GS Phạm Tất Dong: Giáo dục phải thương người nghèo

07:00 | 25/12/2013

2,137 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Muốn đất nước phát triển thì cả xã hội đều phải học, vì thế GS Phạm Tất Dong luôn mong muốn giáo dục đừng là nơi mua bán làm khổ người dân. Trong câu chuyện với phóng viên Năng lượng Mới GS Dong khẳng định, Việt Nam vẫn đang dựa vào nông nghiệp vì thế người nghèo mà cụ thể là người nông dân là đối tượng cần được học nhất, chứ như bây giờ cứ mất tiền triệu mới được học thì quả là chưa thương người nghèo.

Năng lượng Mới số 284

Tuyển giáo viên còn dễ hơn tuyển thợ

PV: Theo giáo sư, nguyên nhân nào khiến cho các bảo mẫu có thể xuống tay bạo hành một đứa trẻ như vậy?

GS Phạm Tất Dong: Có rất nhiều nguyên nhân. Trước hết, tôi nghĩ người làm nghề nuôi dạy trẻ chưa có đủ tấm lòng của một người mẹ, lương tâm nghề nghiệp chưa đủ lớn để họ làm việc đó. Thứ hai, nhà trường dạy dỗ không cẩn thận nên họ làm cho người học không thấy hết trách nhiệm đối với trẻ. Cuối cùng là chưa hiểu về luật pháp, nếu là người hiểu luật không ai đối xử với trẻ như vậy.

Ở đây có cả lỗi của người quản lý và lỗi của người làm việc. Cũng có thể vì một lý do nữa là do người đó quá ác tính, bản tính vốn không hiền hòa. Theo tôi, người như vậy không nên cho làm ở ngành này. Có lẽ họ cũng chỉ vì miếng cơm manh áo mới đi học nghề này thôi.

Hôm trước có người hỏi tôi nên xử lý thế nào, tôi nghĩ trước hết nên cho ra khỏi ngành thôi, không thể để trong ngành được. Thêm nữa, khi đã đưa lên báo chí truyền hình như vậy thì có đi đâu cũng bị tẩy chay.

GS Phạm Tất Dong

PV: Giáo sư có cho rằng cũng là do "đầu vào" của các trường sư phạm hiện không có một sự chắt lọc nào?

GS Phạm Tất Dong: Các trường sư phạm đào tạo những “loại” cô giáo này có lẽ cũng chẳng có chuyên môn gì để kiểm định chất lượng đầu vào, chỉ thấy người ta thi vào là cho vào hoặc thấy đủ điều kiện học lực thì cũng cho vào. Sự thẩm định đầu vào có lẽ họ không có cách nào, lẽ ra phải được tuyển chọn kỹ về năng lực cần thiết dành cho trẻ. Các trường chưa làm hướng nghiệp, công tác tuyển chọn, thua cả tuyển công nhân. Công nhân hay thợ nghề còn cần phải đạt chuẩn nếu không sẽ bị sa thải ngay. Trong khi đó vào trường mầm non, tuyển các cô giáo chỉ qua một bài thi, vì vậy cách tuyển chọn đầu vào của mình không đủ tư chất để vào trường. Những cô giáo lẽ ra phải rất dịu hiền, nhân từ, yêu trẻ nhưng mình lại không chọn đúng. Các cô giáo bây giờ nhiều người thiếu phẩm chất đó.

PV: Bây giờ các thầy, cô giáo cũng thay đổi nhiều. Giáo sư có nhìn thấy những hiện tượng như cô mạt sát trò, xưng hô “mày - tao”, rồi "yêu" học trò giàu hơn, ép học sinh đi học thêm... ngày càng nhiều hơn không?

GS Phạm Tất Dong: Đúng rồi, nông thôn hay thành phố đều thế, nhưng ở nông thôn người dân họ gần gũi giáo viên hơn nên trường hợp đó xảy ra ít.

PV: Trong chuyện này chúng ta có thể đổ lỗi cho hoàn cảnh được không, thưa giáo sư?

GS Phạm Tất Dong: Trước hết, ở thành phố, giáo viên bây giờ khá đông, lại bị chi phối bởi nền kinh tế chạy theo đồng tiền nên nếu để nói họ dốc sức vì học sinh thì không thể được như ngày trước, thậm chí chỗ nào trả ít tiền họ còn không nhận dạy. Nhiều giáo viên hiện nay rất giàu chứ không nghèo, dù nhìn vào đồng lương thì nghèo thật nhưng cứ để họ thỏa sức “làm ăn” thì lại thành giàu. Thực ra, đúng là ngạch lương sư phạm so với ngành khác thì không phản ánh rõ đây là nghề đặc thù nhưng trong cuộc sống thực giáo viên kiếm tiền khá nhiều. Và chuyện kiếm tiền qua giảng dạy còn được không ít phụ huynh hưởng ứng chứ  không bị kêu ca như ngành y.

