Phó chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội Quốc hội, TS Nguyễn Văn Tiên:

“Dịch vụ y tế cần phải công ra công, tư ra tư”

07:00 | 16/11/2013

1,979 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Tại phiên thảo luận tình hình kinh tế - xã hội năm 2013 và kế hoạch năm 2014, Phó chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội Quốc hội, TS Nguyễn Văn Tiên đề nghị Bộ Y tế cần đuổi khỏi ngành y những trường hợp vi phạm y đức. Ông Tiên cũng thừa nhận, mọi biện pháp ngành đưa ra với cán bộ y, bác sĩ lâu nay quá nhẹ tay, không có tác dụng răn đe hoặc cảnh báo hiệu quả.

Đuổi việc người kém y đức!

PV: Thưa ông, có ý kiến cho rằng, y đức kém chính là lý do khiến lòng tin của người dân vào ngành y ngày càng giảm sút. Ông nghĩ sao về quan điểm trên?

TS Nguyễn Văn Tiên: Quả thật, vấn đề y đức đang gây bức xúc trong dư luận. Tôi không vơ đũa cả nắm, nhưng từ chuyện “rút ruột” vắc-xin ở Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội, tới vụ nhân bản kết quả xét nghiệm để trục lợi bảo hiểm y tế (BHYT) tại Bệnh viện huyện Hoài Đức (Hà Nội) và mới nhất là vụ giám đốc Thẩm mỹ viện Cát Tường (Hà Nội) làm chết người rồi ném xác phi tang… khiến dư luận cả nước bàng hoàng, đau xót. Sau bao nhiêu vụ việc bê bối của ngành, rõ ràng đây không còn là “hồi chuông cảnh báo”, mà nó phản ánh một thực tế: y đức đang xuống cấp trầm trọng!

Trong lần phát biểu trước Quốc hội tôi đã đề nghị lãnh đạo Bộ Y tế cần phải đuổi khỏi ngành vĩnh viễn những người vi phạm y đức. Có như vậy mới ngăn chặn được những người có tư tưởng coi thường đạo đức trong ngành y. Bên cạnh đó, ngành y cần tăng cường hơn nữa công tác thanh tra, kiểm tra, phát hiện sai phạm phải nhanh chóng xử lý công khai, minh bạch và thông tin rộng rãi đến dư luận xã hội.

TS Nguyễn Văn Tiên

Tôi cho rằng, dư luận và xã hội cần bình tĩnh phán xét, tránh vơ đũa cả nắm, mạt sát cán bộ y tế. Vì trên thực tế, vẫn còn rất nhiều cán bộ y tế rất vất vả, ngày đêm hy sinh vì người bệnh. Chẳng phải đi đâu xa, chính những cán bộ làm công tác dự phòng, cán bộ y tế tuyến huyện, các y, bác sĩ điều trị bệnh lao, phòng chống HIV họ rất vất vả. Bên cạnh đó, tôi cũng thấy rằng, lãnh đạo Bộ Y tế và lãnh đạo Sở Y tế các tỉnh phải thật nghiêm túc với những gì đã xảy ra. Phải xử lý công khai để lấy đó làm gương, còn cứ xử lý kín như hiện nay thì khó mà ngăn chặn được. Những trường hợp vi phạm y đức phải đuổi hẳn khỏi ngành y vĩnh viễn, như vậy mới ngăn chặn được những người có tư tưởng coi thường đạo đức trong ngành y.

PV: Với vụ Thẩm mỹ viện Cát Tường, ông nhìn nhận vụ việc phi tang xác bệnh nhân như thế nào?

TS Nguyễn Văn Tiên: Nghe có vẻ vô lý, nhưng tôi cho rằng, việc sai phạm tại đây bắt đầu từ việc hành nghề không đúng chuyên môn, chưa được cấp phép, cho đến quảng cáo tâng bốc sai sự thật để đánh lừa khách hàng, rồi chính những quảng cáo ấy quay lại đánh lừa để anh nhầm tưởng về khả năng của mình. Khi tai biến xảy ra, đáng lẽ anh phải đặt mạng sống của bệnh nhân lên trên hết, thì anh lại đặt cuộc sống và sự nghiệp của mình lên trên người bệnh và làm cái điều mà không ai có thể chấp nhận nổi. Vì vậy, Chính phủ phải xem xét lại để có quản lý cho chặt chẽ, nhất là những vấn đề liên quan đến sức khỏe của người dân. Bên cạnh đó, ngành y cần phải tăng cường thanh tra và bố trí cán bộ tại các bệnh viện để giải thích cho bệnh nhân trên góc độ pháp lý, tránh tình trạng thông tin bị rối khi đưa ra dư luận. Còn trách nhiệm thì đã rõ rồi, Sở Y tế Hà Nội và quận Hai Bà Trưng phải lên tiếng thôi.

PV: Vậy mà quả bóng trách nhiệm lại một lần nữa từng được các bên liên quan đá đi càng xa càng tốt. Vấn đề trách nhiệm người đứng đầu ở đây là như thế nào, thưa ông?

TS Nguyễn Văn Tiên: Ngành y đang rất lúng túng vì hàng loạt vụ việc bê bối xuất hiện cùng lúc. Tôi cho rằng, đó là nguyên nhân chính khiến lãnh đạo ngành lo lắng và có những động tác chưa được hợp lý lắm. Chắc chắn sau đợt này, mọi việc sẽ thay đổi, người dân sẽ dám sát cơ sở y tế nhiều hơn để chấn chỉnh cả y đức lẫn chất lượng khám chưa bệnh. Bên cạnh đó, ngành y cũng phải tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục trong hệ thống cơ sở y tế dọc của mình.

Bảo hiểm y tế chỉ tốt nếu cơ sở được quan tâm hơn

PV: Có ý kiến đại biểu Quốc hội (ĐBQH) cho rằng, hiện nay lĩnh vực BHYT vẫn phục vụ theo cung cách bao cấp. Ông nghĩ sao về vấn đề này?

TS Nguyễn Văn Tiên: Thực ra một số ĐBQH nói BHYT bao cấp không hoàn toàn là đúng. Đó là trách nhiệm thực hiện chính sách an sinh xã hội của chế độ chúng ta, của hệ thống chính trị đối với nhân dân.

Một số ĐBQH khác cho rằng, quyền lợi của BHYT Việt Nam còn thấp, thì đó tiếp tục là một vấn đề không đúng nữa. Ví dụ như danh mục thuốc Bộ Y tế ban hành để bệnh nhân BHYT được cấp phép hiện nay lên tới 1.143 loại. Các chuyên gia, đại diện tổ chức quốc tế từng nói với tôi rằng: “Tại sao các vị lãng phí, vung vãi thuốc như vậy?”. Ở nhiều quốc gia, số thuốc bệnh nhân BHYT thụ hưởng chỉ khoảng 600-700, cùng lắm là 800 loại là đủ. Chúng ta phải xem lại mức đóng BHYT (trên 500 nghìn đồng/người/năm) thì chi như thế nào cho hợp lý.

Thử nhìn lại những đối tượng đang kêu ca, thắc mắc nhiều nhất về BHYT, đó là người giàu, cán bộ, công chức. Thử hỏi những người bỏ tiền mua BHYT tự nguyện có ai chê BHYT không? Mấy triệu người đó cần đến BHYT, họ thấy đây là nguồn bảo vệ họ hữu hiệu khi ốm đau. Xét về mặt quản lý, do mệnh giá thấp nên đây là đối tượng gây âm quỹ nhiều quá, họ đóng 1 mà họ thụ hưởng 3.

Tuy nhiên, xét trên khía cạnh nhân văn thì đây lại là một điều để xã hội hỗ trợ những người không may ốm đau nhận được sự hỗ trợ từ cán bộ, công chức, những người có điều kiện… chia sẻ. Chủ yếu BHYT tự nguyện là người nghèo, người mắc bệnh mãn tính.

PV: Vậy chúng ta cần phải điều chỉnh cách chi trả BHYT như thế nào để không bị lãng phí, thưa ông?

TS Nguyễn Văn Tiên: Với số tiền ít ỏi của BHYT Việt Nam, làm sao chi hợp lý, hiệu quả là bài toán hóc búa. Nhiều ĐBQH đề nghị thu thật cao mức đóng lên, nhưng vấn đề này chỉ tốt nếu ngân sách Nhà nước dồi dào hoặc vào thời điểm ngân sách Nhà nước dồi dào. Tuy nhiên, trong lúc kinh tế chưa khởi sắc thì vấn đề chi hợp lý, hiệu quả, đừng để chia 5 xẻ 7, mỗi nơi lạm dụng một ít là tối ưu. Một trong nội dung cơ quan BHYT giám sát thật chặt, đó là giá thuốc. 60% tiền chi BHYT là giá thuốc, tương đương 20.000 tỉ đồng năm 2012. Rất may là mấy tháng gần đây thực hiện thông tư mới đã tiết kiệm được gần 1.000 tỉ đồng tiền thuốc. Tôi cho rằng, phải kiểm soát chặt chẽ danh mục và giá thuốc.

Kế đó là phương tiện, kỹ thuật chữa trị. Ví dụ hệ thống máy móc, vật tư giá khá đắt bởi đã được BHYT chi trả. Cùng một loại máy, ở tỉnh A là 50 triệu, nhưng tỉnh B lại là 70-80 triệu đồng. Vấn đề này cũng phải kiểm soát bởi nó dễ gây phản cảm trong dư luận, xã hội, đồng thời tạo điều kiện cho bệnh nhân dễ dàng tiếp cận các phương pháp chữa bệnh hiện đại, hiệu quả.

Thứ ba, làm thế nào bệnh nhân BHYT đến đúng nơi họ cần, không nghe người này người kia. Một trong những mô hình trên thế giới rất hiệu quả mà mà chúng ta nên vận dụng  - đó là bác sĩ gia đình. Ở nước ngoài, người bác sĩ gia đình chăm sóc cho vài trăm đến cả nghìn bệnh nhân trong cộng đồng. Bác sĩ đó có trong tay hồ sơ sức khỏe của từng người dân, lịch sử bệnh lý để khi họ mắc bệnh thì bác sĩ cộng đồng chỉ định họ đến đâu cho hợp lý. Hiện tại, cơ chế chuyển tuyến viện vẫn theo mô hình hành chính, tức là cứ tuyến dưới tự động lên tuyến trên mà không quan tâm tuyến trên đó có đủ năng lực khám chữa bệnh hay không?! Nếu giải quyết được vấn đề này thì thực tế “tiền ít” của BHYT sẽ giải quyết được phần nào.

Riêng với vấn đề trùng thẻ BHYT (800-900 nghìn thẻ - PV), chúng ta đang rà soát để xem trách nhiệm tại cơ quan nào? Vì BHYT chỉ là đơn vị in và thẻ BHYT sau khi nhận danh sách gửi lên. UBND các cấp mới là nơi cung cấp danh sách BHYT, là nơi phải chịu trách nhiệm chính về vấn đề BHYT. Chúng ta thiếu cơ chế sàng lọc nhóm này (người có công, thương binh, người dân tộc…). Điều cần nhất là mỗi xã cần có 1 cán bộ chuyên trách BHYT.

Y tế dự phòng phải được chú trọng

PV: Như ông vừa đề cập ở trên, dường như y tế dự phòng lại là một vấn đề lớn khác của ngành y?

