Nhận thức mới về y đức

07:00 | 26/02/2014

1,321 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Quan niệm tinh thông y thuật, dịch vụ chất lượng cao và sự hài lòng của bệnh nhân chính là y đức đã được Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thanh Liêm khẳng định. Nhân ngày thầy thuốc Việt Nam, phóng viên PetroTimes đã có cuộc trao đổi với Thầy thuốc nhân dân, Anh hùng lao động, Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thanh Liêm, nguyên Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương.

PV: Trước tiên, xin chúc mừng Giáo sư đã thành công với ca mổ bằng rô bốt đầu tiên tại Việt Nam. Ca mổ này có ý nghĩa ra sao đối với ngoại khoa nhi Việt Nam?

GS-TS Nguyễn Thanh Liêm: Ngày 20/2/2014 có thể coi là một dấu mốc quan trọng trong sự phát triển của ngành ngoại khoa Việt nam khi chúng tôi tiến hành phẫu thuật cho 2 bệnh nhi bị phình đại tràng bẩm sinh bằng robot. Việt Nam là nước đầu tiên ở châu Á tiến hành ca phẫu thuật loại này bằng robot. Đây là kết quả của 13 năm thai nghén và chuẩn bị. Năm 2001, tôi đã có dịp tiếp xúc và thực tập các thao tác phẫu thuật với robot tại phòng thí nghiệm trường Đại học Los Angeles. Giấc mơ về phẫu thuật robot đã được hình thành từ đó.

Cách đây 4 năm, tôi đã đề nghị Bộ Y tế và nguyên Chủ tịch nước giúp đỡ để triển khai phẫu thuật robot tại Việt Nam và sau đó được cùng ông Hoàng Văn Phong, nguyên Bộ trưởng Khoa học Công nghệ trực tiếp trình bày dự án này với Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và được chấp thuận.

Để chuẩn bị triển khai về chuyên môn, chúng tôi đã cử cán bộ tham quan và học tập tại nhiều nước, nhất là Hàn Quốc - nơi phẫu thuật robot phát triển rất mạnh. Đầu tháng 2/2014, khi robot về đến Việt Nam, một chương trình đào tạo tích cực trên mô hình và phẫu thuật trên động vật đã được tiến hành. Triển khai phẫu thuật nhi bằng robot là một bước tiến quan trọng của y học Việt Nam, trong khi tại nhiều nước phẫu thuật robot được ứng dụng chủ yếu ở người lớn, nhưng hiện còn rất ít các trung tâm triển khai phẫu thuật ở trẻ em.

Phẫu thuật bằng robot bệnh nhi tại Bệnh viện Nhi Trung ương

PV: Là một thầy thuốc có nhiều công trình nghiên cứu y học được thế giới công nhận và nhiều năm đảm nhiệm Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương, Giáo sư có thể cho biết những ý kiến của mình về sự phát triển khoa nhi?

GS - TS Nguyễn Thanh Liêm: Nhận định trên có phần đúng vì nhìn chung chất lượng nghiên cứu y học của chúng ta còn thấp. Việt Nam được xếp vào hàng trũng nhất trong khu vực cùng nhóm với Lào, Campuchia và Myanma. Điều này được đánh giá dựa trên số lượng các công trình nghiên cứu y học được công bố trên các tạp chí quốc tế.

PV: Là một trong những người mở đầu trong việc thực hiện “dịch vụ y tế cao cấp”, Giáo sư có thể cho biết những cái được và chưa được của loại hình này? Trong tương lai loại hình y tế này sẽ ảnh hưởng như thế nào đến diện mạo y tế nước ta?

GS-TS Nguyễn Thanh Liêm: Loại hình kinh tế của nước ta đa dạng, nhu cầu khám chữa bệnh cũng rất khác nhau, vì vậy cần có nhiều loại hình để đáp ứng các nhu cầu đó. Việc xây dựng và cung cấp các dịch vụ y tế cao cấp sẽ giúp cho những người muốn đi chữa bệnh ở nước ngoài có thể chữa bệnh ngay tại Việt nam với chất lượng tương đương hoặc hơn. Có một thực tế đáng buồn là ngành ngoại khoa Việt nam rất phát triển đã có nhiều người được mời đi giảng bài và phẫu thuật ở nhiều ước tại châu Âu và Hoa Kì, nhưng dân mình lại cứ phải sang Singapore để để phẫu thuật. Việc ra đời các bệnh viện tư nhân sẽ góp phầm giảm tình trạng quá tải và tạo ra một cuộc cạnh tranh lành mạnh góp phần thúc đẩy chất lượng chung của toàn ngành Y tế.

