Bất lực với giá sữa

11:00 | 02/04/2013

730 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Từ đầu năm 2013 đến nay, giá sữa được các hãng liên tục tăng. Người dân thì khốn khổ khi phải chạy đua theo giá, còn các cơ quan quản lý chỉ biết đứng nhìn.

 Chạy đua cùng giá sữa

Theo ghi nhận từ thị trường, tính từ đầu năm đến nay, giá sữa và các sản phẩm sữa liên quan đến sữa đã tăng 3 lần. Trong đó, phổ biến nhất là những sản phẩm sữa ngoại có mức tăng trung bình từ 7%%-15% (tăng khoảng 30.000-50.000 đồng/sản phẩm) như sữa Gain Plus IQ (Abbott) 900 gram giá từ 430.000 đồng/hộp nay lên 474.000 đồng/hộp.

Chị Nguyễn Thị Hồng, chủ cửa hàng sữa tại đường Nguyễn Thông, Q.3 (TPHCM) thừa nhận: Việc các sản phẩm sữa tăng giá đầu năm vốn đã trở thành quy luật nhưng với biên độ tăng liên tục 3 lần trong 3 tháng đầu năm là hiếm và nó đã khiến nhiều người than phiền vì thu nhập của họ không theo kịp giá sữa.

“Không ít trường hợp khách hàng đã chuyển từ sữa ngoại sang sữa nội cho con vì không đủ khả năng lo tiền sữa khi giá cả mặt hàng này không có dấu hiệu đứng yên” - chị Hồng cho biết.

https://cdn-petrotimes.mastercms.vn/stores/news_dataimages/hoangchienthang/042013/02/10/IMG_1222.jpg

Người dân khốn khổ khi sữa liên tục tăng giá

Có hai nguyên nhân mà các công ty sữa đưa ra lý giải cho việc tăng giá sữa đó là chi phí nguyên vật liệu đầu vào tăng và chi phí bao bì mẫu mã sản phẩm thay đổi. Song khi đặt vấn đề liệu việc tăng giá sữa có xuất phát từ nhà sản xuất thì các doanh nghiệp nhập khẩu sữa đều im lặng. Còn người tiêu dùng thì vẫn phải hứng chịu sự tăng giá vô lý bởi nhu cầu sử dụng sữa của con họ là không thể thiếu.

Trong tình cảnh đuối sức với cuộc chạy đua về giá như hiện nay, không ít gia đình đã phải chọn những giải pháp tình thế như là dùng sữa nội với giá cả phù hợp hoặc cắt giảm bớt khẩu phần sữa của con.

“Giá các mặt hàng khác có lúc lên rồi xuống nhưng giá sữa thì lên rồi thì không hề dừng lại. Thu nhập của vợ chồng tôi dù có cố gắng cũng không thể đáp ứng nhu cầu sữa cho con. Chỉ còn cách là cho con uống ít lại chứ cứ đà tăng giá này thì chúng tôi không còn khả năng mua sữa cho con” - chị Phạm Minh Huệ, Q. Tân Bình than thở.

Cơ quan quản lý “bó tay”

Trong khi giá cả các sản phẩm sữa  tiếp tục leo thang thì cơ quan quản lý cũng lại chỉ biết đứng nhìn một cách "bất lực".

Quy định của Luật Giá có nêu rõ, những mặt hàng sữa cho trẻ em dưới 6 tuổi mới thuộc diện bình ổn giá, các sản phẩm dinh dưỡng khác như thực phẩm bổ sung, sữa chua, sữa đầu nành là những sản phẩm dinh dưỡng và không thuộc danh mục này.

Nhưng quy định trên đã không được thực thi nghiêm túc khi hầu hết các sản phẩm sữa cho trẻ em có mặt trên thị trường hiện nay, kể cả trẻ em dưới 6 tuổi đều được ghi nhãn với tên gọi chung là “sản phẩm dinh dưỡng”, hoặc không ghi nhãn. Vấn đề này đã từng được Bộ Tài chính nêu ra và yêu cầu Bộ y tế chuẩn hóa tên gọi các sản phẩm dinh dưỡng, đồng thời, xem xét đưa mặt hàng này vào diện bình ổn giá. Tuy nhiên đến thời điểm này vẫn chưa có một động thái nào để đưa sản phẩm này về một mối chung để tiện quản lý.

Bên cạnh đó, theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với sản phẩm sữa bột là độ đạm phải trên 34%, trong khi nhiều nước quy định 10%-15%. Điều này đã tạo điều kiện cho các hãng kinh doanh sữa nhập nguyên liệu về kê khai là “sữa bột” để chịu mức thuế 3%-5%, rồi sau đó pha thêm các chất dinh dưỡng, hương liệu… và đổi thành thực phẩm dinh dưỡng, thực phẩm bổ sung. Như vậy, họ không phải đăng ký kê khai giá với cơ quan chức năng.

Về phía Cục Quản lý giá (Bộ tài chính), đơn vị này cho biết, kể từ đầu năm đến nay đã nhận được thông báo  thay đổi giá  của 4 công ty. Tuy nhiên các mặt hàng này đều không có sản phẩm nào có tên là “sữa”! Vì vậy, các công ty chỉ việc gửi thông báo tăng giá và cơ quan chức năng không thể can thiệp. Lẽ dĩ nhiên, mặc cho từ đầu năm nay các hãng kinh doanh sữa đã 3 lần tăng giá nhưng đơn vị này vẫn chưa xử lý được vụ việc nào.

Ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) cho biết: Do sản phẩm dinh dưỡng không nằm trong danh mục được bình ổn giá nên không bắt buộc đăng ký khi tăng giá. Còn về việc các sản phẩm liên quan đến sữa trong thời gian qua bị tăng giá thì cần phải có một quy chuẩn chung về tên gọi để tránh việc doanh nghiệp lợi dụng tên gọi để lên giá một cách vô lý.

Như vậy, việc phủ định tên gọi của các sản phẩm sữa cộng với bộ quy chế được Bộ Y tế áp dụng từ năm 2001 và việc lợi dụng việc thay đổi mẫu mã bao bì thì các hãng kinh doanh sữa đã nghiễm nhiên bước chân qua ngưỡng danh mục các sản phẩm phải đăng ký giá của Bộ Tài chính. Từ đây giá sữa vượt ra khỏi sự quản lý của các cơ quan chức năng và trở thành ma trận như hiện nay.

Thùy Trang

  • top-right-banner-chuyen-muc-pvps