Có nên theo đuổi “danh hiệu” xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới?
Trước thực trạng này, ngày 12/9, tại TP HCM Bộ Công Thương tổ chức hội thảo “Nâng cao giá trị xuất khẩu gạo Việt Nam”.
Ông Phạm Văn Bảy – Phó Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cho biết: Giá xuất khẩu gạo trong tháng 8 liên tiếp giảm, do thừa cung, thiếu cầu, chỉ trong vòng một tháng giá xuất khẩu đã giảm 20 USD/tấn. Đến đầu tháng 9, giá xuất khẩu lại tiếp tục giảm mạnh.
Trong 8 tháng đầu năm, giá xuất khẩu luôn ở mức thấp và đã giảm khoảng 15 USD/tấn so với cùng kỳ năm ngoái. Hiện nay, các doanh nghiệp xuất khẩu phải chịu lỗ khoảng 30 USD/tấn gạo xuất khẩu nhưng vẫn phải chấp nhận xuất khẩu để giải phóng hàng tồn kho.
Cũng theo ông Bảy thì nhiều doanh nghiệp dù đã chấp nhận xuất khẩu gạo với giá rẻ nhưng vẫn không xuất được, bởi các hợp đồng xuất khẩu cũng đang giảm mạnh do Thái Lan đang xả hàng, bán hạ giá; thu hoạch mới sắp đến ở: Ấn Độ, Pakistan, Myanmar và Thái Lan. Đặc biệt, Ấn Độ đang chuẩn bị một vụ mùa bội thu sẽ cung cấp thêm sự chọn lựa cho các nhà nhập khẩu.
Đời sống người dân trồng lúa bấp bênh do giá lúa gạo thấp
Có thể nói, xuất khẩu gạo năm nay cực kỳ khó khăn, bởi vừa giảm cả lượng xuất khẩu vừa giảm cả giá. Tính chung 8 tháng năm 2013, nước ta đã xuất khẩu được 4,6 triệu tấn gạo, trị giá hơn 2 tỉ USD, giá xuất khẩu bình quân đạt 428,62 USD/tấn. So với cùng kỳ năm trước, giảm 7,8% về lượng và 10,9% về trị giá.
Trước tình hình xuất khẩu lúa gạo gặp khó khăn, VFA cho rằng, khó đảm bảo mức lãi hợp lý cho nông dân trồng lúa nếu không có các cơ chế hỗ trợ bổ sung của Nhà nước.
Theo các chuyên gia, không chỉ riêng năm nay mà trong những năm qua, giá trị hạt gạo của nước ta trên thị trường xuất khẩu vẫn rất thấp. Mặc dù, mỗi năm chúng ta xuất khẩu trên 7 triệu tấn gạo nhưng giá gạo xuất khẩu của nước ta luôn thấp hơn giá xuất khẩu của các nước khác trên thế giới.
Thua thiệt trong xuất khẩu gạo của Việt Nam xuất phát từ vấn đề hiện nay trên thị trường xuất khẩu, Việt Nam không có được một thương hiệu rõ ràng, khách hàng vẫn quan niệm gạo Việt Nam có chất lượng kém nhất, kể cả gạo cao cấp 5% hay gạo cấp thấp 25% tấm.
Trong khi tại các nước xuất khẩu cạnh tranh với Việt Nam như: Thái Lan có giống Khaodakmali, Mỹ có giống Jasmine, Ấn Độ và Pakistan có giống Basmati… Đó là những thương hiệu gắn liền với sản xuất các nước đó và được người tiêu dùng trên toàn thế giới biết đến, còn Việt Nam hiện nay không có một giống chủ lực nào có thương hiệu cho xuất khẩu.
Qua 20 năm, Việt Nam vẫn duy trì tiêu chuẩn gạo xuất khẩu 6,2mm, trong khi giống lúa IR50404 đã có chiều dài trung bình 6,4mm và nhiều nước khác đã duy trì tiêu chuẩn gạo xuất khẩu có chiều dài hạt gạo trung bình 6,8mm. Và hiện nay, các giống lúa lai như lúa OM4218 và nhiều loại giống OM khác đang sản xuất ở đồng bằng sông Cửu Long đều có hạt dài trung bình 6,8mm. Thực tế, các giống lúa này có thể trở thành tiêu chuẩn xuất khẩu gạo mới của nước ta, thay thế cho tiêu chuẩn gạo xuất khẩu cũ từ hơn 20 năm trước.
Một câu hỏi được nhiều chuyên gia đặt ra là liệu có nên theo đuổi “danh hiệu” xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới hay không, khi phải chấp nhận xuất khẩu lỗ, hiệu quả kinh tế thấp và thua thiệt cho người nông dân?
Theo ông Trương Thanh Phong – Chủ tịch VFA, mức xuất khẩu mỗi năm trên 7 triệu tấn gạo hiện nay của nước ta là quá nhiều, đặc biệt là trong tình hình hiệu quả xuất khẩu thấp. Cần giải quyết bài toán về giá trị xuất khẩu gạo, không chỉ tập trung vào số lượng mà phải đảm bảo chất lượng xuất khẩu. Với những năm lúa gạo được mùa như năm nay thì lượng gạo xuất khẩu chỉ nên từ 6 – 6,5 triệu tấn, không nên sản xuất và xuất khẩu quá nhiều; tập trung sản xuất các loại gạo chất lượng tốt, giá thành cao; cơ cấu lại giống cho phù hợp với thị trường nhằm tăng hiệu quả xuất khẩu.
VFA cũng đề nghị, từ năm 2014 trở đi nên định hướng sản xuất các loại lúa chất lượng cao, nhất là lúa thơm, để nâng cao giá trị sản phẩm, phù hợp với yêu cầu thị trường, hạn chế cạnh tranh trên thị trường gạo cấp thấp; chuyển đổi cây trồng ở vùng sản xuất lúa chất lượng thấp lượng thấp, khó xuất khẩu, không hiệu quả; xây dựng tiêu chuẩn về quy cách và chất lượng gạo xuất khẩu phù hợp với tình hình mới nhằm nâng cao chất lượng gạo xuất khẩu; tiếp tục đẩy mạnh xây dựng thương hiệu cho gạo Việt Nam.
Còn theo ông Vũ Trọng Khải – Nguyên Hiệu trưởng Trường Quản lý Cán bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, để nâng cao giá trị xuất khẩu gạo, nông dân phải đi con đường sản xuất có tổ chức, có kỹ thuật, có sự phân công hợp tác vì quyền lợi chung. Nhà nước phải là nhạc trưởng với chiếc đũa trong tay để chỉ huy đồng bộ, dứt khoát các nhạc công chứ không phải làm thay hoặc giành lấy phần sản xuất, kinh doanh của họ.
Mai Phương
-
Tin tức kinh tế ngày 26/4: Giảm 30% tiền thuê đất trong năm 2025
-
Tin tức kinh tế ngày 24/4: Một ngân hàng bất ngờ tăng lãi suất trở lại
-
Tin tức kinh tế ngày 14/4: Vốn từ Trung Quốc tăng tốc vào Việt Nam
-
Tin tức kinh tế ngày 28/2: Dự báo giá cước vận tải biển nội địa ở mức cao
-
Tin tức kinh tế ngày 27/2: Ngân sách dành 900.000 tỷ đồng để hỗ trợ doanh nghiệp
-
Ấn Độ tăng mạnh mua vào dầu khí Mỹ để tránh bị áp thuế
-
Chính quyền ông Trump trấn an ngành dầu khí Mỹ về giá dầu rớt thảm
-
Tin tức kinh tế ngày 26/4: Giảm 30% tiền thuê đất trong năm 2025
-
Những sự kiện nổi bật trên Thị trường Năng lượng Quốc tế tuần từ 21/4 - 26/4
-
Thời điểm xác định giá đất đối với quỹ đất thanh toán hợp đồng BT tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm