Ví dụ về quan tham

06:00 | 01/04/2013

3,625 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Vụ cán bộ xã Thanh Chi, huyện Thanh Chương, Nghệ An ngang nhiên chữa lại giấy khai sinh, lập báo tử giả, ỉm quy định mới… cốt để ăn chặn tiền chính sách bị phát hiện đã gây phẫn nộ trong dư luận. Đây là vụ tham ô tham nhũng có tổ chức nên càng gây bức xúc rộng khắp.

Thọ Vinh (Năng lượng Mới số 208)

1. Tại xã Kỳ Giang, huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh có một quan xã ăn chặn tiền chính sách suốt 4 năm liền của hàng chục công dân. Nhiều người đã trực tiếp lên xã hỏi nhưng lần nào cán bộ chính sách xã này đều né tránh câu trả lời. Của đau con xót, một số người dân nằm trong diện được hưởng chế độ trên tại xóm Tân Đình đành liều lên Phòng LĐ-TB&XH huyện Kỳ Anh để hỏi cho ra nhẽ. Tại đây, cán bộ Phòng LĐ-TB&XH huyện cho biết huyện đã hoàn thành chi trả tiền chính sách trong xã. Hóa ra tiền chế độ của người dân đã bị ông Phan Văn Sơn, cán bộ xã Kỳ Giang ăn chặn không chừa lại đồng nào.

Tin dữ lan nhanh, một ngày sau, những nạn nhân của vụ ăn chặn này đã kéo đến UBND xã yêu cầu làm rõ. Từ đây chuyện cán bộ xã Phạn Văn Sơn ăn chặn tiền chính sách nhanh chóng được phơi bày. Tổng cộng trong suốt 4 năm, từ 2008 đến 2012, có đến hơn 40 trường hợp gồm các thương binh, thân nhân liệt sĩ… bị ông Sơn tham nhũng này giả mạo chữ ký, ăn chặn tiền Chính phủ lo cho dân với tổng số tiền hơn 30 triệu đồng.

Bệnh nhân tâm thần Nguyên Văn Đồng (giữa) bị ăn chặn đến 50% tiền trợ cấp

Vụ việc xấu xa vỡ lở, ngay trong đêm hôm ấy, “quan tham” Phan Văn Sơn đã âm thầm đi xe máy đến từng nhà đối tượng chính sách năn nỉ xin tha tội và xin trả lại tiền. Ông Sơn đã nại ra hàng loạt lý do như thất lạc hồ sơ, tiền ở trên chuyển về chậm… mong được người dân thông cảm. Tuy nhiên vẫn có một số người dân kiên quyết không nhận lại số tiền bị ăn chặn từ tay ông Sơn để chờ cơ quan chức năng làm rõ có trách nhiệm của UBND xã.

Theo như bà con tường trình thì bảng danh sách nhận tiền chính sách để có thể nhận tiền từ trên huyện, ngoài chữ ký của cán bộ chi trả còn có cả chữ ký xác nhận của Chủ tịch UBND xã. Điều người dân muốn được rõ là việc ăn chặn này có hay không sự tiếp tay của Chủ tịch UBND xã?”. Vẫn chưa có câu trả lời. Nghe nói, ông Phan Văn Sơn mới bị tạm đình chỉ công tác để dành thời gian khắc phục, hoàn trả lại tiền cho người dân còn việc xử lý kỷ luật như thế nào thuộc thẩm quyền của UBND huyện vì ông này là công chức, thuộc diện quản lý của UBND huyện. Bà con nghi ngại không khéo lâu lâu phân trâu hóa bùn!?

2. Vụ cán bộ xã Thanh Chi, huyện Thanh Chương, Nghệ An ngang nhiên chữa lại giấy khai sinh, lập báo tử giả, ỉm quy định mới… cốt để ăn chặn tiền chính sách bị phát hiện đã gây phẫn nộ trong dư luận. Đây là vụ tham ô tham nhũng có tổ chức nên càng gây bức xúc rộng khắp.

Để trục lợi, họ khai tăng tuổi cha mẹ mình, báo tử người còn sống, ăn chặn tiền chính sách của người già, người bị bệnh tâm thần kéo dài mà không bị phát hiện, không bị tố cáo càng khiến nhóm “quan tham” này coi trời bằng vung.

Vụ việc vỡ lở, báo chí đăng bài khiến lãnh đạo tỉnh và ngành LĐ-TB&XH phải nhìn nhận vụ việc các cán bộ xã Thanh Chi sai phạm là quá rõ ràng, đồng thời thừa nhận có “lỗ hổng” trong quy trình theo dõi tăng giảm đối tượng và việc giám sát đối tượng, nguồn tiền chi trả còn bất cập. Lỗ hổng ở đây chính là chỗ buông lỏng việc giám sát tại cơ sở, dẫn đến hiện tượng người đã chết nhưng chưa khai tử, hoặc nâng tuổi để hưởng chế độ, hoặc cấp phát tiền không đủ cho đối tượng được hưởng kéo dài mấy năm trời.

Theo như báo chí đã phản ánh, trong những năm từ 2008 đến 2011, một nhóm cán bộ xã Thanh Chi đã câu kết với nhau, tự ý thay đổi độ tuổi, ngày tháng năm sinh ở CMND và sổ hộ khẩu của 8 người  để hưởng chế độ hỗ trợ dành cho người cao tuổi, trục lợi hơn 43 triệu đồng. Không những tự ý “khai sinh” lại cho các cụ, mà trong các năm từ 2009 đến 2012, trên địa bàn xã Thanh Chi còn có 16 trường hợp người có công với cách mạng đã qua đời lẽ ra phải cắt giảm chế độ nhưng các cán bộ ở đây đã “ém” đi không báo cáo lên trên và tiền hỗ trợ của những người này vẫn đều đều rơi vài túi họ, làm thất thoát của Nhà nước thêm 62.800.000 đồng.

Xã Thanh Chi có 37 người cao tuổi đã mất nhưng họ vẫn để nguyên tên trong danh sach để tiếp tục nhận nguồn trợ cấp từ huyện. Trong khi đó, có đối tượng chính sách khác 2 lần được nâng mức trợ cấp xã hội nhưng UBND xã đã ỉm các quyết định này để vẫn tiếp tục chi trả cho các đối tượng theo mức cũ.

Nghiêm trọng hơn nữa, các cán bộ xã Thanh Chi còn “khai tử” những trường hợp vẫn còn khỏe mạnh và hiện đang cư trú tại địa phương hay ở xa để “ăn chặn” tiền hỗ trợ mai táng phí, gây phẫn nộ trong quần chúng nhân dân.

Ủy ban Kiểm tra huyện ủy Thanh Chương đã có thông báo kết luận các cá nhân sai phạm tại xã Thanh Chi sau đó địa phương này tổ chức kiểm điểm xử lý nhưng hầu hết các “quan xã” ở Thanh Chi chỉ bị “khiển trách”!

Cũng tại huyện Thanh Chương, sau khi vào cuộc điều tra tại xã Cát Văn, Công an tỉnh Nghệ An cũng đã xác minh được 60 trường hợp khai man hồ sơ để hưởng trợ cấp thân nhân liệt sĩ, thương binh với số tiền bị quan xã ăn chặn lên đến hơn 400 triệu đồng. Điều đáng nói, trong đó có một số người thân của các cán bộ xã.

T.V