Vi hành thời nay

06:00 | 16/07/2013

989 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Hình ảnh của Mỹ Đình mà ngày đoàn công tác có mặt còn hơn cả giấc mơ về trật tự kỷ cương của cơ quan, doanh nghiệp.

Nguyễn Hòa Bình (NLM số 239)

Nói về chuyện vi hành, chắc nhiều người đã từng nghe không dưới một lần, chuyện ngày xưa vua và các quan vi hành thế nào. Vua thì cải trang thành dân thường. Rồi đêm đến, lặng lẽ rời khỏi cung mà không có bất kỳ một cận thần nào đi cùng. Theo những gì đã nghe được, nhà vua len lỏi vào các ngóc ngách của kinh thành, đi tìm những sự thật trái ngang mà dân đen, con đỏ phải gánh, cùng những khuất tất mà các quan cai trị gây họa cho dân. Những chuyến vi hành ấy, không bao giờ các bậc được coi như cha mẹ của dân ấy, không tìm ra sự thật, đem lại niềm tin trong dân chúng.

Ngoài những lần vi hành tại kinh thành, nhiều bậc quân vương còn có những chuyến đi dài ngày hơn, xa hơn và tuy có một vài cận thần đi theo, nhưng cũng không ai được biết nhà vua đi như thế nào, đi về hướng nào.

Đến khi cách mạng thành công, lập nên nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, nhiều đồng chí lãnh đạo của ta ở mọi cấp, mọi ngành cũng dành không ít thời gian cho những chuyến vi hành, để từ đó tìm cách tháo gỡ khó khăn cho cơ sở.

Còn bây giờ, vi hành lớ ngớ mà gặp phải lũ xã hội đen, vốn được đơn vị cơ sở thuê bảo kê khu vực làm ăn của họ, nếu nó biết mình là cán bộ lãnh đạo quản lý, nó cứ nện cho một trận đã, rồi tính sau. Lúc ấy chạy vào đâu.

Trước thực tế hôm nay, khi chuyện công chức bê trễ công việc: sáng cà phê, tán gẫu, trưa bia rượu bét nhè; cán bộ lãnh đạo quản lý nào sẽ xử họ? Chuyện xảy ra cách đây cũng chưa lâu ở Quảng Bình, chẳng lẽ lại không là một minh chứng rõ nhất? Nghe dư luận phản ánh nhiều về tình trạng cán bộ không ít ban, ngành của tỉnh bê trễ công việc, ông bí thư tỉnh ủy lặng lẽ làm chuyến vi hành với đúng nghĩa của nó. Thế là, chỉ đi một vòng, ông đã tóm gọn không ít cán bộ, công chức mà nhiệm vụ của họ phải luôn có mặt tại công sở, nhưng ngay trong thời gian được coi là cao điểm nhất, họ vẫn đang rất vô tư uống cà phê và… tán gẫu. Ông Bí thư ra lệnh xử lý ngay số cán bộ công chức này, đồng thời lập tức ban hành một quyết định được thông báo trong toàn tỉnh rằng, sẽ tiếp tục xử lý nghiêm những cán bộ nào vi phạm. Từ đó đến nay, trật tự kỷ cương trong công việc của đội ngũ cán bộ, công chức ở Quảng Bình đã tiến bộ rõ rệt.

Gần đây nhất, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đã yêu cầu cán bộ lãnh đạo một số cơ quan, đơn vị cũng nên cải trang mà xuống cơ sở để tìm ra sự thật của vấn đề đang được dư luận đề cập.

Không biết có phải vì thế mà gần đây, một vị lãnh đạo cũng vào cỡ cao của Hà Nội, sau bao nhiêu ồn ào của dư luận về những vụ việc vô cùng phức tạp xảy ra tại bến xe Mỹ Đình cũng đã làm một chuyến vi hành để “mục sở thị” những điều mà báo chí, rồi dư luận xã hội nói đến rát cả mặt. Chỉ có điều, không biết chuyến thị sát ấy được chuẩn bị công phu đến thế nào mà khi đoàn thị sát có mặt tại khu vực ấy, mọi chuyện lại thay đổi một cách nhanh đến không ngờ.

Cứ theo một số cơ quan báo chí phản ánh thì hình ảnh của Mỹ Đình mà ngày đoàn công tác có mặt, còn hơn cả giấc mơ về trật tự kỷ cương của cơ quan, doanh nghiệp. Thêm nữa, một đoàn thị sát tình hình thực tế mà hùng hậu gồm không ít các ban, ngành, lại thêm cả đại diện dăm tờ báo nữa, làm sao kết quả ghi nhận tại hiện trường lại không mang đầy đủ các yếu tố tích cực?

Dư luận cũng bàn ra tán vào nhiều điều quanh chuyến thị sát ấy. Nhưng, thực tế báo chí đã “rõ ràng tai nghe, mắt thấy, tay sờ, mũi ngửi”, rồi ảnh chụp hiện rõ cả ngày giờ, thành thử câu chuyện lại thêm một lần khiến không ít người còn đau đáu cho một thành phố văn minh, sạch đẹp hơn, lại thêm một lần trăn trở.

Có lẽ, cái tư duy theo kiểu “tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách” của chúng ta nhiều năm, đã khiến cho vai trò cá nhân dường như đang mờ dần. Để rồi, trước những diễn biến phức tạp của đời sống xã hội (mà câu chuyện “vỡ bến xe Mỹ Đình” chỉ là một chuyện nhỏ), thì đến ngay cả một chuyến vi hành của cán bộ lãnh đạo quản lý cũng không còn đúng như ý nghĩa ban đầu của nó. Có người sẽ nói, ấy là cách nhìn quá khắt khe, chưa thực sự cùng chia sẻ khó khăn với cơ sở. Nhưng, chẳng lẽ trong thời đại mà mọi thứ đều cần công khai, minh bạch, chúng ta lại không đủ cả can đảm mà nói về một hiện tượng xã hội đã quá rõ ràng như thế?

Rồi sẽ còn có thêm nhiều chuyến vi hành của nhiều cán bộ lãnh đạo quản lý các cấp. Liệu, những câu chuyện đã được kể ở đây có góp được phần nào cho phương pháp xử lý của không ít cán bộ lãnh đạo quản lý khi tự mình đề ra kế hoạch cho một chuyến vi hành?

N.H.B