Chính sách thuế sẽ “cứu” được doanh nghiệp?
Hiệu ứng khiêm tốn
Trong một cuộc tọa đàm nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp (DN) do VCCI (Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam) tổ chức vừa qua, các chuyên gia và DN đều cho rằng, chính sách thuế vẫn là giải pháp căn bản giúp DN vượt qua khó khăn hiện nay.
7 tháng đầu năm 2013 đã qua đi, nhờ việc triển khai các giải pháp, chính sách hỗ trợ và thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, nhất là các giải pháp trong Nghị quyết số 01/NQ-CP và số 02/NQ-CP ngày 7/1/2013 của Chính phủ, nền kinh tế đã có những chuyển biến tích cực bước đầu: tăng trưởng GDP quý II cao hơn quý I; sản xuất công nghiệp đã bắt đầu có chuyển biến, tồn kho giảm dần; sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản tiếp tục phát triển nhưng tốc độ chậm lại và còn nhiều khó khăn; số DN đăng ký thành lập mới đã được cải thiện và số DN giải thể giảm dần so với cùng kỳ các tháng trước đó...
Các giải pháp về thuế không thể thỏa mãn được nhu cầu của tất cả các doanh nghiệp
Như vậy, có thể thấy các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh đã dần phát huy tác dụng, niềm tin của nhà đầu tư vào nền kinh tế vĩ mô đã có những chuyển biến hơn. Tuy nhiên, ở hầu hết các ngành, các lĩnh vực đều còn rất nhiều khó khăn, thách thức. Vấn đề tồn kho, nợ xấu vẫn tiếp tục là mối lo ngại, ảnh hưởng trực tiếp tới dòng tiền của DN trong thời gian tới. Chính sách nới lỏng tiền tệ, chính sách tài khóa và các chính sách hỗ trợ (miễn, giảm, gia hạn thuế) cho DN vẫn được nhìn nhận là chưa đạt được như kỳ vọng. Biến động tỷ giá và xu hướng lãi suất vẫn đang là mối quan tâm và là mối lo hàng đầu của DN.
Đánh giá tác động các giải pháp đồng bộ từ Nghị quyết 01 và 02 của Chính phủ trong việc tháo gỡ khó khăn của DN thời gian qua, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cho rằng, nó đã và đang có kết quả bước đầu, điển hình như việc miễn giảm thuế, hoãn tiền thuê đất... Ở các địa phương, quỹ bảo lãnh tín dụng cho DN vừa và nhỏ cũng là một trong những hoạt động nhằm hỗ trợ DN. Tuy nhiên, theo ông Doanh, việc triển khai đề án của các bộ còn chậm và chưa đồng đều. Ông Doanh dẫn chứng, đề án giải quyết nợ xấu cho đến ngày 29/7 vừa rồi mới được khởi động. Gói trợ giúp bất động sản với 30 ngàn tỉ đồng có vẻ nhanh hơn khi giải ngân cho DN.
“Nhưng với các hộ dân thì vấn đề thủ tục như hợp đồng mua nhà mới được vay tín dụng, quy định về thu nhập thấp, nhiều yêu cầu xác nhập của địa phương thì triển khai vẫn chậm. Do đó, sơ bộ hiện gói này mới giải ngân được 11 tỉ đồng với 56 hộ dân tiếp cận được”, ông Doanh nói.
Đồng tình với quan điểm này, ông Hoàng Văn Quyết, Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư tài chính và Xây dựng Việt Nam cho rằng, tình trạng trên là do các giải pháp còn mang nặng tính hành chính.
“Ngay như việc ra đời của Công ty Quản lý tài sản Quốc gia - VAMC, chủ trương được đưa ra từ rất lâu rồi nhưng việc triển khai còn nhiều hạn chế. Và hiện nhiều ý kiến còn lo lắng VAMC không khéo sẽ thất nghiệp”, ông Quyết cho hay.
Theo TS Nguyễn Minh Phong, Phó ban Tuyên truyền lý luận Báo Nhân Dân, thời điểm này mới có khoảng 20% số DN đã cảm nhận được những hỗ trợ tích cực từ những chính sách và 25% số DN bắt đầu cảm nhận được những cơ hội thị trường mới.
Rõ ràng, hiệu ứng tích cực của các giải pháp hỗ trợ DN vẫn còn khiêm tốn do những hạn chế từ mức độ, quy trình, đối tượng hỗ trợ cũng như từ bản thân những tồn tại, hạn chế của DN trong định hướng tái cấu trúc.
Nên kiểm soát thu thuế
Trong những giải pháp được đề cập, nhiều ý kiến đều khẳng định, các chính sách về thuế vẫn là giải pháp trực diện và hữu hiệu nhất tháo gỡ khó khăn cho cộng đồng DN trong những tháng cuối năm.
