EVN không vì lợi nhuận mà tăng giá điện

09:04 | 07/03/2015

429 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Chiều ngày 6/3, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã tổ chức họp báo về việc tăng giá điện. Tại cuộc họp, ông Đinh Quang Tri-Phó Tổng giám đốc EVN khẳng định, EVN không vì lợi nhuận mà tăng giá điện.

Ông Đinh Quang Tri-Phó Tổng giám đốc EVN.

Thông tin tại cuộc họp, ông Tri cho hay, theo phương án giá điện được áp dụng từ ngày 16/3, doanh thu của EVN sẽ tăng khoảng 13.000 tỉ đồng và có lãi khoảng 1.500 tỉ đồng, tương đương khoảng 1% vốn chủ sở hữu. Đây là con số quá thấp bởi mức lợi nhuận bình thường cũng phải 3%. Nhưng để đạt được con số này thì giá điện có thể phải tăng 12,8%.

Tuy nhiên, ông Tri khẳng định, EVN không phải doanh nghiệp vì lợi nhuận mà chủ yếu là phục vụ nên không lỗ là được.

Theo EVN, căn cứ theo Quyết định 69/2013/QĐ-TTg ngày 19 tháng 11 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ, EVN đã tính toán giá điện dựa trên các yếu tố ảnh hưởng đến chi phí đầu vào sản xuất điện (tính từ lần điểm chỉnh tăng gần nhất ngày 1/8/2013 đến thời điểm xây dựng phương án giá điện mới ngày 31/1/2015). Cụ thể:

Các yếu tố làm giảm chi phí sản xuất điện là 1.657,8 tỉ đồng. Trong đó, giá dầu trong nước bình quân từ ngày 1/8/2013 đến 31/1/2015 giảm so với giá dầu ngày 1/8/2013 làm giảm 219,2 tỉ đồng chi phí mua điện; giá dầu quốc tế bình quân từ ngày 1/8/2013 đến 31/1/2015 giảm so với giá dầu ngày 1/8/2013 làm giảm chi phí mua điện của các nhà máy nhiệt điện khí giảm 1.366,6 tỉ đồng.

Các yếu tố làm tăng chi phí sản xuất điện là 10.491 tỉ đồng. Trong đó, giá than tăng từ ngày 22/7/2014 so với giá than ngày 1/8/2013 làm tăng chi phí phát điện 4.485 tỉ đồng; giá khí trên bao tiêu (tính theo cơ chế thị trường bằng 0,46 giá dầu HFO quốc tế bình quân từ ngày 1/8/2013 đến 31/1/2015) điều chỉnh đã làm tăng chi phí phát điện 3.532,8 tỉ đồng; tăng giá khí trong bao tiêu theo lộ trình làm tăng chi phí mua điện 557,1 tỷ đồng.

Ngoài ra, tỉ giá bình quân từ  ngày 1/8/2013 đến 31/1/2015 tăng so với tỷ giá ngày 1/8/2013 làm làm chi phí mua điện tăng 105,6 tỉ đồng; thuế tài nguyên nước tăng từ 2% tính trên giá bán lẻ điện bình quân lên 4% làm chi phí phát điện tăng 1.590 tỉ đồng; giá chi phí tránh được năm 2015 tăng (áp dụng cho các nhà máy thủy điện từ 30MW trở xuống) làm chi phí mua điện tăng 148,5 tỉ đồng...

Như vậy, tổng cộng các yếu tố làm tăng chi phí SXKD điện là: 8.833 tỷ đồng.

Ngành điện đã có lãi nhưng theo ông Tri, mức lãi hiện tại vẫn thấp, chưa hấp dẫn được các nhà đầu tư nước ngoài. Doanh nghiệp trong nước có thể chấp nhận được nhưng lại không huy động được vốn, và họ chỉ có thể làm được các dự án vừa và nhỏ.

Thanh Ngọc (Tổng hợp)