Giải mã các vụ TNGT nghiêm trọng:

Vì sao tai nạn giao thông ngày càng thảm khốc?

06:50 | 23/05/2013

1,955 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) – Năm 2012 được đánh giá là Năm An toàn giao thông, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, tai nạn giao thông (TNGT) giảm sâu cả 3 tiêu chí về số vụ, số người chết và bị thương. Thế nhưng, bước sang năm 2013, trên địa bàn cả nước đã xảy ra những vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng, khiến an toàn giao thông đường bộ trở thành vấn đề báo động.

Và rồi, sau mỗi vụ tai nạn thảm khốc xảy ra, cơ quan chức năng lại vào cuộc để truy tìm nguyên nhân của vụ việc. Mỗi phân tích hay đánh giá nguyên nhân bao trùm về vấn đề TNGT ở nước ta, thường thấy gói gọn trong hai yếu tố chính là cơ sở hạ tầng và ý thức người tham gia giao thông. Cơ sở hạ tầng có thể là tác nhân dẫn tới tai nạn song ý thức của con người mới là nhân tố quyết định gây ra tuyệt đại đa số các vụ tai nạn giao thông.

Để làm sáng tỏ nguyên nhân dẫn tới các vụ TNGT nghiêm trọng vừa qua, PetroTimes đã có cuộc trao đổi với Tiến sĩ Khương Kim Tạo – Phó Chánh Văn phòng Ủy ban An toàn giao thông quốc gia về vấn đề này.

PetroTimes: Thưa ông, theo thống kê của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, 3 tháng đầu năm 2013, tình hình TNGT giao thông có chiều hướng giảm số vụ và số người bị thương nhưng lại gia tăng số người chết so với cùng kỳ năm trước, đặc biệt là TNGT nghiêm trọng. Xin ông có biết thêm về vấn đề này?

TS Khương Kim Tạo: Theo thống kê của Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, 3 tháng đầu năm 2013 toàn quốc xảy ra 6.528 vụ TNGT, làm chết 2.599 người, bị thương 6.405 người (so với cùng kỳ năm 2012 giảm 1.792 vụ, tăng 18 người chết, giảm 2.499 người bị thương). Tuy nhiên, TNGT đặc biệt nghiêm trọng lại xảy ra đến 15 vụ, trong đó tại Khánh Hòa, Gia Lai mỗi nơi 3 vụ; Nghệ An 2 vụ; Hà Tĩnh, Long An, Bắc Ninh, Tiền Giang và Lạng Sơn, Phú Yên, Lâm Đồng mỗi địa phương 1 vụ; làm chết 60 người, bị thương 35 người.

Qua phân tích về các vụ TNGT cho thấy, số vụ và số người bị thương có giảm. Tuy nhiên, số người chết do TNGT tăng cao và có những diễn biến phức tạp. Đặc biệt là TNGT đặc biệt nghiêm trọng có chiều hướng gia tăng.

Tiến sĩ Khương Kim Tạo - Phó Chánh Văn phòng Ủy ban An toàn giao thông quốc gia.

PetroTimes: Thưa ông, từ đầu năm 2013 đến nay, trên địa bàn cả nước liên tiếp xảy ra các vụ TNGT nghiêm trọng liên quan đến xe khách, làm nhiều người thiệt mạng. Vậy, ông có nhận định gì về nguyên nhân dẫn đến các vụ tai nạn này?

TS Khương Kim Tạo: Theo quan điểm của tôi, nguyên nhân chính dẫn đến các vụ tai nạn thảm khốc thời gian qua là do phương tiện chạy với tốc độ cao, lái xe không làm chủ được tốc độ khi gặp tình huống. Ngoài ra, tài xế lái xe quá cẩu thả, không có đạo đức nghề nghiệp. Lái xe không đủ sức khỏe, không tỉnh táo, buồn ngủ, uống rượu bia nhưng vẫn cố cầm vô lăng để điều khiển phương tiện tham gia giao thông.

Vừa qua, Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia tiến hành kiểm tra một số thiết bị giám sát hành trình của một số hãng xe khách và phát hiện có rất nhiều xe chạy quá tốc độ quy định. Nhiều xe chạy vượt tốc độ lên đến 125km/h. Trong khi đó, theo quy định ở các đường quốc lộ (trừ đường cao tốc), xe khách trên 30 chỗ ngồi chỉ cho phép chạy với tốc độ không quá 70km/h.

Với tốc độ cao như vậy, người lái không thể làm chủ tốc độ, không thể xử lý được tình huống xuất hiện đột ngột trên đường, đó là nguyên nhân chính dẫn đến các vụ tai nạn giao thông thảm khốc trong thời gian qua.

PetroTimes: Xin ông cho biết thêm về cơ chế tai nạn khi xe đi với tốc độ cao và xảy ra các vụ tai nạn thảm khốc vừa qua?

TS Khương Kim Tạo: Qua nghiên cứu của các nước trên thế giới, cứ tốc độ tăng lên 10km/h thì khả năng xảy ra tai nạn và mức độ xảy ra tai nạn tăng lên gấp 2 lần. Như vậy, nếu xe khách chạy với tốc độ 125km/h so với tốc độ cho phép là 70km/h thì khả năng tai nạn tăng lên gấp 32 lần. Rõ ràng, với những xe chạy vượt quá tốc độ như vậy, việc xảy ra tai nạn thảm khốc là tất yếu.

Bên cạnh đó, nếu xe chạy với tốc độ cho phép thì lái xe chắc chắn làm chủ được tốc độ và sẽ xử lý được tình huống. Nếu có xảy ra va chạm thì cũng chỉ là xây xước xe. Với tốc độ 125 km/h cả xe và hành khách bị bẹp dúm là điều tất yếu.

PetroTimes: Ông có thể cho biết về giải pháp để đẩy lùi các vụ TNGT nghiêm trọng trong thời gian tới?

TS Khương Kim Tạo: Theo quan điểm của tôi, trong thời gian tới, song song với giải pháp đồng bộ quản lý về đảm bảo chỉnh sửa hệ thống hạ tầng cho an toàn, cần tiếp tục siết chặt công tác kiểm định phương tiện cơ giới. Đặc biệt hơn nữa là công tác giáo dục, đào tạo để nâng cao ý thức của người điều khiển phương tiện cơ giới, nâng cao phẩm chất đạo đức của đội ngũ lái xe.

Các cơ quan chức năng cần vào cuộc để thanh trừ khỏi ngành những lái xe có đạo đức kém, vi phạm quá Luật Giao thông nhiều lần… Tuỳ vào mức độ vi phạm mà xem xet, phạt hành chính hay tước giấy phép lái xe, không cho người đó làm nghề lái xe vinh viễn hoặc có thời hạn.

Để kiềm chế tai nạn xe khách như vừa qua, một trong những biện pháp hữu hiệu là chúng ta phải dùng hệ thống camera quan sát và thiết bị giám sát hành trình. Tuy nhiên, để việc này thực sự hiệu quả phải có sự quản lý của Nhà nước, chứ không phải đặt dưới sự quản lý của các doanh nghiệp như hiện nay. Việc quản lý của Nhà nước với các hệ thống giám sát này sẽ giúp cho việc xử lý các vi phạm được một cách khách quan.

Hiện chúng ta có lực lượng cảnh sát bắn tốc độ kiểm tra trên đường nhưng lực lượng cảnh sát rất mỏng và không thể nào đứng 24/24h ở tất cả các vị trí trên các tuyến đường. Đây là vấn đề hết sức khó khăn và hiện nay lái xe rất biết cách lợi dụng những vị trí không có lực lượng kiểm soát để vi phạm. Thậm chí, khi lực lượng cảnh sát giao thông kiểm soát tốc độ phương tiện bằng cách bắn tốc độ, chỉ vài phút sau, lái xe còn tìm cách thông báo cho nhau vị trí của lực lượng kiểm soát để tránh bị xử phạt.

Khi cơ quan quản lý Nhà nước vào cuộc, mọi lái xe đều nhận thức được việc, xe của mình có gắn thiết bị giám sát hành trình và đang bị lực lượng chức năng của Nhà nước theo dõi. Người lái xe biết được luôn luôn bị dõi theo mình trong suốt hành trình, từ đó họ sẽ điều khiển lại hành vi của mình, không có phương tiện chạy tốc độ cao, không có tai nạn nghiêm trọng.

PetroTimes: Để hạn chế tai nạn giao thông thì cần giáo dục đạo đức để nâng cao chất lượng đội ngũ lái xe. Vậy trong thời gian tới, Ủy ban An toàn giao thông quốc gia có biện pháp gì để đẩy mạnh sự tiến bộ của đội ngũ này?

TS Khương Kim Tạo: Thời gian tới, Ủy ban An toàn giao thông quốc gia sẽ đề xuất để theo dõi và quản lý người lái sau khi nhận bằng. Những người lái này hiện tại là doanh nghiệp quản lý nhưng tới đây Nhà nước phải quản lý.

Nhà nước quản lý thông qua các lỗi vi phạm, qua quá trình lái xe. Khi tài xế vi phạm lỗi gì sẽ bị cộng các lỗi của công an phát hiện trên đường, cộng lỗi của thiết bị giám sát hành trình để xử lý vi phạm. Tùy theo mức độ nặng nhẹ, có thể cảnh cáo, treo giấy phép lái xe có thời hạn hoặc, tước giấy phéo… Nếu vi phạm có tính chất nghiêm trọng, tái phạm nhiều lần trong khoảng thời gian nhất định thì xem xét không cho điều khiển xe vĩnh viễn.

Nguyên nhân dẫn đến các vụ tai nạn nghiêm trọng là do đạo đức và ý thức của lái xe.

 

Hiện tất cả biện pháp đồng bộ chúng ta cần tập trung vào vấn đề con người. Vấn đề con người phải là hàng đầu, trong đó sức khỏe và ý thức là quan trọng nhất. Còn vấn đề kiểm soát và xử phạt chỉ là một trong những giải pháp để chúng ta nâng cao ý thức của người lái và loại bỏ những người có ý thức quá kém ra đội ngũ những người lái xe. Việc làm này cũng chính là chúng ta nâng cao chất lượng, phẩm chất đạo đức của đội ngũ lái xe.

PetroTimes: Thưa ông, việc lắp đặt camera và thiết bị giám sát hành trình sẽ giúp kiềm chế TNGT. Thế nhưng, việc lắp thiết bị giám sát hành trình này đã được thực hiện nhưng thời gian qua vẫn xảy ra các vụ TNGT?

TS Khương Kim Tạo: Việc giám sát bằng camera đang được chúng ta triển khai thí điểm. Thông qua hệ thống giám sát bằng camera chúng ta có thể thấy được tốc độ của xe, các vấn đề không đúng làn đường của xe… Tuy nhiên, hiện nay hệ thống camera của chúng ta cũng không thể lắp được đầy đủ trên các tuyến đường mà mới được triển khai trên một số tuyến đường mẫu. Tuy nhiên, nếu chúng ta triển khai thiết bị giám sát hành trình tốt thì người lái xe sẽ bị theo dõi 24/24, kiểm soát được toàn bộ tốc độ chạy xe, số lần dừng đỗ, số lần mở cửa, thời gian mở cửa… Như vậy, chúng ta có thể kiểm soát được điều kiện an toàn giao thông tốt hơn.

Hiện chúng ta chưa kiểm soát được hành vi của lái xe cũng như phương tiện là do việc đó đang được giao cho các doanh nghiệp tự quản lý và chúng ta chỉ trích xuất thông tin khi cơ quan Nhà nước có yêu cầu để xử lý theo sự vụ. Trong thời gian tới, chúng tôi đề nghị tất cả các xe khách, xe container lắp thiết bị giám sát hành trình sẽ tiến tới quản lý Nhà nước và phải có một bộ phận theo dõi tất cả các xe này. Tôi nghĩ rằng nếu tất cả các ô tô của Việt Nam đều lắp thiết bị giám sát hành trình và do Nhà nước quản lý được thì chắc chắc vấn đề tai nạn giao thông thảm khốc sẽ giảm đến mức tối thiểu.

PetroTimes: Thưa ông, như lời ông nói, vấn đề mấu chốt trong các vụ TNGT nghiêm trọng xảy ra là do lái xe. Vậy ông có kiến nghị gì về vấn đề này?

TS Khương Kim Tạo: Một người cầm vô lăng mà vô ý thức thì rất nguy hiểm. Sau vô lăng là sinh mạng của hàng chục, hàng trăm người. Vì thế, đòi hỏi người cầm vô lăng phải có trách nhiệm với hành khách trên xe. Tôi nghĩ rằng, người lái xe biết làm chủ tốc độ, biết dừng đỗ khi sức khỏe không đảm bảo thì chắc chắn TNGT sẽ không xảy ra.

"Cứ tốc độ tăng lên 10km/h thì khả năng xảy ra tai nạn và mức độ xảy ra tai nạn tăng lên gấp 2 lần. Như vậy, nếu xe khách chạy với tốc độ 125km/h so với tốc độ cho phép là 70km/h thì khả năng tai nạn tăng lên gấp 32 lần. Rõ ràng, với những xe chạy vượt quá tốc độ như vậy, việc xảy ra tai nạn thảm khốc là tất yếu".

TS Khương Kim Tạo - Phó Chánh Văn phòng Ủy ban An toàn giao thông quốc gia

Một trong những vấn đề mấu chốt để giảm TNGT là thời gian tới chúng ta phải tạo dựng được đội ngũ lái xe có phẩm chất đạo đức tốt, có sức khỏe tốt. Còn chúng ta làm thế nào thì phải thông qua công tác giáo huấn và xử phạt.

Một con người muốn tốt thì phải có giáo huấn và xử phạt. Những người mà có hành vi cố tình vi phạm, có thái độ hung hăng thì rất khoát phải loại ra khỏi ngành lái xe. Còn chúng ta không sợ thiếu đội ngũ lái xe. Vì hiện nay đội ngũ lái xe không hề thiếu vì nếu thiếu thì sẽ được đào tạo bổ sung ngay.

PetroTimes: Qua tìm hiểu được biết, rất nhiều lái xe bị doanh nghiệp kinh doanh vận tải ép thời gian, chuyến, buộc họ phải đi nhanh hơn để về bến. Ông có nhận xét gì về vấn đề này?

TS Khương Kim Tạo: Quan điểm của tôi về trong các vụ TNGT vẫn do ý thức của người lái xe là mấu chốt. Ý thức của người lái xe có thể hình thành do nhiều nhân tố, có thể do sự ép buộc của doanh nghiệp. Ép người ta phải chạy nhanh, khoán cho người ta nhiều thì đương nhiên do sức ép, lái xe phải chạy cố. Cũng có thể do bản thân người lái đó cũng coi thường tính mạng của mình và tính mạng của người khác.

Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cần vào cuộc mạnh tay xử phạt cả doanh nghiệp khi phương tiện của họ vi phạm giao thông, nhất là đi quá tốc độ quy định. Có như vậy, lái xe mới không bị ép thời gian!  

Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi!

Thiên Minh (thực hiện)