PV: Trong dân gian có câu “thầy già, con hát trẻ” nói lên giá trị kinh nghiệm của chuyên gia lớn tuổi, nhưng hiện nay ít có bác sĩ nào tiếp tục được trọng dụng khi đến tuổi về hưu trong khi sức khỏe và kinh nghiệm vẫn đáp ứng tốt yêu cầu công tác. Giáo sư có nghĩ thế nào về việc này?

GS-TS Nguyễn Thanh Liêm: Đây là một sự lãng phí chỉ có ở Việt Nam, tuổi nghỉ hưu hoặc thôi không làm công tác quản lý quá sớm đối với các nhà khoa học đặc biệt là với các nhà khoa học ngành Y. Ở nhiều nước phát triển, tuổi về hưu hoặc thôi quản lý của các chuyên gia nhiều kinh nghiệm hiện nay là 70 tuổi, điển hình là nước Nga.

Giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Thanh Liêm đang thực hiện một ca mổ

PV: Hiện nay, hệ thống bệnh viện tư phát triển mạnh, hiện tượng “chảy máu chất xám” trong ngành y đang diễn ra rất phức tạp. Giáo sư có thể cho biết đâu là nguyên nhân?

GS-TS Nguyễn Thanh Liêm: Theo tôi, nguyên nhân đầu tiên là do các cơ chế cứng nhắc không tạo ra một môi trường làm việc, cống hiến hấp dẫn cho bác sĩ. Một phần khác là do thu nhập chính thức từ bệnh viện công quá thấp. Một nguyên nhân khác là tuổi nghỉ hưu của các giáo sư đầu ngành quá sớm.

Tuy nhiên dù ở đâu làm việc trong điều kiện nào thì đã là người thầy thuốc thì vẫn chỉ là vì mục đích chăm sóc sức khỏe cho nhân dân. Sự phát triển tốt hay không tốt của nền Y học quốc gia không phải là vấn đề bệnh viện công hay tư nhân. Chúng ta cũng nên biết là nền Y tế Mỹ, quốc gia có y học tiên tiến nhất trên thế giới hiện nay lại chủ yếu là y tế tư nhân.

PV: Dư luận đang cho rằng, “trong cơ chế thị trường, y đức đang được đo đếm bằng tiền”. Giáo sư có thể cho biết quan điểm của mình về y đức của người thầy thuốc trong thời điểm hiện nay? 

GS-TS Nguyễn Thanh Liêm: Tôi cho rằng tinh thông nghề nghiệp, cung cấp dịch vụ y tế có chất lượng cao nhất, làm cho người bệnh hài lòng ở mức độ cao nhất đó chính là y đức trong giai đoạn hiện nay.

Cảm ơn Giáo sư!

Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thanh Liêm là chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực ngoại nhi của Việt Nam và thế giới. Ông là người tiên phong nghiên cứu và ứng dụng thành công nhiều phương pháp phẫu thuật mới.

Ông đã tiến hành phẫu thuật thành công 5 cặp song sinh có chung nhau nhiều bộ phận của cơ thể, là người tiến hành các ca ghép gan, ghép thận trẻ em đầu tiên ở các bệnh viện Nhi của Việt Nam.

Giáo sư Nguyễn Thanh Liêm đã đóng góp 8 kỹ thuật mổ nội soi mới cho chuyên ngành phẫu thuật Nhi thế giới, công bố hơn 200 công trình nghiên cứu y học, trong đó có 44 công trình nghiên cứu được xuất bản trên các tạp chí y học uy tín của Mỹ và châu Âu.

Giáo sư Nguyễn Thanh Liêm đã được trao tặng nhiều danh hiệu cao quý như Thầy thuốc nhân dân, Anh hùng lao động trong thời kì đổi mới, Nhân tài đất Việt, Giải thưởng sáng tạo khoa học …

Thành Công (thực hiện)