Đại gia gặp khó

06:54 | 10/10/2013

1,272 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Kinh tế khó khăn khiến không chỉ có người dân bình thường mà các đại gia cũng lâm vào tình trạng bết bát khi không còn đủ sức bành trướng trên thị trường.

Đua nhau thoát nợ

Có thể thấy, chưa bao giờ tình hình khó khăn lại đeo bám doanh nghiệp kéo dài như thời điểm hiện nay. Không chỉ có doanh nghiệp vừa và nhỏ gặp trắc trở trong hoạt động sản xuất kinh doanh mà cả những doanh nghiệp của các đại gia vốn nhiều tiềm lực tài chính cũng lao đao vì sự trầm kha của nền kinh tế. Sự khó khăn trong hoạt động kinh doanh khiến các đại gia lần lượt tìm cách co hẹp lại quy mô kinh doanh. Điển hình nhất là phải nói đến trường hợp của nữ đại gia Nguyễn Thị Như Loan - Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Công ty Quốc Cường Gia Lai.

https://cdn-petrotimes.mastercms.vn/stores/news_dataimages/dothuytrang/102013/10/03/IMG_1777.jpg

Nữ đại gia Nguyễn Thị Như Loan

Việc đóng băng của thị trường bất động sản đã khiến Công ty Quốc Cường Gia Lai của nữ đại gia này lâm vào nợ nần. Vì không muốn nợ nần thêm nên bà Loan đã phải chấp nhận thoái vốn tại các công ty con và bán bớt cổ phần của mình để trả nợ. Thậm chí, nữ đại gia này còn không dám thuê cả văn phòng công ty mà chuyển ngay văn phòng về nhà riêng.

Cũng như đại gia Nguyễn Thị Như Loan, trường hợp của đại gia Đoàn Nguyên Đức dù không đến nỗi khốn khó nhưng vị đại gia này cũng phải thực hiện việc cấu trúc lại tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai để giảm bớt nợ trong thời điểm khó khăn. Tháng 8/2013, bầu Đức đã khiến giới kinh doanh bất ngờ khi công khai tình hình hoạt động của Hoàng Anh Gia Lai và đưa ra tiến trình tái cấu trúc lại doanh nghiệp này.

Theo đó, hướng phát triển của Hoàng Anh Gia Lai từ nay đến năm 2015 là phát triển dựa vào hai mảng chính là nông nghiệp (cao su, mía đường, dầu cọ) và bất động sản. Những lĩnh vực còn lại như thuỷ điện, khoáng sản, ngành gỗ đá sẽ được bán bớt hoặc thu hẹp; riêng dự án bất động sản tại Việt Nam, Hoàng Anh Gia Lai sẽ tách các công ty con sở hữu các dự án căn hộ ra khỏi tập đoàn, chỉ giữ lại dự án tại Myanmar và một số dự án trực thuộc Công ty Phát triển nhà Hoàng Anh.

Ông Đoàn Nguyên Đức bày tỏ mục đích của  đợt tái cấu trúc lần này là "rứt những đứa con thân thiết của mình ra đi". Mục đích tái cấu trúc lần này là nhằm “cô đọng lại, tập trung vốn và nhân lực cho lĩnh vực cần thiết nhất, đồng thời giảm nợ của tập đoàn xuống 10.000 tỉ đồng, vốn chủ sở hữu trên 13.000 tỉ đồng”. “Việc cái cấu trúc ngành bất động sản sẽ giúp Hoàng Anh Gia Lai giảm dư nợ vay, cải thiện các chỉ số tài chính”, ông Đức nói. Cũng theo ông Đức, việc tái cấu trúc cũng là nhằm mục tiêu đến cuối năm 2013, Hoàng Anh Gia Lai giảm nợ xuống 10.000 tỉ đồng.

Chết lâm sàng

Trong số nhiều đại gia gặp khó trong thời gian qua thì đáng chú ý nhất có lẽ là CTCP Tập đoàn Kỹ nghệ Gỗ Trường Thành (TTF) của đại gia ngành gỗ Võ Trường Thành. Từ một doanh nghiệp hàng đầu trong ngành gỗ Việt, với việc niêm yết trên sàn chứng khoán. Và là DN đầu tiên trên TTCK được phép chào bán cổ phiếu dưới mệnh giá, với tổng số phát hành lần này là 14,4 triệu cổ phiếu ở mức giá chào bán 5.000 đồng/cp.

https://cdn-petrotimes.mastercms.vn/stores/news_dataimages/dothuytrang/102013/10/03/IMG_1666.jpg

Đại gia ngành gỗ Võ Trường Thành

Chỉ trong vòng 10 năm, từ một doanh nghiệp gỗ nhỏ tại Bình Định, đại gia gỗ Trường Thành đã phát triển sự nghiệp lớn không chỉ trong nước mà còn ra bên ngoài, tạo được tiếng vang lớn trong cả nước và ngôi vị hàng đầu của ngành gỗ Việt. Tuy nhiên, sự thành công ấy cũng không thể giúp đại gia gỗ Việt thoát khỏi những đeo bám của tình hình kinh tế khó khăn.

Đến hôm nay, đại gia Võ Trường Thành đã thực sự rơi xuống vực thẳm khi nợ nần chồng chất. Theo báo cáo hợp nhất trong 6 tháng của 2013, TTF vay nợ ngắn hạn các ngân hàng gần 1.570 tỉ đồng; nợ thuế và người lao động trên 85 tỉ đồng... Trước áp lực nợ nần ngày càng chồng chất và khó có thể giải quyết, vừa qua, Trường Thành đã phải cầu cứu các ngân hàng để được giãn nợ. Theo đó, (TTF) bao gồm Cty mẹ và 14 Cty con, hoạt động chính là chế biến gỗ và trồng rừng nguyên liệu, hiện nợ 13 ngân hàng với số tiền 1.174 tỉ đồng. Tính đến thời điểm này, ông Thành chỉ còn nắm 7,4 triệu cổ phiếu, tương đương hơn 10,8% của TTF.

Thùy Trang