Việt Nam đang ở thế thượng phong về pháp lý

14:46 | 09/06/2014

2,110 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
"Nếu Trung Quốc tiếp tục thể hiện sự thiếu thiện chí thì việc khởi kiện là cần thiết. Dù kết quả thế nào cũng chứng tỏ Việt Nam ở thế thượng phong về pháp lí. Tuy nhiên, đây sẽ là cuộc đấu tranh pháp lý lâu dài, cần có sự chuẩn bị kĩ lưỡng với các bước đi phù hợp” – PGS.TS Nguyễn Chu Hồi, nguyên Phó tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam nhấn mạnh.

PGS.TS Nguyễn Chu Hồi.

 

PV: Trước hết vấn đề Biển Đông hiện nay phức tạp, nóng bỏng, Mỹ và Nhật Bản đã mạnh mẽ lên án Trung Quốc. Đây có phải tín hiệu cho thấy lòng tin của quốc tế với Việt Nam đã tăng lên?

PGS.TS Nguyễn Chu Hồi: Thực tế diễn ra hiện nay khiến nhiều nước phải thay đổi nhận thức. Những năm 2009 – 2011, Indonesia không đồng ý về “đường lưỡi bò” của Trung Quốc nhưng không lường được “đường lưỡi bò” ấy lại tai hại như thế nào đối với an ninh của chính Indonesia cho đến khi Trung Quốc tuyên bố chủ quyền đối với quần đảo Natuna của Indonesia. Sau khi chiếm bãi cạn Hoàng Nham của Philippines (2012) và bãi James của Malaysia (2013), các nước trên vùng Biển Đông đã hiểu rõ hơn về tham vọng của Trung Quốc.

Chính lúc này, Trung Quốc không nên chủ quan. Trung Quốc đã bị mất lòng tin tuyệt đối, các nước cảm thấy sự đe doạ nhãn tiền. Nếu Trung Quốc không sớm tỉnh táo, Trung Quốc sẽ đẩy các nước cùng hoàn cảnh đoàn kết với nhau để bảo vệ dân tộc của mình. Câu chuyện Biển Đông còn là bàn cờ cho các nước lớn. Nếu không tính toán kĩ, các cường quốc sẽ nhảy vào, Trung Quốc sẽ đẩy các nước nhỏ và chính Trung Quốc vào vực thẳm. Hòa bình vẫn là mục tiêu nhân loại kì vọng.

PV: Tới nay, Trung Quốc vẫn một mặt coi mình là nạn nhân vô tội, mặt khác vẫn gia tăng các hoạt động khiêu khích, gây hấn trên biển. Ông đánh giá như thế nào về động thái này?

PGS.TS Nguyễn Chu Hồi: Quốc gia lớn như Trung Quốc mà bảo mình là nạn nhân đáng thương thì có ai tin được không. Thế giới ngày càng mất lòng tin bởi những hành động đơn phương của Trung Quốc. Bản thân Trung Quốc cũng phải đối mặt với những nỗi lo của chính mình bởi chính trị được xây dựng trên nền tảng đầy bất ổn.

PV: Chính phủ Việt Nam đã phát đi thông điệp sẵn sàng cho đấu tranh pháp lý lâu dài. Cá nhân ông có ủng hộ việc khởi kiện hay không? Nếu khởi kiện thì Việt Nam cần chuẩn bị những gì?

PGS.TS Nguyễn Chu Hồi: Khởi kiện là giải pháp hòa bình. Kiện cũng là cần thiết trong bối cảnh hiện nay bởi sự vô lý, trắng trợn, vi phạm luật pháp quốc tế của Trung Quốc. Việc kiện có thể thắng thua nhưng thể hiện được thế thượng phong về mặt pháp lí. Nếu Trung Quốc không  ra tranh tụng công khai thì chứng tỏ họ đuối lí. Như thế chúng ta cũng có thắng lợi. Để chắc chắn và bài bản, chúng ta cần có bước đi phù hợp. Trước hết, Việt Nam cần gửi thư sang Tổng thư kí Liên hiệp quốc để lưu nó như một văn bản pháp lý.

Đồng thời, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ nên gửi thư cho phía lãnh đạo cấp cao Trung Quốc để thể hiện thiện chí và công bố với thế giới về những văn bản đó. Việt Nam luôn mong muốn duy trì hòa bình trên biển Đông nhưng không có nghĩa là chúng ta từ bỏ quyền tự vệ chính đáng. Nước lớn hay nước nhỏ cũng đều có quyền tự vệ chính đáng, kể cả bằng vũ lực, điều này được Hiến chương Liên hợp quốc cho phép.

Nếu không kiện để giữ hòa khí, rất có thể Việt Nam sẽ mắc lừa Trung Quốc. Trước đây, với Hoàng Nham (Philippines), Trung Quốc muốn hải quân rút để làm đàm phán đỡ căng thẳng nhưng khi hải quân rút thì chỉ sau một đêm, Trung Quốc chiếm luôn Hoàng Nham?!

PV: Thủ tướng cũng đã lên tiếng mạnh mẽ “Việt Nam không đánh đổi chủ quyền lấy hữu nghị viển vông”. Ông nghĩ sao về thông điệp này?

PGS.TS Nguyễn Chu Hồi: Đấy là ý chí của dân tộc. Tiếng nói của Thủ tướng đại diện cho bề dày lịch sử dân tộc Việt Nam. Biển mãi mãi quan trọng với dân tộc Việt, không chỉ thời nay mà là ngàn đời. Từ 1959, khi Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm làng cá ở Cát Bà (Hải Phòng), Bác đã nói “biển bạc của ta do nhân dân ta làm chủ”. Cái gì của ta, ta phải đòi lại. Trung Quốc mang giàn khoan vào hạ đặt trái phép thì đương nhiên ta phải yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan thì mới ngồi đàm phán.

PV: Bộ Tài nguyên – Môi trường cho biết, hoạt động nghiên cứu khoa học phục vụ quản lý tài nguyên, biển gặp nhiều khó khăn do hoạt động hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương  981. Điều này đáng ngại như thế nào, thưa ông?

PGS.TS Nguyễn Chu Hồi: Thực ra hoạt động nghiên cứu biển của Việt Nam bị Trung Quốc gây khó khăn từ rất lâu rồi. Khi còn chưa có giàn khoan, hoạt động hợp tác Việt Nam với các nước để khảo sát vùng biển Đông cũng bị tàu Trung Quốc cản trở. Thậm chí, khi còn là Tổng Cục Phó tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam, tôi đã sang tận Tổng cục Đại dương Trung Quốc để kí thỏa thuận tiến hành các hoạt động hợp tác nghiên cứu những vấn đề ít nhạy cảm và hòa bình trên biển Đông nhưng cuối cùng phía Trung Quốc không thực hiện, gửi thư nhiều lần sang cũng không trả lời.

PV: Ông đánh giá như thế nào về vai trò của truyền thông Việt Nam trong thời gian qua?

PGS.TS Nguyễn Chu Hồi: Báo chí Trung Quốc đang thực hiện thủ thuật nói mãi cái sai để bắt người ta tin là cái đúng. Báo chí Trung Quốc đưa tin một chiều thì báo chí của ta cũng phải tuyên truyền thật mạnh để thế giới hiểu. Vừa rồi tôi cho rằng báo chí nước nhà đã làm rất tốt.

PV: Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!

 

Theo Báo CAND
 

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc