Tôi cũng sợ học môn Văn!

11:39 | 22/04/2013

3,487 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Không ít người nghĩ rằng các nhà văn đều là những người giỏi Văn. Thật ra, đó là họ nghĩ như vậy còn có đúng thế không lại là một chuyện khác...

Nhà văn Nguyễn Như Phong

Không ít người nghĩ rằng các nhà văn đều là những người giỏi Văn. Thật ra, đó là họ nghĩ như vậy còn có đúng thế không lại là một chuyện khác. Nếu như tra lịch sử học hành của các nhà văn Việt Nam thì mới ớ ra rằng rất hiếm người đã từng đi thi học sinh giỏi Văn.

Tôi học thể loại Viết thư từ năm học lớp 5. Thầy giáo bảo rằng các em hãy viết thư cho người thân, nếu như có em nào có bố (mẹ) đang ở xa thì hãy viết cho bố (mẹ), thầy sẽ gửi cho. Bố tôi (nhà văn Hoài An), lúc ấy đang đi tuyến lửa Quảng Bình. Tin lời thầy nên tôi viết thư cho bố để thầy gửi hộ.

Tôi vẫn nhớ như in câu đầu tiên tôi viết trong thư là: “Đàn ngan nhà mình bị toi sạch rồi bố ạ”. Thế rồi, tôi kể những chuyện đi lặn hến ở ngoài sông Đáy rồi chuyện đi bắn chim, sinh kế ở nhà,…  Trong bức thư ấy tôi không kể chuyện học hành ra làm sao, dù theo lời thầy, kết thư là phải hứa hẹn sẽ học tập tốt như thế nào. Kết quả, bài văn của tôi bị điểm 2 (thang điểm 5). Thầy giáo còn mắng tôi trước lớp là viết thư không đúng theo lời thầy dạy.

Tất nhiên là chúng tôi chẳng ai dám cãi và chẳng ai dám trình bày, vì ngày ấy, chỉ cần nói chuyện riêng trong lớp thì đã phải ra góc lớp, quỳ lên vỏ mít, còn dây mực ra tay thì phải xòe bàn tay ra ăn vụt. Mà lớp chúng tôi thì rất nhiều con nhà văn như anh Vũ Huy – con nhà văn Vũ Tú Nam, Đỗ Quang Huyên – con nhà văn Đỗ Quang Tiến, Võ Thị Tân – con nhà văn Võ Huy Tân…. Nhưng các ông bố nhà văn thì xem ra còn nghiêm khắc hơn cả thầy, còn khuyến khích thầy “cứ vụt thật lực”, nếu như “chúng nó hỗn, chúng nó không nghe lời”.

Ấm ức vì bài văn thầy cho điểm kém, từ đấy, tôi có ác cảm với môn văn và suốt những năm học phổ thông tiếp theo, điểm số môn Văn của tôi cũng chỉ đạt ở mức trung bình. Tôi đặc biệt ghét môn tập làm văn, bình luận, chứng minh, phân tích bởi nhiều cái sáo rỗng, giáo điều và ngôn từ trong những bài văn thường cứ “trơn như lươn” ấy.

Cách dạy của nhà trường vẫn rất rập khuôn, sáo rỗng và mang tính nhồi nhét

Quả thật, đến bây giờ ngẫm lại, tôi mới thấy kiến thức văn chương trong nhà trường để lại trong đầu tôi giờ chỉ là con số 0. Nhưng ngược lại, cũng có những cái học ở trong nhà trường vẫn đóng dấu trong đầu tôi mãi đến giờ. Đó là những bài văn mà thầy giáo bắt học thuộc lòng. Trong những năm học phổ thông, chúng tôi phải học thuộc lòng các bài văn như Hịch tướng sỹ, Cây tre Việt Nam, Văn tế nghĩa sỹ Cần Giuộc và nhiều bài văn, thơ khác. Phải công nhận rằng khi học các tác phẩm văn học mà trước đó đã học thuộc lòng, đến lúc vào học thì nhập tâm lắm. Chúng tôi có thể lặng người đi khi nghe thầy giảng bài văn Cây tre Việt Nam của nhà báo Thép Mới - một bài văn xuôi nhưng sao đọc rất dễ thuộc. Bây giờ, cuộc sống đã thay đổi nhiều, cách dạy và học cũng đã thay đổi nhiều nhưng quả thật, cách dạy của nhà trường vẫn rất rập khuôn, sáo rỗng và mang tính nhồi nhét.

Có một câu chuyện minh chứng đã được ghi vào giai thoại Nhà văn Việt Nam. Đó là chuyện một cháu học sinh được giao làm đề văn về thơ Xuân Diệu. Vì nhà cháu gần nhà nhà thơ Xuân Diệu nên cháu đem về nhờ ông làm giúp. Không nỡ từ chối cháu bé, nhà thơ Xuân Diệu vui vẻ làm một bài văn phân tích về tác phẩm của chính mình. Mấy hôm sau, cháu học sinh đem bài văn cô giáo trả và khóc với nhà thơ rằng, cô giáo chấm điểm 2 và phê là “Không hiểu gì về thơ Xuân Diệu cả!” (?!).

Giáo sư Văn Như Cương vừa rồi đã phải lên tiếng rằng, nếu như giảm bớt được đi một nửa chương trình học cho học sinh bây giờ thì tốt. Tôi thấy quả là đúng. Không biết các nhà giáo dục có bao giờ tự hỏi có mối liên quan gì không giữa 2 thực trạng: Một là, tình trạng rối loạn sức khoẻ tâm thần của học sinh - sinh viên đang tăng và luôn cao hơn đối tượng bình thường và hai là, chương trình học từ phổ thông đến đại học đều đang nhồi nhét những thứ vô bổ vào đầu học sinh.

Hôm vừa rồi, trong Hội thảo “Phối hợp giữa Học viện Báo chí và Tuyên truyền với các cơ quan báo chí trong hoạt động đào tạo”, tôi cũng đã có bài tham luận và phát biểu thẳng thắn là tôi chẳng hiểu các nhà giáo dục nghĩ thế nào mà bắt sinh viên báo chí học môn Xác suất thống kê, Logic học,… trong khi các môn cần phải học cho thật kỹ thì không được dành thời lượng đào tạo đúng mức.

Rồi các nhà soạn sách giáo khoa cũng vậy. Họ soạn sách và nhồi vào đầu học sinh những thứ cao siêu đến nỗi người lớn cũng còn chả hiểu. Ai đời lại bắt học sinh lớp 7 học thơ Đường. Tôi không hiểu ở độ tuổi ấy, học sinh sẽ tiếp thu, cảm thụ thế nào về thơ Đường – thành tựu tiêu biểu nhất của văn học Trung Quốc với những thi pháp phức tạp, sâu sắc mà giáo viên có khi còn chưa hiểu thấu đáo.

Nhưng như thế vẫn chưa hãi bằng chuyện thằng con trai tôi khi học lớp 2, mang bài Tiếng Việt về nhà hỏi bố. Bài ra: “Em hãy tìm từ đồng nghĩa với từ "có duyên”". Quả thật, phụ huynh tôi nghĩ nát óc mà không tìm được từ nào đồng nghĩa với từ “có duyên”. Đấy, người ta cứ nhồi nhét như vậy cho nên cứ bảo sao bây giờ hay xuất hiện những bài văn “nổi loạn” và những môn xã hội bị học sinh chán ghét.

Rất mong các nhà giáo dục hãy đổi mới bằng cách giảm đi một nửa số kiến thức tạp nham mà các thầy hiện nay đang nhồi vào đầu học sinh!

N.N.P