Vấn nạn tham nhũng: Tại anh, tại ả...?

06:43 | 11/11/2013

3,619 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Doanh nghiệp cho rằng: Cảnh sát giao thông, quản lý đất đai, xây dựng, thuế và hải quan là 5 ngành tham nhũng nhiều nhất. Tuy nhiên, các cơ quan quản lý lại phản kháng: Lỗi là do doanh nghiệp.

Vừa qua, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã phối hợp cùng UK AID tổ chức chương trình hội thảo trước đối thoại về Phòng chống tham nhũng (PCTN) lần thứ 12 với nội dung “Tăng cường sự tham gia của doanh nghiệp, hướng tới thúc đẩy liêm chính trong kinh doanh tại Việt Nam”.

Ngành nào tham nhũng nhiều nhất?

Bà Trần Thị Lan Hương (Ngân hàng Thế giới - Worldbank) cho biết, theo khảo sát, tham nhũng là một trong 3 vấn đề gây bức xúc nhất hiện nay. 5 ngành tham nhũng nhất theo góc nhìn của doanh nghiệp (DN) là cảnh sát giao thông, quản lý đất đai, xây dựng, thuế và hải quan.

Trong hầu hết các chỉ tiêu được khảo sát, các DN Hà Nội than phiền nhiều hơn về việc gây khó dễ của các cơ quan công quyền. Việc đưa và nhận hối lộ khiến tham nhũng trở thành một vòng luẩn quẩn, có sự tham gia khá tích cực của DN.

Như vậy, DN tự “đào hố chôn” mình khi tiếp tục đưa hối lộ, nhằm tạo một lợi thế nào đó đối với các đối thủ còn lại.

Theo Báo cáo về tham nhũng của Worldbank, góc nhìn từ phía DN về tình hình tham nhũng và hối lộ, thuế và hải quan là 2 ngành đứng đầu về mức độ sách nhiễu, nhận hối lộ từ phía các DN.

Sau khi được nghe kết quả khảo sát, bà Lê Hồng Hải - Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thuế quả quyết: Cơ quan này đã, đang và làm rất quyết liệt để có thể ngăn chặn, đẩy lùi những tiêu cực mà báo chí, các cơ quan và DN đã lên tiếng trong thời gian qua.

Về mặt kỹ thuật, chính sách và thủ tục thuế vẫn không ngừng cải thiện thời gian qua. Các thủ tục kê khai thuế đã được điện tử hóa, việc kê khai điện tử đang được phổ cập dần tới các DN. Ngoài ra, các cán bộ thuế đã thực hiện ký cam kết trên toàn cơ quan về việc không tham nhũng. Với những nỗ lực đó, bà Hải tin rằng tình hình đang được cải thiện rõ rệt.

Về phía các DN, ngoài các DN lớn có hệ thống kế toán riêng biệt và độc lập, hầu hết các DN vừa và nhỏ đều thuê kế toán và làm theo mùa vụ. Một kế toán do vậy có thể làm việc đồng thời cho nhiều DN. Chính điều này khiến các kế toán không thực sự chuyên nghiệp và hiểu biết về quy trình làm việc, kê khai thuế, nảy sinh những vụ việc hối lộ giữa DN và cơ quan thuế.

Đại diện phía hải quan, ông Nguyễn Dương Thái, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan cũng có những nhận định tương tự đối với DN. Theo ông Thái, Tổng cục Hải quan đã và đang cải cách hệ thống khai báo hải quan theo hướng hạn chế tối đa sự tiếp xúc giữa cán bộ hải quan và DN. Do vậy, sự tiếp xúc trực tiếp là không thực sự cần thiết. Nếu DN nào vẫn ưa tiếp xúc theo "kiểu cũ" thì đó là lỗi thuộc về DN.

Ông Thái cho rằng, phần lớn các DN thuê người kê khai hải quan. Vấn đề là năng lực của người chuyên kê khai hải quan có vấn đề, dẫn đến việc móc nối với nhân viên hải quan thoái hóa biến chất, nảy sinh tiêu cưc, hối lộ...

75% doanh nghiệp hối lộ dù không bị gợi ý

Phó tổng Thanh tra Trần Đức Lượng cho hay, đa số là do DN chủ động đưa hối lộ: “Phần lớn các DN ở Việt Nam có quy mô nhỏ, nguồn lực hạn chế, thiếu nền tảng quản trị chuyên nghiệp, việc kiểm soát nội bộ và thực hiện các quy tắc ứng xử liêm chính trong mối quan hệ giữa DN với các cơ quan công quyền, với các đối tác kinh doanh chưa được chú ý đúng mức” - ông Lượng nói.

