Tù nhân được kết hôn: Cuộc cân não giữa tình người và rào cản pháp lý

07:00 | 01/02/2015

1,374 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Tại Hội nghị Triển khai công tác tư pháp năm 2015, đại diện Sở Tư pháp tỉnh Gia Lai cho biết: Những người đang thi hành án tù giam vẫn có quyền kết hôn nhưng ở Việt Nam chưa có tiền lệ. Xuất phát từ thực tế đó, vị này cho rằng, các cơ quan chức năng liên quan cần xem xét cho những người thi hành án tù giam được tổ chức kết hôn để đảm bảo tính nhân văn và quyền con người. Các chuyên gia nhận định, ý tưởng trên đang đặt những cơ quan hữu quan vào cuộc thử thách thực sự. Câu hỏi đặt ra, liệu tình người có chiến thắng rào cản pháp lý?

Năng lượng Mới số 395

Lá đơn xin kết hôn với… tử tù

Khi được tham vấn ý kiến về đề xuất cho những người đang thi hành án tù giam được đăng ký kết hôn, rất nhiều luật sư, chuyên gia pháp lý đều thừa nhận, đây là một ý tưởng tiến bộ, cho thấy pháp luật không còn là những văn bản khô cứng mà đang hướng nhiều đến tính nhân văn và đề cao hơn nữa quyền con người. Thế nhưng, đề xuất trên lại không dễ áp dụng vì đang vướng phải không ít rào cản pháp lý.

Cách đây ít lâu, dư luận cả nước từng xôn xao trước lời khẩn cầu của chị Ngô Thị M.L (26 tuổi) gửi tới các cơ quan hữu trách đề nghị được làm đăng ký kết hôn với ông Đặng Văn Hai (57 tuổi) - bị cáo trong vụ án tham ô, lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra tại Công ty Cho thuê tài chính (ALC 2). Điều bất ngờ, người mà chị L tha thiết muốn lấy làm chồng lại đang bị TAND TP HCM tuyên tử hình ngày 15/11/2013.

Ông Nguyễn Công Khanh, Cục trưởng Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực (Bộ Tư pháp)

Trong lá đơn đẫm nước mắt, chị L viết: “Đây là nguyện vọng chính đáng và mang tính nhân đạo của hai vợ chồng tôi. Đồng thời cũng là để hai đứa con chung của chúng tôi chính thức được pháp luật thừa nhận cha đẻ hợp pháp của mình”.

Người phụ nữ 26 tuổi cũng tha thiết mong các cơ quan hữu quan chấp thuận để chị được cùng ông Hai vượt qua chặng đường sắp tới, dù tương lai sẽ lành ít dữ nhiều.

“Dẫu biết mọi khó khăn vẫn ở phía trước nhưng chính ở thời điểm này, với tư cách là một người vợ, tôi vẫn mong muốn được thăm nuôi, chăm sóc ông Hai. Các con của chúng tôi cũng sẽ có lúc được nhận cha mình, dù là tử tù đi chăng nữa”, chị L giãi bày.

Đây chỉ là một trong số rất nhiều những nỗi niềm của những cảnh đời phải chịu cảnh biệt ly. Bản thân phóng viên cũng gặp không ít trường hợp bạn đọc bày tỏ sự băn khoăn về việc người thân của họ có được kết hôn khi đang chấp hành hình phạt tù hay không. Trên thực tế, dù pháp luật không cấm nhưng chính những rào cản khi phải sống sau song sắt khiến người thụ án khó thực hiện trọn vẹn giấc mơ của mình.

“Quyền” và “lợi dụng quyền”

Bình luận về đề xuất này, Thiếu tướng Lê Văn Cương, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược, Bộ Công an nêu quan điểm: “Nên để cho các cơ quan, đoàn thể như Hội Phụ nữ, Thanh niên, các nhà hoạch định chính sách… đóng góp ý kiến về việc này. Trong luật pháp Việt Nam không có quy định nào cấm người ở tù kết hôn kể cả tử tù. Do vậy, theo tôi, người ta có quyền kết hôn dù đang thi hành án tù giam”.

Tuy nhiên, tướng Lê Văn Cương cũng thừa nhận, về mặt pháp lý thuần túy là như vậy, nhưng thực tế lại khác. Hiện cũng chưa có quy định nào cho phép trích xuất người đang lĩnh án tù giam ra ngoài để làm thủ tục đăng ký kết hôn.

Thiếu tướng Lê Văn Cương, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược (Bộ Công an)

Từ đó, Thiếu tướng Lê Văn Cương đề xuất: “Nếu chưa có quy định về trích xuất người đang lĩnh án tù giam ra ngoài để làm thủ tục đăng ký kết hôn thì giờ cần phải bổ sung. Theo tôi nên đưa thêm quy định đó vào Luật Hôn nhân và Gia đình, Luật Tố tụng hình sự vì đó là 2 bộ luật chi phối việc này. Cùng với đó phải ban hành nghị định chi tiết về nghĩa vụ, trách nhiệm của các lực lượng liên quan như công an, chính quyền địa phương… khi có chuyện xấu xảy ra.  Tôi nghĩ Bộ Công an cũng nên ủng hộ chủ trương đó”.

Trước những lo ngại về việc sẽ có tù nhân lợi dụng chuyện này để toan tính các mưu đồ khác, ông Cương cho rằng, lo thì lo, nhưng đó lại là một câu chuyện khác. Hãy để công an lo việc đó. Luật vẫn sẽ cho phép người đang thi hành án tù giam được tổ chức ăn hỏi, làm lễ cưới, mời họ hàng ăn cỗ cưới… bởi người Việt rất trọng các thủ tục, tập tục nhất là chuyện cưới hỏi. Còn nếu có sự cố xảy ra trong quá trình tù nhân làm lễ cưới, thì công an sẽ lo chuyện đó.

“Tôi nghĩ nếu quyền được đăng ký kết hôn của người đang thi hành án tù giam được đi vào thực tế, công an sẽ có thêm nhiều việc. Nhưng không thể vì sợ người ta lợi dụng “quyền” đó làm chuyện này kia trái pháp luật mà cấm được. Đừng để không làm được thì cấm. Chuyện lợi dụng hay không cũng chỉ là khả năng, luật không quy định khả năng”, tướng Cương nói thêm.

Cũng theo Thiếu tướng Lê Văn Cương, người đang thi hành án tù giam muốn kết hôn, trước tiên họ phải báo cáo với giám thị - người quản lý trực tiếp về nguyện vọng của mình theo đúng luật hôn nhân và gia đình. Sau đó, giám thị sẽ báo cáo, xin ý kiến cấp trên. Nếu họ thực hiện theo đúng luật thì nói gì thì nói cấp trên sẽ chấp thuận cho người ta. Cuối cùng, họ sẽ được tổ chức đám cưới, đăng ký kết hôn như thường còn làm như thế nào, ở đâu… lại là chuyện khác.

Cũng liên quan đến đề xuất trên, hiện vẫn còn không ít ý kiến trái chiều. Bên cạnh những luồng ý kiến đồng tình, một số chuyên gia pháp lý cũng bày tỏ sự băn khoăn cho rằng, việc cho phép người đang thi hành án tù được kết hôn sẽ chẳng khác nào “tiếp tay” cho những hành vi lách luật.

Dù rất thông cảm với những trường hợp như vậy nhưng khi trao đổi với phóng viên, TS Nguyễn Văn Điệp, Trưởng khoa Đào tạo Luật sư (Học viện Tư pháp) lại thẳng thắn: “Tôi không ủng hộ quan điểm người đang lĩnh án tù giam được quyền kết hôn”.

Theo TS Điệp, người đang thụ lý án giam là đã bị hạn chế quyền tự do theo quy định của pháp luật. Nếu là một công dân tốt, chấp hành pháp luật tốt thì người ta có đầy đủ quyền tự do con người nhưng nếu đã phạm pháp hình sự, bị phạt tù thì việc bị hạn chế quyền tự do là đương nhiên. Việc áp dụng các chế tài hình sự một mặt mang tính cải tạo giáo dục, một mặt mang tính trừng trị, đương nhiên họ bị hạn chế đi một số quyền nhất định như quyền kết hôn, quyền đi lại, cư trú…

Vị chuyên gia tỏ ý lo ngại, việc trích xuất can phạm thông qua nhiều loại giấy tờ khác nhau, nhiều thủ tục tương đối phức tạp.

“Hơn nữa, nếu không có sự giám sát chặt chẽ sẽ không tránh được việc tù nhân lợi dụng chuyện này để toan tính các mưu đồ khác. Tôi vẫn bảo lưu quan điểm, người bị giam giữ theo bản án của tòa án thì sẽ bị hạn chế không được quyền kết hôn”, chuyên gia này tái khẳng định.

Hệ thống luật pháp Việt Nam hiện hành không có quy định cấm việc người đang lĩnh án tù giam và cả người bị kết án tử hình được kết hôn. Bộ Tư pháp từng có văn bản trao đổi với Bộ Công an và nhận được trả lời rằng, hiện nay chưa có quy định cho phép trích xuất người đang lĩnh án tù giam ra ngoài để làm thủ tục đăng ký kết hôn. Chúng tôi sẽ tiếp thu vấn đề này để cùng các cơ quan chức năng nghiên cứu.

Cục trưởng Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực (Bộ Tư pháp) Nguyễn Công Khanh


Thảo Phượng