Trách nhiệm với 90 triệu dân

06:40 | 05/11/2013

1,293 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Đạt con số 90 triệu dân, đó vừa là niềm vui vừa là nỗi lo. Mừng vì chúng ta đứng ở tốp những cường quốc về dân số nhưng làm sao bảo đảm được đời sống ổn định cho 90 triệu người lại là bài toán khó.

Đức Long (NLM số 271)

Bé gái Nguyễn Thị Thùy Dung, chào đời lúc 2 giờ 45 phút sáng ngày 1/11/2013 đã trở thành công dân thứ 90 triệu của Việt Nam. Bé là con của chị Lê Thị Duyên và anh Nguyễn Văn Dũng, quê xã Nam Chính (huyện Nam Sách, Hải Dương).

 Đạt con số 90 triệu dân, đó vừa là niềm vui vừa là nỗi lo. Mừng vì chúng ta đứng ở tốp những cường quốc về dân số nhưng làm sao bảo đảm được đời sống ổn định cho 90 triệu người lại là bài toán khó.

Dẫu sao, chúng ta cũng thật sự đáng mừng trước những thành tựu đáng ghi nhận sau mấy chục năm kiên trì và nỗ lực phấn đấu vì mục đích dân sinh: Tuổi thọ trung bình của người dân Việt Nam 50 năm qua đã tăng được 33 tuổi (từ 40 tuổi vào năm 1960 lên 73 tuổi vào năm 2010). Trong khi đó, tuổi thọ trung bình của thế giới chỉ tăng được 21 tuổi (từ 48 lên 69 tuổi).

Bé gái Nguyễn Thị Thùy Dung đã trở thành công dân thứ 90 triệu của Việt Nam

Ngoài ra, cách đây 20 năm, các nhà khoa học đã dự báo dân số Việt Nam sẽ đạt mức 105 triệu người vào năm 2010. Như vậy, nhờ làm tốt công tác dân số, Việt Nam đã “tránh sinh” được 18 triệu người.

Đáng chú ý nữa là số con trung bình của một phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ giảm từ 6 xuống còn 2, trong khi nhiều nước chỉ giảm từ 5 xuống 2,5. Tỷ lệ sinh của một số tỉnh miền Tây và Đông Nam Bộ đang ở dưới mức cho phép. Tỷ suất sinh thấp nhất cả nước là TP Hồ Chí Minh, trung bình mỗi bà mẹ chỉ có 1,45 con.

Nhưng với quy mô dân số hiện nay, nước ta đang là cường quốc về dân số, đứng thứ 13 trên thế giới. Với gần 260 người/km2, mật độ dân số nước ta cao hơn cả Trung Quốc và gấp gần 6 lần mức trung bình của thế giới.

Công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình ở nước ta vẫn còn nhiều khó khăn. Về cơ cấu, dân số Việt Nam đang già đi với tốc độ nhanh. Năm 2009, số người từ 65 tuổi trở lên là 6,6% và chỉ số già hóa là 35%, cao hơn mức trung bình của khu vực Đông Nam Á (30%). Quá trình “già hóa” này sẽ gây áp lực mạnh đến việc đảm bảo an sinh xã hội, chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi.

Bên cạnh đó, việc mất cân bằng giới tính của Việt Nam ngày càng trở nên trầm trọng, 112,3 trai/100 gái. Mặc dù đã tiến hành nhiều biện pháp để khắc phục nhưng tình trạng này chưa thể khống chế và giải quyết trong thời gian ngắn. Với đà này, chỉ vài chục năm nữa, nước ta sẽ rơi vào tình trạng khủng hoảng thiếu phụ nữ ở lứa tuổi lập gia đình.

Dân số cao nhưng đời sống còn thấp, đó là thực tế vẫn còn tiếp diễn. Chúng ta đang tiến lên công nghiệp hóa, hiện đại hóa nhưng số lao động ở địa bàn nông thôn vẫn cao, chiếm 44 triệu người; trong khi đó, số người lao động phi nông nghiệp chỉ có 17 triệu. Thu nhập trung bình của nhóm lao động phi nông nghiệp hơn 3.000USD/người, nhóm nông nghiệp chỉ đạt hơn 500USD/người. Hơn 20% dân số nước ta đang sống dưới chuẩn quốc tế về “nghèo tuyệt đối” và 21% trẻ em 7-14 tuổi đã phải tham gia lao động, bị suy dinh dưỡng. Đời sống thấp dẫn đến đói nghèo, bệnh tật nên tỷ lệ tử vong của trẻ em dưới 5 tuổi ở nhóm thu nhập thấp là 53/1.000, còn ở nhóm thu nhập cao là 16/1.000.

Điều kiện chăm sóc sức khỏe cho người dân còn quá thấp với 6 bác sĩ trên 10.000 dân. Trong khi các nước láng giềng như Philippines, Trung Quốc, Brunei, Singapore có tới 15-20 bác sĩ trên 10.000 dân. Tỷ lệ dược sĩ cũng chỉ đạt mức gần 1 dược sĩ trên 10.000 dân. Còn y tá mới chỉ dừng ở con số 1,5 y tá/ bác sĩ, mà yêu cầu đảm bảo chất lượng điều trị cần phải có 2-4 y tá/bác sĩ.

Đời sống cho người dân còn ở chất lượng giáo dục và đào tạo. Hệ thống trường học có quy chuẩn quốc gia nhưng đến nay vẫn còn nhiều trường ở diện 3 không: không sân chơi, không cây xanh và không tường bao. Chất lượng giáo dục đã bị báo động từ nhiều năm nhưng ngành giáo dục vẫn còn lúng túng, chưa tìm được lối thoát.

Mỗi năm, dân số tăng trung bình 1 triệu người bằng dân số 1 tỉnh. Tương ứng với con số đó là 1 triệu người đến tuổi lao động. Nhưng số lao động bị thất nghiệp vẫn là vấn đề nổi cộm, chưa có giải pháp hữu hiệu. Thêm vào đó, công nhân ở các nhà máy, xí nghiệp, kể cả các doanh nghiệp lớn mất việc cũng ngày càng có nguy cơ tăng cao. Vì không có công ăn việc làm mà nhiều người lâm vào rượu chè, cờ bạc, ma túy, trộm cắp, đâm thuê, chém mướn. Đó là gánh nặng của xã hội.

Trước Cách mạng Tháng Tám, khi dân số nước ta mới có khoảng 30 triệu người, cụ Tú Xương đã đưa ra lời cảnh báo: “Phố phường chật hẹp, người đông đúc/ Bồng bế nhau lên nó ở non”. Ngày trước kéo nhau lên khai hoang vùng rừng núi thì còn có cái ăn; ngày nay rừng đã bị phá sạch, trơ ra đất trống, đồi núi trọc nên cũng chẳng còn ai dại gì lên rừng. Họ kéo nhau ra thành phố. Vì thế áp lực dân số, việc làm và các vấn nạn xã hội càng nặng nề hơn. Cho nên bảo đảm an sinh xã hội cho một đất nước 90 triệu người đang trở thành bài toán khó đối với toàn Đảng, toàn dân ta.

Mừng vì thế mà cũng lo vì thế!

Đ.L

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc