Cũng là tham nhũng

03:00 | 15/10/2013

892 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Một thực trạng đang tồn tại là có những cán bộ gần đến lúc nghỉ hưu thì lại “chạy” xin điều chỉnh tuổi. Đó là những cán bộ có chức, quyền chứ chuyên viên thì hiếm. Bởi có chức, quyền thì có bổng lộc nên họ muốn được tại vị lâu hơn để còn hưởng lợi.

Bùi Đức (NLM số 265)

Lúc còn trẻ, giữ cấp, chức thấp thì họ chưa nghĩ đến chuyện sửa chữa năm sinh, khai rút tuổi; khi lên cấp chức cao hơn thì mới nảy sinh ý đồ khai man lý lịch để có thêm thời gian kiếm chác. Thế mới phiền hà, rắc rối cho tổ chức và nếu bị phát hiện gian dối thì có người bị kỷ luật, “mất cả chì lẫn chài”.

Xung quanh chuyện tuổi tác thì đối với nước ta, do lịch sử để lại, một đất nước trải qua hai cuộc kháng chiến trường kỳ, có người không xác định được chính xác ngày, tháng, năm sinh. Chỉ tính từ ngày hòa bình lập lại năm 1954 thì ở những địa phương vùng sâu, vùng xa, dân ta chưa có điều kiện làm giấy khai sinh cho con ngay sau khi sinh mà chỉ có thị trấn, thị xã và thành phố mới làm giấy khai sinh kịp thời cho con cái. Thời ấy, dân ta còn chưa quen dùng lịch dương, lại đẻ nhiều, đẻ dày, bố mẹ chỉ nhớ láng máng năm ấy là năm con gì, sinh vào mùa nào. Thế nên có nơi, cán bộ ủy ban hành chính xã không ghi năm 1955 hay 1956 mà ghi là sinh năm Ất Mùi, năm Bính Thân. Nhiều gia đình, khi con cái đi học, bố mẹ mới làm khai sinh. Đối với những trường hợp này, khai sinh nhầm một vài tuổi là chuyện phổ biến.

Lại có nhiều trường hợp, hưởng ứng phong trào xung phong nhập ngũ, chưa đủ 18 tuổi nhưng vẫn khai 18 để được đi bộ đội. Những trường hợp ấy, khi đến tuổi nghỉ hưu, họ đã thiệt thòi, phải nghỉ sớm 1-2 năm. Những cán bộ đó không thắc mắc, không khiếu nại gì, vui vẻ nhận quyết định nghỉ. Họ là những người đáng trân trọng. Trong khi đó, lại có những người khai rút đi vài ba tuổi để kéo dài hạn nghỉ hưu. Đó là những người đáng chê trách.

Đời người, ngày sinh, tháng đẻ là một kỷ niệm thiêng liêng. Đó là ngày chào đời, trở thành công dân của đất nước; ngày mà ai cũng phải ghi nhớ, khắc sâu trong lòng để nhớ về công ơn sinh thành của cha mẹ. Thế mà có người lại chạy chọt thay đổi năm sinh, tháng đẻ của mình chỉ vì mục đích vụ lợi. Họ đã kìm hãm sự phát triển của đồng nghiệp cấp dưới, ăn gian mỗi tháng mấy triệu tiền lương và những quyền lợi khác, thậm chí còn tiếp tục leo lên những cấp, chức cao hơn. Họ đã bất chấp luân thường, đạo lý.

Thế mới có chuyện nực cười: trong một số đám tang, khi đến viếng đồng nghiệp hay bạn bè đã khuất, mọi người mới ngỡ ngàng là tuổi ghi trên cáo phó khác với tuổi khai trong lý lịch, chênh nhau mấy năm. Những ông thầy tướng số thường xem cho người đã khuất có mặt ở đó khẳng định: “Không có ai giấu thầy về ngày, tháng, năm sinh được. Năm sinh của ông ấy đúng như trên cáo phó đấy!”. Chẳng ai trách người đã mất nhưng đều nghĩ thầm trong bụng rằng, hóa ra ông này khai man lý lịch, đã ngồi ghế lãnh đạo thêm đến mấy năm.

Có một nguyên nhân là khâu quản lý hồ sơ và thẩm định lý lịch của các cơ quan, tổ chức. Lý lịch tự khai, người xác nhận, bằng cấp… có những chi tiết không hợp lý và mâu thuẫn nhưng đã để “lọt lưới”. Có cán bộ thuyên chuyển công tác qua nhiều nơi nhưng hồ sơ, lý lịch không được kiểm tra, rà soát lại. Thế mới có cán bộ mang 2 tuổi khác nhau mà vẫn tồn tại. Nhưng nguyên nhân sâu xa vẫn là sự thiếu trung thực của cán bộ.

Luật sư Trương Anh Tú, Trưởng văn phòng Luật sư Hà Nội đã nói: “Thời gian qua, hiện tượng “rửa” năm sinh, khai man lý lịch đang xảy ra ngày càng phổ biến, báo chí đã nêu ra nhiều vụ việc. Tôi nhận thấy hiện tượng này xảy ra ở nhiều nơi nhưng chủ yếu tập trung ở những độ tuổi gần về hưu và đối tượng là những người có chức, có quyền. Họ thường khai tuổi trẻ hơn so với tuổi đang ghi nhận với mong muốn về hưu muộn để tham quyền cố vị, vì tư lợi cá nhân. Hiện tượng này với hiện tượng “chạy chức, chạy quyền” không có gì giống nhau, nhưng phân tích ra thì chúng lại có cùng một bản chất. Bác Hồ đã nói “cán bộ là công bộc của dân”, nếu họ xác định là “công bộc” thì sao lại phải gian dối như vậy? Điều này gây bức xúc và bất bình trong dư luận xã hội”.

Theo quy định tại Khoản 1 Điều 95 Nghị định 158/2005/NĐ-CP của Chính phủ về đăng ký hộ tịch: “Người yêu cầu đăng ký hộ tịch mà gian dối trong việc đăng ký hộ tịch, thì tuỳ mức độ vi phạm có thể bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật. Ngoài ra, đối với cán bộ là đảng viên thì xem xét, xử lý kỷ luật đảng theo quy định của Điều lệ Đảng”.

Tuy nhiên, nhiều trường hợp bị phát hiện gian dối, khai rút tuổi vẫn chưa bị xử nghiêm theo quy định của pháp luật mà chỉ cho thôi việc, giữ nguyên mọi quyền lợi nên chưa ngăn chặn hết được những cán bộ “rửa” tuổi, trốn hưu.

B.Đ

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc