Hãy đọc lại lời Đức Thánh Trần!
Khi Quốc công Tiết chế Trần Hưng Đạo ốm nặng, khó qua khỏi, vua Trần đến thăm và hỏi kế sách giữ nước lâu dài. Quốc công Trần Hưng Đạo nói với vua về việc chống giặc là phải như thế nào, rồi ông kết luận: “Khoan thư sức dân, ấy là cái kế lâu dài, sâu dễ bền gốc”.
Lời dạy của Đức Thánh Trần đã đúng và bây giờ càng ngẫm thì lại càng đúng. Nhưng hình như ở Việt Nam ta hiện nay, một số người cũng đọc nhưng lại không hiểu nên họ đã nghĩ ra rất nhiều “ngón” theo kiểu tận thu để vắt kiệt sức dân.
Nào là thuế trước bạ ôtô, xe máy, họ thu phí cao đến mức mà người dân chịu không nổi, phải mua bán chui, không dám đi đăng ký và hậu quả là xe sang tên đổi chủ không làm, việc quản lý xe cộ gần như bỏ mặc, gây khó khăn cho việc quản lý trật tự an toàn xã hội. Đến khi giảm phí, người dân phấn khởi, nô nức đi đăng ký như vậy Nhà nước vẫn thu được phí, thu được tiền và không bị thất thoát mà công tác quản lý lại tốt hơn.
Lại một việc nữa xảy ra những ngày gần đây, ấy là tại thành phố Hồ Chí Minh, người dân “nô nức” mang sổ đỏ đi trả vì phí làm sổ đỏ và tiền thuế đất quá cao. Không hiểu những người nghĩ ra những loại phí này có biết rằng họ đang “bóc lột” đến tận cùng những người dân nghèo hay không.
Nhà cửa, đất đai họ đã ở bao nhiêu năm nay, thậm chí từ đời này sang đời khác, nay lại có quy định chỉ được ở X… mét còn thừa bao nhiêu thì phải đóng phí cao ngất ngưởng. Người ta ở chứ người ta có mua bán đâu, hơn nữa, người dân nghèo thì lấy đâu tiền đề nộp phí cho cái kiểu này. Những quan chức nào nghĩ ra cái lối thu phí theo kiểu tận thu như vậy đúng là chỉ biết nghĩ đến mình.
Tại sao người ta không nghĩ ra rằng, dân đã ở như vậy thì cứ cấp sổ cho dân hoặc có thu thì thu một loại phí nhỏ nào đấy để bù đắp việc chi tiêu hành chính. Còn nếu thu để tăng ngân sách thì thật là sai lầm. Ngày trước, chuyện thu thuế nông nghiệp cũng vậy, người nông dân chịu một nắng hai sương, suốt ngày cắm mặt xuống đất, chổng mông lên giời, có được hạt lúa, củ khoai thì lại phải đóng thuế cao ngất ngưởng và rất nhiều loại phí khác. Tất nhiên, trong các loại phí đó, có không ít loại phí do bọn “cường hào” sinh ra. Và hậu quả là người dân buộc phải tìm cách trốn thuế, giấu thóc.
Thế nên mới có chuyện ở vùng quê nọ, chính quyền cho dân quân du kích đến thu cả quan tài để hòng bắt người dân phải nộp thóc. Về chuyện sổ đỏ, nhà cửa, lẽ ra với những người đã ở lâu và cấp sổ đỏ cho họ lần đầu thì thu phí nhẹ thôi. Nhưng nếu bán thì phải đánh thuế cao theo hệ số và nếu gian dối, mua bán không sang tên đổi chủ theo đúng quy định thì phải có xử phạt nghiêm khắc. Như vậy vừa tránh nạn đầu cơ đất đai, đầu cơ bất động sản, vừa thu được của người giàu và lại làm giảm nhẹ gánh nặng cho người nghèo.
Đấy mới chính là khoan thư sức dân.
Hình như các vị đề xuất các loại phí không đọc lịch sử thì phải, nhưng chắc chắn rằng hằng năm rất nhiều người ở Bộ này sẽ đi lễ đền Trần và xin ấn đền Trần. Vậy nên, xin các vị trước khi đi lễ hãy học thuộc câu “Khoan thư sức dân”!
Bảo Sơn
-
Doanh nghiệp nhà nước nộp gần 400 nghìn tỷ đồng vào ngân sách năm 2024, đẩy mạnh chuyển đổi số
-
Quảng Ngãi và Kon Tum họp bàn việc sáp nhập, trình Trung ương trước tháng 5
-
Chung tay mở ra kỷ nguyên phát triển mới của quan hệ hữu nghị Việt Nam - Trung Quốc
-
Tên gọi dự kiến của 34 đơn vị hành chính cấp tỉnh sau sáp nhập, hợp nhất
-
Phó Thủ tướng chỉ đạo khắc phục hậu quả cháy rừng tại Quảng Ninh