Khi kẻ xấu "dẫn dắt" người tốt

11:21 | 16/05/2014

3,024 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Mấy ngày qua, dư luận hết sức bức xúc và bất bình trước việc một số kẻ lợi dụng việc tuần hành biểu thị lòng yêu nước để phá hoại tài sản, cướp bóc, hôi của tại nhiều doanh nghiệp ở Bình Dương và vụ việc xô xát ở khu kinh tế Vũng Áng.

Những sự việc này cho ta thấy rõ sự yếu kém đến mức không thể chấp nhận được của chính quyền. Họ đã mất cảnh giác, không nắm bắt được tình hình, không có những biện pháp kịp thời và đủ mạnh để ngăn chặn những kẻ quá khích - hay nói một cách chính xác hơn là những kẻ lưu manh, côn đồ, những tên tội phạm hình sự, những kẻ nghiện hút, những kẻ bất mãn chế độ, thậm chí cả những kẻ đang được gọi là "trí thức, học giả" đã lợi dụng tuần hành yêu nước để phục vụ cho những mưu đồ cá nhân và thỏa mãn những hành vi bản năng của chúng.

Có lẽ, Chính phủ cần có biện pháp xử lý ngay những người chịu trách nhiệm quản lý trật tự trị an tại các địa phương, khi họ để xảy ra tình trạng như vậy.

Nhìn nhận theo một khía cạnh khác, có một điều rất không bình thường ở đây là trong một đám đông đi tuần hành, số phần tử “oi khói” chắc chắn không nhiều. Vậy tại sao đám này lại lôi kéo được quần chúng, "dẫn dắt" được cả những người tốt, những người đi tuần hành bằng chính tấm lòng và trách nhiệm với đất nước? Tại sao những người tốt lại không đủ dũng cảm để từ chối, ngăn chặn, khuyên bảo những kẻ “oi khói” đó có hành vi manh động?

Chẳng lẽ xã hội chúng ta hiện nay lại “người ngay sợ kẻ gian” đến mức này ư?

Khi kẻ xấu dẫn dắt người tốt

Vụ xô xát bắt nguồn từ việc công nhân đình công ở khu kinh tế Vũng Áng

Nếu nhìn xa ra một chút, chúng ta có thể thấy rằng, những vụ lật đổ chính quyền ở Ukraina, ở Ai Cập và một số quốc gia khác đều xuất phát từ những cuộc biểu tình với những mục đích tốt. Nhưng khi một đám đông không còn làm chủ được mình nữa và bị dẫn dắt bởi những phần tử “oi khói” thì ý nghĩa của cuộc biểu tình đã chuyển từ cực nọ sang cực kia.

Chúng xông vào đập phá các cơ quan công quyền, phá hoại các cơ sở kinh tế khiến lực lượng bảo vệ phải ra tay ngăn chặn. Khi đã phải dùng đến lựu đạn cay, vòi rồng, đạn cao su thì thế nào cũng sẽ có người thương vong, thậm chí chỉ do giẫm đạp lên nhau mà chết. Và thế là mục tiêu sẽ chuyển sang biểu tình chống “chính quyền đàn áp công dân”.

Rồi nữa, những phần tử quá khích cực đoan, những kẻ phản động lưu vong nhân cơ hội này thực hiện những trò ném đá giấu tay như gây nổ, tự thương để ăn vạ… Hậu quả khi đó sẽ là khôn lường.

Kịch bản này liệu có thể xảy ra ở Việt Nam không?

Điều này hoàn toàn có thể!

Chúng ta đã thấy quá rõ qua những vụ việc lợi dụng tuần hành, biểu tình để gây rối vừa qua. Chắc chắn hành động của đám “oi khói” này đã gây những tổn hại vô cùng to lớn cho kinh tế đất nước, cho sự ổn định trật tự xã hội, làm xấu đi hình ảnh của Việt Nam trong con mắt bạn bè thế giới.

Rõ ràng là đám này đã làm hoen ố hình ảnh người Việt trong cộng đồng quốc tế.

Gần đây, trên mạng xã hội đã lan truyền nhiều thông tin thất thiệt. Điều đáng ngạc nhiên là rất nhiều người lại tin và mắc mưu.

Qua đây mới thấy rõ một điều rằng, dân trí nước ta quá thấp. Người dân không đủ bình tĩnh, hiểu biết để xét đoán cái gì đúng, cái gì sai và vẫn còn nặng tâm lý hùa theo đám đông.

Đến lúc này, không hiểu vai trò của các đoàn thể quần chúng, các tổ chức chính trị, xã hội ở đâu?

Chúng ta chỉ hô hào chung chung, địa phương nào khi báo cáo thì cũng nói như hát hay nào là vai trò lãnh đạo của tổ chức Đảng, vai trò thanh niên xung kích của đoàn viên thanh niên, rồi đủ thứ vai trò của các tổ chức chính trị đoàn thể, vị trí nào cũng quan trọng… Nhưng chỉ một nhúm phần tử “oi khói” mà lại “dẫn dắt” được cả ngàn người đi tuần hành thì thật là đáng buồn.