PV: Vậy giáo sư đánh giá thế nào về đạo đức của nhà  giáo bây giờ?

GS Phạm Tất Dong: Tính mô phạm của thầy, cô giáo giờ ít hơn trước. Nguyên nhân vẫn do đào tạo. Nhiều thầy cô lên lớp nói năng không mẫu mực, bừa bãi kể cả ở cấp đại học, một số kém ý thức chính trị, vì thế học sinh cũng nói bừa. Thái độ, tác phong không gương mẫu nên học sinh sẽ nhìn vào đó mà coi thường thầy cô, đồng thời phát triển những thói hư tật xấu. Ngành giáo dục muốn đưa khẩu hiệu làm theo đạo đức Hồ Chí Minh để giáo viên cố gắng rèn luyện nhưng tiếc rằng chưa làm được, chỉ mang tính hình thức.

PV: Thực ra, chuyện kiếm tiền chính đáng bằng việc dạy thêm của giáo viên cũng không phải là chuyện xấu. Nhưng điều đáng nói ở đây là ngày càng có những nhà giáo mà thiếu phẩm chất như đánh nhau với phụ huynh, quan hệ với học sinh, nghiện ma túy... Đó mới là những điều đáng buồn, thưa giáo sư?

GS Phạm Tất Dong: Không chỉ giáo viên mà các ngành nghề khác cũng vậy. Hình như giờ đây người Việt không còn thuần tính, trẻ con ra đường động tí là đánh nhau, người lớn thì cũng luôn chen lấn, tranh giành, cãi cọ…  Tôi không hiểu con người Việt Nam giờ thế nào.

Vì vậy, một thế hệ mà tỷ lệ này đông quá, tất nhiên vào giáo dục cũng đông hơn. Thực ra, không thể đổ lỗi hết cho ngành giáo dục được. Bạn thử ngẫm mà xem, bây giờ đến các cơ quan dễ dàng bắt gặp nhân viên ngồi buôn chuyện rất nhiều mà toàn buôn chuyện xấu,  kể cả ông bà già cũng vậy, thế mới đáng nói. Giáo viên cũng thế, một tập thể giáo viên chẳng ra thế nào thì sao họ dạy nổi học sinh được?

Những phòng học gió thông thổi bốn bề ở Tây Bắc

PV: Theo giáo sư, gốc rễ của vấn đề này là gì?

GS Phạm Tất Dong: Đấy là cả vấn đề tâm lý xã hội, có nhiều thứ rất bức xúc mà mình không lý giải được, không nói được.

Ở đây có vấn đề gọi là bức xúc xã hội và mình thể hiện sự bực dọc ra mặt, cũng giống như ở nhà mình bực cái gì là đá thúng đụng nia nên tâm trạng của anh giáo viên cũng thế, nhiều việc bức xúc chồng lên.

PV: Giáo viên có nhiều vấn đề, nhưng học sinh thì sao? Giáo sư đánh giá thế nào về học sinh ở ba cấp học tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông?

GS Phạm Tất Dong: Tôi luôn đánh giá thế hệ bây giờ thông minh hơn thế hệ chúng tôi rất nhiều, tuy nhiên trong ngành vẫn tồn tại nhiều bức xúc. Chẳng hạn nhà trường đưa ra mức học phí cao quá sinh viên, học sinh cảm thấy rất khó chịu với nhà trường, cô dạy thêm cũng vì hoàn cảnh hết nhưng học sinh vẫn không phục chuyện thu tiền dù vẫn đóng tiền. Nhiều học sinh bây giờ rất dễ láo và ngang bướng vì không phục chứ ngày xưa thời tôi đi dạy, học trò nghe răm rắp không dám cãi nửa lời.

Bây giờ học trò ít tôn trọng thầy cô. Bằng chứng là học sinh ngày xưa sau khi học xong vẫn giữ quan hệ với thầy cô rất tốt nhưng giờ rất nhiều trò chẳng thèm nghĩ đến chuyện đó.

Xã hội nhiều bức xúc nên trẻ con có bức xúc của trẻ con, người lớn có bức xúc của người lớn. Trong những bức xúc đó vô tình tạo nên cho trẻ con những áp lực mà chúng không thể chịu đựng được. Ví dụ anh cảm thấy xã hội bon chen như thế này anh buộc con anh phải học nó sẽ chống lại, không muốn học vì anh bon chen chứ nó đã phải rơi vào cảnh bon chen đâu, làm sao hiểu được? Ép học quá sẽ làm mất đi tuổi thơ trong sáng của trẻ con nên nó phải phản ứng lại chứ. Hiện nay, cả xã hội chẳng ai không bức xúc vấn đề gì cả.

