Đúng là cần phải… “trảm”!

07:00 | 21/01/2014

6,078 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Mấy ngày qua, có một việc gây xôn xao dư luận, đó là việc Thiếu tướng Nguyễn Đức Chung, Giám đốc Công an thành phố Hà Nội đã ra lệnh cắt chức, điều chuyển công tác ngay ông Đinh Bá Pha, Phó công an phường Giảng Võ, trong vụ bọn trộm kéo đổ cây rút tiền ATM trên địa bàn mình phụ trách.

Năng lượng Mới số 293

Điều đáng nói là, ngay tại một hội nghị quan trọng, Thiếu tướng Nguyễn Đức Chung đã chất vấn công khai ông Đinh Bá Pha và có quyết định điều chuyển ngay tức khắc ông Pha, khi mà ông này đưa ra lời giải thích không thuyết phục trong việc tổ chức điều tra...

Nhiều tờ báo đã tường thuật việc này và tỏ thái độ rất đồng tình.

Từ trước đến nay, việc "trảm" tại chỗ những người không làm được việc, hoặc tắc trách trong phạm vi công việc mình phụ trách là rất hiếm. Trong vài năm trở lại đây, có lẽ đây là lần thứ hai có chuyện "trảm tướng" ngay tại "trận" như thế này.

Lần thứ nhất là vào năm 2011, tân Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Đinh La Thăng đã ra lệnh "trảm" ngay một chỉ huy dự án vì tội tổ chức thi công chậm, kém hiệu quả công trình nhà ga sân bay Đà Nẵng.

Và lần thứ hai là Thiếu tướng Nguyễn Đức Chung "trảm" Phó Công an phường.

Tại sao dư luận lại đồng tình, ủng hộ những biện pháp cứng rắn, quyết liệt như vậy?

Tại sao dư luận lại mong muốn những người lãnh đạo phải có thái độ cứng rắn, kiên quyết và thẳng tay hơn nữa với những cán bộ nói thì hay, làm thì dở, đó là chưa nói đến chuyện tham nhũng, thiếu tinh thần trách nhiệm, đạo đức suy thoái...?

Vấn đề ở chỗ là: Những tiêu cực của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên đã được nói đến từ lâu rồi, nhưng việc xử lý thì xem ra quá khó - đặc biệt với những loại cán bộ biết mười mươi là năng lực yếu kém, nhưng tìm cho ra chứng cứ cụ thể để cách chức, bãi nhiệm, để thay đổi... là rất khó. Nhưng loại cán bộ, công chức thiếu tinh thần trách nhiệm, lười nhác, dựa dẫm trong công việc hay nói một cách "trần trụi" hơn là "vô tích sự" thì có nhan nhản. Cứ mỗi lần hô hào giảm biên chế thì y như rằng lại "thêm ghế nhà ăn". Bộ máy quản lý ở các cấp thì ngày một phình to (tất nhiên việc tăng biên chế một cách cơ học cũng là chuyện bình thường), nhưng tăng người mà hiệu quả công việc kém đi thì rõ ràng cần phải xem lại, ai là kẻ "ăn không ngồi rồi" trong số đó.

Nói nghe thì dễ, nhưng bắt tay vào làm thì mới thấy khó làm sao!

Người dân thì quá chán ngán với cách quản lý, điều hành mang nặng tính duy tình của không ít cán bộ. Nhưng khổ một nỗi, những người xử lý công việc theo kiểu duy tình thì nhiều khi lại được quý mến bởi "ông ấy sống có hậu"; bởi "ông ấy tốt lắm, chẳng nỡ hại ai bao giờ". Còn những người quyết đoán, cứng rắn thì lại hay bị mang cái tiếng là "độc đoán, gia trưởng", là "chuyên quyền"...

Chính vì cái tính duy tình không phải lối này mà ý thức chấp hành luật pháp của người Việt ta có thể nói một cách sòng phẳng là rất kém. Và đó là nguyên nhân gây ra đủ mọi thứ lộn xộn trong hầu hết các lĩnh vực của đời sống xã hội.

Cho nên, hơn bao giờ hết, người dân mong muốn, cần phải có những cán bộ dám làm, dám chịu, đủ dũng cảm và cứng rắn khi xử lý công việc.

Nhân chuyện này, tôi xin kể hầu bạn đọc một câu chuyện nhỏ về chuyện của Trung tướng Nguyễn Hữu Ước.

Số là cách đây đến 15 năm, khi ấy, ông là Tổng biên tập tờ báo tuần An ninh thế giới. Một lần, có cô nhân viên hợp đồng phạm lỗi, ông nổi nóng và bảo: "Nó làm việc như thế, cho nghỉ ngay... Nghỉ ngay! Trưởng ban Trị sự làm quyết định, đưa tôi ký!". Nhưng quyết định chưa kịp soạn thảo thì cả ngày hôm đó, ông "ù tai" vì các cú điện thoại từ nhiều cấp gọi đến. Người thì xin cho cô ta, người thì "nhắc nhở" là phải "bớt nóng tính, đừng quyết định vội vàng"; người nhắc khéo rằng "nó được sếp... quý lắm đấy"... Thế rồi ông phải than thở: "Chưa đuổi được nó mà mình đã ong hết cả đầu. Thảo nào, anh em công an bây giờ làm án, nhiều vụ cứ phải "ngó" xem nó là con cháu nhà ai".

Là người nóng tính, nên ông Ước cũng không ít lần gầm lên: "Đuổi ngay! Thay ngay...", nhưng rồi có đuổi được ai đâu, mà quân số thì cứ "túc tắc" tăng "chậm dần đều".

 Từ trước đến nay, việc đề bạt, quản lý, sử dụng cán bộ của chúng ta vốn đã quá nhiêu khê và qua rất nhiều thủ tục nghiêm ngặt. Đề bạt cán bộ đã khó, nhưng để xử lý một cán bộ - nhất là những người không có "tội danh" cụ thể, mà chỉ là năng lực kém, ù lì, vô cảm... thì khó vô cùng. Khó hơn rất nhiều so với việc đề bạt.

Cho nên, những động thái quyết liệt của người đứng đầu trong xử lý cán bộ dưới quyền đòi hỏi người lãnh đạo đó phải cực kỳ bản lĩnh và đặc biệt là "tay phải sạch". Sẽ rất khó xử lý được cấp dưới nếu cấp trên cũng không gương mẫu, ăn uống lèm nhèm, bởi "Chân mình thì lấm bề bề. Lại còn đốt đuốc đi rê chân người", rồi "há miệng mắc quai".

Cũng chưa bao giờ chúng ta nói nhiều về cái gọi là "trách nhiệm của người đứng đầu" như vậy. Chúng ta đòi hỏi rất nhiều ở người đứng đầu - điều này rất đúng. Nhưng chúng ta có giao cho người đứng đầu, quyền quyết định duy nhất không? Hay cái gì cũng phải do tập thể xem xét và chọn lựa trước, còn người đứng đầu thì chỉ có mỗi việc chuẩn y và ký.

Liệu có để cho người đứng đầu quyền cách chức ngay cấp phó của mình mà không cần phải qua tầng tầng, lớp lớp thủ tục hay không?

Liệu có để cho người đứng đầu toàn quyền lựa chọn cán bộ giúp việc cho mình hay không?

Một khi không dám cho người đứng đầu quyền đó thì rất khó trong việc xử lý cán bộ.

Đã giao cho người ta trọng trách thì phải tin. Còn đã không tin thì đừng giao. Chính vì vậy, giải quyết thế nào cho hợp lý, cho hài hòa giữa "dân chủ" và "tập trung" là điều không đơn giản, đặc biệt là trong tình hình hiện nay. Khi mà nhiều cơ chế cũ, quan niệm cũ chưa bị xóa đi, đang gây cản trở cho sự phát triển kinh tế, xã hội. Còn cách làm mới, cơ chế mới đang hình thành nhưng lại bị cái cũ ngáng đường…

Thế cho nên mới cần những người lãnh đạo dũng cảm, dám chịu trách nhiệm và cứng rắn.

Ngày xưa, Napoléon Bonaparte, khi mới là viên tướng chưa đầy 30 tuổi. Viện Đốc chính Pháp giao cho viên tướng này chỉ huy đội quân đi đánh nước Ý. Chỉ sau 2 ngày nhậm chức, Napoléon đã nhận thấy ngay tình trạng vô kỷ luật, vô tổ chức, nạn ăn hối lộ, tham nhũng đang hoành hành tại đội quân này; còn lính tráng thì đói khổ vô cùng. Những viên quan mũ cao áo dài của Viện Đốc chính thì tò mò nhìn xem viên tướng trẻ kia sẽ làm được trò gì. 

Nhưng Napoléon đã báo cáo Viện Đốc chính về giải pháp lập lại trật tự trong đội quân này bằng một dòng ngắn, cực ngắn: "Ở đây phải bắn. Phải giết". Và chỉ sau 2 tháng, Napoléon đã biến đội quân rệu rã đó thành một đội quân có kỷ luật, khét tiếng thiện chiến.

Đúng là rất đơn giản. Và cực kỳ hiệu quả!

Như Thổ

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc