Không thể coi là việc nhỏ

09:57 | 30/07/2012

981 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Người dân cả nước, trong đó có những nghệ sĩ chân chính đang bị “sốc” trước một sự việc ca sĩ Anh Thơ và Trọng Tấn đã bất chấp nhiệm vụ chính trị, biểu diễn tại nước bạn Lào đã cố tình về nước chỉ vì một sô diễn khác.

Kỷ niệm tròn 50 năm đoàn kết, gắn bó Việt – Lào, tại thủ đô Viêng Chăn vào các đêm 17 và 18/7/2012 đã diễn ra chương trình nghệ thuật đặc biệt chào mừng năm đoàn kết hữu nghị. Chương trình có sự hiện diện của các đồng chí lãnh đạo cao cấp của hai nước. Đây là một trong những sự kiện chính trị quan trọng của nước ta trong năm nay. Do phải về nước hát trong một chương trình nghệ thuật do Sở Công an Ninh Bình tổ chức đúng vào ngày 18/7 nên 2 ca sĩ Anh Thơ và Trọng Tấn (đều là giảng viên Học viện Quốc gia Việt Nam ) đã ngang nhiên tự ý bỏ về, mặc dù không được người có trách nhiệm đồng ý.

Giải trình việc này, Trọng Tấn cho biết: Anh không có tên sang Lào ngay từ đầu mà chỉ thay thế một nghệ sĩ khác vì người này bị tai nạn đột xuất. Sô diễn cho Công an Ninh Bình, anh và Anh Thơ đã ký hợp đồng từ trước. Tuy nhiên, lại có một sự thật khác: Khi Trọng Tấn báo cáo sự việc để xin về nước thì Bộ VH-TT&DL Việt Nam đã ngay lập tức đề nghị Bí thư Tỉnh ủy Ninh Bình can thiệp xuống Sở Công an. Việc trở nên rất đơn giản vì nhiệm vụ của 2 ca sĩ tại Lào quan trọng hơn nhiều. Mặc dù vậy, họ vẫn cố tình bay về nước để có mặt bằng được tại Ninh Bình.

Trước biểu hiện vô tổ chức, vô kỷ luật của 2 ca sĩ, Bộ VH-TT&DL  quyết định tạm thời đình chỉ mọi hoạt động biểu diễn của họ ở trong cũng như ngoài nước và yêu cầu Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam kiểm điểm, có hình thức kỷ luật. Ngày 23/7, Bộ chính thức họp để xem xét vụ việc này.

Dẫu Trọng Tấn và Anh Thơ có biện minh thế nào cho việc làm của mình thì cũng không thể khiến dư luận công chúng cảm thông, vơi đi sự chê trách mặc dù họ có giọng hát được ưa thích. Hành xử của Anh Thơ và Trọng Tấn không chỉ thể hiện thói tự do, coi thường tổ chức mà còn bộc lộ cái “tôi” ích kỷ, luôn đặt lợi ích cá nhân lên trên quyền lợi tập thể, quốc gia. Cao hơn thế, còn thể hiện ý thức chính trị rất kém. Việc làm của họ chẳng khác gì sự đào ngũ nếu có thể so sánh. Hãy hình dung: Khán giả Lào biết sự việc này sẽ nghĩ thế nào về nghệ sĩ Việt Nam? Liệu bạn có cho rằng họ bị coi thường? Và liệu có ít nhiều ảnh hưởng đến tình cảm gắn bó keo sơn giữa hai nước mà Đảng, Nhà nước ta dày công vun xới trong suốt nửa thế kỷ qua?

Trả lời phỏng vấn một tờ báo, Trọng Tấn cho biết: Trong buổi làm việc với Cục Nghệ thuật Biểu diễn Bộ VH-TT&DL, vị Cục trưởng tỏ ra “rất hiểu sự việc vì cũng là nghệ sĩ, nhưng phải chấp hành lệnh của Bộ”. Nếu đúng như vậy có nghĩa vị này đã thông cảm với 2 ca sĩ vì “cũng là nghệ sĩ”. Phải chăng nghệ sĩ quá duy tình khi cho phép lựa chọn nơi nào thích thì đến biểu diễn bất chấp nghĩa vụ công dân, nhiệm vụ chính trị và tự coi rẻ uy tín của mình trước công chúng? Dư luận còn cho rằng, việc biểu diễn cho Công an Ninh Bình - Trọng Tấn và Anh Thơ kiếm được nhiều tiền hơn, so với đi biểu diễn phục vụ chính trị ở Lào. Vì vậy, hai ca sĩ này đã bất chấp tất cả. Xem ra đây là điều rất có lý.

Công chúng nước ta vốn rất ngưỡng mộ, ưu ái những văn nghệ sĩ có tài. Nhưng trên hết phải là cái tâm, là tấm lòng đối với cộng đồng, với tổ quốc mà biểu hiện cụ thể phải bằng một ý thức phục vụ nhiệt thành, tận tụy, không vì vật chất, vụ lợi. Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam  đã có đề đạt lên cấp trên theo hướng xin giảm nhẹ tội cho 2 ca sĩ. Vị Phó văn phòng Bộ VH-TT&DL khi trả lời phỏng vấn của báo chí đã nói: “Bên này uất lắm. Chúng ta cần giáo dục từ những chuyện nhỏ như thế này”. Không thể coi chuyện này là nhỏ bởi 2 nghệ sĩ đồng thời đang làm thầy mà thiếu ý thức chính trị, ý thức phục vụ thì dạy học trò sao đây? Không phải ngẫu nhiên đại thi hào Nguyễn Du đã viết: “Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài”.

Nguyễn Hưng

(Năng lượng Mới số 141, ra thứ Sáu ngày 27/7/2012)

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc