Chờ VAMC xuất trận
VAMC xử lý 40-70 nghìn tỉ đồng ngay trong 2013?
Từ ngày 15/9, VAMC được mua bán nợ xấu vay bằng ngoại tệ, vàng, VND thông qua phát hành trái phiếu đặc biệt hoặc mua bán theo giá thị trường. Như vậy, sau khi Navibank và ACB tuyên bố sẵn sàng bán nợ xấu cho VAMC, dư luận vẫn hồi hộp chờ Công ty này công bố danh tính nhưng tổ chức tín dụng “dũng cảm” lên tiếng cậy nhờ. Đó là nội dung chính trong Thông tư 19/2013/TT-NHNN do Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa ban hành mới đây.
Cụ thể, Thông tư 19 quy định trái phiếu đặc biệt dùng mua nợ xấu do VAMC phát hành dưới hình thức chứng chỉ ghi danh, bút toán ghi sổ hoặc dữ liệu điện tử có định danh; trong khi Thông tư 20/2013/TT-NHNN thì quy định về cho vay tái cấp vốn trên cơ sở trái phiếu đặc biệt của VAMC.
Hệ thống ngân hàng hồi hộp chờ "cây đũa thần" VAMC
Theo nội dung thông tư, NHNN xem xét và quyết định tái cấp vốn khi TCTD đáp ứng đủ các điều kiện. Mức tái cấp vốn đối với TCTD trên cơ sở mệnh giá trái phiếu đặc biệt do Thống đốc NHNN quyết định căn cứ vào mục tiêu điều hành chính sách tiền tệ, kết quả trích lập dự phòng rủi ro đối với trái phiếu đặc biệt và kết quả xử lý nợ xấu nhưng không vượt quá 70% so với mệnh giá trái phiếu đặc biệt.
Theo đại diện lãnh đạo NHNN, lộ trình thực hiện tái cơ cấu hệ thống ngân hàng trong năm 2013 như sau: (i) Hoàn thành sửa đổi, bổ sung các quy định an toàn hoạt động ngân hàng; (ii) tiếp tục triển khai lành mạnh hóa tài chính của các tổ chức tín dụng, bao gồm xử lý nợ xấu và tăng vốn điều lệ; (iii) triển khai cơ cấu lại hoạt động và quản trị; (iv) hoàn thành căn bản cơ cấu lại sở hữu, pháp nhân của ngân hàng thương mại cổ phần yếu kém; (v) hoàn thành cơ cấu lại các công ty tài chính và công ty cho thuê tài chính. Như vậy, sau khi được thành lập, việc sớm hoàn thiện phương thức hoạt động cho VAMC được coi là bước đi “thần tốc” của NHNN trong cuộc chiến chống nợ xấu.
Cũng theo NHNN thì: Nguyên tắc xử lý nợ xấu là huy động mọi nguồn lực trong xã hội và hạn chế sử dụng vốn ngân sách để xử lý nợ xấu. 5 nhóm giải pháp đồng bộ xử lý nợ xấu và phòng ngừa, hạn chế nợ xấu gia tăng trong tương lai cần triển khai từ nay đến năm 2015 được xác định gồm: nhóm giải pháp đối với TCTD, nhóm giải pháp đối với khách hàng của TCTD, nhóm giải pháp về cơ chế chính sách, nhóm giải pháp về thanh tra, giám sát và giải pháp thành lập Công ty Quản lý tài sản của các TCTD Việt Nam (VAMC) với sự tham gia rộng rãi của hệ thống các TCTD, khách hàng vay vốn và các cấp, các ngành, chính quyền các địa phương.
“VAMC hoạt động với nguyên tắc lấy thu bù chi, không vì mục tiêu lợi nhuận, công khai, minh bạch và hạn chế rủi ro, chi phí trong xử lý nợ xấu. Hành lang pháp lý liên quan đến xử lý nợ xấu qua VAMC đã cơ bản hoàn thành. Dự kiến, trong năm 2013, VAMC sẽ xử lý được từ 40 đến 70 nghìn tỷ đồng nợ xấu” - đại diện NHNN cho hay.
Theo báo cáo của các TCTD, tốc độ gia tăng nợ xấu đã giảm dần. Đến cuối tháng 7/2013, theo báo cáo của các TCTD, tổng nợ xấu của toàn hệ thống các TCTD là 138,98 nghìn tỷ đồng chiếm 4,58% tổng dư nợ.
TCTD có ngại hợp tác?
TS Nguyễn Trí Hiếu, UV HĐQT độc lập Ngân hàng TMCP Đại Dương (OceanBank) tỏ ý lo ngại về khả năng “gặp nhau” giữa VAMC cùng các TCTD. Dẫn chứng từ một số trường hợp TCTD không được "vững mạnh" đang tìm kiếm các đối tác nước ngoài, TS Hiếu băn khoăn về khả năng minh bạch sổ sách của nợ xấu nội tại mỗi TCTD. Tuy nhiên, song song với việc tìm kiếm đối tác chiến lược nước ngoài, liệu các TCTD có dám công khai nợ xấu của mình cho VAMC? Khả năng đó không cao, nhưng theo tôi, nếu không sớm minh bạch, các TCTD chỉ càng đưa mình vào thế khó. Các nhà đầu tư nước ngoài không ngây thơ mỗi khi cầm ngoại tệ đến Việt Nam tìm kiếm cơ hội. Nếu mọi việc bại lo thì đó sẽ là kết cục rất không có lợi." Trên thực tế, VAMC đã có trong tay "Thượng phương bảo kiếm", vấn đề là TCTD nào dũng cảm đứng lên tuyên bố là người "khai trương" mà thôi.
TS Hiếu cũng cho rằng, 2 vấn đề tích cực nhất thấy ngay: Thứ nhất là việc không yêu cầu nợ xấu muốn bán phải đảm bảo bằng 65% bằng bất động sản như trong dự thảo trước đây. Điều này sẽ tạo thuận lợi hơn nhiều cho các TCTD trong bán nợ xấu; thứ hai là, tỷ lệ chiết khấu tối đa là 70% của trái phiếu đặc biệt, cao hơn nhiều so với dự thảo trước đó. Điều này cũng rất phù hợp, khuyến khích bán nợ cho VAMC. Một trong những cách thức để giải quyết vấn đề này là cần trao cho VAMC một uy quyền rộng rãi hơn để xử lý các TSĐB. Theo đó, những quyết định của VAMC cần mang tính pháp lý như một phán quyết của tòa án.
Nhưng dù thế, hay thông thoáng hơn nữa, mọi người vẫn hồi hộp chờ ngày VAMC nhận được đơn hàng đầu tiên!?
Lê Tùng
-
Nghiên cứu, sửa đổi toàn diện Luật Ngân sách nhà nước
-
Hội đồng Vàng thế giới: Dòng tiền đầu tư đang chảy mạnh vào vàng
-
Phê duyệt khung giá phát điện cho nhà máy điện mặt trời
-
Tin Thị trường: Giá dầu thế giới hôm nay tiếp tục giữ sắc đỏ
-
Bản tin Năng lượng Quốc tế 11/4: Equinor dự báo giao dịch dầu khí yếu trong Quý I