: Đã dừng được chưa?

11:00 | 17/09/2013

623 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Tuần qua, mặc dù Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã “nghỉ ngơi” dừng đấu thầu vàng nhưng giá vàng giao dịch trên thị trường vẫn ổn định quanh ngưỡng 38,4 triệu đồng/lượng. Liệu thị trường vàng đã đứng vững, ổn định được trên “đôi chân” của mình hay chưa? NHNN có cần phải tổ chức đấu thầu vàng để “giúp đỡ” thị trường này nữa không?

Dừng đấu thầu khi chênh lệch còn 1 triệu đồng/lượng?

Trong 5 tháng qua (từ tháng 3/2013), NHNN đã tổ chức được 57 phiên đấu thầu vàng miếng. Trung trung bình mỗi tuần NHNN tổ chức 2 phiên đấu thầu vàng, tổng cộng 56,9 tấn vàng đã được tung ra để giải tỏa "cơn khát" vàng. Nhờ lượng vàng "khủng" này, các NHTM đã kịp tất toán trạng thái dư nợ vàng của mình, ngoài ra một lượng cung vàng đáng kể đã kịp được đưa ra để đáp ứng sức mua của thị trường.

Ngoài ra, lượng vàng đấu thầu được tung ra thị trường trong bối cảnh giá vàng trong và ngoài nước chênh nhau rất lớn giúp khoảng cách về giá đã được thu hẹp. Từ mức chênh lệch “khủng” tới gần 7 triệu đồng/lượng, biên độ giảm về 2 triệu đồng/lượng ở thời điểm cuối tháng 8, thấp nhất kể từ tháng 11-2012. Trong những ngày đầu tháng 9, chênh lệch giá vàng nội - ngoại có tăng đôi chút, lên mức 3 triệu đồng/lượng nhưng vẫn được đánh giá "nằm trong tầm kiểm soát".

Cùng với xu hướng giảm dần, từ 3 phiên đấu thầu vàng/tuần, 2 tháng trở lại đây cơ quan này chỉ tổ chức 2 phiên đấu thầu vàng/tuần, lượng vàng đấu thầu cũng giảm từ 26.000 lượng/phiên (tương đương 1 tấn) xuống còn 20.000 lượng/phiên. Đặc biệt, tuần qua, trong vòng 10 ngày, NHNN không phải tổ chức phiên đấu thầu vàng nào.

Thị trường vàng đang dần ổn định sau nhiều phiên đấu thầu của NHNN

Theo những tính toán trước đây của NHNN, vàng sẽ dần đi vào ổn định sau khi các ngân hàng hoàn thành tất toán trạng thái vàng vào đầu tháng 7; cùng với đó giảm chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới thông qua hình thức đấu đầu…đã dần trở thành hiện thực.

Nhìn vào sự ổn định của thị trường vàng; khoảng cách chênh lệch giá vàng nội và ngoại đã được thu hẹp, nhiều ý kiến cho rằng đã tới lúc NHNN nên ngưng đấu thầu vàng và nếu có tiếp tục nên đấu thầu "hai chiều", nghĩa là vừa đấu thầu bán - mua vàng để "thị trường có đầu vào - ra nhịp nhàng hơn".

Theo TS Lê Xuân Nghĩa - Ủy viên Hội đồng Tư vấn về tài chính và tiền tệ NHNN, đến nay đấu thầu vàng đã hoàn thành sứ mệnh của mình, do vậy NHNN cần thay đổi trong điều hành nhằm tạo ra sự lưu thông giữa thị trường vàng trong nước và vàng quốc tế, bớt rủi ro, gánh nặng cho NHNN.

“Nếu kéo dài tình trạng đấu thầu NHNN sẽ rơi vào thế bí vì buộc là người chịu trách nhiệm trực tiếp về việc đứng ra cân bằng thị trường. Như vậy giá vàng thế giới tăng đột biến thì NHNN lãnh đủ và một ngân hàng Trung ương không nên chịu rủi ro như vậy. Thống đốc phải thay đổi chính sách vì đến nay NHNN đã làm tròn sứ mạng là trục xuất vàng ra khỏi ngân hàng và phục hồi dự trữ ngoại tệ” - ông Nghĩa nói.

Đồng tình với ý kiến trên, chuyên gia kinh tế - TS Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, NHNN cũng nên tính việc “dừng” đấu thầu vàng. Tuy nhiên NHNN vẫn phải tiếp tục vai trò quản lý, điều tiết thị trường vàng thông qua đấu thầu cho đến khi nào chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới được rút ngắn xuống còn 400.000 đến 1 triệu đồng/lượng.

“Nếu NHNN cứ tiếp tục đấu thầu vàng thì bao giờ sẽ dừng lại? Khả năng mua vàng của NHNN cũng có hạn, mà cứ lấy dự trữ quốc gia ra mua mãi thì đến lúc dự trữ quốc gia bị hao hụt thì phải làm sao?”, ông Hiếu lo ngại. “Thị trường vàng như cái thùng không đáy, cứ cung bao nhiêu vàng là hút hết và cuối cùng hút luôn cả dự trữ quốc gia sẽ rất nguy hiểm”.

“Tôi cho rằng để thời điểm NHNN có thể ngưng đấu thầu chính là khoảng cách giữa giá vàng trong nước và giá vàng thế giới còn 400.000 đồng đến 1 triệu đồng” - TS Nguyễn Trí Hiếu nói.