Đừng để giáo dục là nơi mua bán làm khổ người dân

PV: Có nghĩa là giáo sư cũng có rất nhiều bức xúc. Cụ thể, trong lĩnh vực giáo dục thì giáo sư nghĩ đến điều gì?

GS Phạm Tất Dong: Tôi bức xúc rất nhiều vấn đề về giáo dục. Trước hết, tôi cảm thấy nhiều nhà giáo dục đang có nhiều bất cập với xu thế thời đại và năng lực chỉ đạo yếu. Đất nước mình có phát triển nhanh hay không cũng do giáo dục. Chỉ có một vấn đề thôi mà thế giới nói mãi mình vẫn chưa thực hiện được nghĩa là làm thế nào để có thể xây dựng xã hội học tập. Vừa rồi, trong hội thảo ở Chí Linh có những chuyên gia giáo dục lớn của Bộ nói muốn xây dựng giáo dục chỉ cần phổ cập giáo dục là xong. Thế thì chết.

Tôi nghĩ, phổ cập giáo dục chỉ có ¼ người đi học vậy ¾ người lớn còn lại không đi học thì xã hội văn minh thế nào. Lẽ ra công nhân muốn lành nghề phải học, công nhân muốn nâng tay nghề cũng phải học… Nhưng chúng ta lại không quan tâm mà chỉ chăm chăm phổ cập giáo dục. Bức xúc thứ hai là nhiều tiêu cực quá, động cái gì cũng tiêu cực. Bây giờ tiêu cực trong giáo dục tràn lan. Tôi là thầy của nhiều thế hệ học trò giờ hiện đang làm “quan”, nhờ xin cho người nọ, người kia nhưng xin mồm là không có đâu. Nên tôi cảm thấy thế còn gì là tình người nữa, mà đấy là tôi toàn xin cho những người mình thấy là đích đáng, họ nghèo mà giỏi chẳng hạn. Nhưng không có tiền không bao giờ được.

Thứ ba vì tôi là cán bộ giảng dạy lâu năm, bức xúc về chuyện tài liệu viết không chuẩn. Điều thứ tư là họ không thật sự vì người nghèo, mà giáo dục như vậy thì người nghèo chết.

Lớp học vùng cao

PV: Nói như giáo sư thì chuyện bình đẳng giáo dục như vẫn thường nghe là không thể tồn tại?

GS Phạm Tất Dong: Làm gì có chuyện bình đẳng, đã gọi là bình đẳng thì điều kiện phải như nhau. Một đứa trẻ miền núi chui vào cái lều rách nát, tồi tàn để học con chữ trong khi các em học sinh ở Hà Nội lại đầy đủ thế này. Thế thì tại sao không đầu tư cho trên kia. Nhiều nơi miền núi vẫn y như cách đây vài chục năm, không thay đổi gì cả.

Vì vậy, một nền giáo dục có gọi là tốt hay không hãy xem họ giải quyết người nghèo thế nào.

PV: Điều nhận thấy rõ ràng nhất là giờ giáo dục vẫn thiếu cụ thể, thưa giáo sư?

GS Phạm Tất Dong: Tôi rất phản đối điều này. Sắp tới đây lại sắp có một cuộc họp bàn về đổi mới. Khi đọc tài liệu, tôi đã có ý kiến rằng phải kiểm định rõ, chứ nói thế này không thể hiệu quả được? Ví dụ thế này tại sao cứ thi Sử rất nhiều học sinh lại bị điểm 0, do thầy dạy không tốt hay do không chịu học hoặc thậm chí các nhà biên soạn sách giáo khoa sử không hay? Cái này là phải làm rõ nhưng tiếc rằng lại toàn nói chung chung rằng môn này không có kết quả. Họ làm ăn tắc trách lắm. Bây giờ viết một quyển sách giáo khoa phải đi dạy thử nhưng lẽ ra phải chọn vùng nông thôn hẻo lánh thì họ chọn ngoài phố, dạy xong báo cáo học tốt lắm. Hoặc một quyển sách giáo khoa phải dạy 40 tiết nhưng mới dạy được 3 tiết đã vội kết luận quyển này có thể dạy tốt, sao thế được?

