Mỏi mòn chờ hỗ trợ, doanh nghiệp khắp nơi "kêu cứu"!

11:19 | 25/05/2013

630 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Nửa năm 2013 đã gần trôi qua, những văn bản đề nghị "ứng cứu" từ những doanh nghiệp mấp mé bờ vực phá sản vẫn tới tấp gửi đến các cơ quan quản lí.

 

Độ trễ của chính sách đang khiến nhiều doanh nghiệp lâm cảnh khó khăn.

Không “cứu” sẽ phá sản

Năm 2008, Công ty CP Phát triển đầu tư Xây dựng và Du lịch An Phú Thịnh đã kí kết hợp đồng BOT (xây dựng-kinh doanh-chuyển giao) dự án Trung tâm thương mại Chợ Lớn Quy Nhơn và dự án Chợ Lớn Mới Quy Nhơn với UBND thành phố Quy Nhơn (Bình Định). Năm 2011, dự án đi vào hoạt động.

Tuy nhiên, do các dự án được khánh thành đi vào hoạt động trong bối cảnh chịu ảnh hưởng suy thoái kinh tế, cho nên bình quân mỗi tháng doanh nghiệp này phải bù lỗ hơn 4 tỉ đồng. Hiện doanh nghiệp đang đứng trước nguy cơ phá sản. Để tháo gỡ bế tắc, đầu tháng 5, Hội đồng quản trị Công ty đã đề nghị UBND tỉnh Bình Định đồng ý cho gia hạn thêm thời gian hoạt động của dự án Trung tâm thương mại Chợ Lớn Quy Nhơn lên 70 năm (thay vì 50 năm) kể từ ngày giao đất 5/9/2008 và thời gian khai thác kinh doanh của dự án lên 68 năm (thay vì 48 năm) kể từ ngày 19/12/2011.

Còn ở Quảng Ngãi, báo cáo của Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Quảng Ngãi cho thấy: Từ đầu năm 2011 đến hết quý I/2013, các doanh nghiệp khai thác đá làm vật liệu xây dựng trên địa bàn Quảng Ngãi đã phải giảm công suất xuống còn 20-30% nhưng sản phẩm tồn kho vẫn không hề giảm. 

Lượng sản phẩm tồn kho lớn, kinh doanh thua lỗ khiến nhiều doanh nghiệp phải sản xuất cầm chừng hoặc dừng sản xuất, thậm chí đứng bên bờ vực phá sản. Người lao động tại các doanh nghiệp này phải nghỉ chờ việc không hưởng lương chiếm trên 70%.

Mặt khác, các doanh nghiệp đã phải vay vốn ngân hàng với số tiền lên đến hơn 500 tỉ đồng để đầu tư cho 26 dự án khai thác mỏ ở Quảng Ngãi. Hiện nay, đã đến hạn phải trả nợ ngân hàng cả gốc và lãi. Nếu không có biện pháp tháo gỡ kịp thời cho các doanh nghiệp thì chắc chắn đến sau năm 2014, các doanh nghiệp này sẽ lâm vào cảnh nợ nần và có nguy cơ phá sản cao.

Trước tình hình đó, ngày 13/5 UBND tỉnh Quảng Ngãi đã phải có văn bản gửi Bộ Xây dựng, đề nghị Bộ Xây dựng báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép xuất khẩu 5 triệu m3 đá xây dựng có kích thước từ 60-450mm sang thị trường Singapore từ nay đến năm 2020.

Khó khăn, mỗi ngành đều có lí do để xin hỗ trợ. Ngành cao su cũng không ngoại lệ.

Đầu tháng 5, Hiệp hội cao su Việt Nam đã có công văn số 119/HHCS gửi Bộ NN&PTNT kiến nghị miễn thuế xuất khẩu cao su thiên nhiên. Theo đó, khủng hoảng tài chính toàn cầu đã làm ngành cao su điêu đứng. Giá xuất khẩu cao su thiên nhiên từ mức đỉnh 4.562 USD/tấn vào tháng 2/2011 đã "tụt dốc không phanh" xuống 2.685 USD/tấn vào quý I/2013.

Thị trường tiêu thụ cao su bị thu hẹp trong khi nguồn cung cao su vẫn tiếp tục tăng, dẫn đến cạnh tranh mạnh mẽ giữa các doanh nghiệp và các nước xuất khẩu cao su. Hiện nay, năng lực cạnh tranh sản phẩm cao su Việt Nam so với những nước trong khu vực không có thuế xuất khẩu đối với cao su hoặc thuế thấp hơn. Các doanh nghiệp có xu hướng giảm hoặc ngưng sản xuất hai chủng loại có thuế xuất khẩu là mủ cao su tự nhiên đã hoặc chưa tiền lưu hóa, cao su hỗn hợp.

Vẫn phải chờ

Trước "lời khẩn cầu" của Công ty An Phú Thịnh, ngày 20/5, UBND tỉnh Bình Định đã chỉ đạo các ngành chức năng xem xét, báo cáo phương án giải quyết trước ngày 30/5.

Còn với đề nghị miễn thuế của Hiệp hội Cao su, Bộ NN&PTNT đã có quan điểm đồng tình và ngày 20/5 bộ này đã có văn bản đề nghị Bộ Tài chính xem xét giải quyết. Phải nói thêm rằng, năm 2011, Bộ Tài chính đã không đồng tình với đề nghị giảm thuế xuất khẩu của Hiệp hội Cao su Việt Nam.

Còn đề nghị của UBND tỉnh Quảng Ngãi cho đến nay vẫn chưa thấy Bộ Xây dựng có hồi âm.

"Tiếng kêu" của công ty An Phú Thịnh hay của Hiệp hội Cao su Việt Nam và các doanh  nghiệp vật liệu xây dựng ở Quảng Ngãi có thể không phải là cá biệt trong nền kinh tế hiện nay. Điều băn khoăn là, Nghị quyết về tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường của Chính phủ đã có từ ngày 7/1/2013, vì sao đến cuối tháng 5, thị trường vẫn còn "rối như tơ vò"?

Giữa mùa hè nóng bỏng, Quốc hội đang họp để thảo luận các vấn đề "nóng rực" của nền kinh tế. Nhiều đại biểu tỏ ra "sốt ruột" trước hiện thực bi đát của doanh nghiệp, thị trường. Có đại biểu kêu gọi "phải tìm cách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh và đó phải là ưu tiên hàng đầu", đại biểu khác thì lên tiếng "việc vực dậy đang cấp bách lắm rồi". Thống thiết hơn, có người khẩn thiết "Hãy làm gì đi chứ".

Lương Thu Mai