Đánh giá đúng và kịp thời thực trạng doanh nghiệp
Quy chế cũ không còn hiệu quả
Trong những năm qua, Chính phủ đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách quy định, hướng dẫn quản lý, giám sát và đánh giá hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp Nhà nước (DNNN), tuy nhiên, trong sự vận động phát triển, mỗi cơ chế, chính sách chỉ phù hợp trong một giai đoạn nhất định.
Từ ngày 30/6/2010 trở về trước, khi các DNNN hoạt động theo Luật DNNN, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 271/2003/QĐ-TTg ngày 31/12/2003, tiếp đó là Quyết định số 224/2006/QĐ-TTg ngày 6/10/2006 về việc ban hành quy chế giám sát và đánh giá hiệu quả của DNNN và Quyết định số 169/2007/QĐ-TTg ngày 8/11/2007.
Việc thực hiện các quyết định trên đây của Chính phủ đã từng bước giúp nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, kỷ cương của đa số các DNNN. Qua công tác giám sát, cơ quan quản lý Nhà nước về tài chính đã có sự cảnh báo với chủ sở hữu DNNN về những nguy cơ, dấu hiệu rủi ro tài chính. Cơ chế giám sát tài chính, đánh giá hiệu quả DNNN đã góp phần giảm rõ rệt số DNNN làm ăn thua lỗ; số lượng các tập đoàn, tổng công ty hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, lợi nhuận và tỷ suất lợi nhuận thực hiện cao hơn kế hoạch, chấp hành nghiêm chỉnh các quy định của pháp luật hiện hành đã tăng năm sau cao hơn năm trước...
Tập đoàn Dầu khí Việt Nam luôn được đánh giá là DNNN thực hiện nghiêm chỉnh các chế độ giám sát tài chính, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, doanh thu năm sau cao hơn năm trước
Cho dù đạt được một số mục tiêu nhất định, song qua việc thực hiện các Quyết định về giám sát, đánh giá hiệu quả hoạt động của DNNN còn nhiều bất cập, chưa thực sự tạo cơ chế hiệu quả để kịp thời phát hiện, cảnh báo cho chủ sở hữu DN về những nguy cơ, dấu hiệu rủi ro về tài chính.
Thể hiện rõ nhất ở chỗ các cơ quan đại diện chủ sở hữu mới chỉ tập trung vào việc phân loại, đánh giá xếp loại DN theo A, B, C mà chưa chú trọng đến nội dung giám sát tài chính DN theo quy định. Do đó, khi xảy ra tình trạng một số DNNN có vi phạm trong vấn đề sản xuất kinh doanh, đầu tư và quản lý vốn, tài sản Nhà nước thì chưa được phát hiện và có biện pháp chấn chỉnh kịp thời, đặc biệt, đối với các DNNN kinh doanh thua lỗ, hoạt động không hiệu quả.
Quyết định số 224/2006/QĐ-TTg tuy đã bao quát các hoạt động sản xuất kinh doanh của DN song lại không có các chỉ tiêu cụ thể để kịp thời phát hiện, cảnh báo rủi ro tài chính. Ngược lại, Quyết định số 169/2007/QĐ-TTg đưa ra các chỉ tiêu cụ thể, chặt chẽ nhưng chỉ khi DNNN đã rơi vào tình hình thua lỗ, kém hiệu quả.
Bên cạnh đó, các chỉ tiêu trong biểu mẫu báo cáo của DN chưa đầy đủ, đồng bộ; các quy định trách nhiệm chưa cụ thể và phân biệt rõ trách nhiệm; chế tài xử lý chưa đủ mạnh để chấn chỉnh kịp thời, khắc phục sự yếu kém của DN.
Khắc phục khiếm khuyết và minh bạch thông tin
Quy chế giám sát tài chính mới được Chính phủ ban hành ngày 25/6/2013 kèm theo Nghị định số 61/2013/NĐ-CP nhằm mục đích đánh giá đúng thực trạng, hiệu quả hoạt động của DN, kịp thời giúp DN khắc phục tồn tại, hoàn thành mục tiêu, kế hoạch kinh doanh, nhiệm vụ công ích, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh và khả năng cạnh tranh. Đồng thời, nâng cao trách nhiệm của DN trong việc chấp hành các quy định của pháp luật trong quản lý và sử dụng vốn, tài sản Nhà nước. Bên cạnh đó, quy chế này sẽ giúp cơ quan quản lý Nhà nước về tài chính DN kịp thời phát hiện các yếu kém trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN để có cảnh báo và đề ra biện pháp chấn chỉnh kịp thời; thực hiện việc công khai minh bạch hóa tình hình tài chính của DN do Nhà nước làm chủ sở hữu và DN có vốn Nhà nước.
4 nội dung giám sát chính của quy chế mới bao gồm: Giám sát việc quản lý, sử dụng vốn và tài sản Nhà nước tại DN; giám sát bảo toàn và phát triển vốn của DN; giám sát hoạt động kinh doanh của DN và giám sát việc thực hiện các chính sách đối với người lao động trong DN, trong đó có các nội dung về chi phí tiền lương, thu nhập của người lao động, người quản lý điều hành DN.
Phương thức giám sát tài chính được thực hiện bằng việc kết hợp các phương thức giám sát trực tiếp, giám sát gián tiếp, giám sát trước, giám sát trong và giám sát sau.