Ông Nguyễn Đình Trung, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư Kinh doanh Địa ốc Hưng Thịnh đã kiến nghị: Nên kiểm soát việc thu thuế, tăng lượng thu, giảm mức thu, nhằm đảm bảo công bằng cho các DN. Đồng thời, vừa tạo điều kiện cho DN làm ăn có lãi giúp tăng nguồn thu cho ngân sách Nhà nước.
“Hiện nay có nhiều DN kinh doanh khách sạn du lịch lượng thu nhiều nhưng hóa đơn không có. Vấn đề ở đây vẫn là làm sao để đảm bảo công bằng giữa các DN với nhau. Vì vậy nên chăng cơ quan thuế phải có mức thu hợp lý, giảm tỷ lệ thu thuế cho DN”, ông Trung bày tỏ.
Riêng với khoản thu trong lĩnh vực bất động sản, ông Trung tỏ ra khá bức xúc bởi sự thiếu nhất quán: “Lúc thì thu chỉ 2% nhưng có khi thì thu 25% trên chứng từ gốc và thông thường cơ quan thu thuế luôn chọn cách an toàn nhất là thu thuế ở mức cao nhất”. Điều này, theo ông Trung, vô hình trung tạo cho người tiêu dùng tâm lý ức chế và DN cũng không muốn tham gia đầu tư. Vì đầu tư thế nào cũng lỗ, không lỗ vì giá xuống thì cũng lỗ vì thuế.
Trong khi đó, ông Lê Đăng Doanh lại cho biết, tình trạng khoản thu ngoài thuế tại các DN đang là một số thu rất lớn: “Như một DN đã thống kê, họ có đến 100 địa chỉ phải đóng góp chi tiêu. Theo tôi, phải giảm mức chi tiêu ngoài, như vậy thì các DN mới có thể cạnh tranh được”.
Đánh giá các giải pháp về thuế đưa ra vừa qua là một sự cố gắng của Chính phủ, tuy nhiên, ông Hoàng Văn Quyết cho biết, nhiều DN cho rằng, giảm thuế cho DN là tốt nhưng với những DN đã không có lợi nhuận thì việc giảm cũng không có tác dụng gì. “Tại sao có nhiều DN ma mua bán hóa đơn đến thế? Đó là từ thực tế và là phản ứng từ phía DN khi mà thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) vẫn giữ mức cao. Theo tôi nên giảm thuế TNDN xuống nữa, rơi vào khoảng 15% thì hợp lý”, ông Quyết đề xuất.
Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư tài chính và Xây dựng Việt Nam cho rằng: Hiện tại, Việt Nam đang tạo ra cơ chế hành chính cồng kềnh gây áp lực cho DN. Để đảm bảo cho sự cạnh tranh, thu đủ và thu đúng thuế thì việc giảm thuế TNDN là một yêu cầu cấp bách.
Ông Nguyễn Văn Phụng, Phó vụ trưởng Vụ Chính sách thuế (Bộ Tài chính) cũng thừa nhận, các giải pháp về thuế không thể thỏa mãn được nhu cầu của tất cả các DN. Bởi còn tùy thuộc quy mô DN mà có thể họ không được hưởng hoặc được hưởng gói ưu đãi thấp hơn mức mà họ mong muốn. “Chúng ta cần sự chia sẻ giữa Nhà nước và DN trên nhiều góc độ”, ông Phụng bày tỏ.
Với những khoản thu ngoài thuế, đại diện Bộ Tài chính khẳng định, cơ quan thuế đang kiên quyết xóa bỏ khoản thu ngoài thuế, ngoài luật. Nếu tại địa phương nào, cá nhân nào lấy danh nghĩa cơ quan Nhà nước để đòi hỏi DN phải nộp những khoản không có trong quy định của luật pháp thì DN phải kiên quyết đấu tranh.
Ông Phụng cũng đồng tình với các diễn giả về việc phải có mức thuế hợp lý để cạnh tranh với các nước trong khu vực có điều kiện tương đồng. Tuy nhiên, DN có lãi thì mới nộp thuế thu nhập nên mức thuế cao hay thấp chỉ là một phần vấn đề. Do đó, trước hết cần tính đến các chi phí được trừ để tính ra số thu nhập để tính thuế.
Vũ Trà
-
Quy hoạch điện VIII điều chỉnh: Phát triển tối đa các nguồn điện từ năng lượng tái tạo
-
ĐHĐCĐ FECON (FCN): Tham vọng vươn tầm với doanh thu 5.000 tỷ đồng năm 2025
-
Tin Thị trường: Giá dầu thế giới duy trì sắc đỏ phiên đầu tuần
-
Giá dầu hôm nay (28/4): Dầu thô tăng trong phiên giao dịch đầu tuần
-
Ấn Độ cho phép đầu tư nước ngoài vào các nhà máy điện hạt nhân?