Bảo hiểm xã hội: Bó tay trước nợ xấu
>> Những chiêu trò trốn đóng bảo hiểm
Quá nhiều kẽ hở
Tình trạng chây ì, nợ đóng BHXH đang có chiều hướng gia tăng ở hầu hết các tỉnh thành trên cả nước, ngoài nguyên nhân do kinh tế khó khăn, còn có những nguyên nhân từ kẽ hở của luật pháp khiến tình trạng nợ đọng càng thêm nghiêm trọng.
Nhiều biện pháp mới, kiên quyết hơn nhằm giải quyết vấn đề này đã được đưa ra trong dự thảo Luật BHXH sửa đổi đang được lấy ý kiến để trình Quốc hội.
Nguyên nhân, theo Cơ quan BHXH Việt Nam, là do mức lãi suất chậm đóng BHXH thấp hơn mức lãi suất vay ngân hàng, nên nhiều doanh nghiệp chấp nhận chịu phạt để chiếm dụng tiền BHXH của người lao động. Trong khi đó, việc kiểm tra, xử phạt vi phạm hành chính còn hạn chế; các ngân hàng thương mại chưa thực hiện trích tiền từ tài khoản của doanh nghiệp nợ BHXH để đóng BHXH theo quy định vì không muốn mối quan hệ giữa ngân hàng và doanh nghiệp bị “tổn thương”. Một số tỉnh, thành phố không quyết liệt trong việc đòi nợ, xử lý những doanh nghiệp nợ BHXH vì sợ “tác động xấu” đến việc thu hút đầu tư. Tình trạng này đang làm ảnh hưởng rất lớn đến quyền lợi BHXH của hàng triệu lao động trên cả nước.
Rất nhiều người lao động không được chủ sử dụng mua BHXH
Theo báo cáo của BHXH Việt Nam, tính đến hết tháng 2/2013, lũy kế số nợ BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT) trên cả nước đã lên tới gần 10.400 tỉ đồng. Trong đó, nợ BHXH chiếm gần 7.800 tỉ đồng, nợ BHYT chiếm hơn 2.600 tỉ đồng.
Danh sách các doanh nghiệp nợ, trốn đóng BHXH ngày càng dài thêm, không chỉ tập trung ở các trung tâm kinh tế lớn như Hà Nội, TP HCM, Bình Dương... mà đang lan sang cả những địa phương nhỏ. Đơn cử tại Đồng Nai, nếu như cuối năm 2012, tổng số nợ BHXH chỉ bằng khoảng 2,8% trên tổng số thu (159 tỉ đồng), thì đến tháng 5/2013, con số này đã tăng hơn 2 lần, lên mức 338 tỉ đồng. Tại Hòa Bình, số nợ BHXH cũng nhảy vọt từ 13,6 tỉ đồng năm 2010 lên tới gần 111 tỉ đồng tính đến tháng 5/2013. Tương tự tại Quảng Bình, chỉ từ tháng 3 đến tháng 4/2013, số nợ BHXH tại địa phương này cũng tăng thêm 20 tỉ đồng, lên mức gần 94 tỉ đồng...
Điều nan giải hiện nay là dù các địa phương đều áp dụng biện pháp quyết liệt là khởi kiện các doanh nghiệp có số nợ lớn ra tòa, nhưng tỉ lệ nợ vẫn tăng lên. Dù đã có quyết định của tòa án nhưng việc thu nợ cũng không hề đơn giản.
Dễ kiện nhưng khó đòi
Khi danh sách và số nợ BHXH ngày càng tăng, cơ quan BHXH nhiều tỉnh thành buộc phải chọn cách kiện các con nợ ra tòa, nhưng ngay cả khi đã thắng kiện vẫn khó thu hồi nợ BHXH của doanh nghiệp.
BHXH Hà Nội cho biết, tính đến nay, tổng số tiền nợ đọng BHXH, BHYT và bảo hiểm thất nghiệp của 89 doanh nghiệp có thời gian nợ từ 24 tháng trở lên trên địa bàn Hà Nội đã lên tới gần 200 tỉ đồng. Phần lớn trong số này là các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xây dựng, giao thông, dệt may. Nhiều doanh nghiệp thậm chí đã nợ tới 3 năm với số tiền hàng tỉ đồng, đơn cử như: Công ty TNHH May mặc xuất khẩu VIT Garment nợ tới hơn 8,6 tỉ đồng; Công ty CP Cơ khí Xây dựng 121 - CIENCO 1 nợ 5,2 tỉ; Công ty CP cầu 5 Thăng Long nợ 6,3 tỉ; Công ty CP Xây dựng Công trình I nợ 3,6 tỉ đồng…
Trên đây chỉ là nêu ví dụ một vài đơn vị trong số rất nhiều doanh nghiệp trên địa bàn cả nước chây ỳ nợ. Thực tế, các cơ quan BHXH, cùng các cơ quan chức năng tuy đã nắm bắt được các hành vi vi phạm chậm nộp, trốn đóng BHXH, BHYT, BH thất nghiệp với nhiều thủ đoạn của người sử dụng lao động nhưng ngành BHXH lại không có chức năng xử lý vi phạm; nợ BHXH chỉ phải đóng thêm một khoản tiền lãi chậm đóng bằng lãi suất tăng trưởng quỹ đầu tư BHXH (xấp xỉ khoảng 10% năm), trong khi đó lãi suất vay mà doanh nghiệp phải trả cho ngân hàng thường gấp đôi so với mức lãi chậm đóng BHXH; mặt khác, chế tài đối với những doanh nghiệp không hoặc chậm đóng BHXH quá nhẹ. Doanh nghiệp vi phạm nặng chỉ bị phạt tối đa 75 triệu đồng, trong khi số nợ BHXH của doanh nghiệp có khi lên tới hàng tỉ đồng, thậm chí hàng chục, hàng trăm tỉ đồng…
Chính vì những lý do trên, tình trạng nợ đọng BHXH, BHYT ngày một nhiều. Mặc dù, cơ quan BHXH cũng đã áp dụng nhiều biện pháp thu hồi nợ như: đối chiếu, thông báo kết quả thực hiện đóng BHXH, BHYT hằng tháng, tính lãi phạt chậm đóng đối với các đơn vị, công khai danh tính trên các phương tiện thông tin đại chúng, tăng cường hiệu quả hoạt động của tổ thu hồi nợ liên ngành…
Có thể nói, với cơ quan BHXH, dù đã dùng hết cách mà vẫn không vãn hồi được cục diện bế tắc này. Cơ chế thu hồi nợ chưa đủ sức răn đe và có thể nói là chưa nghiêm khắc nên việc thu hồi nợ còn lắm gian nan. Tình trạng chây ỳ, nợ đọng BHXH, BHYT của nhiều doanh nghiệp vẫn tiếp diễn.
Đầu tháng 9 vừa qua, BHXH Việt Nam đã ban hành Công văn số 3441/BHXH-TĐKT phát động đợt thi đua thu và giảm nợBHXH, BHYT đến toàn thể BHXH các tỉnh, thành phố và các đơn vị trực thuộc BHXH Việt Nam. Trong đó có việc xét tặng các giải thưởng đối với đơn vị có nhiều thành tích trong thực hiện các biện pháp thu hồi nợ, phân tích nguyên nhân, khó khăn, thuận lợi, và đề ra các biện pháp giải quyết.
Tuy nhiên, có lẽ đây cũng chỉ là những nỗ lực của một phía, lợi ích của người lao động có được đảm bảo hay không còn phụ thuộc rất nhiều vào trách nhiệm của đơn vị sử dụng lao động và cơ bản nhất chính là cần có một chế tài đủ mạnh làm công cụ...
Theo Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, số người tham gia BHXH hiện nay gần 11 triệu người là số lao động mà các đơn vị, doanh nghiệp tự đăng ký và đóng. Số đối tượng thuộc diện phải tham gia bắt buộc là bao nhiêu thì các cơ quan chưa thống kê được. Báo cáo của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về kết quả điều tra tình hình thực hiện Luật BHXH bắt buộc năm 2012 thì số người tham gia chiếm trên 95% số lao động thuộc diện tham gia bắt buộc. Tuy nhiên, theo kết quả điều tra của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, tỷ lệ này chỉ đạt 67-70%. |
Diệu Thuần
-
Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung đang định hình lại thị trường LPG toàn cầu
-
Đồng USD rơi xuống đáy 3 năm
-
Giá vàng hôm nay (22/4): Tiếp đà tăng mạnh
-
Căng thẳng địa chính trị thắng thế tình trạng u ám trên thị trường dầu mỏ
-
Bản tin Năng lượng Quốc tế 22/4: EU chuẩn bị công bố chiến lược năng lượng mới