Công chức: Tham nhũng vặt quá phổ biến

07:00 | 22/05/2013

1,132 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Kết quả khảo sát gần 14.000 người dân ở 63 tỉnh, thành về chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) năm 2012 cho thấy, tình trạng tham nhũng và hối lộ vẫn phổ biến và có chiều hướng gia tăng trong khu vực công.

Thọ Vinh (NLM số 223)

Kết quả khảo sát của Trung tâm Nghiên cứu phát triển và hỗ trợ cộng đồng cùng với Mặt trận Tổ quốc và Chương trình phát triển Liên Hiệp Quốc (UNDP) thực hiện được công bố vào trung tuần tháng 5 không biết có gây ấn tượng gì với những người làm công tác tổ chức cán bộ? 

Báo cáo cho thấy tình trạng tham nhũng vặt tăng, nhận hối lộ mang tính phổ biến và vẫn đang có xu hướng gia tăng. Để minh họa cho điều này, báo cáo đã dành hẳn một chương để phân tích về hiện trạng chi phí không chính thức trong 3 lĩnh vực liên quan nhiều đến người dân. Đó là lĩnh vực nhà đất (cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà - sổ đỏ, sổ hồng), dịch vụ y tế cấp thị xã, quận, huyện và giáo dục tiểu học.

Theo kết quả khảo sát, năm 2012 có 44% ý kiến cho rằng, phải lót tay khi xin việc vào cơ quan Nhà nước (năm 2011 là 29%); 42% cho rằng, phải lót tay khi đi khám, chữa bệnh ở bệnh viện tuyến huyện (năm 2011 là 31%); 32% cho rằng, phải lót tay khi làm thủ tục xin cấp giấy tờ nhà đất (năm 2011 là 21%); 25% cho rằng, phải lót tay để giáo viên quan tâm đến con em mình ở cấp tiểu học (năm 2011 là 17%).

Cụ thể, báo cáo cho hay, nếu tính theo mức tiệm cận dưới, kết quả có 17% số người dân làm thủ tục xin cấp sổ đỏ - sổ hồng phải chi bôi trơn trung bình 123.000đồng/lượt; dịch vụ y tế có 10% phải lót tay trung bình 37.000đồng/lượt; 10% phụ huynh phải chi bồi dưỡng cho giáo viên 98.000đồng/học kỳ cho mỗi học sinh tiểu học. Thực ra theo các phụ huynh, ở cấp trung học cơ sở, ngoài giáo viên chủ nhiệm còn phải chi cho giáo viên các môn toán, văn, ngoại ngữ.

Còn nếu tính theo mức tiệm cận trên, tỷ lệ người dân phải hối lộ để được việc trong lĩnh vực nhà đất là 57% với mức bôi trơn trung bình 818.000 đồng/lượt, lĩnh vực y tế chiếm 48% với mức chi trung bình 146.000đồng/lượt và 18% ở lĩnh vực giáo dục với chi phí bồi dưỡng trung bình mỗi học kỳ là 572.000đồng/học sinh. Cá biệt, trong số ấy có một số người dân cho biết, họ phải chi lót tay lên đến 104 triệu đồng để xin cấp sổ đỏ. Tất nhiên đây là những mảnh đất có giá trị gấp cả chục lần số tiền chi ra làm sổ đỏ.

Nếu chỉ tính ở mức tiệm cận dưới thôi, 17% người dân phải chi 123.000đồng, cả nước có 6 triệu sổ đỏ đã được cấp, dễ dàng tính được chi phí bôi trơn trong lĩnh vực này là hơn 125 tỉ đồng - khoảng 6,5 triệu USD.

Cũng làm phép tính tương tự sẽ thấy con số chi phí bôi trơn trong hai lĩnh vực y tế và giáo dục ở mức tiệm cận dưới cũng không nhỏ! Hành vi vòi hối lộ của công chức đã và đang ảnh hưởng đến nhiều thành phần dân cư. Tham nhũng vặt dù không gây thiệt hại lớn đến thu nhập của các tầng lớp dân cư nhưng nguy hiểm ở chỗ gây mất niềm tin của dân đối với quan chức. Và điều tệ hại nhất đã được nhận diện khi Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị đã phải thốt lên về bộ máy công quyền và đội ngũ công chức thuộc quyền là đã gây ra hiện tượng “bôi” mà không “trơn”, nghĩa là mất toi tiền hối lộ!

Theo phân tích của nhóm nghiên cứu, dù vấn đề tham nhũng vặt và hối lộ đã trở nên phổ biến nhưng việc người dân dám đứng ra tố cáo tham nhũng lại trở nên dè dặt hơn. Với câu hỏi, số tiền lót tay hay hối lộ phải chi ở mức nào trong khung giá từ 10.000 đồng đến 100 triệu đồng thì người dân mới tố cáo? Kết quả thật bất ngờ là có đến 25% trả lời rằng, họ không bao giờ tố cáo hành vi đòi hối lộ kể cả mức hối lộ lên đến 100 triệu đồng. Số người dân cho rằng, nên tố cáo tham nhũng khi cán bộ vòi vĩnh dưới 500.000đồng là rất hiếm. Đáng quan ngại là người dân cũng không chọn phương án tố cáo tham nhũng khi mức hối lộ trên 500.000đồng. Số người dám tố cáo là không đáng kể.

Tham nhũng vặt có thể làm cho người dân bực mình, khó chịu nhưng so với chi phí thời gian, công sức và tiền bạc phải bỏ ra để tố cáo vừa không đáng lại có thể lĩnh đủ khi bị trù úm, gây khó dễ, thậm chí trả thù. Chính vì vậy, người dân sẵn sàng chấp thuận chi trả các khoản bôi trơn để được việc. Trong thực tế, đã có nhiều vụ tham nhũng mà cái giá phải trả của việc tố cáo quá lớn khiến cho người dân ngại và sợ tố cáo.

Các chuyên gia nhận xét rằng, điều này cho thấy tâm lý của người dân hoặc sợ bị trả thù hoặc mất lòng tin vào kết quả của pháp luật phòng, chống tham nhũng. Mặt khác cũng cho thấy, sức chịu đựng của người dân đối với tham nhũng vặt cũng phải gia tăng cùng vấn nạn này.

Đánh giá về chất lượng cung ứng dịch vụ hành chính công, khảo sát cũng đưa ra kết quả đáng quan ngại. Trong khi có 47% người dân cho rằng, mối quan hệ thân quen là quan trọng khi xin việc làm ở xã-phường-thị trấn thì chỉ có 26% nói không quan trọng. Muốn xin làm công chức địa chính, giáo dục tiểu học, công chức tư pháp hay công an ở cấp xã cũng có đúc kết tương tự. Nghĩa là một nửa thành công là nhờ quan hệ. Hệ lụy nhỡn tiền là thủ trưởng các đơn vị này “ngại ngùng” khi phải xử lý quan gia có sai phạm. Trên thực tế, việc coi trọng quan hệ hơn trí tuệ đã làm giảm chất lượng công chức trong bộ máy Nhà nước. Và đây cũng gây ảnh hưởng đến mức độ hài lòng của người dân qua thái độ và trình độ chuyên môn của công chức. Đặc biệt là trong lĩnh vực tài nguyên môi trường, công chức cấp giấy tờ nhà đất, mức độ hài lòng của người dân về chuyên môn của cán bộ giảm 65%, về thái độ cũng giảm 62%. Lĩnh vực xây dựng, khâu cấp phép cũng bị người dân chấm điểm thấp với mức hài lòng giảm 60%... Tương tự người dân cũng không chấm điểm cao đối với các dịch vụ y tế, giáo dục.

Việc người dân phải sử dụng các khoản chi phí không chính thức bôi trơn, bồi dưỡng, nói đúng ra là hối lộ để xin việc làm, làm thủ tục nhà đất, học hành và khám, chữa bệnh đang trở thành vấn đề phổ biến toàn quốc. Hiện nay người dân đã rất quen và đã biết cách đưa hối lộ trực tiếp hạn chế qua trung gian. Thông thường “bên trong” những lời cảm ơn là bao thư. Có chuyên gia ví von rằng, cỗ máy dịch vụ công của chúng ta đang có vấn đề: Cỗ máy đã bị “khô dầu” nên người dân mới phải bôi trơn như vậy. Không bôi trơn cỗ máy sẽ hỏng, liệu có thể thay máy mới?

Về chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) năm 2012, với tổng điểm của cả 6 nội dung (tham gia của người dân ở cấp cơ sở, công khai minh bạch, cung ứng dịch vụ công, thủ tục hành chính công, trách nhiệm giải trình), Quảng Bình đạt số điểm cao nhất, kế đến là Thái Bình và Bình Định. Ba tỉnh đứng cuối bảng gồm Bạc Liêu, Kiên Giang và Khánh Hòa. Riêng TP HCM đứng giữa bảng xếp hạng.


T.V