Công chức ta có tận tụy?

05:00 | 01/10/2013

4,596 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Có lẽ phải khẩn cấp đề nghị ai đó lỡ chê bôi công chức vô tích sự, sáng vác ô đi tối vác về nên suy xét lại, thậm chí tự soi tự sửa sau khi nghe Bộ trưởng Bộ Nội vụ báo cáo trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội: Chỉ có 1% số công chức không hoàn thành nhiệm vụ là kết quả sơ bộ được tổng hợp từ báo cáo của các địa phương.

Bùi Đức (NLM số 261)

Ô hay sao lại chỉ có 1%, số liệu này gây nghi ngại quá? Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” từng nêu rõ: một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trong đó có những đảng viên giữ vị trí lãnh đạo, quản lý, kể cả một số cán bộ cao cấp, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống với những biểu hiện khác nhau về sự phai nhạt lý tưởng, sa vào chủ nghĩa cá nhân ích kỷ, cơ hội, thực dụng, chạy theo danh lợi, tiền tài, kèn cựa địa vị, cục bộ, tham nhũng, lãng phí, tùy tiện, vô nguyên tắc...”. Theo cách nghĩ thông thường của cán bộ, đảng viên, bộ phận không nhỏ phải lớn hơn 1%. Nghị quyết không định lương nhưng đủ hiểu là đã ở mức đáng quan ngại. Vì vậy, suy ra rằng, bộ phận không nhỏ suy thoái biến chất, dính dáng đến tiêu cực tham nhũng cũng không hoàn thành nhiệm vụ?

Thực ra, số liệu có thể tin cậy được lại không phải số 1% này. Người dân đã biết đến một con số định lượng do Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đưa ra là có “30% công chức sáng cắp ô đi, tối cắp ô về”. Đại biểu Quốc hội phát biểu tại nghị trường cũng chấp thuận tỷ lệ 30% cán bộ công chức “nói như rồng leo làm như mèo mửa” đang cản trở việc cải cách thủ tục hành chính. Một quan chức cấp cao khác còn cho rằng, “tỷ lệ người làm “gánh” cả phần người ngồi chơi là 50-50”, nghĩa là trong đội ngũ công chức có đến một nửa không làm được điều gì có lợi cho cơ quan cả.

Trong chuyện này ai cũng dễ dàng đồng ý với nhau rằng, các vị lãnh đạo không nói chơi. Và nếu có người đưa ra con số 50-50 cũng là ý kiến xây dựng. Đánh giá công chức, có người căn vặn rằng, “công chức cắp ô” chắc gì đã “không hoàn thành nhiệm vụ”, bởi thực tế, họ có nhiệm vụ gì đâu mà thực hiện? Thực trạng này phần nào lý giải tình hình biên chế gia tăng, bộ máy phình ra, báo hại Nhà nước phải nuôi báo cô số công chức này. Vậy đừng nên bảo họ không hoàn thành nhiệm vụ.

Soi vào vụ ăn bớt vắc-xin ở Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội sẽ thấy, chị y tá hoàn thành nhiệm vụ sau khi đã thu tiền tiêm. Nếu vị phụ huynh kia cả tin hoặc bận chém gió với mấy em y tá xinh tươi cười cười nói nói khi thu tiền thì sức mấy đã phát hiện vụ ăn bớt lương tâm y đức này. Và ở Bệnh viện đa khoa Hoài Đức, Hà Nội đố các bệnh nhân đến đây làm xét nghiệm có BHYT hay tự nguyện biết được phiếu nào là chính bản, phiếu nào là nhân bản. Thế nhưng, nếu có một cái gọi là báo cáo, dám chắc bất quá cũng chỉ có 1% cán bộ, nhân viên ở đây không hoàn thành nhiệm vụ.

Câu chuyện về những công chức không hoàn thành nhiệm vụ thì nhiều lắm. Ở Hà Nội, Bí thư Thành ủy đã phàn nàn về tình trạng “bôi mà không trơn” của bộ máy dưới quyền. Họ cầm tiền bồi dưỡng tình cảm, trên mức tình cảm, thậm chí tiền hối lộ rồi mà không chịu động thủ giúp người nhờ vả thì sẽ thuộc bộ phận 99% hay 1%? Có lẽ phải nhờ Bộ Nội vụ phán xét! Còn nhớ trong vụ án tham nhũng của ông Nguyễn Văn Khỏe, quan huyện Hóc Môn, TP HCM. Rất nhiều cán bộ hoàn thành nhiệm vụ hóa ra là một nhóm lợi ích ăn tiền chung chi từ huyện đường đến nhà băng - chi nhánh ngân hàng Agribank Chợ Lớn đều hoàn thành nhiệm vụ xem xét, thẩm định, phê duyệt dự án ma của đại gia lừa đảo để y thị rút được mấy ngàn lượng vàng của Nhà nước so với khoản phải chi ra chỉ là muỗi!

Nhớ lại năm 1973, tại Vĩnh Linh, o du kích Lê Thị Hương đã bị thương nặng vì bom bi khi san lấp hố bom thông đường cho đoàn xe đưa Chủ tịch Cuba Fidel Castro và Thủ tướng Phạm Văn Đồng vào thăm Quảng Trị. Thấy vậy, Fidel yêu cầu lấy xe của đoàn đưa người bị thương đi cấp cứu và cả một chiếc xe khác đi lấy máu về cứu người. O Hương bị 8 vết thương ổ bụng. Về nước, Fidel còn gửi thuốc sang cho o Hương. Việc này lãnh đạo Đảng, Nhà nước và nhân dân Vĩnh Linh đều biết. Vậy mà chỉ vì anh cán bộ “hoàn thành nhiệm vụ” ở tỉnh này mà mấy chục năm rồi hồ sơ chính sách của o Hương không được giải quyết. Lý do công chức này đưa ra là làm gì có chuyện bị thương ở miền Bắc sau khi đã có hiệp định đình chiến?

Hóa ra, hiện nay ngoài o Hương vẫn tồn đọng tới gần 9.700 trường hợp người bị thương và hy sinh chưa được thụ hưởng. Ngoài ra vẫn còn hơn 11.000 cựu thanh niên xung phong và 3.000 con đẻ của họ bị nhiễm chất độc da cam, 26.000 người chưa được hưởng BHYT… Sự chậm trễ quá mức này là vì 99% cán bộ hoàn thành nhiệm vụ hay 1% không hoàn thành nhiệm vụ? Hỏi vậy thôi chứ chắc chắn là lỗi thuộc về các cán bộ vô trách nhiệm, vô cảm và vô lương tâm. Họ quá méo mó nghiệp vụ đến nỗi từ vô tình đến cố ý hành hạ những người có công đáng tuổi cha chú, cô dì họ. 

Còn nhớ dạo sau tết con Rắn rộ lên chuyện Bí thư Tỉnh ủy Quảng Bình Lương Ngọc Bính vi hành kiểm tra đột xuất tại 7 quán cà phê ở TP Đồng Hới. Chỉ trong vòng 1 tiếng đồng hồ đích thân Bí thư Tỉnh ủy đã phát hiện 15 cán bộ, công chức các Sở Công Thương, Sở Kế hoạch - Đầu tư, Công ty Điện lực Quảng Bình đang cà phê chém gió…

Bí thư Tỉnh ủy Lương Ngọc Bính thừa nhận trên địa bàn vẫn có một bộ phận cán bộ, công chức đi muộn về sớm, chưa tập trung trong giờ làm việc, la cà quán cà phê, kể cả các cán bộ có chức vụ. Ông Bính kể rằng: “Nhìn cung cách của mấy ông uống cà phê, tôi đoán là cán bộ nên hỏi ngay anh công tác cơ quan nào, họ biết tôi nên trả lời thật. Bí thư Tỉnh ủy không lẽ cán bộ không biết, nên phải đứng dậy trả lời ngay. Không thể chấp nhận cán bộ ăn lương Nhà nước, ăn lương của dân mà đi la cà như thế được. Việc nhỏ nhất không làm được thì việc gì làm được, trong khi cứ kêu là thiếu cán bộ, thiếu biên chế. Nhưng tôi tin rằng, sau chuyến này anh em sẽ chấn chỉnh tốt hơn”.

Rõ ràng đây là bằng chứng về một bộ phận công chức chểnh mảng công tác, không hoàn thành nhiệm vụ.

Vì vậy, số liệu siêu đẹp như Bộ trưởng công bố có thể do hai khả năng: Thứ nhất là, tại cậu đánh máy gõ nhầm phím; thứ hai là, số liệu được “chế tạo” ra để nhằm đánh lừa Chính phủ, lừa Quốc hội và lừa luôn cả cử tri. Chỉ có 1% công chức không hoàn thành nhiệm vụ! Chuyện lạ có thật, sét đánh giữa trời quang, chuyện trong mơ!? Lại thêm một bằng chứng xác thực về bệnh quan liêu, bệnh thành tích… là những cụm từ có thể dùng để đánh giá báo cáo gửi lên Bộ Nội vụ. Và Bộ Nội vụ cũng không thể “vô can” khi sử dụng con số này trước Quốc hội.

Thiết nghĩ, Bộ trưởng Bộ Nội vụ đừng cả tin báo cáo mà hãy vi hành rồi sẽ thấy công chức đi làm có đúng giờ không, có về sớm hay không, công việc ra sao, tiếp dân và xử lý công việc như thế nào? Việc vi hành là trong tầm tay Bộ trưởng để có câu trả lời xác đáng bao nhiêu phần trăm cán bộ, công chức tận tụy với công việc?

B.D