Lúc tôi còn ngồi ở Hội đồng quốc gia giáo dục, rất nhiều lần tôi nói phải kiểm tra sâu và hỏi những câu sâu chứ đừng chỉ hỏi lơ mơ rồi trả lời qua loa thì không hiểu hết đâu. Nhiều khi họ bảo lên miền núi thực nghiệm nhưng lại chỉ đến trường học ngay thị trấn chứ không vào trường bản.

PV: Theo giáo sư, để khắc phục những vấn đề bất cập nhất của giáo dục bây giờ, điều mình cần làm nhất là gì?

GS Phạm Tất Dong: Trước hết phải dám làm, đừng để giáo dục là nơi mua bán làm khổ người dân. Nhiều khi tức lắm tôi nói không được hay nói ra bị họ phản đối ngay ngay. Ví dụ một số các trường ngoài công lập, đào tạo rất ẩu, không thể dạy được vì chất lượng kém lắm, mà thu tiền lại cao. Tuy vậy họ vẫn lên tiếng rằng Nhà nước không quan tâm đến các trường ngoài công lập. Vừa rồi có một trò cũ của tôi đang dạy một trường dân lập trong TP HCM nói: “Em không thể chịu đựng trường ngoài công lập nữa rồi vì học sinh kém quá, thi vào mỗi môn 2 điểm cũng cho đậu”. Vì vậy, đừng để buôn bán giáo dục, chỉ “giết” dân thôi. Bây giờ có thể chưa chết nhưng hậu quả thì không lường trước được.

Điều thứ hai tôi muốn nói, phải để người nghèo học chứ. Bây giờ muốn đi học phải đóng các khoản phí đến hàng triệu, mà nông dân lấy đâu ra tiền triệu đóng tiền học hàng tháng cho con. Không có học đất nước không thể đi lên được. Muốn một nền nông nghiệp phát triển theo hướng hiện đại mà người làm không được học thì sao đi lên được trong khi nước mình vẫn đang dựa và nông nghiệp.

Tôi thương dân nghèo, thương nhiều người dân không được đi học.

PV: Những người bình thường còn nhìn thấy huống chi học rộng tài cao như họ sao không nhìn thấy được, vấn đề là họ không muốn làm thôi, thưa giáo sư?

GS Phạm Tất Dong: Tôi kể cho bạn nghe một câu chuyện về cán bộ. Đây là về cán bộ ở Hà Nội, khi tôi xin một đề án về xã hội học tập mà họ hoạnh họe ghê quá: Bác viết chỗ này thiếu mục này, bác có từng này tiền nhưng thật ra tiền đó nằm trong sổ của bà vợ ông này vì tôi khai mượn của ông ấy từng này tiền nhưng soi ra họ bảo sổ tiết kiệm đó là của bà vợ chứ không phải của ông chồng nên không hợp lệ. Nhưng cuối cùng họ hỏi tôi một câu: “Nói thật với bác em không hiểu bác nói cái gì, nên bác muốn thông qua được, bác đưa cho em tài liệu để em trình lên sếp”. Xong họ hỏi: “Xã hội học tập là cái gì nhỉ?”, tôi giải thích xã hội học tập từ nghị quyết đại hội IX đến giờ hơn 10 năm rồi, cô không đọc à? Cán bộ trình độ như thế nên chỉ hoạnh họe những thứ vớ vẩn thôi.

PV: Không ít phụ huynh giờ vẫn băn khoăn không biết liệu dạy con học giỏi ở trường đã tốt chưa, sau này ra đời có làm được việc không và làm cách nào để giáo dục toàn diện? Giáo sư nghĩ sao về vấn đề này?

GS Phạm Tất Dong: Tôi thường nói với vợ rằng muốn các con giỏi, ngoài việc nhà trường dạy mình phải hướng cho con khác. Ví dụ cháu tôi học toán kém thì phải dạy có phương pháp. Vợ tôi làm theo không dạy theo phương pháp học toán trong nhà trường mà theo ý hiểu của bà ấy thì nó khá hẳn lên. Thứ hai, theo tôi phải xem nó có những năng khiếu gì để định hướng đi cho đúng. Tôi có một đứa cháu nội học piano rất giỏi nên bảo bố mẹ  mua đàn về cho con học, sau này văn toán nếu không giỏi thì có lẽ sẽ là một người chơi piano giỏi. Quan trọng là con trẻ phải hứng thú với việc đó, không nên áp đặt. Bố mẹ phải nhìn rõ được con mình có năng khiếu gì để từ đó định hình rồi khuyến khich con phát triển, phải nghĩ thoáng ra, làm một anh thợ giỏi còn có ích hơn là một kỹ sư dốt...

PV: Xin cảm ơn giáo sư!

Thái Linh (thực hiện)