Ông Lượng đã dẫn ra một vài số liệu cho thấy có tới 60% DN nói chi phí không chính thức khá tốn kém, 30% DN đưa hối lộ do công chức gợi ý, nhũng nhiễu và 70% là chủ động đưa hối lộ.

Ông Soren Davidsen, chuyên gia của Worldbank khẳng định tham nhũng ở Việt Nam đang nằm trong vòng luẩn quẩn, một mình DN khó tạo ra thay đổi mà phải có vai trò của nhà nước. Vòng luẩn quẩn đó, theo ông Davidsen là công chức nhà nước gây khó dễ khiến DN và người dân có động cơ đưa hối lộ, sau đó khó khăn được giải quyết khiến công chức có động cơ để tiếp tục chu trình gây khó dễ.

Báo cáo của ông Davidsen: 63% DN phải trả các khoản phí không chính thức nhằm tạo ra cơ chế ngầm để được giải quyết công việc nhanh chóng; 63% DN nói công chức cố tình kéo dài thời gian xử lý để gây khó dễ; 79% công chức đổ lỗi cho lương thấp là động cơ để tham nhũng… Đặc biệt, 75% DN hối lộ dù không bị gợi ý.

Dẫn số liệu khảo sát tham nhũng từ góc nhìn của người dân, DN và cán bộ, công chức, viên chức do Thanh tra Chính phủ công bố hồi năm ngoái, ông Davidsen kết luận, từ năm 2005 đến năm 2012, tình trạng tham nhũng của công chức không được cải thiện mà ngày càng tệ hại hơn.

Cụ thể, nếu như năm 2005, có 56% DN cho biết có hiện tượng kéo dài thời gian giải quyết công việc, thì năm 2012 tăng lên tới 67%; đối với chuyện giải thích không rõ để cố tình bắt lỗi DN, năm 2005 khoảng 45% thì năm 2012 tăng lên 66%; bám vào các quy định không chặt chẽ để bắt bí DN thì năm 2005 khoảng 39%, năm 2012 tăng lên 54%; đưa thông tin hù dọa gây sức ép tăng từ 16% lên 23% vào năm 2012…

Tuy nhiên, ông Helge Schroder, chuyên gia của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế OECD, cho rằng DN hãy chủ động trong phòng chống tham nhũng vì tham nhũng làm tăng chi phí kinh doanh, hủy hoại lòng tin và tác động xấu đến cạnh tranh của đất nước.

Đưa hối lộ có thực sự hiệu quả?

Về mặt tổng thể, tham nhũng làm xấu đi môi trường kinh doanh, không thực sự mang lại một hiệu quả tích cực nào đối với các DN.

Khảo sát cho thấy, các tỉnh thành có hiện tượng đưa hối lộ ít hơn lại có khối DN hoạt động hiệu quả hơn và ngược lại. Trên bình diện các DN, các DN có tham gia hối lộ thì kinh doanh kém hiệu quả hơn.

Theo TS Đặng Quang Vinh, Chuyên gia PCI, Ban Pháp chế VCCI, các DN ngoài phải chịu sức ép từ sự “vòi vĩnh” của các cơ quan công quyền, còn phải chịu sức ép cạnh tranh không lành mạnh khi các DN cùng ngành hối lộ và giành lấy những lợi thế đáng ra phải được chia đều.

Nhưng không thể để điều này trở thành tình trạng chung. Môi trường kinh doanh phải thực sự trở nên minh bạch và lành mạnh.

Phát biểu tại buổi  hội thảo, ông Conrad F. Zellmann, Phó giám đốc điều hành Tổ chức hướng tới minh bạch (Toward Transparent) cho biết, các công ty lớn trên thế giới chống tham nhũng và hối lộ đồng thời bảo vệ bản thân bằng cách xây dựng chặt chẽ hệ thống ứng phó với các rủi ro cả từ trong nội bộ và bên ngoài, rủi ro từ các nhà cung cấp. Ngoài ra, họ cũng tăng cường báo cáo công khai hệ thống phòng chống tham nhũng của họ, đồng thời tích cực tham gia vào các hành động tập thể.

Tất nhiên, vấn đề cơ chế để các DN có thể tham khảo các hoạt động nói trên vẫn là một câu chuyện khá dài...

Thảo Nguyên

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc