Suy ngẫm về cái sự “hành… là chính”?

07:00 | 15/01/2014

4,460 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Cơ quan hành chính Nhà nước và công chức Nhà nước đã sử dụng các thủ đoạn hành chính để lừa dối chính cơ quan Nhà nước và công dân để tạo ra những bước trượt dài trong lòng tin của nhân dân đối với các cơ quan Nhà nước.

Năng lượng Mới số 290

Trong thông điệp đầu năm, Thủ tướng, người đứng đầu cơ quan quản lý hành chính Nhà nước viết: “Nhà nước phải xây dựng cho được bộ máy tinh gọn, hiệu lực hiệu quả với đội ngũ cán bộ, công chức có phẩm chất, năng lực và tính chuyên nghiệp cao. Mọi cơ quan, công chức phải được giao nhiệm vụ rõ ràng… Người đứng đầu cơ quan hành chính phải chịu trách nhiệm về kết quả thực hiện chức năng nhiệm vụ và phải được giao quền quyết định tương ứng về tổ chức cán bộ”.

I. Hành chính phục vụ thay hành chính cai trị

Việt Nam có hai căn cứ để xây dựng nền hành chính phục vụ là nước ta được tổ chức theo nguyên tắc mọi quyền lực thuộc về nhân dân và nhân dân là người nộp thuế để nuôi hệ thống cơ quan Nhà nước, các công chức Nhà nước. Nếu có tư duy rõ ràng như thế thì cấu tạo, hoạt động và hiệu quả của bộ máy hành chính không như hiện nay, một nền hành chính mang tính uy quyền và nặng về cai trị.

Việc ban hành các văn bản chứa đựng quy phạm pháp luật hành chính của chúng ta, nếu thấm nhuần tư duy lấy nhân dân làm đối tượng phục vụ quan trọng hơn là nền hành chính uy quyền hay gọi là nền hành chính cai trị thì các quy phạm pháp luật đó phải đảm bảo được các nguyên tắc: đại bộ phận nhân dân muốn có được quy phạm đó trong đời sống, quy phạm đó mang tính hiện thực trong đời sống và các hành vi vi phạm của một số cá thể hoặc một thiểu số công dân phải nhận được lần lượt xử lý bằng ba loại chế tài từ cơ quan quản lý: giáo dục thuyết phục, cảnh báo và cuối cùng mới là xử lý. Đối chiếu với thực tiễn, hệ thống hành chính của chúng ta đã ban hành nhiều loại quy phạm và không được nhân dân đồng tình, không có giá trị áp dụng trong đời sống xã hội. Rất nhiều văn bản quản lý hành chính sau khi ban hành đã bị Bộ Tư pháp kiến nghị hủy bỏ, có nhiều quy phạm khác lạ với cách sống người Việt Nam. Đơn cử  như, cha mẹ cấm con cái không được đi chơi khuya thì bị phạt vi phạm hành chính vì cản trở quyền tự do công dân.

Trong xử phạt vi phạm hành chính thì các quy phạm hầu như chỉ quan tâm đến việc duy nhất là xử phạt tiền. Mỗi lần thay đổi là một lần tăng mức phạt tiền. Trong khi đó, nguyên tắc xử phạt hành chính thì cảnh cáo hành chính mới là hình thức xử phạt chính, xử phạt tiền chỉ là hình thức xử phạt bổ sung. Lâu dần, các nhà quản lý hành chính đã quên mất hẳn một nhiệm vụ quan trọng của mình là giáo dục, thuyết phục, ngăn chặn, răn đe.

Có thể phân tích tại đây một thí dụ rất phổ biến: các doanh nghiệp do những hoàn cảnh khác nhau mà chưa nộp báo cáo tài chính , báo cáo thuế. Tất nhiên, hành vi này là sai trái. Thay vì cơ quan thuế có văn bản hoặc ít nhất là gọi đến doanh nghiệp nhắc nhở thì họ đã âm thầm làm biên bản vi phạm và quyết định phạt. Không chỉ thế, họ còn kéo dài thời gian để áp dụng các tình tiết tăng nặng mức phạt doanh nghiệp. Và, sau có đó là câu chuyện thương lượng?

Nền hành chính cai trị đã tạo ra một hệ thống cán bộ công chức không biết “cười” với nhân dân. Hơn mức như thế, khi công dân có việc liên quan đến hành chính thì họ áp dụng  phương pháp hướng dẫn nhiều lần, mỗi lần một chút. Thí dụ, một doanh nghiệp muốn tạm ngừng hoạt động trong thời gian luật định là việc đơn giản, nhưng không đơn giản khi thực thi.

Một thí dụ khác: chỉ riêng báo cáo thuế và tài chính thì có khi vài tháng cơ quan thuế lại thay đổi biểu mẫu một lần. Hành chính cai trị đã dẫn đến hậu quả là nó tự làm hỏng hệ thống cán bộ công chức của mình. Những vấn đề như trên là nghiêm trọng, nhưng nghiêm trọng hơn là cơ quan hành chính Nhà nước và công chức Nhà nước còn sử dụng các thủ đoạn hành chính để lừa dối chính cơ quan Nhà nước và công dân để tạo ra những bước trượt dài trong lòng tin của nhân dân đối với các cơ quan Nhà nước. Cơ quan hành chính dùng thủ đoạn hành chính là việc đi ngược lại mọi nền quản lý hành chính. Để chứng minh nó, chúng tôi xin nêu ra hai thí dụ điển hình.

GS.TS Nguyễn Hữu Chí, chủ sở hữu Công ty JPET, chuyển bộ hồ sơ và con dấu của công ty và nhờ người quen làm giúp thủ tục thay đổi đăng ký kinh doanh. Người quen đó đã làm bộ hồ sơ giả đưa tên những người rất lạ vào chiếm 70% giá trị công ty. GS Chí phát hiện hồ sơ giả, khiếu nại. Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội trưng cầu giám định của Viện Khoa học Hình sự (Bộ Công an). Viện này xác định hồ sơ giả. Phòng Đăng ký kinh doanh số 1 thuộc Sở Kế hoạch và Đầu tư buộc phải ra quyết định hủy giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh này. Nhưng trước khi hủy thì phòng này đã để pháp nhân hình thành trên hồ sơ giả làm một giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh khác. Họ đã hủy bản chứng nhận đăng ký kinh doanh không còn hiệu lực. Công ty JPET của GS Chí bị chiếm đoạt vẫn hoàn bị chiếm đoạt.

Đường Trần Khát Chân, Hà Nội (Ảnh: Nguyễn Hoan)

Một thí dụ khác: lợi dụng Nhà nước đầu tư xây dựng đường Trần Khát Chân. Lợi dụng dự án này Ban Quản lý các dự án xây dựng quận Hai Bà Trưng tự bịa ra một dự án lấy đất đai hai bên đường Trần Khát Chân và ký hợp đồng bán 3.000m2 đất cho 2 doanh nghiệp với giá 1,2 lạng vàng SJC/m2. Khoản tiền thu được là 3.600 lạng vàng. Ban Quản lý không nộp vào kho bạc Nhà nước mà gửi vào ngân hàng rút ra tiêu gần hết. Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao phát hiện, giao cho UBND thành phố Hà Nội xử lý. UBND thành phố Hà Nội không những không xử lý cán bộ, không thu tiền cho Nhà nước mà còn hợp thức hóa bằng việc cho doanh nghiệp thuê diện tích đất mà họ đã mua. Do vi phạm quyền lợi của công dân, công dân khởi kiện.

Tại vụ án hành chính, công dân phát hiện tham nhũng trước tòa án. Thẩm phán Tòa án Hà Nội trả lời: việc tham nhũng  này không thuộc chức năng tòa án giải quyết. UBND thành phố Hà Nội tiếp tục thực hiện thủ đoạn hành chính: khai báo trước Tòa án là Hà Nội chưa giải quyết khiếu nại nên không thuộc chức năng của tòa án. Công dân khiếu nại đến Thanh tra Chính phủ, Hà Nội có văn bản báo cáo Thanh tra Chính phủ là UBND thành phố Hà Nội đã giải quyết rồi nên không thuộc chức năng của Thanh tra Chính phủ. Thủ đoạn hành chính này nhằm tước đoạt các quyền khiếu nại và các quyền khởi kiện của công dân. Khi phát hiện hành vi sai trái của UBND thành phố Hà Nội, Tòa án Nhân dân Tối cao tái thẩm vụ án và khẳng định UBND thành phố Hà Nội đã giải quyết, phục hồi quyền khởi kiện của công dân. Cơ quan chức năng của thành phố Hà Nội làm giả hồ sơ nộp cho tòa án. Mặc dù Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao đại diện tại tòa đã nghi ngờ hồ sơ này, 3 vị thẩm phán của Tòa án Nhân dân Tối cao vẫn căn cứ vào hồ sơ giả để bác yêu cầu của công dân. Từ một người vi phạm, hành xử hành chính như trên kéo theo một dây vi phạm pháp luật.

Đã là nhiệm kỳ thứ tư, Chính phủ đưa việc giảm biên chế và cải cách hành chính vào chương trình nghị sự. Nhưng biên chế ngày càng phình to, hiệu lực quản lý không đạt yêu cầu, phẩm chất đạo đức của một bộ phận không nhỏ cán bộ công chức suy thoái. Điều đó gây bức xúc trong nhân dân và cản trở tiến trình phát triển quốc gia.


(Xem tiếp kỳ sau)

Vũ Hoàn Nguyên