Cách đây ít hôm, chúng tôi tổ chức buổi gặp mặt hằng năm của những người cựu chiến binh đội Tuyên Văn sư đoàn 530 - Bộ Tư lệnh Công binh. Mấy chục năm trước, chúng tôi đều còn “đầu xanh, tuổi trẻ”, nay tất cả đã lên ông, lên bà. Trong buổi gặp mặt, người đội trưởng đội tuyên văn năm xưa, sau này là Đại tá, Chính ủy một đơn vị của Bộ Tư lệnh Công binh đã nói đại ý rằng: “Tình hình Biển Đông là như vậy, nếu bây giờ xảy ra chuyện gì thì chúng ta chỉ còn cách biểu hiện lòng yêu nước, tinh thần cựu chiến binh là vận động, bảo ban con cháu lao động tốt, chấp hành luật pháp của Nhà nước thật nghiêm và tuân thủ theo sự lãnh đạo của Đảng, Chính phủ…”.

Những lời nói giản dị ấy đã gây xúc động cho anh em cựu chiến binh.

Chúng ta không nghi ngờ lòng yêu nước của mỗi người dân Việt. Nhưng tùy thuộc vào từng thời điểm lịch sử mà phải thể hiện lòng yêu nước ấy như thế nào cho đúng đắn, phù hợp.

Không thể gọi là yêu nước được nữa khi những người tốt lại bị đám phần tử “oi khói” kia dẫn dắt.

Cũng không thể gọi là yêu nước nếu như những người hăng hái xuống đường đi tuần hành, biểu tình lại không chịu lao động, không biết tiết kiệm và không ý thức được rằng mỗi việc làm tốt ngày hôm nay cũng chính là yêu nước.

Tôi nhớ mãi năm 2004, khi đoàn nhà báo Việt Nam sang thăm Hàn Quốc, Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thông tin Hàn Quốc, từng là một người lính sang đánh thuê ở Việt Nam đã xin lỗi và nhờ đoàn nhà báo chúng tôi chuyển lời xin lỗi của ông tới nhân dân Việt Nam, rằng ông rất ân hận về những tháng ngày cầm súng, chống lại nhân dân Việt Nam.

Ông còn kể cho chúng tôi rằng, người Hàn Quốc thể hiện lòng yêu nước rất cụ thể. Trong những năm tháng kinh tế Hàn Quốc cực kì khó khăn, khi người ta xung phong đi lính, sang Việt Nam đánh thuê để đổi lại là gia đình có được 50kg bột mì mỗi tháng, thì tại tất cả các nhà hàng, người ta treo khẩu hiệu “uống bớt đi một lon bia để có tiền xây dựng đất nước”. Rồi người Hàn Quốc còn thể hiện lòng yêu nước bằng cách chỉ dùng hàng trong nước sản xuất. Bây giờ ở Hàn Quốc, hiếm thấy xe ô tô của Mỹ hay đồ điện tử của Nhật.

Yêu nước là phải bằng những việc làm cụ thể, mang lại lợi ích cho đất nước, chứ không phải bằng những lời kêu gào, hò hét suông hoặc tham gia vào những cuộc tuần hành, biểu tình vô tổ chức, bất chấp luật pháp.

Kẻ địch còn ở xa, nhưng mối nguy hiểm thì đã thấy ngay trước mắt.

Tôi bỗng nhớ lại lời của Khổng Minh trong cuộc đấu khẩu với các danh sĩ ở Giang Đông tại hồi “Gia Cát Lượng khua lưỡi bẻ bọn nho - Lỗ Tử Kính dùng sức bác lời chúng”. Ông đã nói về nhà nho như thế này: “Nho cũng có nho quân tử, cũng có nho tiểu nhân. Nho quân tử thì trung vua yêu nước, giữ chính ghét tà, chuyên làm những điều ích lợi chung, tiếng để đời sau. Còn như loại tiểu nhân thì chỉ cặm cụi văn chương, miệt mài nghiên bút; còn trẻ làm phú đầu bạc đọc kinh, dưới bút dẫu có nghìn lời, trong bụng không được một mẹo…”

Ngẫm lại lời của Gia Cát Khổng Minh ngày xưa mới thấy rằng xã hội ta bây giờ quá lắm “Gia Cát... đểu” và rất nhiều kẻ lợi dụng danh văn sĩ, tri thức, học giả… kêu gào, kích động người dân đi ngược lại chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước. Pháp luật của chúng ta bấy lâu nay quả thật là đã quá nương nhẹ với đám “nhà nho tiểu nhân” này.

Hơn lúc nào hết, mỗi người dân yêu nước chân chính hãy cảnh giác!

Nguyễn Như Phong