Luân chuyển cán bộ là lo “cái gốc”

07:00 | 15/03/2014

3,390 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, Bác Hồ luôn luôn đặc biệt quan tâm đến công tác cán bộ. Bác đã chỉ rõ: “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc”.

Năng lượng Mới số 304

Phát huy và nâng giá trị truyền thống của cha ông “Dụng nhân như dụng mộc”, Bác đã nâng thành chuẩn mực, nguyên tắc của công tác cán bộ. Bác dạy: “Người đời ai cũng có chỗ hay, chỗ dở. Ta phải dùng chỗ hay của người và giúp người chữa chỗ dở. Dùng người như dùng gỗ. Người thợ khéo thì gỗ to, nhỏ, thẳng, cong đều tùy chỗ mà dùng được! Nếu không biết tùy tài mà dùng người, chẳng khác gì thợ rèn bảo đi đóng tủ, thợ mộc bảo đi rèn dao”.

Bác căn dặn việc cất nhắc, đề bạt cán bộ phải vì công tác, vì tài năng. Nếu vì yêu ghét, thân thích, nể nang thì nhất định không ai phục, mà lại gây nên mối “lôi thôi” trong Đảng, là có tội với Đảng, có tội với đồng bào. Bác chỉ rõ nơi nào mà các cán bộ cấp trên biết lựa chọn và dìu dắt thì có nhiều cán bộ mới nảy nở và công việc rất phát triển. Trái lại, nơi nào cán bộ cấp trên không biết lựa chọn, dìu dắt, thì vẫn thiếu người mà công việc cứ luộm thuộm.

Luân chuyển cán bộ ở địa phương

Trong thực tế, Đảng ta đang cố gắng thực hiện tốt nhất đường lối công tác cán bộ theo lời dạy của Bác Hồ, trong đó có việc luân chuyển cán bộ. Tuy nhiên, phải đến đợt luân chuyển cán bộ lần này, theo Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tổ chức Trung ương Tô Huy Rứa, Đảng ta mới thực hiện bài bản công tác luân chuyển cán bộ. Theo đó, việc lựa chọn cán bộ luân chuyển được tiến hành theo quy trình chặt chẽ, công phu, bài bản, kỹ lưỡng, khoa học hơn và rút kinh nghiệm từ các đợt luân chuyển trước.

Thực hiện chủ trương, quyết định của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, các bộ, ban, ngành, cơ quan, đơn vị ở Trung ương đã xem xét cử cán bộ trong nguồn quy hoạch đi luân chuyển và đề xuất về chức danh luân chuyển, địa bàn luân chuyển, dự kiến chức vụ sẽ bố trí sau luân chuyển...

Được biết, luân chuyển đợt 1 năm 2014 gồm 44 cán bộ, trong đó: 25 cán bộ giữ chức phó bí thư tỉnh ủy, thành ủy; 19 cán bộ giữ chức phó chủ tịch UBND tỉnh, thành phố. Trong số cán bộ luân chuyển đợt này, 2 cán bộ là ủy viên Trung ương Đảng, 19 thứ trưởng và tương đương, 25 cục trưởng, vụ trưởng và tương đương, có 3 cán bộ nữ. Đây là số cán bộ trong quy hoạch các chức danh lãnh đạo chủ chốt các cơ quan, đơn vị ở Trung ương, trong đó có 22 cán bộ được quy hoạch chức danh ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng nhiệm kỳ 2016-2021 và các nhiệm kỳ tiếp theo.

Nhân chuyện luân chuyển, xin kể đôi điều về luân chuyển ở Hà Nội.

Từ năm 2008 đến nay ở cấp thành phố, Hà Nội đã luân chuyển 146 cán bộ từ khối các cơ quan, đoàn thể sang chính quyền; từ các sở, ban, ngành về công tác tại các quận, huyện, thị xã và ngược lại. Ở cấp cơ sở xã, phường, công tác này cũng được tăng cường và nghiêm túc thực hiện.

Được biết, ở Hà Nội trong suốt thời gian 5 năm luân chuyển cán bộ, không có hiện tượng đã thành vè “khi đi Thường vụ, khi về thường dân”, nghĩa là không có chuyện đùn đẩy đi cơ sở để rồi mất chức.

Tại xã Phú Túc, huyện Phú Xuyên, có Bí thư là Phạm Thị Hải Hoa (sinh năm 1974) mới được luân chuyển về nhận công tác cách nay gần 2 năm. Chị vốn là Trưởng ban Dân vận huyện Phú Xuyên, luân chuyển về xã từ tháng 4/2012. Bằng bản lĩnh, nghị lực cũng như kinh nghiệm công tác, chị đã hòa nhập công việc mới, đã gỡ được một số nút thắt về tranh chấp đất đai giữa người dân hai thôn Tư Sản và Lưu Thượng. Chỉ một thời gian ngắn, người dân hai thôn đã hóa giải tranh chấp, tự phá dỡ bờ bao để chính quyền xã phân chia lại ruộng đất theo quy định. Chị Hoa chia sẻ, để giải quyết những mâu thuẫn, thời kỳ đầu, ngày làm việc, tối chị ở lại xã cùng cán bộ xuống gặp gỡ, vận động nhân dân hai thôn để không phải thực hiện cưỡng chế. Sau sự việc đó, chị rút ra bài học: Nếu cán bộ lãnh đạo mà né tránh đối thoại sẽ không giải quyết được việc.

Từng là cán bộ Đoàn được Thành ủy luân chuyển Bí thư Huyện ủy Phúc Thọ Ngọ Duy Hiểu chia sẻ bí quyết nhanh chóng gắn bó với cơ sở: “Trong 6 tháng đầu, tôi dành nhiều thời gian để gặp gỡ gần một trăm cơ quan, đơn vị trên địa bàn và các đồng chí nguyên lãnh đạo huyện; đến thăm, trò chuyện và lắng nghe ý kiến của nhiều người dân; nhiều lần kiểm tra đột xuất việc thực hiện nhiệm vụ của lãnh đạo cơ sở và kỷ cương hành chính nhằm nhắc nhở, uốn nắn kịp thời những hành vi chưa đúng mực hoặc những biểu hiện tiêu cực nếu có...

Hai tháng một lần, Bí thư Hiểu trực tiếp chỉ đạo mở hội nghị chuyên đề cho cán bộ chủ chốt từ huyện đến xã, tập trung bàn giải pháp khắc phục những vấn đề “nóng” ở địa phương, như quản lý đất đai, giải quyết khiếu nại - tố cáo, bảo vệ môi trường, cải cách hành chính, nâng cao hiệu quả hoạt động của hợp tác xã nông nghiệp... Nhờ vậy, nhiều chỉ tiêu kinh tế - xã hội của Phúc Thọ đều đạt và vượt”.

Thọ Vinh

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc