Lại chuyện "hôi của"...

17:51 | 16/03/2013

1,088 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Xã hội ngày nay vẫn còn những cảnh khiến nhiều người không khỏi ngán ngẩm. Trong đó, nạn hôi của vẫn diễn ra thường xuyên ở xứ ta bên cạnh chuyện vượt đèn đỏ hay không xếp hàng nơi công cộng… Câu hỏi đặt ra là, văn hóa ứng xử nơi công cộng, tính tương thân tương ái trong cộng đồng vì sao mỗi ngày mỗi cạn?

Hôm qua (15/3), vào lúc 14h tại đoạn qua ngã tư Vũng Tàu, P. An Bình, TP. Biên Hòa, Đồng Nai, một xe tải chở dầu nhờn bị lật, rất may là không có thương vong nhưng hàng trăm thùng dầu nhờn trên xe bị tràn ra đường. Sau đó, một cảnh tượng vô cùng không hay xảy ra là rất nhiều người đi đường và cư dân địa phương xúm lại hôi của. Họ tranh nhau từng thùng dầu nhờn còn nguyên vẹn, và nhiều người đem can, đem cả thùng phuy ra để đựng dầu trước sự phản đối bất lực của chủ xe tải.

Rất nhiều người tham gia hôi của sau khi chiếc xe chở dầu nhờn bị lật

“Hôi của” không còn là chuyện xa lạ ở xứ ta. Và có lẽ nhiều người xem đó là một chuyện quá ư bình thường. Hễ có một vụ tai nạn mà có tài sản rơi vãi ra đường thì y như là sẽ có cảnh hôi của. Vì sao như vậy, tâm lí này của số đông hay của một thiểu số người. Vì sao thấy người bị nạn không cứu giúp, không hỗ trợ họ giải quyết hậu quả mà còn xúm nhau tranh giành tài sản trước sự bất lực của nạn nhân. Tình người ở đâu. Lương tâm ở đâu. Thật quá vô cảm.

Và cách đây không lâu (5/2012), chuyện hôi của cũng xảy ra sau một vụ tai nạn khi chiếc xe bồn chở 25.000 lít xăng từ Hà Tĩnh và Quảng Bình bị lật nghiêng trên quốc lộ 1A khiến xăng chảy lênh láng trên đường. Thay vì hỗ trợ nạn nhân thì nhiều người dân địa phương cầm xô, chậu, thau nhưng ban đầu chỉ đứng chờ vì sợ xe nổ. Đến khi thấy cảnh sát dùng can nhựa rút bớt xăng từ bồn ra để đề phòng cháy nổ thì người dân mang xô, thau, chậu xông tới để hứng xăng, bất chấp sự ngăn cản của tài xế và lực lượng cảnh sát.

Nhiều người còn nhớ, cách đây gần 2 năm, trên đoạn đường giao nhau giữa An Dương Vương – Trần Phú – Sư Vạn Hạnh thuộc P.8 và P.9, Q.5, TP HCM có một người đàn ông bị cướp, may mà ông giật lại được túi xách từ tay bọn cướp nhưng vì giật mạnh quá nên túi tiền bị rơi vãi ra đường. Lợi dụng tình trạng này, nhiều người đi đường cùng người dân quanh khu vực ào ra hôi tiền. Chỉ sau 5 phút, số tiền biến mất trước sự bất lực của người bị nạn.

Giờ đây, chúng ta hay kêu ca tại sao cướp bóc ngày càng lộng hành, nhưng chính cách hành xử của chúng ta, chính sự tham lam một cách vô cảm của chúng ta đã đồng hành cùng bọn cướp. Vậy “hôi của” có phải là một hành động ăn cướp trắng trợn không. Tôi nghĩ là có đấy chứ. Vì lấy những thứ không phải là tài sản của mình là kẻ ăn trộm, ăn cướp chứ còn gì.

Dù đói và rét nhưng cậu bé Nhật Bản vẫn kiên nhẫn xếp hàng chờ suất ăn hỗ trợ sau thảm họa động đất

Nói đến chuyện hôi của ở xứ mình mới nhớ đến những câu chuyện cảm động ở xứ người trong cách ửng xử giữa người với người. Trong trận động đất mạnh 8,9 độ richter kinh hoàng ngày 11/3/2011 đã tạo ra cơn sóng thần cao hơn 10m tàn phá nặng nề các khu vực ven biển phía đông bắc Nhật Bản, đã cướp đi sinh mạng của hàng chục nghìn người. Và một lần nữa thế giới chứng kiến tinh thần Nhật Bản, kiên cường đối chọi với khó khăn, gian khổ để vượt qua thảm họa. Nhiều câu chuyện về lòng dũng cảm, tinh thần tự tôn dân tộc, ý thức tuân thủ luật pháp và tình người trong thảm họa của người dân Nhật Bản đã khiến cả thế giới phải khâm phục. Trong khốn khó như thế nhưng không hề có cảnh hôi của, chen lấn giẫm đạp nhau, từ lớn đến nhỏ xếp hàng chờ đợi được cung cấp những suất ăn hỗ trợ.

Trước nhiều thực trạng như vừa nêu trên thì vừa qua trong Dự thảo Bộ Giao thông vận tải đề xuất. Theo quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, từ ngày 1/7, hành vi xâm phạm tài sản của người bị nạn sẽ bị xử phạt từ 5 đến 7 triệu đồng. Cùng với đó, mức phạt này còn được áp dụng với người có hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe, tài sản của người bị nạn hoặc người gây tai nạn; lợi dụng việc xảy ra tai nạn giao thông để hành hung, đe dọa, xúi giục, gây sức ép, làm mất trật tự, cản trở việc xử lý tai nạn giao thông.

Mong rằng, Dự thảo này được thông qua để những cảnh hôi của không còn tái diễn, nhưng e rằng chỉ có sự răn đe của pháp luật thì chưa đủ. Cần nhiều hơn nữa việc nâng cao giá trị văn hóa ứng xử trong cộng đồng, tính tương thân tương ái giữa mọi người. Để khi gặp người hoạn nạn trên đường thì cộng đồng cùng chung tay giúp đỡ, hỗ trợ người bị nạn thay cho cảnh tranh giành, hôi của một cách vô cảm như lâu nay.

Thanh Thanh

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc