Bất an với vàng!

07:01 | 20/05/2013

363 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới lên tới gần 7 triệu đồng/lượng, vàng đấu thầu bị ế tới gần 70%, thị trường vàng đang khiến giới đầu tư lo lắng!

 

Thị trường vàng sẽ diễn biến như thế nào trong thời gian tới?

Theo ghi nhận trên thị trường vàng chiều ngày 17/5 – ngày diễn ra phiên đấu thầu vàng lần thứ 19 của Ngân hàng Nhà nước, trong khi giá vàng thế giới giảm 3 USD/Ounce, xuống còn 1.348 USD/Ounce thì vàng trong nước lại tăng nhẹ 30.000 đồng/lượng, lên 40,9 triệu đồng/lượng. Với mức giá nay, sau khi quy đổi theo tỉ giá giao dịch ngoại tệ của Vietcombank, mức chênh lệch giá vàng trong nước lên tới 6,8 triệu đồng/lượng - mức chênh lệch được xem là cao nhất từ trước đến nay.

Đáng chú ý, phiên đấu thầu vàng miếng lần thứ 19 cũng là phiên thứ 5 liên tiếp, vàng đấu thầu của Ngân hàng Nhà nước bị ế. Cụ thể, trong 26.000 lượng vào miếng được mang ra đấu thầu, Ngân hàng Nhà nước chỉ bán thành công vỏn vẹn 8.000 lượng cho 5 đơn vị, ế tới 18.000 lượng.

Nhìn nhận hiện tượng này, một nhà đầu tư vàng trên phố Trần Nhân Tông cho rằng: Trạng thái vàng của các ngân hàng đã được cân bằng, nhu cầu vàng trên thị trường không còn “nóng” như trước do các ngân hàng thương mại buộc phải gom đủ vàng để trả cho người gửi vàng đã đủ.

Nhận định này cũng là phù hợp với những phân tích mà Ngân hàng Nhà nước cũng như giới chuyên gia đưa ra để lý giải cho những vấn đề bất cập trên thị trường vàng thời gian vừa qua. Đặc biệt là khẳng định của Ngân hàng Nhà nước khi cho rằng, thị trường vàng sẽ ổn sau thời điểm 1/6 - thời điểm tất toán vàng gửi của các ngân hàng thương mại.

Áp lực này cũng đã được ông Đỗ Minh Phú - Tổng giám đốc Công ty Vàng bạc đá quý DOJI nhấn mạnh là nguyên nhân các ngân hàng thương mại sẵn sàng tham gia các phiên đấu thầu vàng miếng của Ngân hàng Nhà nước “nhiệt tình” dù mức giá có cao hơn giá thị trường. Và ông cũng cho rằng, thị trường sẽ sớm ổn định khi nhu cầu vàng tất toán của các ngân hàng thương mại được giải quyết.

Nói như vậy để thấy rằng, những diễn biến trên thị trường vàng thời gian vừa qua như vàng đấu thầu “cháy hàng”, giá vàng trong nước luôn cao... có nguyên nhân xuất phát từ nhu cầu tất toán vàng của các ngân hàng thương mại. Tuy nhiên, điều này cũng đang đặt ra một câu hỏi: Tại sao khi nhu cầu vàng trên thị trường hạ nhiệt, mà cụ thể trạng thái vàng của các ngân hàng thương mại đã được điều chỉnh, giá vàng trong nước không những giảm mà còn tạo lên mức chênh lệch kỷ lục với giá vàng thế giới như vậy.

Suốt thời gian qua, trước những diễn biến được xem là không ổn của thị trường vàng, đại diện của Ngân hàng Nhà nước đã nhiều lần lên tiếng khẳng định, mục tiêu trước mắt của cơ quan này đối với thị trường này là bình ổn thị trường vàng chứ không phải bình ổn giá. Tức là những giải pháp mà Ngân hàng Nhà nước đang áp dụng đang hướng tới mục tiêu tạo sự cân bằng trên thị trường và theo cách lý giải của cơ quan này, khi cung - cầu trên thị trường gặp nhau, giá vàng sẽ ổn!

Tuy nhiên, nếu chiếu theo cách lý giải này, Ngân hàng Nhà nước mới chỉ làm được một nửa. Thị trường vàng đúng là không còn sốt nóng, tăng giảm thất thường như trước, tình trạng chen lấn xô đẩy, làm náo loạn thị trường cũng không còn xuất hiện. Cung - cầu trên thị trường đang dần cân bằng và minh chứng rõ nét nhất là lượng vàng đấu thầu đã ế nhiều phiên liên tiếp. Các ngân hàng thương mại, các tổ chức tín dụng như vậy đã gom đủ lượng vàng cần thiết nhưng tại sao giá vàng không thể giảm!

Theo quan điểm của giới chuyên gia và chính Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình cũng đã cho rằng, nếu chênh lệch giá vàng cao hơn 400.000 đồng/lượng tức là vàng đang bị đầu cơ, thao túng. Vậy khi yếu tố mất cung - cầu trên thị trường vàng đã được giải quyết thì tại sao giá vàng trong nước không giảm, phải chăng vàng trong nước đang bị giới đầu cơ, thao túng, làm giá?

Đây là câu hỏi mà Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu  đã đặt ra cho thị trường vàng.

Thanh Ngọc