“Không bao giờ bỏ trận địa vàng”

Mặc dù thị trường vàng đã đón nhận những tín hiệu tích cực, những đa số các chuyên gia vẫn còn tỏ ra nghi ngờ về tính bền vững của kết quả này. Cảnh báo được đưa ra là, dù đã ép giá vàng về mức chênh lệch thấp nhất hơn 1 năm qua nhưng chưa thể khẳng định chênh lệch vàng đã ổn định. Hơn nữa, mục tiêu chính của NHNN là ổn định thị trường, chứ không phải giảm chênh lệch giá vàng. Do đó, sau khi đã loại bỏ được các yếu tố gây bất ổn lớn nhất của thị trường vàng thì NHNN cần đáp ứng nhu cầu vàng thực của người dân. Chỉ khi cân đối cung cầu được đảm bảo thì thị trường mới có được sự ổn định bền vững.

Theo ý kiến của Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh Vàng - Nguyễn Thành Long: việc tổ chức các phiên đấu thầu nhiều hay ít NHNN đã có sự tính toán kỹ lưỡng. Nếu nhìn vào diễn biến thị trường với biên độ đang dần thu hẹp nhiều người ngỡ tưởng "sóng" vàng đã lặng, nhưng thực chất không hẳn vậy. Có thể, thời điểm hiện này khi thị trường vừa được "tiếp sức" gần 60 tấn vàng thì NHNN có thể "giãn" thời gian các phiên đấu thầu thưa hơn, thay vì tuần nào cũng tổ chức như trước đây thì có thể ngưng 1-2 tuần, nhưng về lâu dài thị trường vẫn cần vàng cung qua kênh này.

"Với chính sách điều hành vàng hiện nay, NHNN là kênh cung ứng vàng miếng duy nhất cho doanh nghiệp và ngân hàng, nếu kênh này mất thì cả thị trường sẽ "tắc", ông Long nói.

Về phía cơ quan quản lý, ông Nguyễn Quang Huy - Vụ trưởng Vụ Quản lý ngoại hối NHNN cho rằng, biên độ giá vàng trong nước thu hẹp với thế giới tới 2-2,5 lần so với trước đây cho thấy kịch bản quản lý thị trường vàng đang đi đúng hướng.

Sau khi tất toán xong trạng thái huy động vàng của tổ chức tín dụng, lực cầu trên thị trường phần lớn chỉ phụ thuộc vào nhu cầu mua của người dân, còn đầu cơ thì không còn khả năng lũng đoạn như trước. Vai trò của NHNN trong thời gian tới là chỉ can thiệp khi thấy cần và sẽ không phải guồng chạy đấu thầu theo quy mô lớn như thời gian trước. Cụ thể, các phiên đấu thầu có thể tổ chức 3-4 phiên/tuần, 1-2 phiên/tuần, thậm chí có tuần không tổ chức phiên nào... và số lượng vàng đấu thầu cũng giảm dần để phù hợp với sức mua của thị trường.

Tuy nhiên, biên độ thu hẹp quá mức cũng không hẳn đã tốt vì dễ khiến đầu cơ gom hàng. Nếu duy trì ở một khoảng cách nhất định, nhất là trong bối cảnh giá vàng trên thế giới đang diễn biến phức tạp, giới đầu cơ sẽ khó lũng đoạn hơn.

“NHNN đang hướng tới mục tiêu là làm lộ rõ nhu cầu thật và chỉ đáp ứng đúng nhu cầu này”, Vụ trưởng Vụ Quản lý ngoại hối nói. “Nhưng dù thế nào, NHNN không bao giờ bỏ trận địa vàng, có nghĩa: còn nhu cầu bình ổn, còn tiếp tục đấu thầu vàng và công việc này chỉ chấm dứt khi nhu cầu bình ổn không còn”.

Phân tích về thị trường vàng trong thời gian tới, đại diện Vụ Quản lý ngoại hối, NHNN cho rằng: Sau khi ngân hàng thương mại tất toán xong lượng vàng huy động, lực cầu  đã yếu đi khá nhiều so với trước, đó là  yếu tố quan trọng để diễn biến cung cầu bớt phức tạp hơn. Hiện tại, mức chênh giữa số vàng được cung ứng ra thị trường qua đấu thầu cao hơn lượng vàng mà tổ chức tín dụng cần tất toán, đâu đó khoảng 30 tấn. Đây là số không lớn so với nhu cầu về vàng hiện nay, nhưng NHNN cho rằng sức mua vàng hiện nay đã yếu đi khá nhiều so với thời gian trước.

Sau khi tất toán xong trạng thái huy động vàng của tổ chức tín dụng, lực cầu trên thị trường phần lớn chỉ phụ  thuộc vào nhu cầu mua của người dân, còn đầu cơ thì không còn khả năng lũng đoạn như trước. Do đó, giá vàng thời gian tới sẽ là hai chiều, có lên, có xuống và NHNN sẽ chỉ can thiệp khi thấy cần chứ không thường xuyên đấu thầu quy mô lớn. Về hoạt động đấu thầu trong thời gian tới, ông Nguyễn Quang Huy cho biết: Hằng tuần NHNN có thể sẽ tổ chức  đấu thầu và có một phương án cho thị trường về số phiên, khối lượng đấu thầu, còn giá  tham chiếu thì phải căn cứ theo diễn biến thị  trường.

Phương Vũ