Lại “thích tận thu”

07:00 | 22/02/2014

2,080 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
TP Hà Nội vừa xin phép Thủ tướng được thu phí trên Đại lộ Thăng Long, đại lộ dài và hiện đại nhất Việt Nam, công trình kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội.

Năng lượng Mới số 297

Tuy nhiên, vướng mắc về pháp luật là ở chỗ theo Thông tư 197/2012 của Bộ Tài chính về quản lý, sử dụng phí bảo trì đường bộ không cho phép thu phí đối với các tuyến được đầu tư bằng tiền ngân sách.

Trong khi, Đại lộ Thăng Long được xây dựng với tổng mức đầu tư là 7.527 tỉ đồng, trong đó: nguồn vốn ngân sách Trung ương là 1.840 tỉ đồng và nguồn vốn của thành phố Hà Nội là 5.687 tỉ đồng.

Thế nhưng, Hà Nội vẫn “quyết tâm” kiến nghị Thủ tướng được thu bởi thành phố thiếu khoảng 5.000 tỉ đồng mỗi năm cho đầu tư hạ tầng cũng như khó khăn trong bố trí kinh phí duy tu, quản lý tuyến đường sau khi nhận bàn giao từ Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) vào đầu năm 2013.

Về đề án thu phí trên tuyến Đại lộ Thăng Long, Chủ tịch UBND thành phố đã yêu cầu phía Sở GT-VT nghiên cứu kỹ về đề án thu phí này. Để đảm bảo làm sao cho phù hợp mà không phí chồng phí, gây bức xúc cho nhân dân, việc xây dựng đề án này phải nghiên cứu sao cho phù hợp.

Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam lo ngại: Từ ngày 1/6/2013, phí Quỹ Bảo trì đường bộ bắt đầu có hiệu lực, chỉ tính riêng đối với ôtô, người sở hữu sẽ phải chịu tới 3 mức thuế cùng 7 loại phí. Bản thân Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam không đồng tình với đề án này.

Hà Nội đưa ra đề xuất chắc chắn họ phải có lý do, nhưng lý do cụ thể là gì thì ông chưa nắm được.

Tuy nhiên, lý lẽ của Hà Nội đưa ra là thu phí để hoàn vốn ngân sách sẽ không phù hợp các quy định hiện hành, đặc biệt Nghị định 18 về thu phí bảo trì đường bộ (bỏ các trạm thu phí nộp ngân sách).

Trong khi đó, ông Bùi Danh Liên, Hiệp hội Vận tải Hà Nội phản đối gay gắt trước đề xuất này. Ông Liên cho rằng, đoạn đường này được đầu tư bằng ngân sách Nhà nước, Hà Nội đề xuất thu phí là trái với các quy định về phí và lệ phí, trái với các quy định của pháp luật của một Nhà nước pháp quyền. Pháp luật phải đảm bảo tính thống nhất trên toàn quốc, không thể mỗi địa phương tự đặt ra một loại phí.

Thứ hai, cung đường này không nằm trong hệ thống phải thu hồi vốn đầu tư. Vì cung đường này được đầu tư hoàn toàn bằng tiền ngân sách thì không thể thực hiện việc hồi số vốn thông qua việc thu phí.

Nghĩa là, đã đầu tư bằng ngân sách, đã thu phí bảo trì đường bộ thì không được phép thu phí. Như vậy là trái với các quy định của pháp luật và trái với lòng dân.

Tiếp nữa, lập trạm thu phí sẽ không có người đi. Các tuyến vận tải lên Tây Bắc sẽ chuyển hướng sang tuyến đường 32, còn các phương tiện khác sẽ chuyển hướng đi Quốc lộ 6 hoặc ra Lê Văn Lương kéo dài mà bỏ qua tuyến đường này.

Theo quy định thu phí và lệ phí, đối với đường cao tốc để thu phí phải đạt 70 cây số trở lên, nhưng đoạn đường này mới đạt 23 cây số chưa đủ tiêu chuẩn để thu phí.

Tóm lại, Hà Nội đưa ra quy định này là hoàn toàn vô lý, đã thu phí đường bộ theo đầu xe rồi giờ lại đòi thu phí là phí chồng nhiều loại phí. Không lẽ Hà Nội không nhận ra điều này để xin rút lại đề nghị “thích tận thu” này!

Thọ Vinh

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc