“Bóng ma” tín dụng đen
Nguy cơ rình rập
Không ai có thể biết tín dụng đen xuất hiện từ bao giờ và khi nào mới chịu... thôi “đụng chạm” đến xã hội văn minh. Chỉ biết rằng người chơi (đi vay và cho vay) đều chấp nhận tín dụng đen như một phần của công việc kinh doanh hàng ngày.
Chắc mọi người chưa quên, hàng loạt vụ vỡ tín dụng “đen” cuối năm ngoái xảy ra trên nhiều địa phương phía Bắc. Nó vén mở một bức màn, hóa ra hệ thống ngân hàng chính ngạch hoàn toàn xa lạ với một bộ phận lớn dân doanh. Bởi thế, tín dụng đen vẫn song song tồn tại với ngân hàng là do thị trường chính thức không đáp ứng đủ vốn cho sản xuất, kinh doanh và nhu cầu của người dân.
Cho đến tận bây giờ, vốn từ ngân hàng vẫn cứ xa vời, họ không còn sự lựa chọn nào ngoài vay nóng lãi suất cao, nếu muốn có một khoản chi tiêu thường xuyên cho doanh nghiệp mình. “Khi tình hình nợ xấu tăng cao và tăng nhanh thế này, việc các doanh nghiệp cậy nhờ tín dụng đen để đáo hạn các khoản vay hoặc trả lãi ngân hàng là điều hoàn toàn có thể xảy ra” - nữ giám đốc chi nhánh một ngân hàng quốc doanh thú nhận - “Tất nhiên đó là điều bản thân ngân hàng chúng tôi không hề muốn. Chắc chắn là doanh nghiệp nhờ đến tín dụng đen 1-2 lần mà tình hình sản xuất kinh doanh không được cải thiện thì chỉ có nước phá sản, vỡ vụn. Lúc đó Ngân hàng còn mất luôn cơ hội thu lại khoản vay của doanh nghiệp đó, bởi nó đã rơi xuống nhóm có nguy cơ mất trắng rồi”.
Vị nữ giám đốc trên thừa nhận, cũng có tình trạng nhân viên tín dụng của các ngân hàng lợi dụng tình hình cố tình gây khó dễ, rồi gạ gẫm khách hàng vay bằng tiền riêng cá nhân lãi suất thấp hơn tín dụng đen và cao hơn ngân hàng một vài %. Anh Trọng Minh, Ủy viên HĐQT Công ty đệm Sochi Vietnam than thở: “Với tình trạng tồn kho và ế ẩm như hiện tại, nếu không huy động kịp tiền mặt từ bạn bè và người thân để trả lãi ngân hàng, không biết chừng doanh nghiệp phải “mò” đến tín dụng đen mất. Báo chí, các phương tiện truyền thông nói mãi rồi, nhưng quả thật chúng tôi không sao tiếp cận được vốn của ngân hàng. Họ luôn thường trực một lời hẹn mà không biết bao giờ mới có hồi kết. Họ không dám cho ai vay vào lúc này...”.
Chuyên gia kinh tế cao cấp Lê Đăng Doanh cho rằng, nợ xấu là mầm bệnh và đây chính là nguyên nhân khiến tín dụng “đen” có thể sẽ bùng phát và có cơ hội lây lan nhanh như từng xảy ra cuối năm 2011. “Thị trường tín dụng đen còn rơi rớt từ năm 2011, bởi vậy việc Ngân hàng Nhà nước áp trần lãi suất dưới lạm phát (lãi suất huy động 11% so với mức lạm phát 13% dự kiến cho hai năm 2011 và 2012), hay gọi cách khác là lãi suất “âm” chính là nguyên nhân khiến nhiều người cho rằng, đồng nội tệ đang mất giá”. Người sẵn tiền, lại nghe lời dụ ngon ngọt của những kẻ đâm đầu vào bất động sản và chứng khoán, lao vào tín dụng “ngoài luồng”. Đó là ảnh hưởng đầu tiên lên hệ thống ngân hàng vừa non trẻ, lại đang trong quá trình tích lũy. Điểm đặc biệt nữa là đa số các đối tượng làm tín dụng “đen” chỉ là cá nhân, tức là họ vay để cho vay nên cũng dễ dàng thao túng khách hàng vốn đang phát sốt vì bị ngân hàng thúc nợ.
Khi nền kinh tế lâm vào khủng hoảng, vay - mượn tín dụng vỡ như bong bóng, thì các khoản nợ dây dưa ngày càng nhiều. Đã có tín dụng đen thì ắt phải có cách đòi nợ theo kiểu xã hội đen, đó là điều phức tạp nhất của mảng tối này. Đó là một thực tế đáng buồn bởi khi mở cửa với thế giới, chúng ta không thể để cho không gian phi-luật-pháp lan rộng và tự tung tự tác chi phối một phần nền kinh tế quốc dân như vậy được.
Trong nền kinh tế thị trường, quan hệ nợ - trả được coi là hoạt động tất yếu của các giao dịch kinh tế và phân công lao động. Quan hệ nợ - trả thường được ràng buộc bởi các điều khoản về nghĩa vụ hoàn trả vốn và lãi. Những thoả thuận này được thể hiện bằng các hợp đồng vay mượn hoặc hợp đồng tín dụng. Khi quan hệ nợ - có được luật hóa và được tôn trọng là điều cần thiết cho một nền kinh tế lành mạnh. Tuy nhiên, đời sống thương trường không phải lúc nào cũng diễn ra như mong muốn, thế mới có chuyện nợ quá hạn, nợ khó đòi, nợ xấu.
Chuyên gia tài chính ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu phân tích, đặc điểm chính của tín dụng “ngoài luồng” là tính rủi ro cao, do không dựa trên các tài sản thế chấp mà chủ yếu dựa vào tín chấp. Vì lẽ này mà lãi suất huy động (được các phương tiện thông tin đại chúng đề cập hàng ngày – PV) thường cao hơn nhiều so với lãi suất vay từ các ngân hàng. Trong điều kiện thị trường ổn định, việc lãi suất huy động cao luôn là sức hấp dẫn lớn khiến nhiều người có tiền sẵn sàng chấp nhận các rủi ro để kiếm lời theo kiểu “lướt sóng nhỏ lẻ”.
Sớm xử lý nợ xấu
PGS-TS Nguyễn Thị Mùi khẳng định, chúng ta phải sớm công khai, minh bạch hóa nhóm ngân hàng gây nên nợ xấu khủng khiếp của toàn hệ thống để từ đó Chính phủ đưa ra những quyết sách mang tính dứt khoát. “Hiện tại, thông tin được đưa ra chỉ là tương đối (trên 200.000 tỉ đồng nợ xấu) chứ chưa biết khu vực doanh nghiệp (nhà nước, tư nhân, liên doanh, công ty 100% vốn nước ngoài...) nào đang nợ nhiều nhất, nợ ở cấp độ nào và những Ngân hàng nào đang gánh số nợ này. Phải minh bạch, công khai những con số trên thật chi tiết thì chúng ta mới giải quyết được. Nếu không nguy cơ tín dụng đen bao trùm trở lại là rất lớn.
Trong buổi trao đổi với báo giới về nợ xấu mới đây, Ngân hàng Nhà nước đưa ra hai con số. Thứ nhất, theo báo cáo của chính các tổ chức tín dụng, đến 31/5/2012, nợ xấu của hệ thống chỉ là 4,47%, trong khi ở thông số thứ hai, giám sát từ xa của Ngân hàng Nhà nước khẳng định, nợ xấu của hệ thống là 7,2%. Có lẽ con số thứ hai tin cậy hơn. Vấn đề còn lại là trong con số đó, nhóm ngân hàng nào chiếm tỉ trọng lớn nhất?
Báo cáo chuyên đề của bộ phận nghiên cứu một ngân hàng thương mại vừa công bố có những dữ liệu cơ bản khá chi tiết. Ở cách tính của Ngân hàng Nhà nước, dữ liệu cập nhật đến 31/5/2012 cho thấy, khối ngân hàng thương mại nhà nước chiếm quá nửa “cục máu đông” nợ xấu, chiếm tỉ trọng tới 50,5%; nhóm thứ hai là khối thương mại cổ phần với 27,8%; nhóm ngân hàng nước ngoài chiếm khá nhỏ (do sự hạn chế về quy mô) với 4,2%; nhóm các tổ chức tín dụng khác chiếm 17,5%. Ở phân vùng thứ hai từ chính các tổ chức tín dụng, dữ liệu cập nhật đến 31/3/2012 cho thấy, nhóm G14 choán một phần rộng lớn của “miếng bánh”, chiếm tới 62%; đáng chú ý là nhóm ngân hàng “có vấn đề” chiếm 10%; nhóm còn lại chiếm 28%.
“Nợ xấu là tắc nghẽn duy nhất của dòng chảy tín dụng trong nền kinh tế. Càng sớm tái cơ cấu ngành ngân hàng ngày nào, cơ hội ổn định kinh tế - xã hội sẽ càng rõ rệt hơn trong điều tiết của Chính phủ”, chuyên gia Nguyễn Thị Mùi khẳng định.
Hữu Tùng
Báo Năng lượng Mới số 143, ra ngày 3/8/2012
-
Tin tức kinh tế ngày 26/4: Giảm 30% tiền thuê đất trong năm 2025
-
Những sự kiện nổi bật trên Thị trường Năng lượng Quốc tế tuần từ 21/4 - 26/4
-
Thời điểm xác định giá đất đối với quỹ đất thanh toán hợp đồng BT tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm
-
Tin tức kinh tế ngày 25/4: Quy mô thương mại điện tử Việt Nam tăng trưởng hơn 25%
-
Giá dầu hôm nay (25/4): Dầu thô tăng trong phiên