GS Trần Đình Bút: "Dùng sai tiền ngân sách để hưởng lợi cũng là thủ đoạn tham nhũng"

17:52 | 05/09/2013

1,559 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Những ngày qua, vụ việc các đơn vị công ích tại TP HCM hưởng nguồn ngân sách nhưng lại vi phạm trong việc chi trả tiền lương và sử dụng lao động nhằm hướng lợi ích vào các “lãnh đạo” đã khiến dư luận vô cùng bức xúc. PetroTimes đã có cuộc trao đổi với GS Trần Đình Bút - nguyên là thành viên Ban Nghiên cứu của Thủ tướng Chính phủ xung quanh vấn đề này.

PV: Thưa giáo sư, ông đánh giá như thế nào về việc một số doanh nghiệp công ích của TP HCM sử dụng sai nguồn ngân sách để chi trả tiền lương “khủng” cho lãnh đạo trong khi người lao động chỉ có mức lương nhỏ giọt?

GS Trần Đình Bút: Theo tôi đây là sai phạm đặc biệt nghiêm trọng liên quan đến việc quản lý nguồn ngân sách của nhà nước. Bởi đã nhắc đến ngân sách là nói ngay đến tiền của nhân dân, vì ngân sách cũng là tiền của nhân dân đóng góp. Mà dùng tiền của nhân dân không đúng nguyên tắc, tự ý dùng  dẫn đến sai phạm sẽ gây mất lòng tin ở dân. Đặc biệt, các đơn vị làm sai lại là những doanh nghiệp thuộc quản lý của nhà nước thì càng không thể chấp nhận được. Ở đây, trách nhiệm chính là ở lãnh đạo các doanh nghiệp này, họ trực tiếp là người đứng đầu đơn vị nhưng lại làm sai hòng hưởng lợi cho mình.

https://cdn-petrotimes.mastercms.vn/stores/news_dataimages/dothuytrang/092013/05/17/IMG_1999.jpg

Giáo sư Trần Đình Bút.

PV: Vậy ông có suy nghĩ gì về kết luận của UBND TP HCM đối với các đơn vị công ích trong việc sai phạm ký hợp đồng với người lao động, bớt xén tiền lương của người lao động để thêm vào quỹ lương cho lãnh đạo ở những đơn vị này?

GS Trần Đình Bút: Việc ký hợp đồng thời vụ với người lao động nhằm né tránh việc đóng bảo hiểm và các khoản phúc lợi khác là hành động bòn rút sức lực của người lao động. Luật lao động đã quy định rõ ràng rồi, nhưng những đơn vị này không thực hiện thì rõ ràng là đã đi ngược lại với quy định của nhà nước. Những hành động của các cá nhân trong vụ việc này không khác gì việc dùng thủ thuật nham hiểm để ăn bớt tiền ngân sách của nhà nước. Mà dùng sai tiền ngân sách để hưởng lợi cho cá nhân cũng là thủ đoạn tham nhũng tiền của nhân dân. Xét ở góc độ quản lý nhà nước thì đây là một thủ đoạn tham nhũng tinh vi.

PV: Vậy phải chăng càng ở những đơn vị nhà nước thì thủ thuật để tham nhũng trở nên dễ dàng hơn doanh nghiệp tư nhân?

GS Trần Đình Bút: Doanh nghiệp tư nhân hay nhà nước thì cũng đều có thể xuất hiện tham nhũng như nhau. Điều quan trọng là phải có cơ chế quản lý và giám sát minh bạch và nghiêm khắc. Tuy nhiên, một điều mà các doanh nghiệp nhà nước (ở đây là các đơn vị công ích) dễ có cơ hội tham nhũng hơn các doanh nghiệp tư nhân đó là vì họ được cấp ngân sách trực tiếp. Nếu việc quản lý nguồn ngân sách này không chặt chẽ và gắt gao thì rất dễ dẫn đến việc các đơn vị dùng đủ mọi cách để vẽ ra các khoản cần phải thu, chi nhằm cố tình bòn rút nguồn tiền này.

PV: Theo lý giải của các lãnh đạo hưởng “lương khủng” thì việc nhận mức lương cao như vậy là do họ làm được và không liên quan đến ngân sách?

GS Trần Đình Bút: Không thể nghĩ và nói như vậy được. Những doanh nghiệp trên đều là đơn vị công ích chịu sự quản lý của nhà nước. Được nhà nước cấp ngân sách để hoạt động. Thử hỏi nếu không có nguồn ngân sách của nhà nước thì từ khi thành lập đến nay lấy tiền đâu để họ có thể tồn tại bao năm qua. Trong khi một số đơn vị chỉ hoạt động có lợi nhuận trong vòng một đến hai năm trở lại đây, còn phần lớn đều dựa vào nguồn ngân sách hết. Mặt khác, nếu như đề cập đến các hoạt động đem lại lợi nhuận cho những đơn vị này thì cũng nhờ nhà nước đã tạo lập được nền tảng ban đầu cho họ chứ nếu không họ cũng chỉ là những đơn vị tư nhân thì làm sao được hưởng những lợi thế như vậy. Ở đây, rõ ràng là các đơn vị này đã tìm mọi cách để vơ vét ngân sách nhà nước.

PV: Xảy ra sai phạm nghiêm trọng như vậy phải chăng Đảng ủy và Công đoàn ở các đơn vị này chưa làm tròn vai trò và trách nhiệm của mình?

GS Trần Đình Bút: Một điều dễ nhận thấy là, lãnh đạo của các đơn vị này cũng là những người đứng đầu chi bộ Đảng ở đây. Như vậy, có thể có hai trường hợp xảy ra, một là các Đảng viên khác khó có thể phát hiện và nêu ra sai phạm vì bị lấp liếm. Đặc biệt sai phạm liên quan đến tài chính lại cần phải có số liệu rõ ràng mới có thể phanh phui được. Hai là, chi bộ Đảng ở các đơn vị này quá yếu ớt trước sự lấn át của một số Đảng viên là lãnh đạo và hành động như “nước chảy theo dòng”. Vì vậy nên vai trò của tổ chức công đoàn thông qua vụ việc này cũng tỏ ra yếu ớt khi đã không bảo vệ được quyền lợi của người lao động, để cho người lao động bị bớt xén quỹ lương trong thời gian dài.

PV: Qua sự việc này, theo ông, Nhà nước nên có chế tài quản lý như thế nào để không xảy ra những vụ việc tương tự?

GS Trần Đình Bút: Các đơn vị quản lý nhà nước phải tăng cường việc kiểm tra các doanh nghiệp này, thông qua việc thường xuyên báo cáo tình hình thực hiện các hoạt động trong tháng, trong quý. Không để sai phạm diễn ra thời gian dài rồi mới phát hiện và xử lý thì đã muộn. Mặt khác đơn vị quản lý nhà nước cần phải giám sát, đánh giá việc sử dụng nguồn ngân sách nhà nước một cách trung thực, chính xác, tránh việc các doanh nghiệp lợi dụng kẽ hở trong khâu quản lý để “vẽ” ra nhiều chiêu trò hòng bòn rút ngân sách nhà nước.

Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!

Thùy Trang

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc