Tài sản tăng - Uy tín giảm

06:56 | 13/04/2013

1,263 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Mấy ngày qua, dư luận xôn xao về bản danh sách kê khai tài sản, thu nhập tăng thêm của cán bộ, nhân viên Sở Thông tin - Truyền thông Hà Nội.

Bảo Dân (NLM số 212)

Có khối tài sản tăng thêm trong năm 2012 của bà Phạm Mỹ Hoa, Giám đốc Trung tâm Giao dịch Công nghệ và Thông tin, một đơn vị thuộc sở này có chồng là Phó giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội dẫn đầu danh sách về tài sản tăng thêm: Tăng 3 nhà ở với tổng diện tích 900m2, tăng 1 khu nghỉ dưỡng diện tích 150m2, tăng 3 khu đất trồng cây lâu năm với tổng diện tích 20.765m2, tăng 2 ôtô trị giá 2 tỉ đồng. Ước tính số tài sản tăng thêm của bà Hoa trong năm 2012 lên tới hàng chục tỉ đồng.

Được biết bà Hoa được bổ nhiệm giữ chức Giám đốc Trung tâm này hồi tháng 2/2012. Trong lần kê khai tài sản năm 2011, bà Hoa khai có 1 ngôi nhà và 1 ôtô. Khi đọc bản kê khai tài sản tăng thêm năm 2012 này ông Giám đốc Sở đã hỏi và được cấp dưới trả lời đây là khối tài sản do “ông bà để lại”.

 

 

Tuy nhiên bà Hoa cho rằng có thể đã khai nhầm nên nảy sinh việc hiểu nhầm về khối tài sản tăng thêm này. Sự “hiểu nhầm” này là cách tính diện tích của những ngôi nhà. Cụ thể là, bà đã lấy diện tích của ngôi nhà nhân với số tầng ở, gây hiểu nhầm là 3 ngôi nhà rộng tới 900m2. Ngoài ra, bà Hoa khẳng định những tài sản tăng thêm không có cái nào đứng tên riêng của bà mà do chồng bà làm thêm mà có. Không biết ông nhà làm thêm việc gì mà thu nhập cao hơn cả rất nhiều tổng thống, thủ tướng các nước phát triển?

Theo quy định, những cán bộ có tài sản tăng thêm giá trị trên 50 triệu đồng phải kê khai và việc kê khai đã có các quy định và hướng dẫn cụ thể. Từng là Phó chánh văn phòng sở trước khi được đề bạt, bà Hoa khó có thể kê khai nhầm lẫn được!

Các công chức ở sở này cho biết, việc kê khai và niêm yết bản kê khai tài sản năm 2012 cũng chỉ là thủ tục và kể cả sau vụ xôn xao tài sản tăng này vẫn không có việc yêu cầu đương sự giải trình nguồn gốc tài sản tăng bất thường. Đến thời điểm này, Sở chỉ nắm bắt được thông tin kê khai tài sản của cán bộ và tiến hành báo cáo lên cấp trên, chưa thực hiện thẩm tra về nguồn gốc, sự thật trong những kê khai đó.

Theo Nghị định 68 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 37 ngày 9/3/2007 về minh bạch tài sản, thu nhập, trong đó bổ sung quy định công khai Bản kê khai tài sản thu nhập. Nghị định 68 có hiệu lực thi hành từ ngày 30/9/2011.

Một trong những quy định bổ sung tại nghị định lần này là về các nguyên tắc kê khai tài sản, thu nhập. Trong đó nhấn mạnh, người có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập phải chịu trách nhiệm về tính chính xác, sự trung thực, đầy đủ đối với nội dung kê khai. Bên cạnh đó, việc kê khai bổ sung theo định kỳ hằng năm chỉ thực hiện khi người có nghĩa vụ kê khai có biến động tổng thu nhập trong kỳ kê khai từ 50 triệu đồng trở lên hoặc khi có biến động về tài sản, thu nhập phải kê khai theo quy định.

Nghị định 68 đã sửa đổi, bổ sung và quy định rõ về việc công khai bản kê khai tài sản, thu nhập của người có nghĩa vụ kê khai. Bản kê khai tài sản, thu nhập của người có nghĩa vụ kê khai phải công khai trong cơ quan, tổ chức, đơn vị mình thường xuyên làm việc. Thời gian công khai tối thiểu 30 ngày.

Căn cứ vào đặc điểm, tình hình của cơ quan, tổ chức, đơn vị, người có thẩm quyền quản lý cán bộ, công chức, viên chức quyết định công khai bằng hình thức công bố tại cuộc họp hoặc niêm yết bản kê khai tại trụ sở làm việc của cơ quan, tổ chức, đơn vị. Thời điểm công khai được thực hiện từ 31/12 đến 31/3 năm sau.

Đặc biệt, nghị định mới của Chính phủ đã bổ sung hình thức xử lý kỷ luật người kê khai tài sản, thu nhập không trung thực. Theo quy định cũ, người bị kết luận là không trung thực trong kê khai tài sản, thu nhập thì tùy theo tính chất, mức độ bị xử lý bằng một trong các hình thức kỷ luật khiển trách, cảnh cáo, hạ bậc lương, hạ ngạch.

Tại Nghị định 68, ngoài các hình thức xử lý kỷ luật nêu trên còn bổ sung hình thức kỷ luật cách chức đối với cán bộ và hình thức giáng chức, cách chức với công chức kê khai không trung thực.

Ngoài ra, nếu chậm kê khai, chậm tổ chức kê khai, chậm tổng hợp báo cáo kết quả minh bạch tài sản, thu nhập cũng bị xử lý kỷ luật. Cụ thể, người đứng đầu của cơ quan có cán bộ thuộc đối tượng phải kê khai mà tổ chức việc kê khai chậm; người có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập mà kê khai chậm; người có trách nhiệm tổng hợp, báo cáo kết quả về minh bạch tài sản, thu nhập mà thực hiện chậm thì tùy theo tính chất, mức độ bị xử lý bằng một trong các hình thức kỷ luật khiển trách, cảnh cáo, hạ bậc lương.

Theo các chuyên gia, khối tài sản của bà Hoa dù xuất hiện từ trước mà không được kê khai trong năm 2011 mà phát sinh trong năm 2012 cũng cần được cơ quan chủ quản làm rõ. Cơ sở để xác định tài sản tăng thêm có bất thường hay không, nằm ở chính sự khác biệt giữa bản kê khai tài sản năm trước và năm sau của cặp công chức vợ hàm trưởng phòng, chồng phó sở còn lưu ở Ban Tổ chức Thành ủy và Sở Nội vụ. Không rõ ông bà này làm thêm nghề gì mà 1 năm có thêm 3 nhà, 1 xe và hơn 2ha trang trại?

Xem ra trong vụ này, tài sản tuy tăng mà uy tín giảm nghiêm trọng. Coi chừng nếu man khai, mất chức như chơi đấy!

B.D

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc