Bị nghi "làm đẹp" sổ sách: Chủ tịch SHB nói gì?

11:34 | 05/04/2013

1,521 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Tháng 9/2012, nợ xấu của Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn – Hà Nội (SHB) là 13,2% nhưng đến cuối năm đã giảm xuống còn 8%. Chủ tịch Hội đồng Quản trị SHB Đỗ Quan Hiển đã lên tiếng về kết quả này.

Nợ xấu của SHB sẽ giảm xuống dưới 5% trong năm 2013.

Kể từ ngày chấp nhận cho Habubank sáp nhập và tham gia vào “chiến dịch” tái cấu trúc Công ty cổ phần Thủy sản Bình An (Bianfishco), kết quả kinh doanh của SHB luôn trong tình trạng hết sức khó khăn. Bianfishco được giới đầu tư nhắc tới như là cục nợ khó gỡ của SHB.

Chính vì vậy, tính đến hết tháng 9/2012, SHB được xem là một trong những ngân hàng có tỉ lệ nợ xấu cao nhất cả nước và không ít người bày tỏ lo ngại về khả năng thành công trong “chiến dịch” tái cấu trúc Bianfishco. Vấn đề này tiếp tục nổi lên khi trước thềm đại hội cổ đông thường niên của SHB, không ít nhà đầu tư đã băn khoăn đặt câu hỏi: Có hay không việc SHB đã làm “trò” với sổ sách, từ đó giảm tỉ lệ nợ xấu.

Xung quanh câu hỏi này, ông Đỗ Quang Hiển đã chính thức lên tiếng nhấn mạnh: Tôi kỳ vọng nợ xấu năm 2013 của SHB sẽ dưới 5%, vì tôi đã báo cáo trước đại hội rằng, chỉ cần tập trung vào 10 khách hàng lớn chiếm 70% nợ xấu của Habubank sẽ khiến nợ xấu giảm mạnh.

Theo đó, khi nói về những nghi vấn của nhà đầu tư, ông Hiển cho biết: Nếu chỉ nhìn bên ngoài thì có vẻ như vậy, nhưng nếu nhà đầu tư tìm hiểu và hiểu rõ hơn về nợ xấu của Haubank, họ sẽ thấy rằng nợ xấu của Habubank tập trung ở một số doanh nghiệp lớn, chiếm 65-70% nợ xấu nợ quá hạn của ngân hàng này. Do đó chúng tôi chỉ cần xử lý 2-3 doanh nghiệp lớn thì tỷ lệ nợ xấu đó giảm đi rất nhiều.

Chúng tôi xếp thứ tự tập trung xử lý các khoản nợ xấu nhưng ưu tiên xử lý các khoản nợ lớn, doanh nghiệp lớn trước, như doanh nghiệp giấy Mỹ Hương, công ty cà phê, công ty hạt điều, chỉ cần 3-4 công ty đã hơn 2000 tỉ. Các doanh nghiệp này đầu tư sản xuất nhà máy thiết bị quy mô hiện đại, đầu vào đầu ra thị trường tốt, nhưng do quản trị yếu kém và do nợ quá hạn nhưng ngân hàng ko cho vay lập tức thành nợ xấu. SHB vào tái cấu trúc cho họ hoạt động trở lại và hiện nay họ đang sản xuất ổn định, dòng tiền doanh thu đều đều.

Ông Hiển khẳng định: Chỉ cần xử lý 3-4 doanh nghiệp lớn sẽ khiến nợ xấu đang từ 13% xuống 8%, hoàn toàn không có gì bất ngờ cả.

Được biết, theo báo cáo tài chính hợp nhất năm 2012 của SHB, lợi nhuận sau thuế của SHB là 1.686,8 tỉ đồng, lỗ lũy kế do Habubank chuyển giao khi sáp nhập là 1.660,8 tỉ đồng. Như vậy, tính chung sau khi sáp nhập, lợi nhuận còn lại của SHB chỉ là 26 tỉ đồng.

Cũng theo báo cáo trên thì tổng tài sản của ngân hàng này tính đến 31/12/2012 là 116,54 ngàn tỉ đồng.

Thanh Ngọc