Xin đừng đại ngôn

06:45 | 01/11/2013

1,108 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Ngày nay, người dân cảm thấy trong chốn quan trường có nhiều vị ăn to nói lớn lắm. Cung cách chẳng khác gì ông “chẳng phải tay tôi”.

Bảo Dân (NLM số 270)

Trong kho tàng truyện tiếu lâm của ta có câu chuyện kể về một ông bị vợ ca cẩm rày la và bị bà này thượng cẳng chân, hạ cẳng tay vì không cất quần áo đang phơi khi có cơn mưa bất chợt. Thấy vậy, ông nọ bèn lên tiếng: Tội nghiệp ông quá! Chẳng phải tay tôi!

Bất ngờ bà vợ nghe tiếng chồng nói vậy bèn cật vấn:

- Nếu phải tay ông thì ông làm gì?

- Thì tôi… cất từ chiều hôm qua…

Tưởng vào tay ông thì ông làm gì. Hóa ra ông còn nể vợ bằng mấy ông kia vì ông cất quần áo từ khi chưa giặt. Nói thế thì nói làm gì?

Liên hệ câu chuyện xưa, ngày nay, người dân cảm thấy trong chốn quan trường có nhiều vị ăn to nói lớn lắm. Cung cách chẳng khác gì ông “chẳng phải tay tôi”.

Tuần này, Quốc hội thảo luận về báo cáo phòng chống tội phạm tham nhũng của các cơ quan tư pháp với điểm nhấn là 10 vụ “đại án tham nhũng”. Có một vị đại biểu nói rằng, trong quá trình thực hiện, chính sách của Đảng, Nhà nước cứ rơi vãi dần dần, biến thành con số 0, làm cho dân mất niềm tin, hết sức nguy hiểm.

Ô hay, ông là đại biểu của dân mà lại nhận định “hết sức nguy hiểm” như thế à? Chẳng lẽ theo ông thì hiện nay tất cả chính sách đều bằng không, vậy thì ông là đại biểu của số không à? Vị đại biểu Quốc hội này phát biểu với báo chí rất sốc rằng: “Nếu phải tay tôi, các vụ này chỉ cần 3 tháng là xong”. Thoạt nghe, cử tri có thể thông cảm ai cũng có vẻ sốt ruột bởi tiến độ xét xử các vụ “đại án tham nhũng”. Nhưng ngẫm ra thấy không được. Hãy nghe vị này diễn giải: “Vụ án nào cũng có giới hạn của nó, thời hạn điều tra, luật đã quy định. Đối với vụ án ít nghiêm trọng là 4 tháng, đặc biệt nghiêm trọng là 16 tháng, nếu gia hạn nữa là khoảng 24 tháng. Các cụ nói, “để lâu cứt trâu hóa bùn”, khi dư luận bớt bức xúc rồi thì dễ dàng chuyển tội danh, ví dụ từ tham ô chuyển sang cố ý làm trái, thiếu trách nhiệm… những hình phạt cho các tội này rất nhẹ; còn nếu tham ô, hối lộ, hình phạt lên tới tử hình”.

Với tư cách là người chuyên môn trong cuộc, ông nhận xét, lúc đầu khởi tố điều tra bằng tội đặc biệt nghiêm trọng, tội tham ô, hối lộ nhưng trong quá trình xử lý vụ án lại mượn những quy định pháp luật chưa rõ ràng để chuyển tội danh nhẹ hơn như thiếu trách nhiệm, cố ý làm trái… để được áp dụng hình phạt rất nhẹ… Đây chính là nguyên nhân dẫn đến tình trạng đầu voi đuôi chuột. Rồi đến khi đưa ra xét xử lại đánh giá là nhân thân tốt, khắc phục hậu quả, thành khẩn nhận tội… để vận dụng tùy tiện các tình tiết giảm nhẹ để cho xuống mức thấp nhất của khung hình phạt…

Tuy cho rằng, việc truy cứu đến cùng là rất cần thiết nhưng vị đại biểu này vẫn đưa ra nhận xét, hiện nay thực sự để làm việc đó là không dễ. Vướng rất nhiều, đụng chạm rất nhiều và không phải ai cũng mạnh dạn dám nói đến tham nhũng.

Được hỏi, với 10 đại án tham nhũng, nếu vào tay ông chỉ 3 tháng là xong, ông sẽ làm như thế nào?

Ông bảo 3 tháng xong là vì các vụ án này đã kéo dài 3, 4 năm rồi. “Nếu tôi làm, hành vi rõ đến đâu, xử đến đó, không hầm bà lằng tất cả loại hành vi vào rồi để kéo dài vài năm vì cứ bảo nhiều hành vi, nhiều người, cuối cùng chả cái gì kết thúc được cả. Giống như xây dựng, phải làm từng công đoạn. Càng để lâu... càng hóa bùn. Kinh nghiệm trước đây tôi chỉ đạo vụ án, những trường hợp nào rõ thì đem ra xử trước chứ không thể chờ kết thúc một cục mới mang ra xử vì một vụ án có thể có 5-6 hành vi, nào là tham ô, hối lộ, cố ý làm trái, thiếu trách nhiệm, lạm dụng chức vụ quyền hạn để chiếm đoạt, do vậy cần làm rõ từng hành vi một”.

Có chuyên gia pháp lý nghe ông “phán” như vậy đã nhận xét ông này nói lấy được! Bài bản như ông đâu có gì mới mà hòng xử trong 3 tháng 10 vụ. Bất cứ cán bộ điều tra, công tố viên, thẩm phán nào cũng biết điều này.

Xin dẫn lại ý kiến của Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao xung quanh việc xét xử các vụ án tham nhũng lớn: Ngoài khó khăn chung của yêu cầu chứng minh các vụ án tham nhũng, đặc biệt là các vụ án tham nhũng lớn thì đối tượng có chức vụ và vụ án cũng lớn, yêu cầu chứng minh nhiều. Hơn nữa, nhiều vụ có yếu tố nước ngoài phải có tương trợ tư pháp đối với cơ quan thi hành tố tụng ở nước ngoài. Thế nhưng hưởng ứng của các cơ quan tố tụng ở nước ngoài cũng có nước tốt nước không. Trong khi đó, đòi hỏi của dư luận rất cao ở các vụ án này là vừa phải làm chính xác, triệt để nhưng lại phải nhanh, khẩn trương. Đây thường là những yêu cầu trái nhau vì vậy tinh thần các cơ quan thi hành tố tụng sẽ cố gắng hết mình và sẽ phối hợp với nhau rất chặt chẽ để đáp ứng yêu cầu của Quốc hội…

Vì vậy, không thể có chuyện một người, dù ba đầu sáu tay, có thể thực hiện cả núi công việc của các cơ quan thi hành tố tụng được. Xin đừng đại ngôn!

B.D