Theo quy định mới, DN phải lập và gửi kịp thời, đầy đủ, chính xác, đúng thời hạn các báo cáo theo quy định của cơ quan có thẩm quyền và của chủ sở hữu để phục vụ cho việc giám sát tài chính. Khi có cảnh báo của chủ sở hữu, của cơ quan quản lý tài chính DN về những nguy cơ trong tài chính, quản lý tài chính của DN phải xây dựng và thực hiện ngay các biện pháp để ngăn chặn, khắc phục các nguy cơ làm cho tình hình tài chính, công tác quản lý tài chính của DN tốt lên; thực hiện đầy đủ kịp thời các chỉ đạo, khuyến nghị của chủ sở hữu, của cơ quan quản lý tài chính DN trong các báo cáo giám sát. Trường hợp không thống nhất với các chỉ đạo, khuyến nghị đó, DN có quyền báo cáo ý kiến của mình với cơ quan đưa ra chỉ đạo, khuyến nghị. Khi chủ sở hữu, cơ quan quản lý tài chính DN đưa ra ý kiến cuối cùng thì DN có trách nhiệm phải thực hiện các ý kiến đó.
Đối với các DNNN nắm giữ trên 50% vốn điều lệ, nội dung giám sát bao gồm: Giám sát tình hình tài chính, chấp hành pháp luật và kết quả kinh doanh của DN; giám sát thực hiện dự án đầu tư, kế hoạch sản xuất kinh doanh và kế hoạch đầu tư của DN; tình hình huy động vốn, vay nợ nước ngoài của DN; giám sát việc quản lý, hiệu quả sử dụng, tình hình bảo toàn và phát triển vốn của doanh nghiệp và giám sát việc phân phối lợi nhuận, thu lợi tức, lợi nhuận được chia và phân chia rủi ro từ phần vốn đã góp.
Đối với DN mà Nhà nước nắm giữ không quá 50% vốn điều lệ, nội dung giám sát tập trung vào việc quản lý, hiệu quả sử dụng, tình hình bảo toàn và phát triển vốn của DN và việc phân phối lợi nhuận, thu lợi tức, lợi nhuận được chia và phân chia rủi ro từ phần vốn đã góp.
Các quy định về công khai thông tin tài chính trong quy chế mới nhằm đảm bảo minh bạch, trung thực và khách quan tình hình tài chính của DNNN, phát hiện kịp thời hành vi vi phạm chế độ quản lý tài chính, chế độ kế toán của DN; thực hiện quyền hạn và trách nhiệm của chủ sở hữu Nhà nước, người lao động trong việc giám sát, kiểm tra và thực hiện quy chế dân chủ ở DNNN; Đây sẽ là căn cứ để các nhà đầu tư trong và ngoài nước nghiên cứu và quyết định việc đầu tư vào DN; các chủ nợ có thông tin để giám sát đánh giá khả năng thanh toán nợ của DN.
Ngoài các thông tin cơ bản về tình hình tài chính, hiệu quả sử dụng và bảo toàn vốn Nhà nước tại DN, kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh, việc trích, lập và sử dụng các quỹ của DN và các khoản đóng góp cho ngân sách Nhà nước thì các khoản thu nhập và thu nhập bình quân của người lao động; tình hình quản trị công ty và tình hình tiền lương, thù lao, tiền thưởng và thu nhập bình quân hàng tháng năm trước liền kề của từng viên chức quản lý DN cũng phải công khai thông tin theo định kỳ 6 tháng một lần.
Với những quy định cụ thể, chặt chẽ, quy chế giám sát tài chính mới sẽ khắc phục các khiếm khuyết của cơ chế cũ bằng các tiêu chí giám sát theo hướng đánh giá đúng, đủ và sát tình hình hoạt động và hiệu quả sản xuất kinh doanh của DN và một bước tách bạch các yếu tố xã hội... Quy chế mới cũng quy định cụ thể về trách nhiệm về quản lý và giám sát tài chính DN của chủ sở hữu, của DN và của cơ quan quản lý Nhà nước về tài chính và đưa ra các chế tài xử lý đối với các tổ chức, cá nhân nếu như không thực hiện nghiêm túc các nội dung giám sát tài chính và đánh giá hiệu quả hoạt động DN mà quy chế đã nêu.
Ngân Hà
-
Tổng Bí thư Tô Lâm dự Đại hội Hiệp hội Dữ liệu Quốc gia lần thứ nhất
-
Nhiệm vụ, giải pháp của doanh nghiệp nhà nước góp phần tăng trưởng kinh tế hai con số
-
Chủ sở hữu vốn nhà nước chỉ nên quản lý “dòng tiền” đến doanh nghiệp F1
-
[VIDEO] Doanh nghiệp Nhà nước cần nhìn xa trông rộng, nghĩ sâu làm lớn
-
Thủ tướng Phạm Minh Chính: DNNN phát huy tinh thần yêu nước, tiên phong bứt phá cho mục tiêu tăng trưởng 8%
-
Tin tức kinh tế ngày 15/4: Thanh long soán ngôi “vua” trái cây
-
Mỹ ép châu Âu mua dầu khí, nói dễ hơn làm?
-
Giá vàng hôm nay (15/4): Thị trường thế giới giảm mạnh
-
Giá dầu hôm nay (15/4): Dầu thô tăng nhẹ trong phiên giao dịch
-
Bản tin Năng lượng Quốc tế 15/4: Liên minh Châu Âu xem xét mua thêm LNG của Mỹ