TS Nguyễn Văn Tiên: Nếu để lên tiếng thì tôi sẽ nói đến y tế dự phòng, cả về thực trạng, vai trò lẫn cơ chế cho cán bộ. Cá nhân tôi cho rằng, thành tích nổi bật nhất của ngành y trong những năm gần đây, được nhân dân đánh giá cao đó chính là công tác y tế dự phòng. Như mọi người đều thấy, đội ngũ cán bộ y tế dự phòng đã ngăn chặn được nhiều dịch bệnh nguy hiểm, đặc biệt là dịch cúm A/H1N1, tiêu chảy cấp nguy hiểm và sốt xuất huyết. Để có được thành tích đáng kể này, những cán bộ y tế dự phòng đã phải gồng mình ở mọi địa bàn. Họ là những chiến sĩ trong trận chiến không tiếng súng nhưng không ít hiểm nguy.

Bệnh viên luôn trong tình trạng quá tải

Một lãnh đạo của Bộ Y tế đã nhận định “trên trận chiến phòng và dập các loại dịch bệnh, cán bộ làm công tác y tế dự phòng là những “chiến binh” quả cảm, nhiệt huyết vì sức khỏe của cộng đồng”. Mấy dòng định nghĩa “Trung tâm y tế dự phòng tỉnh, thành phố, quận, huyện là loại hình cơ quan sự nghiệp, chuyên nghiệp đặc biệt, có vai trò quyết định trong việc bảo đảm thực hiện, chuyển tải, đem lại những lợi ích thiết thực từ hoạt động y tế dự phòng đến cộng đồng, đến mọi nhà, cho mọi người” không thể nói hết công việc thực tế hằng ngày của đội ngũ y, bác sĩ làm công tác dự phòng. Chỉ khi nào chúng ta đi cùng các anh, chị lao vào các ổ dịch bệnh không kể đêm ngày và sự nguy hiểm đến sức khỏe của bản thân và gia đình trong những ngày diễn ra dịch cúm năm qua hay những dịch bệnh nguy hiểm khác trong năm trước mới thấy hết được giá trị từ những gì mà họ mang đến cho cộng đồng.

Những năm qua, hệ thống trung tâm y tế dự phòng đã phối hợp khá hiệu quả với các cơ quan trong ngành y tế tạo ra nhiều thành tựu nổi bật, góp phần bảo vệ và tăng cường sức khỏe cho nhân dân. Điển hình nhất là dập được dịch tiêu chảy cấp nguy hiểm có phẩy khuẩn tả, dịch sốt xuất huyết, ngăn chặn sự lây lan dịch cúm A/H1N1 ra cộng đồng với tỷ lệ tử vong thấp (5/1.700 người), không để xảy ra ngộ độc thực phẩm lớn, ngộ độc hàng loạt...

PV: Dường như vấn đề đãi ngộ của cán bộ y tế dự phòng so với đồng nghiệp đang tạo nên những bức xúc trong chính ngành y, phải không thưa ông?

TS Nguyễn Văn Tiên: Hiện cán bộ y tế dự phòng (lây, lao, tâm thần…) hết sức khó khăn. Họ không có thu nhập làm ngoài giờ; không có nhiều “bồi dưỡng” như những đồng nghiệp khám chữa bệnh trực tiếp hằng ngày. Bởi vậy, ngay từ đầu vào (các trường y - PV) cũng rất ít học sinh muốn được cử đi học chuyên ngành về các lĩnh vực dự phòng.

Qua giám sát, tôi thấy nhiều địa phương hiện không có bác sĩ chính quy, bác sĩ chuyên khoa trong các lĩnh vực dự phòng. Trong ngành y, đầu tư 1 đồng cho y tế dự phòng thì tương lai sẽ tiết kiệm được 20-30 đồng. Chúng ta sẽ thấy 5-10 năm nữa, ngành y sẽ rất thiếu cán bộ, bác sĩ chuyên khoa sâu về y học dự phòng.

