Thông lệ buồn

07:00 | 22/01/2014

1,748 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Đã thành lệ, cứ đến dịp tết cổ truyền dân tộc thì lãnh đạo nhiều địa phương lại tự nhận tỉnh mình thuộc diện nghèo để xin Chính phủ hỗ trợ tiêu chuẩn tết cho dân.

Năng lượng Mới số 293

Năm nay, cách tết gần 1 tháng đã có 15 tỉnh xin Trung ương gạo để cứu đói và cho dân ăn tết. Có tỉnh xin cấp 15 kg gạo/ người/tháng trong 3 tháng liền. Nếu tỉnh nghèo thật và dân địa phương đói thật thì không sao nhưng có tỉnh tăng trưởng kinh tế khá, thậm chí là tỉnh giàu mà vẫn xin cứu đói thì lại là chuyện đáng phải xem xét lại.

Thực tế rõ nhất là năm qua ở một số tỉnh miền Trung vốn đã nghèo nhưng bị thiên tai bão lụt tàn phá nặng nề, tỷ lệ dân nghèo đói tăng lên là có thật. Trong số các tỉnh xin cấp gạo cứu đói có 3 tỉnh đề xuất nhiều nhất là Quảng Bình cần 5.200 tấn, Quảng Trị cần 4.300 tấn, Nghệ An cần 4.200 tấn.

Suốt mấy tháng qua, người dân ở đây phải lo dựng lại nhà cửa, phục hồi sản xuất và lâm vào cảnh đói cơm rách áo là có thật. Cứu đói và hỗ trợ tiền tết cho những đối tượng này là trách nhiệm của các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương. Chính phủ cũng đã sớm có chủ trương, chính sách triển khai công tác chăm lo tết cho người nghèo. Lợi dụng cơ chế ấy nên có một số tỉnh giàu cũng lên tiếng đi xin.

Ông Thái Phúc Thành, Phó cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết: Bộ đã nhận được đề nghị hỗ trợ gạo cứu đói của 15 tỉnh với nhu cầu hơn 28.000 tấn gạo. Một số lượng quá lớn!

Khi đề xuất xin gạo cứu đói, các quan chức tỉnh đều viện những lý do nghe có vẻ chính đáng cả. Ông Phạm Sỹ Lợi, Phó chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam, thừa nhận những năm qua Hà Nam dù đã có những thành tựu phát triển nhất định nhưng vẫn không cân đối đủ. Tổng dự toán giao năm 2013 số thu ngân sách chỉ đạt hơn 2.000 tỉ đồng, nhưng nguồn chi thường xuyên trong năm lên tới hơn 4.000 tỉ đồng.

Nghệ An được đánh giá là tỉnh thu ngân sách đứng đầu 6 tỉnh Bắc Trung Bộ và đứng thứ 16 toàn quốc nhưng ông Nguyễn Xuân Đường, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An giải thích: “Nghệ An đạt tốc độ tăng trưởng và thu ngân sách vượt trội như vậy nhưng tỉnh phải chi trên 16.000 tỉ đồng/năm. Dân số đông (trên 3 triệu người) nên tỷ lệ hộ nghèo cũng lớn, đang ở mức 12,5%, cao hơn bình quân của cả nước (7,8%). Ông Nguyễn Văn Bình, Phó giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) tỉnh Ninh Thuận nói đây là “thông lệ” nhiều năm nay mỗi khi Tết về.

Còn ông Võ Đại, Phó chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận giải trình: “Tỉnh cố gắng hỗ trợ cho mỗi hộ nghèo 150.000 đồng dịp tết này, nhưng nếu không có gạo của Chính phủ thì địa phương khó có nguồn lực để cứu đói cho toàn bộ người nghèo của tỉnh ăn tết tươm tất được”.

Đó là những tỉnh kinh tế khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo còn cao. Nhưng điều đáng ngạc nhiên là có Khánh Hòa - một trong những tỉnh giàu, tăng trưởng kinh tế cao - nhưng vẫn xin 550 tấn gạo! Năm qua, GDP của tỉnh tăng 8,3%  so với năm 2012, thu ngân sách tăng 16% so, tỷ lệ hộ nghèo còn có 4,26%. Khi hỏi lý do vẫn xin gạo thì một vị phó chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa nói rằng: “Hỏi khó trả lời quá, nhưng tất cả cũng là lo cho dân thôi mà”.

Còn ông Nguyễn Hữu Thấu, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Khánh Hòa lại giải thích: “Mấy năm trước Khánh Hòa tự cân đối ngân sách để cấp gạo cứu đói cho dân, nhưng năm nay lãnh đạo UBND tỉnh nói thu ngân sách khó quá nên chỉ đạo xin gạo Chính phủ để cấp cho số hộ thiếu đói giáp hạt trên địa bàn cả tỉnh. Cái này lãnh đạo UBND tỉnh cân đối ngân sách rồi chỉ đạo như vậy”.

Phú Yên từ lâu được mệnh danh là “vựa lúa của miền Trung”, tốc độ tăng trưởng kinh tế - xã hội đạt 10,67%. Đáng kể nhất là năng suất lúa vụ đông xuân 2013 của Phú Yên đạt hơn 67 tạ/ha. Thế mà Phú Yên vẫn xin cấp 761 tấn gạo.

Gạo cứu đói dịp tết và giáp hạt 2014 được lấy từ nguồn dự trữ quốc gia. Chính phủ quy định rõ: Việc xin cấp gạo cứu đói dịp tết và dịp giáp hạt đều phải làm theo quy trình và chủ tịch UBND tỉnh phải chịu trách nhiệm về đề xuất xin cấp gạo cứu đói của địa phương. Liên bộ LĐ-TB&XH, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài chính sẽ cùng xem xét cấp theo đề xuất của các tỉnh và cùng hậu kiểm việc thực hiện cấp gạo cứu đói. Quan điểm chung đã được Thủ tướng chỉ đạo là không được để gia đình nào đói... Tuy nhiên, trước khi xin cứu trợ gạo thì tỉnh phải sử dụng ngân sách địa phương.

Với quy trình như vậy, ngày 16-1 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định cấp 12.322 tấn gạo từ nguồn dự trữ quốc gia để hỗ trợ cứu đói cho 9 tỉnh gồm: Lai Châu, Lào Cai, Cao Bằng, Yên Bái, Nghệ An, Quảng Bình, Quảng Trị, Phú Yên, Ninh Thuận. Thủ tướng yêu cầu UBND các tỉnh hỗ trợ kịp thời, đúng đối tượng cho nhân dân, bảo đảm không để dân thiếu đói.

Như vậy là Chính phủ đã gạt bớt 6 tỉnh khỏi danh sách xin gạo và số gạo cấp cho 9 tỉnh nói trên cũng giảm so với con số mà địa phương đề xuất. Nhưng vẫn có tỉnh khá về kinh tế được nhận gạo. Nghĩa là cứ cố nhận mình nghèo để được hỗ trợ. Liệu có thể nói đó là “cố đấm ăn xôi” không?

Đức Minh