“Nghề người mẫu đang ế chỏng chơ!”

06:00 | 22/07/2013

1,635 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
“Mấy năm gần đây, nhiều công ty đào tạo và quản lý người mẫu phải co cụm, phải thay đổi công việc hoặc dẹp tiệm rầm rầm vì không cầm cự nổi, đó là tình trạng thực tế của các công ty người mẫu hoạt động chân chính” - Nguyễn Anh Tuấn - Tổng giám đốc Công ty Người mẫu Á Đông cho biết.

Thanh Loan (NLM số 239)

PV: Vừa qua, có ông “bầu” khoe nào là mỗi sáng thức dậy cho cháu 4 triệu đồng, nào là mua bộ đồ 5-10 nghìn “đô” mặc một lần rồi vứt, đi Mỹ chơi như đi chợ… Nghề làm quản lý, làm ông “bầu” cho các người mẫu có thể kiếm tiền nhiều như thế hay đó chỉ là “chém gió” bạo liệt, thưa anh?

Nguyễn Anh Tuấn: Nếu làm quản lý người mẫu mà giàu có như thế thì ai cũng bỏ nghề để đi làm quản lý người mẫu hết rồi. Nói thẳng ra người quản lý chỉ kiếm được tiền theo phần trăm trên từng show diễn của mỗi người mẫu, cao lắm thì cũng chỉ là 30%. Mà nghề người mẫu là cái nghề chỉ thịnh vượng khi người người, nhà nhà có tiền. Kinh tế cả thế giới mấy năm nay đang suy thoái trầm trọng nên nghề người mẫu đang ế chỏng chơ. Một tháng, mỗi công ty cao lắm cũng chỉ có vài show diễn, vì thế chuyện “bún đậu mắm tôm” của các “chân dài” mới mọc lên như nấm. Thu nhập ở đâu mà “đi Mỹ như đi chợ”, chẳng lẽ vé khứ hồi giữa Mỹ và Việt Nam chỉ còn tầm 2 triệu đồng thôi sao?

Nguyễn Anh Tuấn

PV: Thu nhập thực tế của người mẫu từ các show diễn thời trang không cao, còn làm đại diện cho các nhãn hàng thì không nhiều cơ hội. Vậy mà thu nhập của ông “bầu” lại cao ngất ngưởng như thế. Theo anh, nguyên nhân của bất hợp lý ấy là gì?

Nguyễn Anh Tuấn: Nói thì ai nói chẳng được, bây giờ tôi có thể tuyên bố thu nhập của tôi 2 tỉ một tháng cũng được ấy chứ, nhưng ai là người nghe và ai là người tin mới là quan trọng. Mấy năm gần đây nhiều công ty đào tạo và quản lý người mẫu đàng hoàng phải co cụm, phải thay đổi công việc hoặc dẹp tiệm rầm rầm vì không cầm cự nổi. Đến thời điểm này như tôi biết, hầu hết các công ty người mẫu đều phải thuê mặt bằng mà kinh doanh, giàu như thế thì họ đã mua nhà để kinh doanh rồi chứ đâu cần phải thuê? Người mẫu vedette (người nắm giữ vị trí quan trọng trong một show diễn thời trang) thì thu nhập cao đã đành, nhưng bao nhiêu người được như thế? Hầu như tất cả vedette đều là người mẫu tự do không đơn vị nào quản lý cả, thế thì quản lý người mẫu thu nhập cao ngất ngưởng như bạn nói, tiền đào đâu ra?

Có thể họ kinh doanh hay buôn bán một thứ khác thì sao? Còn bán thứ gì thì khó mà biết... Tôi làm giám đốc công ty từng ấy năm trời, thu nhập hằng tháng 50-70 triệu là cùng, nhưng còn bao nhiêu là chi phí.

PV: Anh nói kinh doanh thứ khác, liệu có liên quan đến “chân dài” không?

Nguyễn Anh Tuấn: Nghề nào cũng vậy, có người tốt và cũng có kẻ xấu chứ không nên vơ đũa cả nắm, người mẫu chân chính thì thu nhập không cao, nói là không cao nhưng vẫn có thể sống tốt. Vì lương công nhân 3 triệu đồng/tháng người ta có thể sống được. Còn xài hàng hiệu, đi xe vài tỉ trong khi show diễn không có thì cần phải xem lại. Bạn thấy đấy, thời gian gần đây nhiều vụ án chân dài bán dâm liên tiếp xảy ra nên chuyện người mẫu diễn thời trang bỗng nhiên tuyên bố xài hàng hiệu, đi xe tiền tỉ bị công chúng ném đá cũng là điều dễ hiểu. Công chúng bây giờ cũng tinh tường lắm, tôi không cần nói nhiều ra chắc họ cũng biết hết rồi!

PV: Có người cho rằng, phần trăm người mẫu cặp đại gia hay làm nghề buôn phấn bán hương là rất cao, thậm chí đến 70-80%. Theo quan sát thực tế của anh, mức độ có nhiều như thế hay không?

Nguyễn Anh Tuấn: Nếu không có thì họ sẽ không nói thế đâu, nhưng chính xác bao nhiêu % thì tôi không biết rõ. Bạn đang muốn nói đến vấn đề mại dâm trong giới người mẫu, thật ra tôi còn nghe nói có cả công ty gắn mác là công ty người mẫu, diễn viên nhưng nó là cả một đường dây mại dâm nữa kìa; không phải mại dâm nữ không mà ngay cả mại dâm nam luôn đấy chứ. Họ lôi kéo, dụ dỗ các bạn người mẫu trẻ nhẹ dạ cả tin, biết nhưng mình không có bằng chứng thì làm gì họ, mà có làm thì cơ quan pháp luật có thẩm quyền làm, còn họ dung túng thì thôi đành chịu, chỉ buồn là con “sâu làm sầu nồi canh”.

PV: Với thu nhập thực tế của nghề thì có vẻ cuộc sống của các “chân dài” sẽ chật vật vì phải chi phí đủ thứ cho trang phục, son phấn… Vậy người mẫu phải làm gì để có thể đảm bảo được cuộc sống mà không sa vào cám dỗ?

Nguyễn Anh Tuấn: Ông bà mình nói “khéo ăn thì no, khéo co thì ấm”, đủ hay không là do chính bản thân mình thôi, biết bao nhiêu là đủ và bao nhiêu là không đủ, lòng tham con người là không đáy. Quan trọng là mình có vượt qua được cái ngưỡng của lòng tham và chấp nhận thực tế hay không thôi. Không ai bắt buộc người mẫu phải phấn son lòe loẹt suốt ngày hay quần áo hàng hiệu cả. Sự hào nhoáng ấy chỉ nên có trên sàn diễn còn khi trở về với thực tại thì sự giản dị, đạo đức và trí tuệ toát ra từ vẻ đẹp tâm hồn đó mới chính là vẻ đẹp đáng trân trọng nhất.

PV: Vậy những hào nhoáng, xa hoa với đủ loại trang sức đắt tiền, xe hơi xịn, nhà triệu đô mà các người mẫu hay trưng trên các trang báo đều là ảo? Và theo anh thì đâu mới là hình ảnh thực tế của những người làm nghề chân chính?

Nguyễn Anh Tuấn: Như tôi đã nói, nói thì ai chẳng nói được nhưng tin hay không tùy vào lý trí của người nghe. Thật ra, nói nó là một thế giới ảo thì cũng không hoàn toàn chính xác, bởi vì cũng có những người mẫu chân chính, lao động nghiêm túc vì sự nghiệp, họ tự khẳng định mình và dần bước lên đỉnh vinh quang. Đó là kết quả của một quá trình làm việc mà họ xứng đáng được hưởng.

Không ít những người mẫu chân chính có thêm một nghề tay trái nữa chẳng hạn như họ là một sinh viên trên ghế nhà trường, một cô thợ may công nghiệp, một anh nhân viên ngân hàng, một vận động viên bóng chuyền hay cậu chủ của một tiệm sách nhỏ chẳng hạn… Đó là những hình ảnh quen thuộc của các người mẫu làm nghề chân chính. Ngoài công việc làm người mẫu, họ phải lao động bình thường như bao người lao động khác ngoài xã hội để đảm bảo cuộc sống, thậm chí để nuôi đam mê được sải chân trên sàn catwalk. Như vậy thì họ lấy tiền đâu ra để có trang sức đắt tiền, xe hơi xịn, nhà triệu đô!

PV: Quan sát thực tế tôi thấy, các người mẫu hot toàn là những người mẫu trẻ, có mặt bằng văn hóa hạn chế; trong khi đó nhiều công ty chỉ dạy người mẫu trình diễn, tạo chiêu trò chứ không dạy văn hóa, đạo đức nghề nghiệp cho người mẫu. Đó có phải là lý do sinh ra hàng loạt người mẫu tai tiếng, hành động lố bịch, phát ngôn gây sốc không thưa anh?

Nguyễn Anh Tuấn: Có một thực tế là ở mỗi công ty có một quy trình đào tạo riêng, tùy vào mục đích của từng công ty mà người chủ công ty ấy sẽ dạy cho người mẫu cái gì! Tôi xin nói thẳng ra là, nếu như một công ty đưa người mẫu vào chủ yếu để thực hiện hoạt động, kinh doanh gì đó khác công việc của một người mẫu chân chính thì họ sẽ không cần chú trọng đến việc dạy đạo đức, văn hóa, tư cách làm nghề người mẫu… Trong khi những thứ tôi vừa nói lại chính là một phần học đặc biệt quan trọng, không thể thiếu ở những công ty đào tạo chuyên nghiệp, làm nghề chân chính. Đối với tôi, tôi luôn dạy các em rằng "nghèo cho sạch, rách cho thơm", các em phải vươn lên từ chính năng lực của bản thân thì mới có thể tồn tại trong cái thế giới nghiệt ngã này". Đạo đức chính là bài học đầu tiên tôi dạy cho các học trò mình.

PV: Tuy chưa có cuộc khảo sát cụ thể nào, nhưng tôi nghĩ nhiều bạn trẻ lao vào nghề người mẫu vì nghĩ đây là nghề dễ tìm cơ hội đổi đời, làm giàu. Là người thầy, người quản lý các hoa hậu, người mẫu trẻ, anh chia sẻ gì về điều này?

Nguyễn Anh Tuấn: Đúng là nghề người mẫu dễ tìm cơ hội đổi đời và làm giàu một cách nhanh chóng cho các bạn trẻ. Nhưng hãy nhớ một điều, ngành nghề nào cũng thế, các bạn phải bỏ công sức, phải đổ mồ hôi, thời gian và tiền bạc để có thể  học tập và rèn luyện thì mới có thể thành công được. Nếu các bạn yêu nghề thì hãy đến và đến vì cái tâm, còn lợi dụng nghề người mẫu để làm những điều không tốt khác thì sớm muộn gì các bạn cũng bị đào thải, bị vướng vòng lao lý… như nhiều trường hợp vừa qua mà thôi!

PV: Cảm ơn anh về cuộc trò chuyện này!

Thanh Loan (thực hiện)