Đặc trưng lớn nhất trong hoạt động của các trung tâm y tế dự phòng là công tác lưu động và hoạt động chống dịch tại cộng đồng. Nghĩa là khi nhận được thông tin về một dịch bệnh mới phát sinh hoặc tái phát sinh, dù ở bất cứ đâu, họ cũng lập tức phải lao đến để tìm rõ căn nguyên. Từ đó, họ tham mưu cho các cơ quan trong và ngoài ngành y tế thực hiện những giải pháp hữu hiệu nhất nhằm khống chế dịch bệnh kịp thời, không để bệnh dịch lây lan ra cộng đồng.

Chừng ấy con số chắc chắn chưa đủ giúp người ngoài cuộc có một cái nhìn chính xác nhất về những khó khăn, vất vả mà đội ngũ cán bộ y tế dự phòng gặp phải trong quá trình làm việc. Còn nhiều khó khăn khác, cả sự hiểm nguy mà họ vẫn thường xuyên phải đối mặt. Đó là sự hiểu nhầm, lảng tránh của người bệnh và người thân; là sự chênh lệch về quyền lợi giữa những người làm công tác này với đội ngũ y - bác sĩ ở các bệnh viện, đặc biệt là về thu nhập.

Công việc nặng nhọc và nguy hiểm nhưng chế độ phụ cấp độc hại và công tác phí chưa thật thỏa đáng nên với những người làm công tác y tế dự phòng, khó khăn lại thêm phần khó khăn. Chính điều đó đã khiến không ít chiến sĩ trên trận tuyến phòng, chống dịch bệnh ngã lòng, không kiên tâm tiếp tục theo đuổi sứ mệnh của mình. Những gì mà các cán bộ y tế dự phòng đã và đang làm vì sức khỏe người dân là không thể kể hết. Chính họ đã đem lại hạnh phúc cho cả cộng đồng, nhất là trẻ em trong việc tránh được bệnh cùng nhiều di chứng nặng nề, góp phần giảm tải đáng kể cho bệnh viện và các thầy thuốc chữa bệnh trên cả nước nói chung.

Chất lượng y tế tuyến dưới tụt hậu

PV: Thời gian vừa qua, hàng loạt vụ việc liên quan đến chất lượng khám chữa bệnh, liên quan đến chuyên môn của hệ thống bác sĩ tuyến dưới. Ông nghĩ sao về lực lượng cán bộ này?

TS Nguyễn Văn Tiên: Mạng lưới y tế cơ sở (gồm y tế thôn, bản, xã, phường, huyện, thị xã) là tuyến y tế trực tiếp gần dân nhất, bảo đảm cho mọi người dân được chăm sóc sức khỏe cơ bản với chi phí thấp, góp phần thực hiện công bằng xã hội, xóa đói giảm nghèo. 

Muốn cải thiện chất lượng y, bác sĩ ở tuyến này thì ngành y phải xem xét, chấn chỉnh ngay từ đầu vào. Tôi không hiểu tại sao một số trường dân lập lại cũng được cấp phép mở ngành y trong khi đầu vào rất thấp? Ngành y là ngành đòi hỏi người làm rất cẩn trọng, có thái độ nghiêm túc, vậy mà thực trạng cử tuyển, điều động, chuyên tu, tại chức cấp độ dưới vẫn được “tăng cấp” để hành nghề. Ví dụ bác sĩ xã được cử tuyển hoặc hoàn thành chuyên tu thì chỉ được hoạt động ở tuyến xã mà thôi, cấm chạy chọt hoặc nhờ quan hệ để “nâng cấp” lên tuyến trên, thậm chí tuyến cao nhất.

Song song đó thì phải nâng cao trang thiết bị cho những tuyến dưới. Mọi người có thể tưởng tượng một bác sĩ giỏi có thể làm gì trong tay nếu trước mặt anh ta chỉ là những trang thiết bị thô sơ, cũ kỹ. Cơ chế tài chính cho cán bộ y tế tuyến huyện, tuyến xã cũng cần được điều chỉnh lại theo hướng động viên tích cực. Ví dụ 1 bác sĩ tỉnh về huyện được hỗ trợ bao nhiêu tiền, từ huyện xuống xã tiếp tục tịnh tiến bao nhiêu. Tất cả phải cụ thể…

Tách bạch xã hội hóa với dịch vụ công

PV: Tình trạng nhập nhèm vấn đề cơ sở vật chất và nhân sự giữa các “khu” dịch vụ y tế xã hội hóa (XHH) trong bệnh viện công đang gây ra bức xúc trong khám chữa bệnh. Để giải quyết tận gốc vấn đề này, ngành y tế cần có những biện pháp mạnh nào, thưa ông?

TS Nguyễn Văn Tiên: XHH là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước trên mọi lĩnh vực chứ không chỉ ngành y. XHH y tế là một chủ trương nhằm thu hút các nguồn lực xã hội để giảm bớt gánh nặng ngân sách Nhà nước, góp phần tăng nguồn vốn đầu tư kỹ thuật, nâng cao chất lượng khám  chữa bệnh. Tuy nhiên, bên cạnh những thành quả đáng ghi nhận, việc thiếu minh bạch trong tài sản công - tư và tự chủ tài chính tại các bệnh viện công… đang làm ảnh hưởng đến ý nghĩa và hiệu quả của chủ trương này.

Trong các bệnh viện công, với cơ chế tự chủ tài chính, XHH y tế, mô hình khoa khám bệnh theo yêu cầu, khám dịch vụ, tự nguyện, chất lượng cao đã ra đời. Các hình thức này giúp người bệnh có khả năng chi trả, tiếp cận dịch vụ tốt hơn, được chăm sóc tốt hơn, được lựa chọn bác sĩ, phẫu thuật viên và đặc biệt là tránh được phiền hà, tốn phí phong bì. Mặc dù công tác XHH y tế đã đạt được những thành quả nhất định, tuy nhiên, vào thực tế và thực lực thì mức độ, tiến độ XHH diễn ra còn chậm, chưa huy động được hết tiềm lực trong nhân dân. Đặc biệt, quá trình thực hiện công tác này vẫn còn để xảy ra tình trạng tăng thu, tận thu và nảy sinh nhiều bất cập.

Việc thiếu minh bạch trong tài sản công và tư trong XHH ở các bệnh viện công dễ dẫn đến sai phạm trong quá trình quản lý tài chính; xảy ra tiêu cực trong liên doanh, liên kết, đấu thầu thuốc. Việc lạm dụng dịch vụ này thể hiện ở nhiều hình thức như lạm dụng xét nghiệm, lạm dụng thuốc, nhập viện ở cả các bệnh nhẹ có thể điều trị ở tuyến dưới, kéo dài thời gian điều trị gây quá tải bệnh viện...

Không chỉ ở bệnh viện công, nó còn diễn ra ở cả các bệnh viện tư và hậu quả là tăng chi phí điều trị, gây thiệt hại cho người bệnh, gây mất cân đối quỹ BHYT, đồng thời, tăng chi phí xã hội cho y tế nói chung. Và cái quan trọng nhất là gây ra bức xúc cho một bộ phận không nhỏ người bệnh. Vẫn biết xã hội là có người giàu, người nghèo, nhưng những cảnh trái ngược nhau trong đối xử rất khó gây cảm tình với người thứ ba.

Với “phong trào” này, xu hướng “lấy công làm tư” được thể hiện khá rõ khi cơ sở vật chất, nhân sự đều do Nhà nước đầu tư, đào tạo, trả lương nhưng lại phục vụ cho mục đích tư. Chưa hết, chẳng hạn y bác sĩ của một bệnh viện góp tiền mua một máy siêu âm thì khi bệnh nhân khám bệnh, bệnh không cần siêu âm nhiều lúc cũng bị bắt siêu âm để… tăng nguồn thu. Bệnh nhân bị “đè cổ” ra chịu dịch vụ phí vô tội vạ!

PV: Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!

Lê Tùng (thực hiện)

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc