Bài học đắt giá cho giấc mơ thiếu sự tính toán
Năng lượng Mới số 252
Sau thời hoàng kim
Trái ngược với thời điểm cách đây khoảng 5 năm về trước, khi chứng khoán được cho là ngành hái ra tiền với sự bùng nổ và phát triển vượt bậc về số lượng các công ty chứng khoán (CTCK). Còn nhớ vào thời điểm 2006-2008 mỗi năm ngành chứng khoán có tốc độ phát triển 8-9%/năm. Nếu như năm 2006 mới chỉ có 35 CTCK được cấp phép hoạt động thì đến năm 2007 đã lên đến gần 100 công ty và đỉnh cao là gần 400 công ty vào năm 2010 với nhiều lĩnh vực khác nhau từ dệt may, bất động sản, công nghệ, ngân hàng...
Chỉ riêng TP HCM, sự bùng nổ của thị trường chứng khoán một thời đã đưa tên tuổi con đường Nguyễn Công Trứ (quận 1) trở thành “phố Wall của Sài Gòn”. Người Sài Thành thời ấy vẫn thường “rỉ tai” nhau về sự náo nhiệt của con phố Nguyễn Công Trứ khi chỉ khoảng 500m nhưng có đến cả chục CTCK và ngân hàng đặt trụ sở liền nhau, tạo nên không khí khí sôi động, náo nhiệt khác biệt với những tuyến đường xung quanh. Anh Nguyễn Văn Hưng, chủ tiệm cà phê tại đường Nguyễn Công Trứ kể lại, thời điểm ấy, dân chứng khoán thường đổ đến đây cà phê, tám chuyện. Những câu chuyện của họ luôn xoay quanh các vấn đề liên quan đến việc giao dịch, tìm hiểu thông tin, môi giới chứng khoán. Nhờ sự xôm tụ của phố chứng khoán mà nhiều dịch vụ mọc lên như nấm, nào là cà phê “cóc”, giữ xe, bán báo dạo, đánh giầy… tất cả đều là dịch vụ phát sinh phục vụ cho dân chơi chứng khoán.
Nhà đầu tư và công ty chứng khoán không còn mặn mà với thị trường
“Ngày trước, người kéo đến các sàn giao dịch đông nghẹt, người bán kẻ mua, giao dịch rôm rả. Còn bây giờ dân chơi chứng khoán không cần đến sàn vẫn có thể ngồi nhà giao dịch trực tuyến. Vì vậy mà “phố Wall” ngày nào giờ cũng trở nên im ắng và chậm rãi hơn trước. “Trước đây, dân chơi chứng khoán kiếm tiền nhiều lắm, không ít người kiếm được cả chục tỉ sau vài vụ mua bán. Không như bây giờ, thấy người nào mặt cũng buồn bã vì thua lỗ” - anh Hưng nói.
Dạo một vòng đường Nguyễn Công Trứ bây giờ chỉ còn thấy lác đác vài công ty còn đang hoạt động. Nhiều công ty đã đóng cửa, một số khác thì hoạt động cầm chừng, nhiều sàn bảng điện tử vẫn đỏ, cửa vẫn mở nhưng lại vắng bóng nhà đầu tư. Lý giải về điều này, ông Lý Thanh Nhã, Giám đốc Chi nhánh Chợ Lớn, Công ty Chứng khoán Đông Á, người đã tham gia vào lĩnh vực chứng khoán ngay từ khi mới thành lập cho biết: Sau thời hoàng kim, chứng khoán lâm vào thời kỳ trì trệ do ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới, chứng khoán Việt Nam cũng nằm trong chu kỳ này. Các nhà đầu tư ngày càng thận trọng hơn trong việc đầu tư vào chứng khoán bởi rủi ro của thị trường là rất lớn. Các công ty cũng vì thế mà rút ngắn hoạt động từ giao dịch mua bán tự doanh sang tư vấn hoặc môi giới. Điều này khiến cho thị trường chứng khoán trong nước ngày càng thu hẹp về quy mô cũng như hoạt động. So với thời hoàng kim thì thị trường chứng khoán bây giờ đã trở lại vị trí khởi đầu và khó có thể lấy lại thời vàng son trong thời gian tới.
Sự đào thải khốc liệt
Theo thống kê của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, hiện tại cả nước có gần 100 CTCK. Tuy nhiên, con số này sẽ có nhiều khả năng tiếp tục giảm trong thời gian tới. Khi tình hình thị trường vẫn tiếp tục có những diễn tiến không mấy tích cực. Chỉ tính riêng nửa đầu năm nay, lãi sau thuế của các CTCK tại TP HCM đã giảm 26% so với cùng kỳ năm trước, xuống còn hơn 60 tỉ đồng. Phần lớn doanh thu các mảng giảm 20-60%, nhiều đơn vị vốn được biết đến là công ty thu lợi nhuận khủng trong thời gian trước thì nay cũng phải ngậm ngùi nếm mật đắng của khủng hoảng thị trường.
Điển hình như chứng khoán Bảo Việt. Từng được xem là một trong những CTCK có tốc độ phát triển vượt bậc trong thời gian trước thì kết thúc quý II vừa qua chứng khoán Bảo Việt lãi sau thuế giảm đến hơn 60% và chỉ đạt 21,7 tỉ đồng. Có thể thấy, thị trường chứng khoán hiện nay chỉ còn là sân khấu của những công ty lớn, giàu tiềm lực. Những CTCK vừa và nhỏ đã thực sự bị loại dần ra khỏi sân chơi đầy khốc liệt của thị trường đang yếu sức hút với người chơi.
Trên thực tế, ngay từ khi thị trường mới bùng nổ và đạt đỉnh cao, những dấu hiệu của sự suy yếu đã nảy nở. Bởi nhìn chung lại thì hầu hết thị phần của thị trường đều nằm trong tay các doanh nghiệp lớn với hơn 60%. Những doanh nghiệp này có thực lực đủ mạnh để có thể thắng thế trong lúc thị trường ổn định và trụ vững khi thị trường gặp khó khăn. Trong khi đó, những công ty nhỏ vốn đã yếu sức trong cuộc cạnh tranh với những “đại gia” lại càng đuối sức hơn khi thị trường gặp sóng gió. Bằng chứng là quy mô giao dịch trên thị trường chứng khoán của các CTCK vừa và nhỏ đến thời điểm này vẫn rất nhỏ bé với khoảng 4 tỉ USD chiếm 37%, trong khi con số này của mười CTCK đứng đầu chiếm tới 63% thị phần.
Thừa nhận sự thất bại của các công ty chứng khoán vừa và nhỏ, một đại diện của Công ty Chứng khoán Chợ Lớn, đơn vị đang gấp rút hoàn tất những động thái cuối cùng của việc giải thể cho rằng: Với những công ty nhỏ như chúng tôi thì tiềm lực không đủ mạnh là điểm yếu khi thị trường lao dốc. Thêm vào đó là việc đầu tư rộng khiến đã chúng tôi không còn vốn để chi trả các hoạt động kinh doanh. Càng kéo dài hoạt động thì sẽ gánh chịu thêm nhiều thất bại, vì vậy giải thể là việc làm không sớm thì muộn cũng sẽ đến.
Đồng tình với chia sẻ này, ông Trần Đắc Sinh, Chủ tịch HĐQT Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM phân tích: Hầu hết các CTCK vừa và nhỏ không hề có dự cảm và chuẩn bị nào cho tình huống xấu xảy ra với thị trường. Lợi nhuận thu được khi thị trường khởi sắc đều đổ vào mở rộng hoạt động và đầu tư. Đến lúc thị trường chùng xuống thì lâm vào tình trạng “đói” vốn, hết sinh lực để tiếp tục duy trì. Bên cạnh đó, sức hấp dẫn của thị trường đã không còn thuyết phục được các nhà đầu tư tham gia. Điều này khiến các CTCK ngày càng có ít việc để làm. Trên tất cả, vẫn là tình hình kinh tế gặp khó khăn như hiện nay thì những CTCK nhỏ, ít vốn sẽ rất khó bám trụ được trong thời gian dài. Đây là những lý do khiến thời gian qua, thị trường ghi nhận sự ra đi của hàng chục công ty chứng khoán. Và có lẽ, trong thời gian tới thị trường sẽ tiếp tục ghi nhận thêm những thông tin về các CTCK giải thể, hủy niêm yết. Đây có thể xem là bài học đắt giá đối với các CTCK khi thiếu sự nhìn nhận đánh và hiểu về thị trường.
“Thị trường chứng khoán đang có sự sàng lọc lớn, những doanh nghiệp đủ sức mạnh về tiềm lực sẽ tồn tại và vượt qua thời điểm khó khăn này. Với tình hình hiện nay thì thị trường chứng khoán Việt chỉ cần từ 30-40 CTCK là đủ vì vậy quá trình thanh lọc sẽ là xu hướng tiếp diễn trong thời gian tới”- ông Sinh khẳng định.
Theo số liệu từ Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM, quý II/2013, trong số 98 CTCK đang hoạt động công bố báo cáo tài chính. Thì có đến 1/3 trong số đó có báo lỗ. Số còn lại đa phần cũng rơi vào tình trạng sụt giảm lợi nhuận. |
Thùy Trang
-
Mỹ ép châu Âu mua dầu khí, nói dễ hơn làm?
-
Giá vàng hôm nay (15/4): Thị trường thế giới giảm mạnh
-
Giá dầu hôm nay (15/4): Dầu thô tăng nhẹ trong phiên giao dịch
-
Bản tin Năng lượng Quốc tế 15/4: Liên minh Châu Âu xem xét mua thêm LNG của Mỹ
-
Sàn giao dịch carbon - Động lực mới cho doanh nghiệp phát triển xanh bền vững