Tại sao ở... Hà Nội?

06:45 | 18/09/2013

887 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Sau khi sáp nhập Hà Tây với Hà Nội, rồi tiếp đó là dịp kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long, cả nước hy vọng một Hà Nội đổi thay, xứng đáng là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, là bộ mặt của cả nước. Nhưng thực tế đã không như mọi người trông đợi.

Bùi Đức (NLM số 257)

Tại sao lại như vậy? Bởi Hà Nội còn nhiều việc chưa làm được để thay đổi căn bản diện mạo của thủ đô trong tiến trình đất nước bước vào giai đoạn công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Để có được một thủ đô văn minh, hiện đại, hơn 9 triệu người dân Hà Nội phải chung sức, đồng lòng. Nhưng hiện nay, từ cán bộ các cấp đến người dân chưa có tiếng nói chung.

Trước hết là vai trò, trách nhiệm của cán bộ từ thành phố tới các quận, huyện, xã, phường. Do thiếu cái tầm và cả cái tâm mà dẫn đến nhiều vụ việc tiêu cực kéo dài không thể giải quyết dứt điểm, làm xói mòn niềm tin của dân. Riêng việc quy hoạch khi sáp nhập đã có nhiều dự án bất hợp lý xuất phát từ việc thẩm định, phê duyệt dễ dãi, cấp phép ẩu. Mặc dù thành phố đã có Nghị quyết số 11 của Bộ Chính trị, quy hoạch chung, quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội thủ đô và Luật Thủ đô nhưng hiện tại, hơn 130 dự án chiếm khoảng 1.600ha đất để treo, kiểu “cắm đất xí phần” rồi sau đó chuyển đổi để kiếm lời, gây lãng phí.

Đường cao tốc Thăng Long chưa hoàn thiện đã xuống cấp

Những người có thẩm quyền ký duyệt biết rõ rằng, những dự án đó chưa thực sự cần thiết cho thủ đô. Những nhà đầu tư càng biết rõ hơn điều đó nhưng vì mục đích lợi nhuận, họ đã chạy chọt, móc ngoặc với nhau để có được dự án. Thế là hình thành một đường dây tham nhũng, trục lợi. Và vì thế mới có dự án treo. Qua thanh tra, rà soát, thành phố đã thu hồi được một số dự án kiểu này nhưng chưa giải quyết dứt điểm nên vẫn còn nhiều dự án “đắp chiếu”, vẫn còn khiếu kiện kéo dài.

Việc lãng phí khi xây dựng trường chuẩn ở các huyện ngoại thành cũng là một điển hình. Trường THCS Cộng Hòa và Tân Hòa (huyện Quốc Oai), Trường tiểu học thôn Hoàng Xá, Lại Thượng (Thạch Thất) xây hết tiền tỉ rồi bỏ hoang. Người dân lấy làm chỗ nuôi nhốt trâu bò và làm kho, bãi. Chỉ vì tiêu chí “chuẩn quốc gia” mà đầu tư dàn trải, không đồng bộ nên mới ra nông nỗi ấy.

Hà Nội chú trọng xây dựng nhiều khu đô thị hiện đại nhưng thiếu sự đồng bộ trong kiến trúc và quy hoạch, không cân đối với giáo dục, văn hóa, y tế, làm bùng phát thêm những khó khăn. Thiếu trường học, cơ sở chữa bệnh, rạp chiếu phim, sân chơi cho trẻ em, câu lạc bộ cho người lớn, không gian xanh...

Ai đã từng đi nước ngoài thì còn thấy rõ một điều, không có thủ đô nước nào lại nhiều lực lượng giữ gìn trật tự đô thị như ở Hà Nội. Từ cảnh sát giao thông, cảnh sát cơ động, công an khu vực đến thanh tra giao thông, dân phòng… súng ống, dùi cui điện, gậy gỗ trong tay. Thế nhưng trật tự đô thị của Hà Nội lại vẫn lộn xộn vào bậc nhất. Ôtô, xe máy, xe đạp để kín vỉa hè, lề đường khiến người đi bộ phải lưu thông dưới lòng đường. Rác và nước thải đổ bừa bãi trên hè và đường phố. Các loại dây cáp điện và viễn thông chằng chịt như mạng nhện. Đường phố thường xuyên bị đào bới nham nhở. Xe cộ chạy ẩu, bất chấp luật lệ giao thông… Những hình ảnh rất phản cảm thường diễn ra trên đường phố là mỗi khi có người bán hàng rong hoặc quán cóc trên vỉa hè, lòng đường thì từ trên chiếc xe tải nhẹ, một nhóm người nhảy xuống, hất tung hàng hóa và thu gom bàn ghế, quang gánh bốc lên xe. Nhưng tổ công tác đi khỏi thì đâu lại vào đấy, chẳng khác nào “bắt cóc bỏ đĩa”. Khách trong nước nhìn cảnh ấy đã thấy khó chịu, nói gì khách nước ngoài.

Lượng ôtô, xe máy tăng lên rất nhanh nhưng tìm mỏi mắt không thấy bãi gửi xe. Bao nhiêu tuyến phố với lượng người qua lại dày đặc nhưng khó mà tìm được nhà vệ sinh công cộng.

Những công trình xây dựng không phép, hàng trăm ngôi nhà siêu mỏng, siêu méo mọc lên từ hàng chục năm nay, bây giờ mới xử lý thì lại thiếu kinh phí để triển khai thực hiện. Vậy từ khi dân đang xây, tại sao quan sở tại không kịp thời ngăn chặn? Họ chỉ xử phạt rồi cho tồn tại, thu ít tiền về cho phường, quận rồi làm ngơ? Cái tiền lệ “phạt cho tồn tại” đã có từ mấy chục năm rồi còn gì. Nhưng ở đây phải cảnh báo một thực trạng là sự quan liêu của cán bộ cấp trên. Lấy phương châm “phân cấp quản lý” cho cấp dưới nên quan trên không bao giờ đi sát cơ sở, không có những chuyến “vi hành” để kịp thời phát hiện những vi phạm của dân và kiểu “ngậm miệng ăn tiền” của các công bộc xã, phường. Cứ như vậy, hàng chục di tích lịch sử, văn hóa tiếp tục bị xâm hại và lấn chiếm; hàng trăm điểm dân cư bị quy hoạch treo nên dân không được xây dựng và cấp sổ đỏ.

Thế mới xảy ra vụ việc nghiêm trọng như hạ giải chùa Trăm Gian, chùa Một Cột xuống cấp, dự án xây cầu vượt Xã Đàn gây nhiều tranh cãi...

Bảo tồn các di tích, di sản hiện nay trên đất Hà Nội đang là vấn đề rất nóng. Tại sao dân làng cổ Đường Lâm xin trả lại danh hiệu di sản văn hóa? Vì người dân có trách nhiệm bảo tồn chứ không có quyền nâng cấp sửa chữa và cũng không nhận được kinh phí bảo dưỡng của Nhà nước. Nhà của mình mà tự nhiên trở thành nhà của “chùa”! Không được hưởng lợi từ di sản, di tích thì người dân quay lưng lại với di tích, thờ ơ với việc bảo tồn, phát huy giá trị của di tích là lẽ đương nhiên.

Qua đó có thể thấy, nhận thức, trình độ của những người được giao trách nhiệm quản lý đô thị và các di tích rất thiếu hụt, phải tiếp tục đào tạo, huấn luyện để họ đủ tầm với trách nhiệm được giao. Ông Hồ Quang Lợi, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội đã thừa nhận: “Cái thiếu nhất vẫn là nguồn nhân lực được đào tạo chất lượng cao, đặc biệt trong các hệ thống quản lý điều hành bộ máy của thủ đô. Có những chính sách đưa ra mà người dân không đồng tình, buộc phải rút lại, cho thấy một bộ phận không nhỏ cán bộ hiện nay chưa đáp ứng được yêu cầu xây dựng thủ đô trong tình hình mới. Trình độ năng lực, chuyên môn, tính chuyên nghiệp trong công việc còn yếu, chưa kể đến phẩm chất, có lấy tinh thần phục vụ dân là chính hay không; đã thực sự chuyên nghiệp, vì dân, là công bộc của dân chưa? Người dân vẫn kêu nhiều về đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ xã, phường vừa xa dân lại vừa có phần quan liêu, hay đòi hỏi”.

Ông Ngô Trung Hải, Viện trưởng Viện Kiến trúc, quy hoạch đô thị và nông thôn - Bộ Xây dựng) đã chỉ ra nguyên nhân yếu kém của Hà Nội: “Chỉ số cạnh tranh PCI của Hà Nội xuống rất thấp, lãnh đạo thành phố phải hết sức nghiêm túc nhìn lại là tại sao với rất nhiều nguồn lực, ưu đãi mà khả năng thu hút đầu tư lại thấp hơn các tỉnh khác. Đây là câu chuyện của thái độ công chức, cách xử lý công việc và cần kiên quyết loại trừ những cán bộ trong bộ máy không đáp ứng tiêu chuẩn của đội ngũ trong sạch”.

Đã 5 năm sáp nhập Hà Tây, đã 3 năm kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long, Hà Nội mới đạt được một số thành tựu khiêm tốn, chưa tương xứng với một thủ đô văn minh, hiện đại. Nguyên nhân đã được chỉ ra là do sự yếu kém của đội ngũ cán bộ lãnh đạo quản lý các cấp của thành phố. Vậy ai là người yếu kém, không đủ trình độ đáp ứng nhu cầu phát triển của thành phố? Ai là người có hành vi tiêu cực, gây phiền hà, nhũng nhiễu dân, kìm hãm sự phát triển? Nếu không vạch mặt, chỉ tên và mạnh tay loại trừ những cán bộ đó ra khỏi bộ máy thì hỏi đến bao giờ Hà Nội mới thoát khỏi sự trì trệ yếu kém nêu trên?

B.Đ

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc