Thế này thì chết!

07:00 | 28/08/2013

1,236 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Tình trạng khá phổ biến hiện nay là ở đâu có khoáng sản, ở đó có khai thác, khai thác tối đa, khai thác bằng mọi giá và khai thác bất kỳ loại khoáng sản nào để xuất khẩu, không quan tâm đến hậu quả môi trường…

Bảo Dân (NLM số 251)

Kiểm tra 957 giấy phép khai thác khoáng sản ở các tỉnh cấp từ ngày 1/7/2011 đến ngày 31/12/2012, Bộ Tài nguyên và Môi trường phát hiện 861 giấy phép có dấu hiệu vi phạm Luật Khoáng sản và Luật Môi trường, dẫn đến tình trạng khai thác khoáng sản tràn lan, không theo dự án được phê duyệt, quy trình khôi phục sau khai thác không nghiêm túc, gây thất thoát lãng phí, ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến đời sống của nhiều vùng dân cư. Cử tri và đại biểu Quốc hội đều chung mối quan ngại về việc kỷ cương phép nước bị buông lỏng.

Vì vậy, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đã phải thốt lên rằng: “Cấp phép thế này thì chết!”.

Thực ra, đến phiên họp này Ủy ban Thường vụ Quốc hội mới nhìn nhận đầy đủ hơn những vấn đề bức xúc khi thi hành Luật Khoáng sản. Trước đó, báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiến hành đợt giám sát chuyên đề về tình hình thực hiện chính sách, phát luật về quản lý, khai thác khoáng sản gắn với bảo vệ môi trường năm 2012 nêu rõ, tình trạng thất thoát, lãng phí, kém hiệu quả và ô nhiễm môi trường nghiêm trọng xảy ra thường xuyên ở hầu hết các dự án khai thác khoáng sản, do công tác lập, thực hiện quy hoạch, kế hoạch, quyết định đầu tư dự án thiếu cơ sở, chưa tính toán đến các chi phí, lợi ích về mặt xã hội và môi trường; thời gian dự án kéo dài, thủ tục hành chính phiền hà và qua nhiều công đoạn; năng lực nhà thầu, tư vấn còn nhiều hạn chế...

Mặt khác, các khu mỏ đang khai thác hiện nay hầu hết nằm ở vùng núi và trung du, cùng với công nghệ khai thác hiện nay chưa hợp lý, nhất là đối với các kim loại nên mức độ gây ô nhiễm, suy thoái môi trường, phá hủy rừng, hủy hoại về mặt đất, ô nhiễm nguồn nước, đất canh tác, không khí... đã ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động của các ngành kinh tế khác như: nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản và du lịch...

Tình trạng khai thác tài nguyên khoáng sản sai phép và không phép đã đến mức báo động. Báo chí từng phải nhiều lần lên tiếng vì người ta khai thác than sắp vào đến chân núi Yên Tử. Tại vùng than Quảng Ninh, ở một số nơi, than chính danh vật lộn khó khăn với than thổ phỉ, đến nỗi ở thành phố Hạ Long, giấy phép tận thu đã vẽ đường cho than thổ phỉ khoét sâu vào chân móng khu dân cư, làm sập cả dãy nhà kiên cố. Than thổ phỉ là nguồn xuất khẩu lậu gây rối thị trường. Tại thành phố Bắc Kạn, môi sinh, nguồn nước bị ô nhiễm trên mức báo động cũng vì khai thác tài nguyên khoáng sản.

Còn ở các tỉnh miền Trung có dự án thủy điện chậm khởi công cả năm vì chủ đầu tư tranh thủ đào vàng. Không tháng nào ở vùng này không có vụ sập hầm vàng, chết phu vàng…

Các chuyên gia đã chỉ ra rằng, việc cấp phép khai thác khoáng sản đã được phân cấp mạnh cho địa phương là chủ trương hợp lý. Nhưng thiếu kiểm tra, giám sát thường xuyên đã tạo điều kiện cho một số tỉnh, thành phố dễ dãi trong việc cấp phép. Hậu quả, có lúc, có nơi đã xảy ra tình trạng thực hiện trái quy định của pháp luật, cấp phép khai thác, kinh doanh chồng lên cả quy hoạch của Trung ương…

Theo tài liệu của Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường, trên 90% cơ sở sản xuất, kinh doanh khai thác, chế biến khoáng sản vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường. Từ năm 2007 đến nay, lực lượng cảnh sát môi trường đã phát hiện, xử lý trên 4.142 vụ, phạt vi phạm hành chính 21,7 tỉ đồng. Số tiền phạt này không đủ để khắc phục hậu quả hủy hoại môi trường cho một vài khu khai thác tài nguyên khoáng sản.

Trả lời chất vấn về tình trạng “loạn” giấy phép này, Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang khẳng định, việc cấp phép thăm dò, khai thác ở cấp Bộ tuân thủ nghiêm chỉnh quy định của pháp luật và số lượng cũng không nhiều. Những vi phạm trong cấp phép là ở các địa phương, thậm chí có địa phương cố tình vi phạm, nhưng ông không công bố danh sách các tỉnh bị đề nghị Thủ tướng phê bình.

Rõ ràng, Bộ Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm trong việc chậm hoàn thành chuẩn bị văn bản hướng dẫn thi hành luật, ảnh hưởng đến hoạt động khai thác khoáng sản. Công tác thanh tra, kiểm tra có làm nhưng chưa thường xuyên. Bộ trưởng thừa nhận vi phạm xảy ra nhiều thì Bộ có khuyết điểm. Tuy nhiên, cũng cần nhấn mạnh đến trách nhiệm kiểm soát địa bàn của địa phương là hết sức quan trọng.

Các chuyên gia cho rằng, để xảy ra nhiều vi phạm, có nguyên nhân buông lỏng quản lý và văn bản pháp luật quy định hiện hành còn lỏng lẻo, bất cập. Công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về khoáng sản chưa thường xuyên, chưa sâu rộng; nhận thức của địa phương và người dân trong bảo vệ khoáng sản chưa đầy đủ. Chưa có quy định và chế tài xử lý mạnh đối với người đứng đầu chính quyền địa phương, nhất là cấp xã khi để xảy ra hoạt động khai thác trái phép, tái diễn hoặc diễn ra công khai, lâu dài mà không xử lý dứt điểm.

Sự phối hợp giữa các cấp chính quyền địa phương ở vùng giáp ranh địa giới hành chính (từ hai đơn vị hành chính trở lên) để xử lý hoạt động khai thác khoáng sản trái phép, nhất là cát sỏi lòng sông chưa chặt chẽ, chưa hiệu quả. Tình trạng xuất khẩu lậu khoáng sản dạng nguyên liệu thô qua biên giới bằng nhiều đường khác nhau (đường bộ, đường biển) tại nhiều địa phương, nhất là các tỉnh miền núi phía bắc vẫn chưa được ngăn chặn có hiệu quả.

Tình trạng khá phổ biến hiện nay là ở đâu có khoáng sản, ở đó có khai thác, khai thác tối đa, khai thác bằng mọi giá và khai thác bất kỳ loại khoáng sản nào để xuất khẩu, không quan tâm đến hậu quả môi trường…

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường còn “tố” rằng, các tỉnh đề nghị lên rất nhiều khu vực để cấp phép. Đến nỗi Bộ phải đề nghị các tỉnh kiềm chế, đào bới bao nhiêu sẽ thiệt hại bấy nhiêu. Người dân không hưởng lợi là mấy, thu ngân sách không được là bao trong khi thiệt hại rất lớn.

Đúng là người dân không được hưởng lợi gì phía sau những giấy phép này. Thế thì ai được hưởng?

Người dân có quyền đặt câu hỏi, đằng sau việc quá nửa số giấy phép được cấp sai luật này là gì? Các quan chức tài nguyên môi trường địa phương không thể không biết các lỗi cố tình vi phạm trong hồ sơ xin cấp phép.

Trong các quy định hiện hành, thật khó mà qua mặt các cán bộ thẩm định này bởi có được tờ giấy phép phải qua rất nhiều cửa với vô số quy định. Thiếu một vài văn bản trong hồ sơ là không được với họ ngay. Điều này càng rõ khi kiểm tra đã phát hiện hàng chục giấy phép thăm dò, khai thác được cấp cho cả những đơn vị không có tư cách pháp nhân. Các quan chức môi trường địa phương đã tham mưu kiểu gì nếu không muốn nói là “nối giáo cho giặc” để chính quyền cấp những giấy phép kiểu “vẽ đường cho hươu chạy”. Vì không có chứng cứ nhóm lợi ích nên không thể chỉ tận tay, day tận trán số cán bộ hư hỏng này. Cán bộ và nhân dân các địa phương đang “sống dở chết dở” vì nạn khai thác trái phép và cả có phép nhưng làm hại môi trường, dễ dàng nhận biết ai, nhóm nào vớ bẫm trong các vụ đào bới này nhưng bó tay vì không thể đưa chúng ra pháp luật.

Các chuyên gia cho rằng, nếu chú tâm làm kỹ, soi lại từng bộ hồ sơ sẽ dễ dàng phát hiện lỗi cố ý làm ngơ để cho qua thủ tục. Thanh tra tài nguyên môi trường sao không chịu vào cuộc? Thế này thì chết chính kỷ cương, phép nước, chết tài nguyên môi trường!

B.D

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc