Không biết thì đừng nói?

07:00 | 07/12/2013

|
Bạn đọc: Trong bài “Đặt tên quận là Bắc và Nam Từ Liêm để tri ân cha, ông”, vnmedia.vn ngày 2/12/2013 cho biết, nhân sự kiện chia tách huyện Từ Liêm làm hai huyện mới là Nam Từ Liêm và Bắc Từ Liêm, Bí thư Huyện ủy là ông Lê Văn Thư đã nói: “Từ Liêm là vùng đất cổ giàu truyền thống văn hóa và cách mạng, luôn gắn với truyền thống Thăng Long - Hà Nội. Theo sử sách ghi lại thì “Từ” có nghĩa là “Người trên thương yêu người dưới” hay “Tình thương chung” hoặc “Xưng mẹ là Từ”, còn “Liêm” có nghĩa là “trong sạch”, “ngay thẳng”, hay “không tham của người”. Tên Từ Liêm đã xuất hiện ở vùng đất này từ hàng ngàn năm trước”. Xin nhờ ông An Chi phân tích xem đó có phải là chữ nghĩa của người Việt thời xưa không? Xin cảm ơn. Ngọc Ngoan (Cần Thơ)

Học giả An Chi: Chúng tôi rất tiếc là mình chưa có điều kiện để tìm hiểu một cách triệt để về địa danh “Từ Liêm” mà nhiều tác giả cho rằng âm cổ xưa là “Chèm” hay “Trèm” (tên “Chèm” vẫn còn tồn tại cho đến nay). Nhưng có một điều mà chúng tôi có thể khẳng định một cách chắc chắn: Nghĩa của hai chữ “Từ Liêm” mà ông Lê Văn Thư đã nêu là nghĩa của nó trong tiếng Tàu - ta thường gọi là các yếu tố Hán Việt - nên khó lòng có thể là do người Việt đặt ra từ xưa được. Nếu nó thực sự là do người Việt ta đặt ra từ xưa thì tuy ta chưa biết nó có nghĩa là gì nhưng chắc chắn không thể là những nghĩa mà ông Thư đã nêu.

Về hình thức ngữ âm cổ xưa của “Từ Liêm” là “Chèm”, trước mắt, chúng tôi xin trích dẫn ý kiến của tác giả Trần Trí Dõi trong bài “Tiếp tục tìm hiểu về xuất xứ và ý nghĩa địa danh Cổ Loa” để bạn và bạn đọc tham khảo. Trần Trí Dõi viết:

“Chúng ta có những tên làng nôm tương ứng với tên Hán Việt giống như trường hợp đang được khảo sát ở đây như sau: (bảng 1)

Bảng 1

Trong 16 tên làng nói trên, có thể chia ra thành những kiểu tương ứng khác nhau giữa âm tiết nôm với âm tiết Hán Việt. Những kiểu tương ứng ấy phản ánh những biến đổi ngữ âm khá thú vị. Tình hình cụ thể là như sau:

Có 5 trường hợp thể hiện sự tương ứng giữa âm đầu âm tiết nôm ch- với âm đầu âm tiết Hán Việt thứ hai là l-. Đó là (bảng 2):

Bảng 2

Căn cứ vào tương ứng ngữ âm giữa âm đầu ch- với l- và giữa phần vần của âm tiết nôm với âm tiết Hán Việt thứ hai, ngữ âm lịch sử tiếng Việt cho biết rằng, có thể dạng thức tiền ngôn ngữ của Chèm là *tlèm/*klèm, của Chấp là *llấp/*klấp và của Chủ là*tlủ/*klủ. Đây có lẽ là những tương ứng phản ánh việc chuyển từ ngữ âm thuần Việt sang ngữ âm Hán Việt thông thường nhất, do đó đây là sự chuyển đổi điển hình nhất. Cũng chính nhờ sự chuyển đổi này, người ta có quyền nghĩ rằng, những tên làng nói trên là những tên làng thuộc loại “xưa nhất” của cư dân người Việt”.

Trần Trí Dõi đã viết như trên còn riêng chúng tôi thì đã viết trên Kiến thức Ngày nay số 229 (01/12/1996):

“Cũng xin nói thêm rằng, các yếu tố đơn tiết đi sau từ “kẻ” thường bị ngộ nhận là những địa danh “thuần Việt” trong khi mà chúng hầu hết đều là âm xưa của các chữ Hán hữu quan. Thí dụ tên của làng Chèm, gốc là Trèm, chính là âm xưa của chữ liêm 廉ä, là một chữ thuộc thanh mẫu lai 來Â. Về mối quan hệ tr ~ l, người ta có hàng loạt ví dụ: trộm (nghĩ) ~lạm 濫” (lạm phép = trộm phép); tràn (đầy) ~ lan 瀾 (sóng lớn; dậy sóng; lan ra); (từng)trải ~ lý 履 (= đạp, đi); trội ~ lỗi 磊 (= tài giỏi); v.v…”.

Nhưng dù theo quan điểm của Trần Trí Dõi hay quan điểm của An Chi thì ông Lê Văn Thư cũng đều sai. Trần Trí Dõi chủ trương tên xưa của Từ Liêm là “Chèm” nên “Chèm” không thể có những nghĩa mà ông Thư đã nêu. Còn An Chi thì cho rằng, đó là âm xưa của chữ “liêm” nên nó cũng không phải là cái tên do chính người Việt cổ đặt ra.

A.C